Phát huy hiệu quả, nhân rộng Đề án ‘Xã biên giới sạch về ma túy’

Từ trung tâm xã Tri Lễ (Quế Phong) để vào bản Mông Mường Lống của xã này, chúng tôi phải vượt qua con đường độc đạo gần 30km, bám quanh sườn núi hiểm trở, trơn trượt, quanh co. Cán bộ địa phương đi cùng cho biết “vào mùa mưa để vào được bản có khi phải mất cả mấy tiếng đồng hồ qua các con dốc cao ngập trong bùn đất, sạt lở”. Thấy người lạ, từng tốp thanh, thiếu niên đang tụ tập chơi con quay ở con đường chính dẫn vào bản lập tức dạt ra, vẻ rất e dè, cảnh giác. Đến nơi, mới hiểu vì sao bản Mường Lống của xã Tri Lễ chưa đạt các tiêu chí “sạch” trong phạm vi Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” của Công an tỉnh.

Bản Mường Lống hiện có 135 hộ dân với 815 nhân khẩu là đồng bào Mông, đời sống của đa số người dân còn khó khăn (hộ nghèo chiếm 73,3%), tồn tại nhiều tập quán lạc hậu. Trong bản vẫn còn 5 điểm bán lẻ chất ma túy (do 5 đối tượng nghi nghiện ma túy tổ chức bán, 6 đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy và 7 đối tượng nghiện ma túy).

Một góc bản Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên
Một góc bản Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên

Theo Thượng úy Nguyễn Hồng Quân – Trưởng Công an xã Tri Lễ, thì ngoài khó khăn về địa hình, đường sá, thì người ở bản Mường Lống nhận thức pháp luật còn hạn chế, ý thức “bảo vệ” nhau cao. Một số người dân và thành viên Ban quản lý bản có quan hệ họ hàng mật thiết với các đối tượng phạm tội ma túy. Bởi vậy, ngay sau khi Công an tỉnh ban hành kế hoạch về đấu tranh triệt phá tụ điểm phức tạp về ma túy tại Mường Lống, Công an xã Tri Lễ đã tích cực, chủ động phối hợp với Phòng PC04 và Công an huyện Quế Phong triển khai các giải pháp tiếp cận sâu vào địa bàn. Tuy nhiên, các hoạt động tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn. Người dân rất cảnh giác khi có người lạ vào bản. Nhiều hộ gia đình còn để cành cây xanh báo hiệu, từ chối không cho cán bộ vào nhà. Các đối tượng tội phạm cũng rất cảnh giác, chỉ cần có thông tin người lạ vào bản là lập tức di chuyển cắt rừng lên trên các lán trại dựng tạm tại vùng rừng núi hiểm trở sát nước bạn Lào. Khu vực hoạt động phạm tội của các đối tượng không cố định, khi bị phát hiện chúng có đủ điều kiện tẩu thoát sang Lào theo các đường mòn dọc tuyến.

Từ đặc thù, khó khăn trên, Thượng tá Trần Minh Sơn – Trưởng Công an huyện Quế Phong cho biết: Bên cạnh việc chỉ đạo Công an xã Tri Lễ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trên địa bàn kiên trì tuyên truyền, vận động, Công an huyện sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành, các lực lượng chức năng nước bạn Lào, tạo hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất trong đấu tranh, truy quét toàn diện tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn. Trước mắt, phối hợp với các phòng chuyên môn của Công an tỉnh, lực lượng Bộ đội Biên phòng xác định và hoàn thiện phương án đấu tranh, bắt giữ các đường dây, đối tượng phạm tội ma túy ở xã Tri Lễ, trọng tâm là bản Mường Lống.

Đường vào bản Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên
Đường vào bản Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” đã mang lại những chuyển biến tích cực; tuy nhiên địa bàn 27 xã biên giới Nghệ An có địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở… trong khi điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy còn nhiều hạn chế. Đời sống nhân dân ở địa bàn biên giới phần lớn khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế. Bởi vậy, để giữ vững được các tiêu chí “sạch” về ma túy là vấn đề không đơn giản.

Ví như ở xã biên giới Tam Quang, huyện Tương Dương, bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, trên địa bàn xã không có tụ điểm buôn bán ma túy, tệ nạn liên quan đến ma túy giảm tối đa. Tuy nhiên, xã  Tam Quang 4 phía đều giáp với các địa bàn có tội phạm ma túy hoạt động phức tạp, nên rất dễ bị tác động, xâm nhập. Các đối tượng bên ngoài có thể lôi kéo, móc nối với một số người dân trên địa bàn thiết lập đường dây mua bán, trung chuyển trái phép chất ma túy vào sâu trong nội địa, kéo theo đó số người nghiện có nguy cơ tăng. Do vậy, để giữ vững các tiêu chí “sạch”, việc thực hiện đề án xã sạch ma túy phải tiến hành thường xuyên, liên tục để ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng tại xã Tam Quang (Tương Dương) nắm bắt thông tin tại các thôn bản. Ảnh: Đ.C
Chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng tại xã Tam Quang (Tương Dương) nắm bắt thông tin tại các thôn bản. Ảnh: Đ.C

Tại Kỳ Sơn – huyện biên giới phía Tây của tỉnh tiếp giáp với 4 huyện thuộc 3 tỉnh nước bạn Lào, có chung đường biên giới dài hơn 203,409 km, có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Cửa khẩu phụ Ta Đo và gần 30 đường tiểu ngạch qua lại hai bên biên giới. Sau 6 tháng triển khai Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” trên địa bàn 11 xã biên giới/20 xã, thị trấn của toàn huyện, đến nay không có đối tượng, ổ nhóm, đường dây có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy và đối tượng nghiện. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt đã gây ra nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy. Số người cai nghiện được dạy nghề, giải quyết việc làm và áp dụng biện pháp quản lý sau cai nhìn chung còn hạn chế; số người nghiện cai nghiện ma túy thành công còn chưa cao; tình trạng người nghiện ma túy tham gia chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone chưa hiệu quả, tham gia nhưng tự ý bỏ điều trị hoặc còn có các hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy bị bắt giữ.

Một số địa bàn khác trong phạm vi Đề án cũng nêu những hạn chế trong công tác lập hồ sơ, quản lý cai nghiện, vì đây là các đối tượng không có việc làm ổn định, di chuyển thường xuyên do không thuộc diện cấm đi khỏi nơi cư trú, gây khó khăn cho việc quản lý, áp dụng các hình thức xử lý như bổ sung lập hồ sơ, đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo thống kê, số đối tượng nghiện được xác định âm tính với ma túy toàn tỉnh có 64 đối tượng và số đối tượng xác định vắng mặt tại địa phương còn 97 đối tượng, tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh người nghiện trở lại.

Công an xã Tri Lễ cùng cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ trao đổi với người dân bản Mường Lống. Ảnh: Đình Tuyên
Công an xã Tri Lễ cùng cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ trao đổi với người dân bản Mường Lống. Ảnh: Đình Tuyên

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” ở Nghệ An, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Với vị trí chiến lược, tuyến biên giới Việt – Lào tiềm ẩn vấn đề phức tạp, khó lường, Công an tỉnh Nghệ An cần tiếp tục chỉ đạo, sâu sát quyết liệt các giải pháp “giữ sạch” đối với những xã đã đạt tiêu chí, đảm bảo hiệu quả bền vững của Đề án; coi trọng biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, xem đây là hoạt động then chốt để “giữ sạch”. Mặt khác, có lộ trình nhân rộng mô hình phù hợp, không nóng vội; xác định làm đến đâu, “sạch” đến đó, trong đó, đạt được 2 sạch là “sạch người nghiện” và “sạch tội phạm, tệ nạn ma túy”. Đồng thời, phải tiếp tục mở các đợt tấn công tội phạm ma túy theo 3 lớp; tiếp tục huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, chú trọng năng lực của công an chính quy cấp xã.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng triển khai Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch ma túy”. Ảnh: Phạm Bằng
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng triển khai Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch ma túy”. Ảnh: Phạm Bằng

Là một trong những địa bàn được Chính phủ, Bộ Công an xác định trọng điểm, phức tạp về ma túy của cả nước, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An luôn xác định công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Từ thực tế triển khai Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”, trong thời gian tới, bên cạnh lực lượng chủ công là Công an tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu: Cấp ủy, chính quyền 6 huyện biên giới, gồm Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong tập trung lãnh đạo, triển khai các biện pháp nhằm duy trì bền vững việc “sạch ma túy” đối với các xã đạt các tiêu chí “Xã biên giới sạch về ma túy”, quyết tâm phấn đấu hướng tới mục tiêu xây dựng “Huyện biên giới sạch về ma túy” trong thời gian sớm nhất. Các địa phương còn lại căn cứ thực trạng tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, kinh nghiệm “làm sạch” ma túy của các địa phương biên giới để lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, nhân rộng mô hình “Xã sạch về ma túy” tại địa phương mình. Kết quả triển khai thực hiện nhân rộng “Xã biên giới sạch về ma túy” được coi là tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương các cấp. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đề nghị Công an tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác “giữ sạch” ma túy tại địa bàn các xã biên giới và nhân rộng mô hình “Xã sạch về ma túy” trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu sớm đưa Nghệ An ra khỏi diện địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy của cả nước.

Tinh thần này được thể hiện rõ tại Công văn số 9319/UBND-NC ngày 24/11/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc triển khai nhân rộng Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” hướng đến mục tiêu “Huyện biên giới sạch về ma túy”.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch ma túy”. Ảnh: Phạm Bằng
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch ma túy”. Ảnh: Phạm Bằng

Còn Thiếu tướng Phạm Thế Tùng – Giám đốc Công an tỉnh cho rằng: “Làm sạch đã khó, giữ sạch càng khó hơn”, vì vậy, các địa bàn xã thuộc 6 huyện biên giới đã làm “sạch” ma túy, phải triển khai quyết liệt, toàn diện các biện pháp “giữ sạch”, tuyệt đối không để tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy phát sinh trở lại. Lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương phải gắn trách nhiệm cụ thể của từng đồng chí đối với từng địa bàn trong việc “giữ sạch” ma túy. “Lãnh đạo Công an tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan nếu để các xã đã làm sạch ma túy tái phức tạp trở lại…” – người đứng đầu lực lượng Công an Nghệ An nhấn mạnh.

Giám đốc Công an tỉnh trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”. Ảnh: Phạm Bằng
Giám đốc Công an tỉnh trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”. Ảnh: Phạm Bằng

Đối với việc triển khai nhân rộng Đề án tại 65 xã có ma túy thuộc 6 huyện biên giới, các đơn vị, địa phương phải nắm chắc tình hình, địa bàn để triển khai một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Ưu tiên các xã trọng điểm phức tạp và xã giáp ranh với xã biên giới trước, sau đó đến các xã còn lại, phấn đấu hoàn thành “làm sạch” ma túy trong năm 2023. Từ năm 2024, triển khai các giải pháp duy trì “giữ sạch” ma túy, hướng tới mục tiêu xây dựng “Huyện biên giới sạch về ma túy”.

Về phía cấp ủy, chính quyền các huyện biên giới cho rằng, để giữ vững các tiêu chí “ sạch” và nhân rộng mô hình, trước hết phải giữ cho từng thôn, bản “ sạch”. Trong đó, đặc biệt coi trọng phát huy vai trò “tai mắt” của nhân dân, các tổ tự quản tại cộng đồng dân cư, người có uy tín trong tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, nhất là ở khu vực giáp ranh. Song song với các giải pháp đấu tranh với ma túy cần tăng cường triển khai các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhằm hạn chế, tiến tới triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện của tội phạm và tệ nạn ma túy.

Bên cạnh đó, với đặc thù tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, đường biên giới dài 468,2km, giáp 3 tỉnh nước CHDCND Lào; có 27 xã biên giới thuộc 6 huyện; 5 cửa khẩu được kết nối với 3 tuyến quốc lộ trọng điểm, để có thể xây dựng một “vùng xanh”  biên giới an toàn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, Nghệ An cần chú trọng công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm ma túy, nhất là với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào, góp phần củng cố phòng tuyến chống ma túy vững chắc trên tuyến biên giới Việt – Lào.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao tặng Bằng khen các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng Đề án “Xã biên giới sạch về ma túy”. Ảnh: Phạm Bằng
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao tặng Bằng khen các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng Đề án “Xã biên giới sạch về ma túy”. Ảnh: Phạm Bằng