P.V: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2016-2020); là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn. Tuy nhiên, đây cũng là năm có nhiều biến động do đại dịch Covid-19 và thiên tai gây ra. Đồng chí có thể khái quát những kết quả nổi bật về tình hình kinh tế – xã hội trong năm 2020 của tỉnh?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung: Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2016 – 2020), năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và diễn ra nhiều sự kiện trọng đại như kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm Xô viết Nghệ Tĩnh, 990 năm Danh xưng Nghệ An…
Tuy nhiên, đây cũng là năm chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội; bên cạnh đó, thiên tai diễn biến phức tạp gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống.
Trong bối cảnh đó, với quyết tâm và sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, Nghệ An tập trung thực hiện vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và đạt được những kết quả quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 4,45%, đứng trong nhóm 19/58 địa phương tăng trưởng dương và đứng thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44,01 triệu đồng. Thu ngân sách đạt trên 17.000 tỷ đồng, bằng 112,3% dự toán được HĐND tỉnh giao (bằng 109,9% dự toán điều chỉnh). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 78.847 tỷ đồng, tăng 12,35%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá. Dự kiến có thêm 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 281 xã, chiếm 68,37% số xã (cao hơn bình quân cả nước – 54%).
Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, thu hút đầu tư bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến ngày 16/12/2020, trên địa bàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đầu tư) cho 75 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 7.798 tỷ đồng; điều chỉnh 96 lượt dự án, trong đó, điều chỉnh tổng vốn đầu tư 31 dự án (tăng 7.305,56 tỷ đồng). Đặc biệt, trong năm 2020, đã bắt đầu có sự chuyển dịch tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực quan tâm đầu tư vào tỉnh về sản xuất linh kiện điện tử, như Luxshare-ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn…
Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ, trong đó đã tập trung quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 như thực hiện chi trả cho đối tượng người có công; bảo trợ xã hội; người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ đối tượng người lao động bị chấm dứt hợp đồng (không hưởng trợ cấp thất nghiệp), người lao động tự do; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và từng bước nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2020 giảm còn khoảng 3%. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm.
P.V: Có thể nói rằng, năm 2020 là năm vượt khó khá thành công của tỉnh Nghệ An trên nhiều phương diện. Để đạt được những kết quả trên, UBND tỉnh đã đề ra và triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa đồng chí?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung: Để đạt những kết quả tích cực trong năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, trước hết phải nói đến sự thống nhất cao, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát và điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng với sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kịch bản tăng trưởng của từng ngành, địa phương; thành lập các tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực làm tổ trưởng để chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ. Tập trung điều hành phát triển kinh tế – xã hội một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.
Trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã rà soát cập nhật kịch bản tăng trưởng, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh; vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, đồng thời phải giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế; qua đó, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế – xã hội.
UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm và giải quyết thủ tục cho các dự án thu hút đầu tư; chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng; giao trách nhiệm cho các sở, ngành và địa phương liên quan chủ động phối hợp và hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đồng hành với nhà đầu tư để kiến nghị các bộ, ngành Trung ương giải quyết. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; chỉ đạo rà soát chính sách ưu đãi đầu tư, xây dựng bảng giá đất trong khu công nghiệp. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hợp tác đầu tư nước ngoài do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, từ ngày 2/10/2020, là đầu mối tập trung hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức…
P.V: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025). Trong khi đó, tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang chịu sự tác động của đại dịch Covid-19. Đồng chí có thể cho biết, những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của UBND tỉnh trong năm 2021?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung: Ngay từ năm 2021, là năm đầu tiên của nhiệm kỳ, tỉnh sẽ phải đối mặt với những thách thức, khó khăn, đặc biệt là sự ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 gây ra. UBND tỉnh sẽ tập trung xây dựng kịch bản điều hành để có cơ sở phấn đấu đạt mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021 đã đề ra. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân, đảm bảo điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới. Đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội cho những đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trên cơ sở Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, UBND tỉnh sẽ thông qua Kế hoạch hành động của UBND tỉnh và sẽ bắt tay thực hiện ngay khi Kế hoạch hành động được ban hành. Đẩy nhanh công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để hoạch định sự phát triển của tỉnh trong 10 năm tới và cho chặng đường dài phía trước, phù hợp với thực tế, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tỉnh sẽ tập trung thực hiện đúng theo quy hoạch, quản lý chặt chẽ, sẽ đưa ra khỏi quy hoạch những nội dung, dự án mà có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Qua đó, đưa tỉnh phát triển bền vững.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để thu hút được nhiều dự án đầu tư, thu hút được các dự án trọng điểm. Quan điểm của UBND tỉnh là đồng hành cùng nhà đầu tư từ khi bắt đầu vào tìm hiểu đến khi dự án đi vào hoạt động. Và các sở, ngành, địa phương phải chủ động, có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Tỉnh sẽ phải chủ động các điều kiện cần thiết về mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực.
Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ bố trí nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, cho những công trình, dự án có tính động lực, có tính kết nối cao để tạo nền tảng tốt phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Trong đó, ưu tiên nguồn lực cho các dự án tuyến đường ven biển, cảng biển, nâng cấp sân bay, các dự án giao thông ở miền núi nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực miền Đông và miền Tây của tỉnh.
Tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ công tác thu – chi ngân sách, cố gắng cải thiện chất lượng, cơ cấu nguồn thu ngân sách một cách bền vững hơn. Đặc biệt, phấn đấu công tác giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 100% theo quy định.
Đổi mới giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, sắp xếp và tinh gọn bộ máy; tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Năm 2021 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, song UBND tỉnh sẽ tập trung, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất trong phát triển kinh tế – xã hội, tạo động lực thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm (2021-2025), nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!