Phan Đăng Lưu – nhà cách mạng tiền bối xuất sắc, “một trí thức cách mạng tiêu biểu”

Tiểu mục vừa nêu, chúng tôi ghi lại câu nói của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam năm 1959, trước ảnh đồng chí Phan Đăng Lưu, tại gian trưng bày ảnh các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng ta, nguyên văn: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là một trí thức cách mạng tiêu biểu”(1).

Trong trang sử vàng của Đảng, của dân tộc từ thập niên hai mươi của thế kỷ XX, chúng ta tự hào và ngưỡng mộ các trí thức cách mạng tiêu biểu đã dấn thân vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa xã hội. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Ngô Gia Tự, Phan Đăng Lưu và nhiều đồng chí khác.

Tính tiêu biểu của nhà trí thức cách mạng, bậc tiền bối cách mạng Phan Đăng Lưu thể hiện trên các mặt sau: Ông học chữ Hán từ năm lên 6 tuổi, gần 10 năm sau bắt đầu học học tiếng Pháp ở nhà và ở Trường Tiểu học Pháp – Việt thị xã Vinh. Khi bước vào con đường cách mạng, Ông đã rất thành thạo tiếng Pháp, giỏi chữ Hán, Bạch thoại, biết cả tiếng Êđê.

Nhà thơ Tố Hữu sau này kể lại: “Tôi biết anh là người cách mạng đi tù Buôn Ma Thuột về. Hơn nữa thấy anh học rộng, trầm tĩnh, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Hoa càng kính nể”(2).

Tháng 5/1928, Phan Đăng Lưu được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng cử vào Huế. Lúc đó, các tổ chức yêu nước thành lập một số cơ quan báo chí, xuất bản để tuyên truyền tư tưởng yêu nước và cách mạng. Ông được tổ chức bổ sung vào Ban Thường vụ của Tổng bộ và làm Ủy viên Tỉnh bộ Huế; tham gia Ban biên tập Quan Hải Tùng Thư do Đào Duy Anh đứng đầu. Cơ quan này đã biên tập, biên dịch, in và phát hành được 13 cuốn sách, trong đó Phan Đăng Lưu trực tiếp dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt hai đầu sách của tập Xã hội luận trong bộ sách của Đông Phương Văn Khố (Trung Quốc) và cuốn Lịch sử học thuyết kinh tế (quyển Hạ) theo Kinh tế học thuyết sử của Nhật Bản. Ông cũng dịch và biên soạn nhiều tài liệu cần thiết A.B.C Chủ nghĩa Mác, Dân chủ mới; dịch các cuốn Xã hội luận, Lịch sử các học thuyết kinh tế...(3)

Clip: Nhóm PV

Khoảng giữa tháng 10 năm 1937, để góp phần nâng cao nhận thức và trình độ lý luận phổ thông cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, với bút danh Tân Cương, Phan Đăng Lưu đã viết 2 cuốn sách “Xã hội tư bản”; “Thế giới cũ và thế giới mới” (mỗi cuốn chỉ xấp xỉ 30 trang), cung cấp những thông tin và kiến thức cơ bản về tình hình thế giới; về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc; về giai cấp vô sản; về Liên bang Xô viết – một chế độ xã hội tốt đẹp…

Tinh thần học tập, nghiên cứu để tuyên truyền cách mạng của Phan Đăng Lưu còn được thể hiện rõ ngay cả trong hoàn cảnh đầy khó khăn, gian khổ. Ông được Tổng bộ Tân Việt hai lần cử sang Quảng Châu, Trung Quốc để bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Lần đầu, Ông xuất phát giữa tháng 12/1928, kết thúc giữa tháng 5/1929. Sang đến Quảng Châu thì tình hình bất thường, cực kỳ khó khăn vì trước đó, Tưởng Giới Thạch làm chính biến phản cách mạng, trở mặt đàn áp, bắt bớ các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người nước ngoài chúng nghi là cộng sản. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc đó đã rời sang Liên Xô. Phan Đăng Lưu và người cùng đi tìm đến các địa chỉ cần thiết để tìm hiểu tình hình, thu thập sách, báo, tài liệu, nhất là tài liệu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, về chủ nghĩa Mác, tình hình cách mạng ở Liên Xô và Trung Quốc, các tác phẩm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin… Ông tìm đến cả Nam Kinh, Thượng Hải rồi quay lại Quảng Châu để về nước. Tròn 1 năm sau, giữa tháng 9 năm 1929, ông được Tổng bộ tiếp tục cử sang Trung Quốc, nhưng vừa ra đến Hải Phòng thì bị mật thám Pháp bắt đưa về giam ở Vinh, đầu năm 1930 bị đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột.

Nhà tù Buôn Ma Thuột - nơi đồng chí Phan Đăng Lưu bị giam cầm. Ảnh: Tư liệu
Nhà tù Buôn Ma Thuột - nơi đồng chí Phan Đăng Lưu bị giam cầm. Ảnh: Tư liệu

Để vận động lính Êđê và tù nhân người Thượng đang bị chúa ngục Pháp nhồi nhét tư tưởng chia rẽ, hằn học tù nhân người Kinh, Ông tự học tiếng Êđê và vận động anh em, đồng chí cùng học. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ông đã nói thạo tiếng Êđê, “xuất bản tờ báo” bí mật mang tên “Doãn Đê tù báo” (tờ báo trong tù của người Kinh và người Êđê). Báo ra hàng tuần và phát huy tác dụng rất rõ và nhanh.

Phan Đăng Lưu còn tận dụng thời gian bị giam cầm để cùng các đồng chí mình học tập lý luận, trao đổi nhiều vấn đề về đấu tranh cách mạng, động viên tinh thần và khí tiết chiến đấu; sáng tác thơ ca, viết báo bí mật gửi ra ngoài lên án chế độ lao tù dã man của bè lũ thực dân. Ra tù sau 7 năm bị giam cầm, Ông lại lao vào công việc ở Xứ ủy Trung Kỳ, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng(4), được bầu vào Thường vụ Trung ương Đảng(5). Tháng 11 năm 1940, ngay sau khi dự Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hội nghị Trung ương 7) Ông trở lại Nam Kỳ và bị mật thám Pháp bắt giam, bị Tòa án thực dân Pháp kết án tử hình. Trong những ngày cuối cùng chốn lao tù, Ông vẫn cùng các đồng chí mình nhìn nhận, đánh giá, rút ra những bài học xương máu về khởi nghĩa Nam Kỳ.

Nhà thơ Tố Hữu kể lại: “Người giảng dạy chính trị nhiều nhất cho tôi qua sách là anh Phan Đăng Lưu. Lần đầu gặp anh, tôi cầm cuốn “Tư bản” nói với anh: – Anh ơi, tôi thấy khó hiểu quá. Anh nói: – Cậu nên tìm cuốn dễ đọc trước. Rồi anh hướng dẫn cho tôi đọc từ thấp đến cao, từ những quyển sách mỏng loại “ABC về chủ nghĩa Mác” của Nhà xuất bản Xã hội Pháp, đến “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” và những tác phẩm kinh điển khác”(6).

Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ảnh: Tư liệu
Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ảnh: Tư liệu

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng là người em, người học trò gần gũi của Phan Đăng Lưu được nói đến ở câu chuyện sau: “Năm 1936, Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) và người bạn là Phạm Oanh gặp đồng chí Phan Đăng Lưu ở nhà cụ Phan Bội Châu. Đồng chí đã giải thích cho hai người rõ về tình hình chính trị nước Pháp, về thành phần Mặt trận Nhân dân ở Pháp, về đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Pháp… về chủ nghĩa cộng sản… về tình hình Đông Dương và chủ trương của những người cộng sản Đông Dương… Những lời giảng giải của Phan Đăng Lưu giúp cho Vịnh sáng tỏ nhiều điều. Vịnh vui mừng, phấn khởi vì đã tìm thấy được con đường đi đúng đắn”(7).

Vốn kiến thức, tri thức sâu rộng, vững chắc, uyên bác; bản lĩnh kiên cường, quả cảm; năng lực tài tình, sắc sảo; tình yêu Đảng, yêu dân sâu sắc của Phan Đăng Lưu được thể hiện rõ nhất, điển hình nhất trong thời gian Ông cùng Xứ ủy Trung Kỳ chỉ đạo phong trào cách mạng 1936 – 1939; nhất là sự nhìn nhận, đánh giá của Ông khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ mới phôi thai và đang dần bùng lên; đặc biệt là việc Ông ra Bắc triệu tập và chủ trì Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương tháng 11 năm 1941, đề cử đồng chí Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh) làm Quyền Tổng Bí thư.

Sự nghiệp báo chí cách mạng

Như đã nêu ở phần trên, đầu năm 1930, Phan Đăng Lưu bị đày từ nhà tù ở Vinh vào nhà tù Buôn Ma Thuột, số tù 1438. Ở đây, Ông bí mật cho ra “Doãn Ðê tù báo” – tờ báo viết tay trên giấy vụn trong tù bằng chữ Việt và chữ Êđê, Ông phụ trách mục tin tức, bình luận và dạy tiếng Êđê. Các bài viết của Ông ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Trong đó, Ông nói về nỗi nhục mất nước, về quan hệ gắn bó giữa người Êđê và người Kinh, về tấm gương của những người yêu nước bị tù đày, về cách nhìn cảm thông của tù nhân với những người Êđê bị ép buộc làm những điều mà họ không muốn. Nhờ tờ báo mà mối quan hệ giữa những người tù, lính canh được cải thiện rõ rệt. Một số lính canh còn giúp những người tù yêu nước nhiều việc có ích. Dù bị bọn cai ngục thường xuyên đánh đập dã man, bị cầm cố, nhưng Phan Đăng Lưu vẫn viết nhiều bài báo, cả tiếng Việt và tiếng Pháp, bí mật gửi ra bên ngoài lên án chế độ nhà tù tàn bạo, kêu gọi dư luận bên ngoài hỗ trợ cuộc đấu tranh của tù nhân(8). Một lần, bạn tù Ðậu Hàm, quê Hà Tĩnh, mãn hạn ra tù, Phan Ðăng Lưu viết một bài báo bằng tiếng Pháp, đêm đó xẻ đế dép cao-su của bạn ra, nhét bài báo vào trong. Khoảng 3 giờ sáng, vì có nội gián, cai ngục và lính canh ập vào và khám đúng chiếc dép đó. Sau sự việc, Phan Ðăng Lưu bị tra tấn tàn khốc và bị tăng án thêm 3 năm tù(9).

Vừa ra khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột, Phan Đăng Lưu bị quản thúc ở Huế, Ông khẩn trương chắp nối liên lạc với Đảng, tiếp tục đấu tranh cách mạng. Tháng 3/1937, tại Ðông Pháp Lữ quán, số 7 đường Ðông Ba, Thành phố Huế, Ðại hội Báo chí Trung Kỳ khai mạc với sự tham gia của hơn 70 nhà báo. Phan Ðăng Lưu vừa là người lãnh đạo, vừa là nhà báo cách mạng đã hướng Đại hội vào những nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa lúc bấy giờ. Ông cùng các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Lâm Mộng Quang, Trịnh Xuân An, Hải Thanh… được Ðảng giao hoạt động công khai và bán công khai. Và đương nhiên, báo chí là diễn đàn, là vũ khí đấu tranh vừa phù hợp, sắc bén, kịp thời, hiệu quả. Nguyễn Chí Diểu chỉ đạo nội dung của báo “Nhành Lúa” (do Nguyễn Xuân Lữ làm chủ nhiệm), Phan Ðăng Lưu và các đồng chí khác mua lại tờ “Sông Hương” của Phan Khôi, đổi tên thành “Sông Hương tục bản”. Báo vẫn để Phan Khôi đứng tên sáng lập; mời Nguyễn Cửu Thạnh làm chủ nhiệm, Phan Ðăng Lưu chỉ đạo nội dung và trực tiếp viết các bài xã luận, bình luận, tiểu phẩm. Lúc đầu, Báo được in tại nhà in Vương Ðình Châu ở Vinh. Trên tờ báo mới này, Phan Ðăng Lưu và các đồng chí của mình trình bày quan điểm của Ðảng, phát động quần chúng đấu tranh, tuyên truyền cho cuộc vận động Ðông Dương Ðại hội Trung Kỳ, cho cuộc đón tiếp Gôđa.

Khu vực Kỳ Đài và Hoàng thành Huế ngày nay. Ảnh: zing.vn
Khu vực Kỳ Đài và Hoàng thành Huế ngày nay. Ảnh: zing.vn

Phan Đăng Lưu được Xứ ủy Trung Kỳ giao nhiệm vụ cùng các ông Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang, Nguyễn Sơn Trà, Xuân An, Phan Bá Nguyên, Hồ Cát, Nguyễn Cửu Thạnh chủ trương mở Hội nghị báo giới Trung Kỳ, nhằm thành lập Mặt trận báo chí dân chủ, đấu tranh cho tự do báo chí. Hội nghị khai mạc tại Đông Pháp Lữ Quán, với 37 nhà báo Trung Kỳ và 33 đại biểu của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp trí thức, học sinh. Sau Hội nghị, các nhà báo yêu nước và tiến bộ ở Trung Kỳ đã có sự đoàn kết, hợp lực, làm được nhiều việc có ích.

Cũng trong giai đoạn ấy, Đảng đề ra chiến lược, sách lược “Cải tổ các Viện Dân biểu Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Hội đồng quản hạt ở Nam Kỳ”; không gạt bỏ nghị trường mà lợi dụng nghị trường; không tẩy chay tuyển cử mà tham gia tuyển cử và Đảng cần “chuẩn bị người ứng cử vào các Viện Dân biểu, Hội đồng Thành phố, có chương trình thích hợp để tranh thủ quần chúng theo ta, chọn người ra tranh cử có đảng viên và cảm tình của Đảng”(10). Phan Đăng Lưu được Xứ ủy phân công trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo cuộc đấu tranh đưa người vào Viện Dân biểu Trung Kỳ khóa III (1937 – 1940). Trên báo “Sông Hương tục bản” có nhiều bài viết, chuyên mục, tiểu mục phục vụ cho nhiệm vụ này. Mục “Chiếu diện” của tác giả Nghị Toét – bút danh của Phan Ðăng Lưu, “chiếu” trực tiếp vào các ứng cử viên phái hữu như Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Quốc Túy, Trần Bá Vinh đang là ứng cử viên; vạch mặt chỉ tên những kẻ bán dân hại nước, lường gạt cử tri (như Bùi Huy Trứ, Nguyễn Quang Triệt, Cao Văn Chiến, Lâm Quang Nghị, Trần Nhật Tân, Nguyễn Đình Điển…). Với riêng 18 ứng cử viên là người của Ðảng và có tư tưởng tiến bộ do “Sông Hương tục bản” giới thiệu, cổ vũ, hỗ trợ đã đắc cử Viện Dân biểu Trung Kỳ, “chiếm ghế” Viện trưởng, Viện phó và phần lớn các Ủy viên Ban Thường trực(11).

Ngày 01/10/1937, nhân kỳ họp lần thứ nhất của Hội đồng Viện Dân biểu Trung Kỳ khóa III (1937 – 1940), Phan Đăng Lưu đã gửi tới Hội đồng “Bức thư công khai”, mở đầu cuộc đấu tranh trong Viện Dân biểu Trung Kỳ. Bức thư bày tỏ niềm hy vọng, tin tưởng của quảng đại quần chúng nhân dân vào những vị dân biểu vừa mới được bầu ra, phải làm được những điều ích nước lợi dân, “chớ để cho quốc dân thất vọng như bao nhiêu lần thất vọng trước”… “Làm được như vậy cũng là một bước tiến trong “cải cách Viện Dân biểu”, “cải cách chế độ bầu cử”. Bức thư được đăng tải trên tờ “Sông Hương tục bản”, số 14, ngày 14/10/1937(12).

Một số ấn phẩm của báo Sông Hương tục bản. Ảnh tư liệu lịch sử
Một số ấn phẩm của báo Sông Hương tục bản. Ảnh tư liệu lịch sử

“Sông Hương tục bản” còn mở chuyên mục đấu tranh đòi tự do báo chí với các bài viết được nhiều người quan tâm như “Chung quanh vụ kiện báo Sông Hương” (số 10 ngày 16/9/1937); “Chiếu điện” (số 11 ngày 23/9/1937); “Chúng tôi quyết làm phận sự cho đến giọt mực cuối cùng” (số 11 và sang số 12, ngày 30/9/1937)… “Sông Hương tục bản” trên thực tế đã trở thành cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ, ra được 14 số (từ 15/6 đến 14/10/1937) sau đó bị chính quyền thực dân thu hồi giấy phép.

Ngày 24/12/1937, một số đại biểu vừa trúng cử Viện Dân biểu Trung Kỳ dưới sự gợi ý, đề xuất của Phan Ðăng Lưu đã làm đơn xin xuất bản tờ báo lấy tên là “Dân”. Hai người quản lý là Nguyễn Ðan Quế và Nguyễn Xuân Cát. Tuy nhiên, về thực chất, “Dân” vẫn là tờ báo của Xứ ủy Trung Kỳ do Phan Ðăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ban Biên tập có Hải Triều, Bùi Công Trừng, Nguyễn Cửu Thạnh, Lâm Mộng Quang, Lê Bồi, Hà Thế Thanh… Báo “Dân” kết hợp chặt chẽ với các đại biểu tiến bộ trong Viện Dân biểu và phong trào cách mạng của quần chúng, tạo nên sức mạnh to lớn chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức bất công, đòi tự do ngôn luận, đặc biệt là đánh bại dự án thuế thân và thuế điền thổ do khâm sứ Trung Kỳ đưa ra. Trong thành công lớn lao ấy, Phan Ðăng Lưu có những cống hiến hết sức quan trọng. Cùng với sự chỉ đạo tài tình, sắc sảo, các bài viết của ông thật sự là các tác phẩm báo chí giàu tính chiến đấu, tính giai cấp, tính văn hóa, tính nhân dân.

Báo “Dân” không tồn tại được bao lâu do kẻ địch biết đó là sự thay đổi tên gọi của Sông Hương tục bản trước đó và đứng đằng sau vẫn là Phan Ðăng Lưu, là Xứ ủy Trung Kỳ (báo ra được 17 số, từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1938).

Hai tờ báo Dân và Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ảnh tư liệu lịch sử
Hai tờ báo Dân và Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ảnh tư liệu lịch sử

Cơ quan Xứ ủy và Phan Ðăng Lưu tiếp tục cho ra tờ “Dân tiến”. Theo tuyên ngôn của báo: “Dân là dân, tiến là tiến tới. Dân tiến là dân tiến tới, dân cứ đi mãi. Dân có bị giết hết, bị tù, bị phạt, bị đói… dân vẫn cứ sống, vẫn cứ tới”. Ðể tránh sự kiểm duyệt gắt gao của Khâm sứ Trung Kỳ, báo được biên tập ở Huế sau đó đưa vào Sài Gòn in ấn, phát hành ở Nam Kỳ vì ở đó, báo chí dễ “thở” hơn. Báo vẫn do Phan Ðăng Lưu trực tiếp chỉ đạo và viết các bài quan trọng, Huỳnh Văn Thanh làm quản lý, Lưu Quý Kỳ làm Thư ký tòa soạn. Tòa soạn báo đặt ở 468 đường Nguyễn Tấn Nghiêm, Sài Gòn. Ra được 5 số thì “Dân tiến” bị nhà cầm quyền đóng cửa. Không chịu khuất phục, Phan Ðăng Lưu cho ra tiếp tờ báo mang tên “Dân muốn”, vẫn biên tập ở Huế, in và phát hành ở Sài Gòn(13)

Sách “Phan Đăng Lưu – Tiểu sử”(14), tác giả Nguyễn Thành đã nêu ở nhiều trang, nếu thống kê thì có ít nhất 95 bài báo của Phan Đăng Lưu trên các báo cách mạng và tiến bộ với các bút danh: Sông Hương, Dân, Dân Muốn, Phi Bằng, Bằng Phi, Tân Cương, Lý Toét, BCH, QB, SH, KD, Mục Tiêu, Thương Tâm, KĐ… xuất bản ở Huế và Sài Gòn. Mỗi bài báo trong đó, chỉ cần đọc tiêu đề đã thấy cuộc đấu tranh về tư tưởng diễn ra quyết liệt, cam go, nhiều thử thách; đồng thời nổi bật trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, sự sắc sảo của đồng chí. Viết báo, ra báo dưới sự theo dõi, săm soi, đe dọa, bắt bớ của bọn mật thám Pháp và cả bộ máy cai trị hà khắc của thực dân Pháp và tay sai Nam triều.

Về sự nghiệp văn hóa, văn nghệ

Phan Đăng Lưu sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học, ông nội và phụ thân là trí thức nông dân, thông thạo nho, y, lý, số; ông ngoại đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan, cụ là tác giả bài thơ “Vua con” nổi tiếng ở vùng quê Yên Thành. Từ nhỏ, Phan Đăng Lưu ham học, học giỏi, tính tự lập cao, được gia đình tạo điều kiện để theo nghiệp đèn sách. Vào học Trường Tiểu học Pháp – Việt ở Vinh, Phan Đăng Lưu hoàn thành các phần nội dung trước khi mỗi học kỳ kết thúc. Năm 1920, nhân Tổng đốc Nghệ An mở tiệc tùng, xướng ca nhân được thăng phẩm hàm, ngựa xe ồn ã, lễ vật rình rang. Thấy vậy, trò Lưu làm đôi câu đối bí mật dán trước cổng nhà tên quan này: “Tổ quốc diệt vong, sung sướng đó, linh đình yến tiệc/ Đồng bào nô lệ, vẻ vang thay, nhộn nhịp xướng ca”(15). Kỳ II năm học 1919 – 1920, Phan Đăng Lưu lên học tiếp lớp cao đẳng tiểu học; tháng 6/1920, thi tốt nghiệp bậc tiểu học và thi tiếp vào Trường Quốc học Huế, bậc trung học, đỗ loại giỏi. Cuối năm học đó, được nghỉ hè về thăm nhà. Nhân dịp làng tổ chức lễ Kỳ phúc (Cầu đảo cho được mùa), Phan Đăng Lưu đã viết bài thơ châm biếm, đả kích bọn cường hào, ác bá:

“Sông Dinh, rú Gám, cảnh thần tiên
Vì bọn cường hào đến đảo điên
Ăn uống sình nang quân đít đỏ
Gánh gồng trễ cổ bọn khu đen
Mất phần Tri hộ trương gân nạt
Hỏng miếng hoa cà lộn tiết lên
Sâu mọt lũ kia chưa quét sạch
Xóm làng khôn hưởng chữ bình yên”.

Một góc quê hương Yên Thành. Ảnh: Thành Cường
Một góc quê hương Yên Thành. Ảnh: Thành Cường

Năng khiếu thơ văn từ nhỏ, nhất là cách cảm và thái độ phê phán xã hội thực dân, phong kiến thối nát đã mở đầu cho sự nghiệp báo chí, văn hóa, văn nghệ của Ông sau này. Ở tuổi trưởng thành, Ông thông thạo chữ Hán, tiếng Pháp, được đọc các tác phẩm của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Dật Tiên, Môngtétxkiơ (Montesquieu C.L.), Vônte (Voltaire F.M.), Rútxô (Rousseau J.J.), thơ văn Phan Bội Châu và các chí sĩ yêu nước khác.

Khi bị giam cầm ở nhà tù Buôn Ma Thuột, Phan Đăng Lưu tiếp tục sáng tác thơ ca để động viên tinh thần đồng chí của mình và vui đùa với tù thường phạm. Có một câu chuyện vui, một tù thường là dân ăn chơi, bị bệnh hoa liễu, mụn nhọt đầy người, nằm rên la, cáu gắt. Phan Đăng Lưu và mấy người đến thăm hỏi. Người này rất mến Ông, muốn Ông tặng một bài thơ vui nói về tình cảnh của mình. Phan Đăng Lưu cùng ông Xuân – một bạn tù cùng “tung hứng”. Ông Lưu ứng khẩu: “Một mình, mình chịu biết ai chia”. Ông Xuân: “Hết mọc mụn này đến mụn kia/ Cũng bởi nguồn ân và bể ái”. Ông Lưu: “Khóa hư ai bảo mở hư chìa”. Tất cả mọi người cùng cười, kể cả người tù – bệnh nhân kia(16).

Một số hình ảnh về Yên Thành - quê hương đồng chí Phan Đăng Lưu. Clip: Nhóm PV

Phan Đăng Lưu còn đưa các tiểu phẩm văn học, nhất là tiểu phẩm, vào các số báo, trang báo, vừa bám sát tính thời sự, vừa đảm bảo tính dí dỏm, châm biếm sâu cay. Có 17 tiểu phẩm như vậy đăng trên báo “Sông Hương tục bản”, chủ yếu ở mục “Chiếu điện” của tác giả Nghị Toét đả kích trực diện và đích danh bọn bán dân hại nước trong các cuộc tranh cử. Về ứng cử viên Lê Thanh Cảnh, “Nghị Toét” – Phan Đăng Lưu viết: “Trong trái tim non có một mớ tiền Thơ ký và Thường trực Viện Dân biểu chưa tiêu hết. Bên phải lá gan có một vài mảnh giấy tờ của hội góp họ Tiên Long thương đoàn. Dưới bậu ruột bên trái có lòng thòng một ít bài ngà và sắc phong giả. Chính ngay giữa bọc chứa có cái hình ảnh một hoa khôi hội chợ đăng xinh 1938…” (Sông Hương tục bản, số 4, ngày 10/7/1937).

Viết về ông nghị Nguyễn Quốc Túy, báo có đoạn: “Cái bao tử chỉ bằng quả cam mà đã chứa gần nửa xái thuốc phiện. Trong góc tim non còn phưởng phất hơi rượu của Ban Thường trực cũ. Và nơi bậu ruột già còn di tích một ít tiền của nạn dân bị lụt ở Thái Bình” (Sông Hương tục bản, số 4, ngày 10/7/1937).

Với ứng cử viên Phan Văn Giáo ở Thanh Hóa, một tay chuyên độc quyền đầu cơ thuốc Tây: “Trong ruột non có chất thuốc Tây tên là atpêrin trắng trắng chua chua. Thứ thuốc này rất kỵ với thuốc Bắc, thuốc Nam”.

Về ứng cử viên Nguyễn Văn Nguyên: “Trong dạ dày chỉ rành chứa xái thuốc phiện”.

Về ứng cử viên Hộ Khắc Quảng ở Nghệ An: “Trong tim non còn phảng phất mùi rượu của các cô đào ở xóm Khâm Thiên…”(17).

Những bài viết đó đã “phơi bày ruột gan cho quốc dân được biết” về các ứng cử viên đang ngấp nghé vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Rốt cuộc, tất cả họ đều không trúng cử.

Các bài viết trên
Các bài viết trên "Sông Hương tục bản" đả kích trực diện và đích danh bọn bán dân hại nước trong các cuộc tranh cử. Ảnh tư liệu lịch sử

Nhà thơ Tố Hữu kể lại câu chuyện được Phan Đăng Lưu khích lệ, gợi ý để từng bước sau đó trở thành nhà thơ cách mạng: “Một hôm anh hỏi tôi: – Cậu biết làm thơ không? Tôi đáp: – Niêm luật Đường thi, ca dao, lục bát thì tôi nắm được nhưng không biết thơ có hay không. – Vậy thì tốt rồi, anh Lưu nói – Báo ta (tức báo “Dân”) hơi khô. Cậu biết làm thơ hãy làm những bài thơ về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải là số phận, mà là do đế quốc, phong kiến bóc lột, là do sưu thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi,… có rất nhiều điều cần viết để thức tỉnh nhân dân. Cậu cố gắng viết để đăng được mỗi số một bài hoặc vài số một bài, có thể nhờ đó dân thích đọc báo ta hơn. Nhưng phải chú ý: dễ hiểu, dễ nhớ và đừng dài dòng”(18).

Phan Đăng Lưu rất quan tâm bồi dưỡng tư tưởng chính trị và nghiệp vụ báo chí, văn học, nghệ thuật cho những trí thức trẻ như: Trịnh Xuân An, Trịnh Xuân Quang, Hà Thế Hanh, Tố Hữu, Thôi Hữu, Hồng Chương… Trong bài thơ “Quê mẹ”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Con lớn lên con tìm cách mạng/ Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi/ Mẹ không còn nữa con còn Đảng/ Dìu dắt con khi chửa biết gì”.

Giữa năm 1939, Phan Đăng Lưu tập trung nhiều hơn trí lực cho nghiên cứu văn học. Với bút danh Phi Bằng, Ông sưu tầm, biên soạn cuốn “Thơ văn các nhà chí sĩ Việt Nam”, được cụ Huỳnh Thúc Kháng viết lời tựa (in trên báo Tiếng Dân năm 1939). Tất cả 22 chí sĩ được lựa chọn, giới thiệu trong sách đều là những nhà yêu nước, anh dũng chống xâm lược Pháp. Mở đầu là Nguyễn Đình Chiểu, kết thúc là Lê Đại. Sách giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu; tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của tác giả; bình luận ngắn, sâu sắc nhằm ca ngợi khí phách, tài năng của tác giả sách. Những câu thơ, bài thơ chữ Hán được biên dịch ra chữ Quốc ngữ. Vì nhiều lý do, tập II cuốn sách đã không hoặc không kịp ra đời nhưng tập I đã được dư luận đánh giá cao.

Vẫn bút danh Phi Bằng, Ông còn viết loạt bài “Văn thơ của các chí sĩ Việt Nam”, gửi đăng trên Tạp chí Đông Phương (xuất bản ở Mỹ Tho do Nguyễn Văn Tây, một trí thức cộng sản làm Tổng Biên tập). Ông còn góp nhiều ý kiến có tính chỉ đạo đối với đồng chí Hải Triều trong cuộc tranh luận về “Văn học vị nghệ thuật” hay “Văn học vị nhân sinh” có tiếng vang lớn trên mặt trận văn hóa, văn nghệ cách mạng Việt Nam trước năm 1945.

Có một tác phẩm văn học đặc biệt “Thư viết từ khám tử hình” mà tác giả của nó là Phan Đăng Lưu. Bức thư này Ông gửi cho con trai yêu quý trước giờ ly biệt vĩnh viễn. Bức thư viết bằng tiếng Pháp, một thứ ngôn ngữ Pháp chuẩn mực, điêu luyện, nội dung đa nghĩa, nhiều ẩn ý do phải vượt qua song sắt khám tử hình, vượt qua cả sự kiểm duyệt khắt khe của kẻ thù. Đây là một tác phẩm có nội dung chính trị, xã hội, văn hóa, văn học hàm súc, hùng hồn và trở nên bất hủ.

Quảng trường Phan Đăng Lưu - thị trấn Yên Thành. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Quảng trường Phan Đăng Lưu - thị trấn Yên Thành. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Phan Đăng Lưu đã sống đẹp đẽ, chiến đấu, hy sinh kiên cường, dũng cảm, lẫm liệt. Ông đã và sẽ mãi mãi bất tử bởi lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc; tư duy, phương pháp công tác vững vàng, tài tình; bản lĩnh và nghệ thuật lãnh đạo sắc sảo, mẫn tiệp. Ông là một trí thức cách mạng lớn, tiêu biểu; một nhà báo, nhà văn tài ba, chuyên nghiệp; một nhà lãnh đạo xuất chúng. Ông đã để lại tấm gương sáng ngời về nhiều mặt: tri thức, tài năng, đạo đức, phong cách, nhiều bài học quý giá, dài lâu. Ông đã góp phần xứng đáng xây dựng nền móng ban đầu cho sự lãnh đạo của Đảng đối với bộ máy tổ chức và đảng viên của mình, với nhân dân, với cách mạng. Nổi bật nhất là trên trận địa tư tưởng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ ngay từ thuở dựng Đảng, cứu nước, cứu dân.

Clip: Nhóm PV

Chúng tôi thiển nghĩ, hình như chúng ta nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá, tôn vinh chưa thật đúng, thật đầy đủ, sâu sắc về Ông. Ông đã lớn và đẹp hơn những gì chúng ta đã biết, đã viết về Ông./.


[1] Ngô Nhật Sơn: Đồng chí Phan Đăng Lưu, Nxb Nghệ Tĩnh, 1987, tr. 64.
[2] Tố Hữu: Nhớ lại một thời, Văn nghệ số ra ngày 22 tháng 7 năm 2000.
[3] Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu – Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tr77; tr 316.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1999, t6, tr271, tr302.
[5] Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu – Tiểu sử (Sđd), trang 224.
[6] Báo Văn nghệ: Tố Hữu: “Nhớ lại một thời”, số ra ngày 22 tháng 7 năm 2000.
[7] Nguyễn Chí Thanh của chúng ta, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1981, tr. 40.
[8] Một bài được đăng trên báo “Tiếng Dân”, số 782, ra ngày 6/4/1935, các bài còn lại đều bị “kiểm duyệt bỏ”. Có 4 bài đã dịch ra chữ Pháp (không có bản tiếng Việt) mà cụ Huỳnh cho đăng vào các số 623, ngày 3/9/1933; số 640, ngày 11/11/1933; số 729, ngày 26/9/1934; số 782, ngày 6/11/1935 bị Ty kiểm duyệt bỏ.
[9] Nguyễn Thế Kỷ: Phan Ðăng Lưu – người cộng sản, nhà báo ưu tú; Báo Nhân Dân cuối tuần, số 47 (877), ra ngày 20/11/2005.
[10] Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu – Tiểu sử (Sđd), tr154.
[11] Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu – Tiểu sử (Sđd), tr 182.
[12] Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu – Tiểu sử (sách đã dẫn), tr192.
[13] Nguyễn Thế Kỷ: Phan Ðăng Lưu – người cộng sản, nhà báo ưu tú (đã dẫn)
[14] Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu: tiểu sử, tác phẩm, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1998.
[15]  Ngô Nhật Sơn: Đồng chí Phan Đăng Lưu (Sđd), tr.7.
[16] Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu – Tiểu sử (Sđd), tr125.
[17]   Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu – Tiểu sử (sách đã dẫn), tr173,174.
[18] Báo Văn nghệ: Tố Hữu: “Nhớ lại một thời”, số ra ngày 22 tháng 7 năm 2000.