Đầu Xuân mới, lên với bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền thuộc huyện rẻo cao Tương Dương, màu đỏ của cờ hoa, màu xanh mướt của ruộng nương, thấp thoáng khói bếp vương trên những mái nhà gỗ nâu khắc họa một nhịp sống yên bình, đầm ấm. Trong câu chuyện vui về sự đổi thay của thôn bản, người dân nơi đây còn bày tỏ niềm tự hào về “thủ lĩnh” Vừ Y Dở – nữ Bí thư Chi bộ người Mông đầu tiên của huyện Tương Dương.
Men theo con đường bê tông uốn lượn, bao quanh những vườn rau xanh mướt mắt tới trước sân nhà văn hóa cộng đồng của bản Lưu Thông, gặp hai vợ chồng ông Vừ Vả Chống vừa dựng nhà để củi, vừa ríu rít trò chuyện. Nghe chúng tôi hỏi thăm về Bí thư Chi bộ Vừ Y Dở, ông Vừ Vả Chống ngừng tay, ngẩng lên hồ hởi: “Cán bộ hỏi Y Dở à? Niềm tự hào của người Mông ta đó, làm tốt lắm, cứ đi thẳng là tới nhé”! Vừa dứt lời thì một phụ nữ mặc trang phục người Mông, có khuôn mặt tươi tắn, dáng vóc nhỏ nhắn, hoạt bát đi tới, ông Vừ Vả Chống chỉ tay nói như reo: “Kia rồi, Y Dở đấy!”.
Đón khách với nụ cười tươi và dáng vẻ nhanh nhẹn, nữ Bí thư Chi bộ Vừ Y Dở dẫn chúng tôi vào nhà văn hóa cộng đồng bản Lưu Thông, ấn tượng đầu tiên là sự bài trí gọn gàng, ngăn nắp với nhiều bằng khen, giấy khen treo trang trọng trên tường. Y Dở vừa cười vừa nói: “Đó là thành quả của nhiều thế hệ cán bộ và người dân bản Lưu Thông đấy ạ. Những người đi trước làm tốt quá rồi, nên khi được bầu làm Bí thư Chi bộ, mình thấy áp lực, lo lắng lắm, mấy đêm không ngủ được!”.
Câu chuyện về cô gái bản Mông ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn về làm dâu ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền trở thành nữ đảng viên người Mông duy nhất của xã rồi nữ bí thư chi bộ thôn người Mông đầu tiên của huyện rẻo cao Tương Dương, được nhiều người nhắc đến như một tấm gương cho phụ nữ ở vùng cao. Với riêng Vừ Y Dở nó “như là một giấc mơ có thật vậy”. 17 – 18 tuổi, Y Dở gặp gỡ, cảm mến rồi theo chàng trai Mông Thò Bá Tểnh về làm dâu bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền. Chồng Y Dở vốn là người Nậm Càn (Kỳ Sơn) theo bố mẹ di cư lên bản Lưu Thông.
Về làm dâu, cô nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới và được chồng và bố mẹ chồng tạo điều kiện cho tham gia công tác phụ nữ từ năm 2003. Đến năm 2005 Y Dở được ông Vừ Chồng Mùa, nguyên Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông bồi dưỡng, dìu dắt vào Đảng. Khi đó, Y Dở 25 tuổi. Nhớ lại thời điểm ấy, Y Dở chia sẻ, dù được chồng và gia đình chồng ủng hộ (chồng Y Dở là đảng viên, 4 em trai của chồng cũng là đảng viên) nhưng cô vẫn băn khoăn. Bởi phụ nữ Mông xưa kia quanh năm lầm lũi lên nương làm rẫy, rồi lại quanh quẩn nơi xó bếp, góc nhà. Thiếu nữ chưa qua tuổi trăng tròn đã một bên chồng, một nách con, đôi chân quen bám đất không bước ra khỏi bản, nói gì đến việc tham gia công tác xã hội, tham gia xây dựng bản làng. Mà thời điểm ấy trong bản, trong xã chỉ có mỗi Y Dở là đảng viên nữ người Mông. “Mới đầu mình cũng ngại đi sinh hoạt đảng vì trong chi bộ toàn đàn ông, mỗi mình là phụ nữ trẻ mà phụ nữ Mông xưa nay vốn không được tham gia bàn chuyện trong gia đình, huống chi ngoài xã hội. Dần dần được tiếp thu nhiều kiến thức, giao tiếp nhiều, mình đã hiểu phụ nữ cũng bình đẳng như nam giới, cũng có thể tham gia đóng góp ý kiến xây dựng bản làng, nên đã mạnh dạn, tự tin hơn”.
Là đảng viên, lại là chi hội trưởng hội phụ nữ của bản, Y Dở đã vận động chị em mỗi tháng 1 lần vệ sinh môi trường thôn, bản sạch sẽ, xây dựng vườn chuối phụ nữ, trồng rau xanh để cải thiện cuộc sống. Hầu như nhà nào cũng có vườn rau xanh tốt bốn mùa. Bên cạnh đó, chị còn động viên chị em tham gia CLB Dân ca dân vũ, chơi thể thao, may trang phục dân tộc Mông tạo thành phong trào sôi nổi ở cơ sở. Đến năm 2020, mọi người tín nhiệm bầu Y Dở làm Bí thư chi bộ. Việc đưa nữ lên làm lãnh đạo thôn bản là một tiến bộ lớn, thể hiện sự đổi mới trong tư duy của người Mông ở xã Lưu Kiền. “Cái lưng của phụ nữ Mông ta giờ không chỉ để gùi bắp, gùi sắn, mà còn “gùi” cả chủ trương, đường lối của Đảng về với bà con dân bản nữa đấy”, Trưởng bản Thò Bá Chò nguyên là Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông chia sẻ đầy tự hào.
“Thế mọi người đã làm gì để giúp Y Dở tự tin gánh vác trách nhiệm là “đầu tàu” thôn bản?”. Nghe chúng tôi hỏi, Trưởng bản Thò Bá Chò cười đáp: “Lúc mới làm Y Dở còn ngại ngùng, bỡ ngỡ, công tác điều hành còn lúng túng. Ta đi trước biết hơn, hiểu hơn nên ta giúp đỡ để Y Dở hoàn thành nhiệm vụ. Còn có 2 đảng viên là cán bộ xã sinh hoạt trong chi bộ cũng tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho Y Dở mà. Đến giờ thì chững chạc lắm rồi…”. Bản thân Y Dở cũng chia sẻ: “Lúc mọi người nói đưa mình lên làm Bí thư chi bộ, mình lo lắm, vì mình là phụ nữ, không giỏi điều hành, nói mọi người có nghe không? Ấy thế nhưng, sau được mọi người động viên, giúp đỡ, bản thân mình cũng học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước nên cũng quen và thạo việc dần…”.
Cũng như bao thế hệ cán bộ trước đó của bản Lưu Thông, là “đầu tàu” ở thôn bản, Y Dở cùng với Chi ủy chi bộ và ban cán sự bản luôn trăn trở làm thế nào để người dân ấm no, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Ngoài trồng cỏ voi, trồng chuối lấy lá, chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng lúa rẫy, bí xanh, khoai sọ… Chi bộ bản Lưu Thông còn lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt quy chế chăn nuôi theo hương ước, quy ước của bản là gia súc gia cầm nuôi nhốt 100%, các hộ chăn nuôi đều có chuồng trại cố định. Hiện toàn bản có 98 con trâu, 83 con bò. Hộ nuôi nhiều có khoảng trên chục con, như hộ Vừ Tổng Cải, Vừ Bá Thái Khù, Xồng Phái Đà… Trong bản còn có 65 ao cá, có nhà 2 ao. Bên cạnh chăn nuôi trâu bò, người dân bản Lưu Thông còn nuôi dê, lợn, gia cầm. Nhờ cần cù, chăm chỉ nên người dân Lưu Thông có cuộc sống khá ổn định, đời sống vật chất và tinh thần phát triển hài hòa. Trong bản chỉ còn 8 hộ nghèo.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, tới con đường lên khu sản xuất, nữ Bí thư Chi bộ Vừ Y Dở cho hay: Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng của dân bản ta triển khai năm 2020 đó, đường dài khoảng 500m, Nhà nước hỗ trợ xi măng, còn dân bản góp ngày công, góp tiền mua cát sỏi để làm. Từ ngày có đường tốt việc đi lại vận chuyển nông sản của bà con cũng thuận lợi hơn. Cả sân vận động to rộng phía trước nhà cộng đồng cũng mới làm trong năm 2020. Năm nay, cùng với quỹ tiết kiệm của bản, chi bộ đã chỉ đạo ban quản lý bản vận động nhân dân đóng góp kinh phí làm cổng chào, trị giá 15 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 6,5 triệu đồng.
Một điều gây thiện cảm nữa khi đến với bản Lưu Thông là quang cảnh thoáng đãng, sạch sẽ từ đường chính đến các đường nhánh. “Ngoài việc hàng tháng, các CLB tự quản của phụ nữ vệ sinh môi trường 1 lần thì từ ngày có lò đốt rác do Hội Nông dân xã hỗ trợ, người dân trong bản đều ý thức phân loại rác thải từ đầu nguồn, rác thải nhựa thì đốt tại lò, còn lại đốt trong vườn”, Y Dở chia sẻ.
Không chỉ cần cù, chăm chỉ trong làm ăn, sản xuất, bản Lưu Thông còn được biết đến là một điểm sáng về giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. Từ nhiều năm nay, bản thuộc diện “3 không”: Không có người nghiện ma túy, không có người vi phạm pháp luật và không có người thụ án tù. Trưởng bản Thò Bá Chò chia sẻ: Người dân bản Lưu Thông vốn gốc ở các xã Nậm Càn, Tây Sơn, Na Ngoi (Kỳ Sơn) về xã Lưu Kiền (Tương Dương) đã hơn 30 năm rồi, ban đầu bản ở đầu nguồn khe Tản Xà, sau đó cấp ủy, chính quyền vận động xuống chỗ hiện tại bằng phẳng, thuận lợi hơn. Mặc dù địa bàn giáp ranh với các bản thuộc 2 xã Nậm Càn và Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn nhưng hàng chục năm qua nhưng chưa có người dân nào trong bản vi phạm pháp luật và bị xử phạt, mang án tù. Đây là một kỳ tích giữa đại ngàn, để có được kỳ tích này là nhờ công tác “dân vận khéo” của chi bộ, ban quản lý bản qua nhiều thời kỳ đã vận động nhân dân tự giác chấp hành “luật bất thành văn” là hương ước truyền miệng của bản với nhiều nội dung, trong đó có không trồng cây thuốc phiện, không trộm cắp tài sản, không di cư tự do, không vi phạm pháp luật. Tháng 11/2021, dưới sự hướng dẫn của Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ (Công an tỉnh Nghệ An) và UBND huyện Tương Dương, xã Lưu Kiền tổ chức ra mắt mô hình “Bản làng không có ma túy” tại bản Lưu Thông. “Để thực hiện hiệu quả mô hình này, Ban chỉ đạo của bản đã hướng dẫn cho người dân ký cam kết chấp hành, thực hiện nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như nội quy, quy ước của bản làng trong từng gia đình, dòng họ. Mọi người sống hòa thuận, đoàn kết với nhau và thực hiện nếp sống văn hóa, không để người trong gia đình vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy”, Bí thư Chi bộ Vừ Y Dở chia sẻ.
Khi được hỏi bí quyết để bà con “ưng cái bụng” và tin theo chủ trương, đường lối của chi bộ, nữ thủ lĩnh Vừ Y Dở cười hiền: “Cứ “người thật, việc thật, hiệu quả thật’’ thì dân bản tin thôi, muốn vậy thì cán bộ, đảng viên và gia đình phải gương mẫu đi đầu!”.
Chả thế mà, để phát triển kinh tế ngoài trồng rau, trồng lúa, chăn nuôi trâu, Bí thư Vừ Y Dở là người đầu tiên trong bản nuôi dê với tổng đàn 12 con, hiện tại đã có vài hộ nuôi theo. Gia đình Y Dở cũng là gia đình văn hóa điển hình, anh Thò Bá Tểnh – chồng Y Dở hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tương Dương luôn giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để vợ tham gia công tác thôn bản. Cô con gái đầu của Y Dở đang học năm thứ 2 Khoa Sư phạm Tiểu học (Trường Đại học Vinh); Con thứ hai đang học lớp 12 ở thị trấn Hòa Bình. Bên cạnh là Bí thư chi bộ, Y Dở còn tham gia công tác y tế bản. Trong những giai đoạn dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, chị tích cực cùng ban quản lý, các chi hội đoàn thể, tổ tự quản Covid cộng đồng của bản tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, nhất là các gia đình có con em đi làm ăn xa trở về để “giữ vùng xanh” cho bản. Nhờ vậy mà trong bản có 6 trường hợp đi làm ăn xa trở về, sau khi hoàn thành thời hạn cách ly tập trung ở các địa điểm cách ly do xã quản lý, còn tự giác vào rẫy cách ly thêm 7 ngày mới trở về nhà để đảm bảo an toàn cho gia đình, cộng đồng.
Nhận xét về nữ “thủ lĩnh” bản Lưu Thông, Bí thư Đảng ủy xã Lưu Kiền Lương Thanh Sơn cho hay: “Đồng chí Vừ Y Dở là nữ đảng viên người Mông đầu tiên và duy nhất ở xã Lưu Kiền. Cũng là nữ Bí thư chi bộ người Mông đầu tiên của huyện Tương Dương. Chị là tấm gương phụ nữ vùng biên vươn lên làm chủ cuộc sống, khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và cộng đồng, góp sức xây dựng bản làng no ấm, yên vui”.