NSƯT Minh Thông: Trái ngọt chắt chiu từ khổ luyện không ngừng

Minh Thông tên thật là Hồ Văn Thông (SN1982), sinh ra và lớn lên ở xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu. Anh có chất giọng ngọt ngào và âm sắc rõ trong, đặc điểm rất nổi trội của người hát dân ca. Minh Thông và những người dân xóm nhỏ nơi anh sinh sống đã yêu biết mấy những sân khấu dân ca xứ Nghệ, mỗi khi có đoàn lưu diễn ghé qua, họ đổi khoai sắn, trứng gà, trứng vịt… để có được vé vào xem kịch. Minh Thông của những năm lên 9, lên 10 không có vé xem kịch hát, nép ngoài hàng rào để nghe lời thoại, nghe những câu tứ hoa và thầm hát theo. Bà con cô bác láng giềng thấy vậy bèn cất lời dặn dò: “Thông ơi, mi phấn đấu vô được đoàn kịch chuyên nghiệp cho choa đi coi với mồ”! Câu nói tưởng chừng như vô tình đó đã gợi lên trong cậu bé Minh Thông những nghĩ suy: Liệu năng khiếu cỏn con của mình có làm nên được trò trống gì không? Liệu những yêu thích ban đầu này có đủ để bền gan vững chí đi trên con đường mà cả gia đình không có ai từng đi này không?

NSƯT Minh Thông vai quan cận thần trong vở
NSƯT Minh Thông vai quan cận thần trong vở "Quyền uy và tội ác".

Minh Thông đem những suy nghĩ, trăn trở và cả những ước vọng vừa nhen nhóm hỏi một người bà con – NSND An Phúc, là diễn viên đình đám của Đoàn dân ca Nghệ An lúc bấy giờ. NSND An Phúc nghe thử giọng ca của Thông, xem phong thái và cả những hiểu biết của anh, liền ưng bụng. Ông bảo, nếu Thông biết đầu tư, nhen nhóm sớm tình yêu dân ca thì sẽ thành công trong tương lai. Kể từ ngày đó, Thông miệt mài nghiên cứu tập luyện, có vở diễn nào về làng Thông cũng đi xem dù chỉ được đứng ngoài nghe thôi. Với trí nhớ hiếm có của mình, Thông thuộc hết lời thoại và lời ca trong vở.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, sau khi tốt nghiệp THPT, Minh Thông quyết định đi theo con đường ấp ủ bấy lâu. Năm 2002, anh xuống TP. Vinh dự sơ tuyển và không ngờ chỉ sau mấy bài dân ca đã chuẩn bị sẵn, Thông được Ban Giám đốc Đoàn chào đón. Từ đó, con đường học hành luyện tập được Thông lên kế hoạch khá chuẩn chỉnh, bài bản với quyết tâm cao độ là học để thành tài.

NSƯT Minh Thông trong vai Trần Nam Việt, vở
NSƯT Minh Thông trong vai Trần Nam Việt, vở "Người thứ 13".

Để chạm được những nấc thang đó, người học ngoài sự quyết tâm còn phải có được những khả năng thiên phú. Thông tự thấy rằng ông trời chẳng cho mình điều gì đặc biệt ngoài khả năng nhớ nhanh và nhớ lâu. Bất cứ bài hát, vở diễn, kỹ thuật xướng âm phức tạp nào đều được Thông lĩnh hội nhanh. Ngấm nhanh nhưng để rèn thành một kỹ năng nhuần nhuyễn lại cần sự khổ luyện. Vậy là, ngày học hai buổi ở Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh, tối về Minh Thông lại đóng cửa phòng bảo vệ – nơi Đoàn cho phép anh được ở lại để vừa học vừa làm – rèn hơi thở, âm thanh và cả những bài học được “vỡ” ở trường.

NSƯT Minh Thông có biệt tài thuộc kịch bản trong thời gian rất ngắn.
NSƯT Minh Thông có biệt tài thuộc kịch bản trong thời gian rất ngắn.

Suốt chặng đường học tập dưới mái trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh, lúc nào Thông cũng tự răn mình kiên trì hơn nữa để có thành quả trong tương lai. Minh Thông luôn biết ơn những điều mình có được, anh nghĩ rằng mình đã may mắn hơn nhiều bạn bè là được đi học, lại có nghề sau khi ra trường. Sau những thành tích học tập đáng nể, đạt học bổng của trường, học bổng của tổ chức Thụy Điển, Thông được Ban Giám đốc Đoàn tin tưởng khi lần lượt giao những vai nhỏ để thử sức.

Khỏi phải nói hết sự vui sướng của chàng trai được cho là có gương mặt sáng sân khấu khi lần đầu được vào vai. Anh sớm thể hiện được những yếu tố cần thiết của một kép chính và lãnh đạo Đoàn đã sớm nhìn ra tố chất trong Minh Thông khi giao cho anh nhiều vai trong các vở kinh điển như “Quyền uy và tội ác”, “Cô gái sông Lam”… Thông cho rằng: “Diễn cho ra được vai phụ thôi thì người diễn viên cần thuộc hết lời thoại và kịch bản của tất cả các tuyến vai, các nhân vật để có thể hiểu được mình sẽ tương tác như thế nào, tung hứng ra sao với bạn diễn”. Và lúc này, biệt tài thuộc kịch bản trong một thời gian ngắn của Thông đã được phát huy, thường chỉ sau một đêm, anh đã thuộc hết kịch bản của vở và thuộc hết lời thoại tất cả các vai. Vì vậy, Minh Thông vào vai nhuyễn đến độ NSND Hồng Lựu – Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã từng nói: “Nếu không phải là Minh Thông thì không ai có thể hợp hơn những vai chính luận như thế này.”

Minh Thông gắn bó với các vai diễn chính luận như Cương Quốc Công Nguyễn Xí trong vở diễn cùng tên; Phan Đăng Lưu trong “Hừng Đông”; Lê Hồng Phong trong “Sáng mãi niềm tin”; Nguyễn Tất Thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pắc Bó trong những vở diễn như “Lời Người lời của nước non”, “Niềm tin ngày độc lập”; Phan Bội Châu trong “Những vần thơ dậy sóng”… Thông nói, đó là vinh dự lớn của người làm diễn viên, nhưng đồng thời cũng là áp lực không hề nhỏ.

NSƯT Minh Thông được đánh giá là người có gương mặt sáng sân khấu.
NSƯT Minh Thông được đánh giá là người có gương mặt sáng sân khấu.

Để có thể hóa thân vào vai diễn là những nhân vật lịch sử tầm cỡ, người diễn viên ngoài cần có thần thái phù hợp, còn phải có khả năng diễn xuất, lối nói và thoại phải cho ra được chất của nhân vật. Vì thế, ngoài nghiên cứu sách vở và các phim tư liệu nói về các nhân vật lịch sử này, Thông còn phải tìm cho được nét riêng biệt khi hóa thân vào từng nhân vật. Vào vai Cương Quốc Công Nguyễn Xí, Minh Thông được đạo diễn chỉ dạy cho từng phong thái, cách sải bước cách cầm quạt như thế nào, âm sắc giọng nói ra sao. Thế nhưng, nếu bản thân không tự nghiền ngẫm lịch sử thì Thông sẽ không “ngấm” được nhân vật. Với những trăn trở, tâm huyết trong từng nét diễn, nhân vật này đã mang về cho Minh Thông Huy chương Vàng trong Liên hoan Tuồng, Bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018. Thông còn đoạt Huy chương Vàng vai Quan cận thần trong vở “Quyền uy và tội ác” tại Liên hoan này, cũng nhờ cái duyên vào vai những nhân vật lịch sử và dã sử.

Đặc biệt, với hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài việc nghiên cứu phong thái, giọng nói của Người, Minh Thông còn đọc rất nhiều các tác phẩm về Người để hiểu sâu sắc phẩm cách của vị lãnh tụ thiên tài, bác ái. Từng cử chỉ nhỏ như cái khoát tay, thói quen nhấn nhá từ ngữ được Minh Thông trau chuốt và diễn rất chân thật, nhận được nhiều lời ngợi khen từ công chúng. Sau này, trong nhiều dự án của các hãng phim, Minh Thông thường được mời để lồng tiếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

NSƯT Minh Thông vai Phan Đăng Lưu trong vở
NSƯT Minh Thông vai Phan Đăng Lưu trong vở "Hừng đông".

Trong đời diễn của Minh Thông, nhân vật nhà chí sỹ Phan Bội Châu là vai diễn thực sự đã lấy của Thông cả máu và nước mắt, khi anh phải tập và diễn với đôi guốc mộc trong nhiều tuần. Để đi được đôi guốc này, Thông phải siết quai chặt đến nỗi mỗi bước chân đều khiến anh đau đớn, khi lên sân khấu diễn trước hàng trăm khán giả cũng là lúc đôi bàn chân anh rướm máu. Mỗi bước đi như có dao đâm, nhưng Minh Thông vẫn giữ điềm nhiên để diễn như hoá thân vào nhân vật, cho đến giây phút tấm màn nhung khép lại…

Với các vai diễn khác như Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Minh Thông cho rằng người diễn viên phải toát lên được khí chất cách mạng, tinh thần kiên trung bất khuất của người cộng sản. Anh đã phải nhiều ngày nghiên cứu biết bao thước phim tư liệu để học hỏi cách nhả chữ, biểu cảm, phong thái và cả ánh mắt cương nghị của vị Tổng Bí thư. Thông nói: “Mỗi nhân vật đều cho tôi một bài học kinh nghiệm lớn, đồng thời cũng mang lại những trải nghiệm khó quên. Quan trọng là người diễn viên phải để lại ấn tượng và đặc điểm riêng của mình khi hóa thân vào từng dạng vai.”

Thường “đóng đinh” với những vai nhân vật lịch sử, Minh Thông cho biết anh rất tự hào và luôn nỗ lực không ngừng để hoàn thiện hơn nữa, xứng đáng với sự kỳ vọng của công chúng nói chung, ban lãnh đạo Trung tâm nói riêng. Trung tuần tháng 10 vừa qua, Minh Thông vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong sự mừng vui không chỉ của riêng anh mà còn cả anh chị em đồng nghiệp. Đó là trái ngọt cho những nỗ lực cống hiến không ngừng nghỉ trong hơn 20 năm theo nghiệp dân ca.