Nghệ sỹ nhân dân (NSND) Văn Quang, trong một lần trở về Vinh đã trầm ngâm kể với tôi một “góc khuất” đầy riêng tư và yên lặng của ông như vậy. Ông bảo, ông luôn tìm cách lý giải vì sao lại mãi là giấc mơ ấy, nó đến với ông từ ngày ông rời phố Vinh năm 15 tuổi cho tới tận bây giờ, sau gần 50 năm. Có đôi khi, ông thảng thốt tỉnh giấc giữa đêm, để biết rằng – một con người luôn khao khát khám phá những chân trời mới mẻ là mình, đã đi cả chặng dài để kiếm tìm và đeo đuổi công danh – sự nghiệp, hóa ra thẳm sâu vẫn là niềm luyến nhớ những tháng ngày xưa cũ, luôn muốn được trở về con người bản ngã của mình đầy hồn nhiên, giản dị và bình yên. “Và phải chăng, phố Vinh – tuổi thơ tôi mãi là dấu ấn sâu đậm đẹp đẽ của cuộc đời mình?”- ông nói.
NSND Nguyễn Văn Quang sinh năm 1959 tại phường Cửa Nam, TP. Vinh trong một gia đình có 7 anh chị em. Văn Quang là con thứ tư trong nhà và mang cá tính mạnh mẽ nhất. Ông kể rằng, ông đã có một thời hoa niên “dữ dội” với những trò trèo leo, tắm sông, lớn hơn nữa thì “nhảy nhót với quần loe, tóc dài” và rất nhiều lần bị đội cờ đỏ thanh niên hay trật tự khu phố gọi đến nhắc nhở, thậm chí là “tóm lấy, rạch quần, cạo tóc”. Nhưng rồi, đâu lại hoàn đó. Như bao cậu bé đến cái tuổi “chập chững” thì ranh giới giữa hư và ngoan, giữa yếu đuối với mạnh mẽ nổi loạn nó rất mỏng manh. “Tôi cũng là con người của cả hai “chiến tuyến” ấy” – NSND Văn Quang nhớ lại với một nụ cười hiền hậu.
Và tình cờ, như một thứ người ta vẫn gọi là định mệnh, cái cậu bé ngỗ nghịch, như không muốn tuân thủ bất cứ thứ quy tắc định sẵn nào kia lại đi theo cái nghiệp múa vô cùng khắc nghiệt, đòi hỏi tính chịu đựng, sự rèn luyện cao độ. Đó là vào năm 1975, khi ấy mới đang học cấp 2, sau giờ tan trường, cậu bé Quang theo chúng bạn tò mò rẽ vào xem các cán bộ, nghệ sỹ Đoàn ca múa đang tuyển học viên. Có lẽ thấy vẻ mặt sáng sủa và đầy háo hức của một cậu bé “khán giả” giữa vòng người đông đúc mà cô giáo – diễn viên múa Ánh Tuyết (Trường Múa Việt Nam) ngày đó đã “tóm” cậu vào để “thử múa xem sao”. Cậu bé Quang, nửa muốn thử sức, nửa lại ngại ngùng cứ dùng dằng mãi. Để rồi sau khi thử xoay một vài động tác theo hướng dẫn, cậu bé nhận được lời khen: Rất tốt, có năng khiếu!
Được khích lệ, cộng với khao khát khám phá bao nhiêu mới lạ khiến cho cậu bé Quang quyết xin gia đình đi học trường múa. Nghe con trai xin đi học múa, cha mẹ Văn Quang không mấy hài lòng. Là con trai, cần phải làm cái gì đó mạnh mẽ chứ không thể đi theo ngành múa may ẻo lả. Ấy vậy nhưng rồi quyết tâm và lòng mong mỏi được rời khỏi những chật chội tù túng cuộc sống nhàm chán bấy giờ đã khiến Văn Quang thuyết phục được cha mẹ mình cho cậu ra Hà Nội.
Bước chân vào Trường Múa Việt Nam, Văn Quang đã thể hiện được tất cả những tố chất của một người nghệ sỹ múa mà trước đó nhiều người, ngay cả chính bản thân ông cũng không tin mình có thể làm được, ngoài năng khiếu, khả năng đồng cảm, khả năng cảm thụ âm nhạc, giàu sức sáng tạo thì còn phải là sức chịu đựng dẻo dai, chế độ luyện tập và ăn uống vô cùng nghiêm khắc. Chẳng thế mà, sau đó, ông đã trở thành một lớp trưởng gương mẫu, giỏi giang.
Khi học xong 5 năm ở Trường Múa Việt Nam, Văn Quang trở về quê hương để đầu quân cho Đoàn Ca múa Nghệ Tĩnh. Đó là những năm tháng đầy gian khổ nhưng tràn đầy nhiệt huyết của nghệ sỹ Văn Quang cũng như các cán bộ, diễn viên Đoàn Ca múa. Văn Quang, với niềm khao khát sáng tạo, từ diễn viên múa đến đội trưởng đội múa, cùng đoàn của mình đặt chân tới khắp mọi vùng miền xứ Nghệ và ở nhiều tỉnh, thành khác. Ông nói, có ai biết, sau mỗi động tác tưởng chừng “dễ như ăn bánh” kia, sau vẻ lộng lẫy thướt tha trên sân khấu của diễn viên múa lại được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của sự khổ luyện. Nhưng là biết vậy, chứ không có những thở than, oán thán. Chỉ có tình yêu, đam mê đầy hồn nhiên dẫn lối.
Văn Quang kể rằng, trong cơ thể ông có nhiều “vết sẹo kỷ niệm”. Không phải chỉ là của những lần luyện tập đến trẹo chân, những cú ngã bầm người như hầu hết các diễn viên múa đều phải trải qua “bởi có dăm ba phút tỏa sáng trên sân khấu, người diễn viên có khi phải luyện tập cả tháng ròng”, mà nó là kỷ niệm của những chuyến lưu diễn đầy vất vả của đoàn. NSND Văn Quang chỉ cho tôi vết sẹo dài trên đầu và kể: Đây là dấu tích của nửa viên gạch mà người dân tức giận vì không có vé xem diễn, ném qua cửa soát vé chẳng may trúng phải. Đó là lần Đoàn Ca múa biểu diễn ở xã Nghĩa Đồng (thuộc huyện Nghĩa Đàn thời ấy). Và khi đó, tôi đành quấn khăn trên đầu để vẫn lên sân khấu biểu diễn. Còn đây, là vết sẹo trên tay của một lần bê sân khấu lên xe tải và chẳng may tay bị kẹt. Một kỷ niệm đáng nhớ, có lần đoàn diễn ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, khi đi qua phà, xe tải chở sân khấu và đồ nghề chẳng may gặp đường mưa trơn trượt, chực lao xuống cả sông. Lúc đó chàng diễn viên múa Văn Quang đã kịp lao xuống dưới mép sông để bê đá chèn bánh xe tải trong sự hoảng hốt của tất cả diễn viên trong đoàn…
Sau 5 năm công tác ở Đoàn Ca múa Nghệ Tĩnh, NSND Văn Quang tiếp tục đi học đại học thêm 5 năm nghề biên đạo múa tại Trường Sân khấu Điện ảnh. Khi còn đang là học viên năm thứ 4 thì ông đã được mời về giảng dạy tại Trường Trung cấp Múa Việt Nam. Sau khi hoàn thành khóa học này, ông chính thức trở thành giảng viên của trường. Từ một giảng viên, ông trở thành nhà lãnh đạo – quản lý (là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam và sau này là Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam).
Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông đã góp nhiều công sức để phát triển nghề múa của Việt Nam. Đặc biệt ông cũng có công giữ gìn, phát triển múa dân tộc. Ông nói, múa dân tộc chính là niềm đam mê bất tận của ông. Ông chăm chỉ đi tới tất cả các vùng đất của Tổ quốc để cất công tìm hiểu, suy ngẫm về tầng sâu văn hóa của từng điệu múa, nét độc đáo của từng dân tộc. Ông tư duy, trăn trở để đưa vào mỗi tác phẩm của mình cái hồn cốt ấy, nét tiêu biểu ấy để thấm thía rằng, con đường đi sâu sắc, bền vững và rung động nhất chính là từ văn hóa truyền thống. Dù con đường này có vẻ khó khăn, khắc nghiệt, không mấy được ưa chuộng, nhưng ông tin mình đúng, tin ở cái thẳm sâu, căn cốt chứ không phải ở cái dễ dãi, thoáng qua. Chính vì vậy mà có những tác phẩm như: Lễ hội rước hến (tác phẩm này xây dựng cho một đoàn nghệ thuật ở Nghệ An – nói về nghề hến sông Lam đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Toàn quốc năm 1999), Nổi trống đồng lên (nói về bảo vật trống đồng của người Lô Lô ở Hà Giang), Lễ hội Xăng khan (ở miền Tây Nghệ An), Những chàng trai cô gái Khơ mú (nói về người Khơ mú Nghệ An), Then cọi gọi trăng… và đặc biệt nhất là tác phẩm “Nguyệt cô hóa cáo”, một tác phẩm múa đơn đã trở thành kinh điển lấy từ tích tuồng cổ Việt Nam.
NSND Văn Quang còn là tổng đạo diễn của nhiều chương trình nghệ thuật lớn: Chương trình sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, “Âm vang cội nguồn”, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á, chương trình sử thi khánh thành Tượng đài Bác Hồ tại Nghệ An. Chương trình nghệ thuật trình diễn trong lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ từng được bao người xem rơi nước mắt xúc động. NSND Văn Quang nói rằng, chính những xúc động ấy khiến cho ông luôn có thêm động lực để sáng tạo và để làm nghề với niềm biết ơn.
Và ông nói, giấc mơ trèo lên những bậc đá ong của thành cổ Vinh cũng là một động lực để ông luôn mong mỏi trở về, góp tình yêu múa cùng quê hương.