Đến nay, Nghệ An đã có 181/431 xã đạt chuẩn NTM, nhưng việc người nông dân ở các xã này đã thực sự được xem là những “con người mới” hay chưa là vấn đề không dễ đánh giá. Thực tế, một bộ phận người dân ở các xã NTM vẫn còn rất vất vả chuyện cơm áo, thậm chí bế tắc sinh kế…
Chúng tôi về xã Thái Sơn, huyện Đô Lương là địa phương về đích NTM từ năm 2015. Gặp bà Nguyễn Thị Bốn trú ở xóm 3, xã Thái Sơn đang bì bõm mò cua ngoài ruộng nước. Tạm dừng tay, bà Bốn bộc bạch: Lội ruộng suốt 2 tiếng mới bắt được chừng 5 lạng cua. Một ngày, hai cẳng chân già yếu lội khắp các cánh đồng may ra chỉ bắt được 1 kg, bán cho thương lái 50.000 đồng. “Xã về đích NTM từ lâu, nhưng cuộc sống người dân vẫn rứa, không có chi thay đổi, chỉ có con đường đẹp hơn mà thôi” – bà Bốn nói.
Dưới cái nắng gay gắt, bà Bốn dẫn chúng tôi về nhà của mình nằm trên bìa đồi. Đứng trước mảnh vườn nhà, ông Bính, chồng bà Bốn băn khoăn: Gia đình có 1.500m2 đất vườn, nhưng quanh năm không thu được đồng tiền nào. Giữa năm 2018, ông được xóm mời tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả, do cán bộ chuyên môn trên huyện về phổ biến. Sau đó, ông được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hứa sẽ trực tiếp về nhà ông tư vấn cải tạo lại đất vườn và cung ứng cây giống cho phù hợp. Thế nhưng, đã mấy tháng trôi qua vẫn không thấy cán bộ kỹ thuật nông nghiệp quay trở lại tư vấn. Mong ước của ông là từ mảnh đất vườn này, hàng ngày bà có gánh hàng đến chợ, trang trải cuộc sống.
Thực tế, xét bình diện chung trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đua nhau cứng hoá công trình, trong khi đó vấn đề cốt lõi là xây dựng mô hình sản xuất, nhân rộng, đáp ứng mạnh mẽ mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân thì dường như chưa chú trọng, hoặc có quan tâm nhưng gặp khó khăn, bế tắc trong tìm kiếm giải pháp đầu ra sản phẩm. Nói chung hầu hết đều chưa tìm ra lối đi riêng trong sản xuất, vì thế cuộc sống người dân nhiều địa phương vẫn phụ thuộc 2 vụ lúa bấp bênh mưa lụt, nắng hạn.
Về xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, gặp chị Võ Thị Huê ở xóm 7 – trưởng nhóm mô hình trồng lạc đúng lúc chị đang chăm chú vào cuốn sổ ghi chép các thành viên tham gia mô hình sản xuất lạc. Gấp cuốn sổ, chị Huê cho hay, ở đất này ngoài 2 vụ lúa, làm thêm mô hình lạc với diện tích 6 ha, nhưng xem ra không ăn thua. Từ ngày được công nhận xã chuẩn NTM đến nay Diễn Hoa không triển khai thêm được mô hình sản xuất nông nghiệp nào. Trước đây ở xóm 6 có triển khai mô hình trồng ớt, nhưng không bán được nên người dân cũng dừng sản xuất ngay sau đó. Và rồi lực lượng lao động chính vẫn phải đi tìm kiếm việc làm như phụ hồ, thợ xây ở khắp tỉnh vào thời gian nông nhàn sau các mùa vụ truyền thống.
Huyện Diễn Châu được đánh giá là vựa lạc của tỉnh, làm nên thương hiệu lạc Nghệ An nức tiếng một thời. Lạc nhân Diễn Châu đã chinh phục được nhiều thị trường trong nước và bạn hàng nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Với sự nhạy bén của người nông dân, nên xã Diễn Thịnh là nơi xuất hiện nghề xáo lạc đầu tiên ở Diễn Châu với hơn chục năm. Trong tổng số 3.000 hộ toàn xã thì có tới 1.200 hộ làm nghề thu mua, chế biến lạc và có 6 đại lý chuyên xuất khẩu lạc. Nhanh nhạy là vậy, nhưng hiện nay nghề xáo lạc ở Diễn Thịnh có dấu hiệu chững lại, xuất khẩu lạc giảm sút. Anh Phạm Bảy ở xóm 17, xã Diễn Thịnh cho hay, giờ xuất khẩu bấp bênh, không có tổ chức, doanh nghiệp nào vào liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nên người dân tự lo.
Tại xã Quỳnh Thuận – xã vùng bãi dọc của huyện Quỳnh Lưu, nghề chính của người nông dân ở đây là sản xuất muối và trồng trọt, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận – ông Trần Quốc Tuấn tâm tư: Mặc dù đã về đích NTM nhưng nhiệm vụ phía trước của xã vẫn còn không ít khó khăn, thách thức khi thu nhập và nghề nghiệp của người dân chưa thật sự ổn định, bền vững. Cuộc sống diêm dân vẫn đang hết sức khó khăn vì thực sự chỉ biết trông chờ vào hạt muối bấp bênh về giá cả, thị trường.
Có một thực tế là, ở các xã NTM người nông dân thực sự khó “sống” được với ruộng. Lão nông Nguyễn Văn Bính ở xóm 3, xã Thái Sơn (Đô Lương) chia sẻ: Gia đình có 4 sào ruộng, sau khi địa phương hoàn thành chuyển đổi ruộng đất, gia đình được chia 2 thửa ruộng. Qua 3 năm canh tác, chỉ khác ở chỗ, trước đây 6 mảnh ruộng được chia trên nhiều cánh đồng, mất nhiều thời gian đi lại, không đưa cơ giới vào được, vì quá manh mún. Còn 2 thửa với diện tích lớn như hiện nay, từ khâu làm đất, thu hoạch… đều thuê máy móc, cơ giới, thay sức trâu, sức người, nông dân không còn lam lũ, vất vả như trước. Tuy nhiên, cây trồng trên ruộng vẫn là lúa, ngô, thu nhập của người nông dân vẫn không cao hơn trước. Thậm chí tình trạng phân bón kém chất lượng, thuốc trừ sâu giả vẫn bán tràn lan đang khiến người nông dân rơi vào thua lỗ khi đầu tư sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Yến – Chủ tịch UBND xã Thái Sơn thừa nhận: Việc canh tác của người dân trên đồng ruộng sau khi dồn điền, đổi thửa vẫn là tư duy sản xuất cũ. Do vậy, thu nhập của người dân không có gì thay đổi. Chỉ khác ở chỗ, bây giờ từ khâu làm đất đến thu hoạch đều thuê cơ giới nên người nông dân có nhiều thời gian nông nhàn. Từ đó giới trẻ làm công nhân trong các công ty, doanh nghiệp; lực lượng lao động trung niên làm nghề xây dựng, hoặc các nghề phổ thông khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Trò chuyện về tình hình NTM của xã nhà, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn, Đô Lương – bà Nguyễn Thị Yến khoe: Hoàn thành xây dựng NTM, 100% tuyến đường giao thông nông thôn đã được đổ bê tông; trường học, trạm y tế xã, trụ sở làm việc… được đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, khi đề cập đến “con người mới” thì bà Yến thừa nhận: Thực chất, người dân vẫn chưa thay đổi về tư duy sản xuất, vẫn là tập quán sản xuất cũ, manh mún, thiếu tính hàng hóa. Mặc dù thu nhập của người dân tăng từ 18 triệu đồng (năm 2015) lên 24,6 triệu đồng (năm 2017) nhưng chủ yếu vẫn là dựa vào nguồn thu nhập của con em đi làm công nhân trong và ngoài huyện, sản xuất nông nghiệp chỉ mang tính tự cung tự cấp. Nguyên nhân do người dân vẫn cố giữ lấy ruộng, không chịu nhường đất cho một bộ phận người dân đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, người dân còn bị động trong tiêu thụ nông sản, nên không dám chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong khi đó, mặc dù trên địa bàn xã đã có HTX dịch vụ nông nghiệp, nhưng HTX không đủ năng lực để bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Thành ra để tìm được “con người mới” trong sản xuất nông nghiệp, hiện tại là không dễ.
Ông Trần Ngọc Thuận – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đô Lương, cho biết: Trên địa bàn huyện mặc dù đã có 34 HTX dịch vụ nông nghiệp/33 xã, thị trấn, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhưng chưa có HTX nào đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên. Bên cạnh đó, chưa có xã NTM nào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm cho nông dân một cách quyết liệt, mạnh mẽ, sau khi chuyển đổi xong ruộng đất. Vì vậy, vấn đề “tam nông” trên địa bàn huyện chưa có sự chuyển biến rõ nét.
Thị xã Thái Hòa được Chính phủ công nhận đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn NTM. Theo đó, đến năm 2015, toàn bộ 6/6 xã của thị xã Thái Hòa đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Một thị xã trẻ đang trên khát vọng phát triển mạnh mẽ lẽ ra ở đó sẽ có những “con người mới” với tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp, nhằm cung ứng thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường lớn, nhưng địa phương chưa có mặt hàng nông sản gì đột phá, vẫn là sản xuất lúa, rau màu… với phương thức tập quán sản xuất cũ, manh mún, mạnh ai nấy làm.
Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thuận (TX Thái Hòa) – ông Vũ Hữu Lợi, chia sẻ: Diện tích đất nông nghiệp của xã chiếm gần 50% tổng diện tích lúa của thị xã Thái Hòa, chưa kể hơn 90 ha đất chuyên trồng màu, nhưng địa phương chưa có đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Chủ trương của xã là xây dựng một cánh đồng lớn với quy mô 40 ha, nhưng đến nay vẫn chưa “ra môn ra khoai”. Ông Lợi thừa nhận: “Xây dựng NTM biết là khó, nhưng được người dân đồng tình ủng hộ, nên các tiêu chí về xây dựng kiến thiết đều được người dân nhiệt tình đóng góp. Song, riêng nội dung thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là cực kỳ khó. Khó ở chỗ, người dân không chịu đổi mới và chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự vào cuộc”.
Trách nhiệm của chính quyền là làm cầu nối để liên kết “4 nhà” với mục đích là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thế nhưng lâu nay vấn đề này người nông dân nhiều nơi đang bị “bỏ mặc” tự bơi.
Khó khăn nổi cộm dễ gặp hiện nay là đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đơn cử, ở xóm Đông Tiến, xã Đông Hiếu (TX. Thái Hòa) từ 3 năm nay phát triển nghề chăn nuôi gà thịt, với 94 hộ trong xóm đầu tư nuôi gà. Quy mô mỗi hộ từ 500 – 3.500 con/lứa. Mỗi năm người dân Đông Tiến cung ứng cho thị trường lượng thực phẩm tới hàng trăm tấn gà thịt. Đây có thể nói là cách nghĩ, cách làm mới của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, để nghề chăn nuôi gà ở đây phát triển bền vững lại là một vấn đề. Xóm trưởng, ông Nguyễn Văn Thanh, trăn trở: Chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã có sự hỗ trợ bằng cách mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, phòng trừ dịch bệnh… nhưng vấn đề tiêu thụ sản phẩm thì các cấp chính quyền chưa quan tâm, khiến người chăn nuôi phải tự lo đầu ra, thiếu tính ổn định.
Trong khi mô hình sản xuất thiếu vắng, người nông dân loay hoay đi tìm đầu ra cho nông sản, thu nhập bấp bênh với điệp khúc “được mùa rớt giá”, thì ở nhiều địa phương chính quyền đua nhau cứng hoá với nhiều tiêu chí, hạng mục “mua được bằng tiền” như lời một cán bộ truyền thông nhận xét…