Nỗi niềm những giáo viên mất nhà, phải di dời do lũ

4 ngày sau trận lũ kinh hoàng, trên khuôn mặt cô Lô Thị Trang (SN 1988) – Giáo viên Trường Mầm non Huồi Tụ vẫn chưa hết vẻ thất thần, mệt mỏi. Đứng trên khoảng trống đất cạnh bờ suối, nơi hơn 4 ngày trước vẫn còn là tổ ấm của gia đình 4 người, cô Trang kể về đêm định mệnh đó: “3h sáng, dân bản nghe những âm thanh ầm ào bất thường từ trên thượng nguồn nên đều tỉnh dậy, chạy ra khỏi nhà lên những chỗ cao. Rồi lũ ào ào đổ về, nhà tôi bị cuốn phăng, không còn sót lại thứ gì…”.

Cô Lô Thị Trang mang theo đồ đạc do bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ đến tá túc tại nhà người thân trong bản Hòa Sơn. Ảnh: Minh Quân.
Cô Lô Thị Trang mang theo đồ đạc do bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ đến tá túc tại nhà người thân trong bản Hòa Sơn. Ảnh: Minh Quân.

Gia đình cô giáo Trang là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất bản Hòa Sơn. Chồng cô trước là lái xe đường dài, cách đây 2 năm gặp tai nạn, bị chấn thương sọ não, hiện đang chờ phẫu thuật ghép xương sọ nên không thể làm việc. Một mình cô Trang cáng đáng với mức lương chỉ hơn 6 triệu đồng.

Hai vợ chồng có 2 người con thì đứa con trai thứ hai, hiện 4 tuổi, được phát hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ khi 7 tháng tuổi. Hàng tháng, cô phải đưa con xuống Trung tâm Huyết học – Truyền máu tỉnh để chữa trị, chi phí đi lại, ăn uống lên đến 4 triệu đồng. Tuy rất vất vả nhưng cô vẫn gắng gượng vừa chăm sóc chồng con, vừa bám trường, bám lớp chăm sóc trẻ, với hy vọng khi chồng được ghép xương sọ sẽ trở lại làm việc, khó khăn sẽ dần qua đi. Nhưng rồi trận lũ bất ngờ đã cuốn đi cả tài sản lẫn hy vọng, khiến gia đình 4 người của cô phân tán ở nhờ 2 nơi. “Không còn chỗ ở, giờ em không biết những ngày tháng sắp tới sẽ ra sao nữa”, cô Trang nói, mắt ngân ngấn nước.

Cũng là một trong những gia đình giáo viên có nhà bị lũ cuốn trôi là vợ chồng thầy Mùa Bá Tùa – Giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Huồi Tụ và cô Dềnh Y Dở – Giáo viên Trường Mầm non Huồi Tụ. May mắn sơ tán kịp thời trong đêm xảy ra lũ nhưng ngôi nhà cạnh khe của đôi vợ chồng giáo viên “biến mất” theo nước lũ, thay vào đó là một đống bùn đất cao hơn nửa mét.

Thầy Mùa Bá Tủa (Trường PTDT bán trú Tiểu học Huồi Tụ) dựng khung thép làm nhà tạm trên nền ngôi nhà cũ. Ảnh: Minh Quân.
Thầy Mùa Bá Tủa (Trường PTDT bán trú Tiểu học Huồi Tụ) dựng khung thép làm nhà tạm trên nền ngôi nhà cũ. Ảnh: Minh Quân.

Hiện thầy, cô cùng 4 con đang tá túc ở nhà bố mẹ thầy Tùa. “May nhờ được các anh bộ đội biên phòng đến dọn giúp bùn đất nên vài ngày tới có thể dựng nhà tạm trên đất cũ, chứ nhiều nhà đồng nghiệp đến nay đất đá vẫn còn chất cao ngổn ngang, chưa biết bao giờ mới dọn xong”, thầy Tùa chia sẻ.

Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: Theo thống kê, trong đợt mưa lũ vừa qua, 42 gia đình của giáo viên có nhà bị thiệt hại, gồm 41 giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS và 1 giáo viên của Trường THPT Kỳ Sơn. Trong đó có đến 24 nhà bị nước lũ cuốn trôi hoặc làm sập hoàn toàn, chiếm gần một nửa của toàn huyện (55 nhà); có 17 nhà bị nước, bùn đất tràn vào nhà hoặc cuốn trôi một phần tài sản.

Cảnh ngổn ngang trong một phòng trọ thuộc
Cảnh ngổn ngang trong một phòng trọ thuộc "khu trọ giáo viên" ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Ảnh: Minh Quân.

Trong số 42 giáo viên bị thiệt hại nhà cửa, tài sản, có nhiều thầy cô là người miền xuôi lên Kỳ Sơn công tác, đã xây dựng nhà kiên cố để an cư lạc nghiệp với vùng cao, gắn bó với sự nghiệp trồng người trên mảnh đất còn nhiều gian khó này, như cô Hoàng Thị Hằng (Trường Mầm non Tà Cạ), cô Hồ Thị Phượng (Trường Tiểu học Tà Cạ), thầy Nguyễn Quốc Khánh (Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén), thầy Cao Xuân Hợp (Trường Tiểu học Mường Típ 1), thầy Đinh Nho Thành (Trường THPT Kỳ Sơn)… Tuy nhiên, lũ ập về đột ngột, cuộc sống của các thầy cô bỗng trở nên bấp bênh.

Ví như trường hợp thầy Đinh Nho Thành (Trường THPT Kỳ Sơn), quê ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên), lên Kỳ Sơn công tác từ năm 2004. Năm 2009, thầy Thành kết hôn với cô giáo Nguyễn Thị Hoài – Giáo viên Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 là người cùng quê, lên công tác từ năm 2007. Trong 12 năm chung sống, đôi vợ chồng giáo viên này cần mẫn tích góp dựng được ngôi nhà kiên cố ở bản Hòa Sơn từ năm 2016, nhưng phải đến cuối năm 2021 mới hoàn thành.

Con gái của thầy Đàm Việt Hùng - cô Phan Thị Hiền cũng bố mẹ bám trụ trong phòng trọ những ngày sau lũ. Ảnh: Thành Cường.
Con gái của thầy Đàm Việt Hùng - cô Phan Thị Hiền cũng bố mẹ bám trụ trong phòng trọ những ngày sau lũ. Ảnh: Thành Cường.

Đợt lũ vừa qua, ngôi nhà của thầy cô tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nước lũ nhưng nền đất xung quanh nhà có hiện tượng sụt lún, nghiêm trọng nhất là một vết nứt lớn xuất hiện ở dãy núi trước nhà kéo xuống giữa nhà, khiến nhiều phần tường bị đổ, toàn bộ ngôi nhà có thể bị sập xuống bất cứ lúc nào.

Nhà thầy Thành – cô Hoài là một trong 36 ngôi nhà của huyện Kỳ Sơn và một trong 30 ngôi nhà của xã Tà Cạ thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Hiện 4 người trong gia đình thầy cô phải phân tán 2 nơi, ở nhờ nhà cô Hà Thị Trang – Giáo viên Trường Mầm non thị trấn Mường Xén và nhà cô Nguyễn Thị Hằng – Văn thư Trường Tiểu học Hữu Lập. Bỗng chốc mất đi chỗ ở, những ngày qua lại phải chăm 2 con (1 cháu 12 tuổi, 1 cháu 7 tuổi) đều bị cảm, sốt cao, những bộn bề lo lắng khiến cô Hoài gầy rộc đi trông thấy. “Vợ chồng tôi chỉ mong tìm được một mảnh đất nhỏ dựng lại nhà, để vợ chồng yên tâm công tác, con cái yên tâm học hành thôi”, cô Hoài tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Hoài trong căn nhà mới hoàn thành chưa đầy 1 năm, bên mảng tường đổ sập do vết nứt trên núi sau lũ. Ảnh: Minh Quân.
Cô Nguyễn Thị Hoài trong căn nhà mới hoàn thành chưa đầy 1 năm, bên mảng tường đổ sập do vết nứt trên núi sau lũ. Ảnh: Minh Quân.

Không chỉ những gia đình có nhà kiên cố, nhiều gia đình giáo viên đang ở trọ cũng đang sống trong thấp thỏm. Ở bản Hòa Sơn có một khu nhà gồm 2 dãy, mỗi dãy 6 phòng, được gọi là “khu trọ giáo viên”, là nơi ở của 12 gia đình với 20 người. Trận lũ vừa qua đã khiến nhiều phòng trọ bị nứt vách, nước, bùn đất tràn vào khiến nhiều thầy cô phải sơ tán, có người phải sơ tán đến 2 lần như trường hợp cô Phan Thị Nhung (Trường THCS Huồi Tụ), cô Trịnh Ngọc Anh (Trường Tiểu học Tà Cạ)…

Chỉ có trường hợp gia đình thầy Đàm Việt Hùng (Trường Tiểu học Hữu Kiệm) và cô Phan Thị Hiền (Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén) là vẫn bám trụ trong phòng trọ sau lũ vì không muốn “làm phiền” bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng nỗi lo lắng, thấp thỏm thì luôn thường trực. “3 ngày đầu nước vẫn ngập đến mắt cá chân nhưng vợ chồng tôi chỉ kê cao một số đồ đạc như tủ lạnh, máy giặt… rồi vợ chồng cùng đứa con gái vẫn cố gắng ở lại dù mọi sinh hoạt bị đảo lộn khá nhiều. Nhưng vài ngày tới, chắc chúng tôi phải đi tìm chỗ trọ khác, vì mảng đồi bên cạnh phòng trọ đã sụt dần xuống, chèn nứt tường, nguy cơ sập nhà là rất lớn”, thầy Hùng chia sẻ.

Cũng như nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua, đời sống của 41 gia đình giáo viên mất nhà, hư hại nhà trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang ngổn ngang trong bộn bề gian khó, lo âu. Nhưng trong gian khó lại sáng lên những tấm lòng sẻ chia trong cộng đồng giáo viên. Nhiều gia đình giáo viên không bị thiệt hại hoặc thiệt hại nhỏ trong đợt lũ vừa qua nhanh chóng tổ chức giúp đỡ các đồng nghiệp dọn bùn, di chuyển đồ đạc hoặc đón họ về tá túc.

Tập thể Trường THPT Kỳ Sơn tặng quà hỗ trợ vợ chồng thầy Đinh Nho Thành - cô Nguyễn Thị Hoài. Ảnh: Minh Quân.
Tập thể Trường THPT Kỳ Sơn tặng quà hỗ trợ vợ chồng thầy Đinh Nho Thành - cô Nguyễn Thị Hoài. Ảnh: Minh Quân.

Nhiều giáo viên, dù bị thiệt hại không nhỏ do lũ, vẫn thể hiện nghĩa cử đáng quý với cộng đồng, như vợ chồng thầy Vi Văn Hùng – cô Vi Thị Hiền ở bản Hòa Sơn dù bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ vườn cây, ao cá cùng gia súc, gia cầm nhưng hàng ngày vẫn nấu xôi miễn phí để hỗ trợ cho bà con trong bản. Các thầy cô giáo ở bản Sơn Hà như Ngũ Thị Bích Ngọc (Trường Mầm non Tà Cạ), Hà Bá Và (Trường Tiểu học Na Ngoi 1) ở bản Sơn Hà dù nhà bị sập một phần vẫn cùng một số thầy cô giáo trong bản mỗi ngày đi bộ khoảng 4km ra thị trấn Mường Xén gần chục lượt để vận chuyển quà hỗ trợ về bản giúp bà con…

Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: “Trước thiệt hại nặng nề của nhân dân và các gia đình giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phát động trong toàn ngành Giáo dục huyện cùng chung tay giúp đỡ, khắc phục thiệt hại. Ngoài ra, phòng cũng chỉ đạo nhà trường cử người bố trí dạy thêm giờ của các giáo viên bị nhà cuốn trôi, đổ sập, hư hỏng để họ yên tâm dọn dẹp, khôi phục nhà cửa hoặc tìm chỗ ở”.

Các chiến sỹ biên phòng giúp thầy Mùa Bá Tủa dọn dẹp bùn đất. Ảnh: Minh Quân.
Các chiến sỹ biên phòng giúp thầy Mùa Bá Tủa dọn dẹp bùn đất. Ảnh: Minh Quân.

Bên cạnh đó, trong những ngày qua, đại diện Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH) cũng đã về huyện Kỳ Sơn hỗ trợ 10 giáo viên bị thiệt hại nặng nhất, mỗi suất quà trị giá 10 triệu đồng; hỗ trợ cho 16 giáo viên khác, mỗi suất 5 triệu đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 14 giáo viên bị trôi hoặc sập nhà hoàn toàn, mỗi giáo viên 5 triệu đồng; trao 10 suất quà hỗ trợ các giáo viên bị hư hỏng một phần nhà cửa hoặc mất mát tài sản, mỗi suất 3 triệu đồng. Đoàn công tác của Huyện ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ các huyện Tương Dương, Con Cuông cũng trao quà cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn để hỗ trợ cho các giáo viên, học sinh bị thiệt hại trong đợt lũ vừa qua, trong đó huyện Tương Dương là 30 triệu đồng, huyện Con Cuông 51 triệu đồng…

Thời gian tới, rất cần thêm sự chung tay, giúp sức của ngành Giáo dục và những tổ chức, cá nhân hảo tâm trong cả nước để giúp những giáo viên bị thiệt hại do lũ, khắc phục những khó khăn, mất mát để ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với sự nghiệp gieo chữ ở nơi vùng cao đầy gian khó.