Nỗi niềm làng biển nơi thượng nguồn Vực Mấu!

Con đường đến với xã Quỳnh Thắng nay đã thuận lợi hơn nhiều so với cách đây khoảng 10 năm khi lần đầu tôi đến. Từ thị trấn Cầu Giát, tôi quyết định đi ra Bắc theo Quốc lộ 1A đến ngã tư Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) rồi lại ngược theo Quốc lộ 48E lên Quỳnh Thắng. Lâu nay đây cũng đã trở thành con đường tránh lũ cho các phương tiện mỗi khi tuyến Quốc lộ 1A qua thị xã Hoàng Mai hay huyện Quỳnh Lưu bị ngập sâu. Giữa mênh mông bóng núi, lòng hồ Vực Mấu dần dần hiện rõ. Mùa mưa, nước hồ dâng cao. Nước dâng lên sát đường. Xa xa, dấu bùn non bàng bạc vẫn còn in hằn lên những mép núi.

Ông Hồ Diên Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt và không quên kèm một lời xuýt xoa “ngày trước nhắc đến Quỳnh Thắng là nghĩ ngay đến xã miền núi xa xôi hẻo lánh. Còn nay, vùng này đã mênh mông nước với lòng hồ Thủy lợi Vực Mấu cho sản lượng thủy sản hàng trăm tấn, giá trị sản xuất bình quân hơn 10 tỷ đồng mỗi năm. Cũng nhờ có nước hồ Vực Mấu mà tổng diện tích gieo trồng của xã đã đạt 1.229 ha mỗi năm với lúa, ngô, mía, dứa, cam, quýt…”.

Hồ Vực Mấu vào mùa khô, dấu tích về những cánh đồng sản xuất của người dân trước đây lại hiện ra. Ảnh: Long Hồ
Hồ Vực Mấu vào mùa khô, dấu tích về những cánh đồng sản xuất của người dân trước đây lại hiện ra. Ảnh: Long Hồ

Nhìn trên bản đồ, xã Quỳnh Thắng nằm trọn trong lưu vực của hồ Vực Mấu, với tổng diện tích tự nhiên 4.010,12 ha. Những mạch nước của lòng hồ len lỏi qua các đồi keo, đồi dứa như những mạch máu, vô tình tạo nên những ốc đảo xanh thẳm. Hồ Vực Mấu là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này. Nguồn nước của hồ là dòng chảy của sông Hoàng Mai, bắt nguồn từ các khe, suối nhỏ ở huyện Nghĩa Đàn và phía Tây huyện Quỳnh Lưu chảy xuống.

Thuở sơ khai, sông Hoàng Mai bắt nguồn từ các huyện Như Xuân, Như Thanh ở phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, chảy qua huyện Nghĩa Đàn, len lỏi qua khu vực rừng núi phía Tây của huyện Quỳnh Lưu, trải dài trên 44 km, sau đó chảy về phía Đông đổ ra cửa Cờn. Ngày nay, thượng nguồn của sông Hoàng Mai là hồ Mực Mấu thuộc các xã Quỳnh Thắng và Tân Thắng. Từ khi xây dựng hồ Vực Mấu, chiều dài của dòng sông chỉ còn lại 19,4 km.

Theo “Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu” của PGS Ninh Viết Giao, vào thời Đường Tuyên Tông (860-874), Cao Biền đã huy động sức dân đào 2 đoạn kênh là kênh Hoàng Mai và kênh Đò Cấm để nước chảy xuôi ra biển. Kênh Hoàng Mai chảy từ Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đến giáp đê Nông Đoàn – Hoàng Mai, vòng quanh các xóm Đồng Quanh, Dị Lệ, chợ Trẹ, Tân An (Quỳnh Lộc), gặp hạ lưu sông Hoàng Mai tại ngã ba đi về Quỳnh Lập, Quỳnh Phương rồi chảy ra cửa Cờn…

Hồ Vực Mấu. Ảnh: Google Maps
Hồ Vực Mấu. Ảnh: Google Maps

Nhiều bậc cao niên tại xã Quỳnh Thắng còn kể, thời Pháp thuộc cùng với dự án đưa nước từ bara Đô Lương về các cánh đồng Diễn – Yên – Quỳnh. Chính quyền thuộc địa từng lập dự án đắp đập ngăn sông Hoàng Mai đưa nước tưới cho vùng Hoàng Mai, sau đó, do chiến tranh xảy ra nên đã không thực hiện được. Mãi đến năm 1978, khi đất nước thống nhất, hồ Vực Mấu mới được khởi công xây dựng. Ròng rã trong vòng 10 năm, hàng triệu mét khối đất, đá đã được bàn tay của các anh, chị thanh niên xung phong đào đắp. Năm 1983, hồ Vực Mấu đã tưới được một phần và đến năm 1988 nó đã hoàn chỉnh, trở thành bầu nước mát, tưới tắm cho bạt ngàn mùa vàng Hoàng Mai.

Hiện nay, diện tích lưu vực của hồ Vực Mấu lên đến 215 km2, trong đó, mực nước dâng bình thường 21m và mực nước dâng gia cường là 22,72m. Khu vực lòng hồ kéo dài từ xã Tân Thắng, qua xã Quỳnh Thắng xuống xã Quỳnh Trang với dung tích khoảng 75 triệu mét khối nước. Hồ chứa này có nhiệm vụ cấp nước tưới cho diện tích hơn 3.431 ha đất nông nghiệp, cấp nước nuôi trồng thủy sản cho 400 ha, và cấp nước sinh hoạt cho hơn 140.000 dân của 10 phường, xã thuộc thị xã Hoàng Mai và một số xã khác của huyện Quỳnh Lưu.

Hồ Vực Mấu nằm ở vị trí không xa so với cửa biển, trong khi con sông Hoàng Mai, dòng chính để tiêu nước cho hồ thủy lợi này không dài, độ dốc không lớn. Lưu vực hồ Vực Mấu có lượng mưa bình quân mỗi năm lên đến 1.594 mm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11 trong năm, chính vì thế mà những trận lũ cũng xuất hiện trong khoảng thời gian này.

Hệ thống cửa xả hồ Vực Mấu. Ảnh: Tư liệu
Hệ thống cửa xả hồ Vực Mấu. Ảnh: Tư liệu

Theo số liệu tính toán, nếu mực nước hồ đạt cao trình mực nước dâng bình thường từ 21 – 21,5m thì sẽ có 8 hộ dân của 2 xã Tân Thắng và Quỳnh Thắng bị ngập; nếu đến cao trình 21,61m thì có 19 hộ nước vào sân nhà. Còn nếu dâng đến 22,72m thì sẽ có 487 hộ dân của 2 xã Quỳnh Thắng và Tân Thắng bị ngập, trong đó xã Quỳnh Thắng có đến 413 hộ và xã Tân Thắng là 74 hộ. Chưa kể, khi hồ Vực Mấu xả lũ 3 cửa, sẽ có 5.363 người dân bị ảnh hưởng, nếu mở 4 cửa tràn sẽ có 13.502 người dân bị ảnh hưởng và nếu xả đến 5 cửa tràn theo đúng thiết kế thì con số người dân bị ảnh hưởng sẽ là 26.789 người. Đây quả là một sự lựa chọn khó khăn. Bởi nếu giữ nước hồ Vực Mấu theo đúng cao trình thiết kế thì sẽ chống được lũ cho thị xã Hoàng Mai, nhưng ngược lại cả một vùng dân cư rộng lớn ở thượng nguồn của hồ sẽ bị ngập.

Có thể, khi nhìn những con số này, nhiều người sẽ giật mình, nhưng với người dân xã Quỳnh Thắng thì khác. Kể từ năm 1988 về sau, khi hồ chứa này hoàn chỉnh đưa vào sử dụng, người dân xã Quỳnh Thắng đã quá quen với việc sống chung với lũ. Nhưng lũ ở xã Quỳnh Thắng khác với lũ quanh các con sông, con suối. Lũ dâng từ từ, vừa dâng, vừa rút theo độ mở của cánh cửa xả nơi thân đập Vực Mấu. Họ đón nhận cơn lũ bằng một sự bình thản đến lạ thường.

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1954, xã Quỳnh Thắng đã được hình thành. Ngày đầu thành lập, người dân xã Quỳnh Thắng phải học cách trồng lúa nước, xây dựng các nông trang, nông trường. Đến đầu những năm 1960, Huyện ủy Quỳnh Lưu lúc bấy giờ đã thực hiện chủ trương di dân từ các xã miền biển lên xã Quỳnh Thắng xây dựng kinh tế mới. Nhiều gia đình vốn quen với tay chèo, tay lưới đã chuyển sang cầm cuốc, cầm cày khai hoang vùng đất mới. Dần dần các làng mới Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Mai Hùng, Quỳnh Bá, Quỳnh Ngọc… đã được lập nên.

Ảnh: Long Hồ - Tiến Đông
Ảnh: Long Hồ - Tiến Đông

Ông Nguyễn Văn Quắc, hiện là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 5, vốn là người gốc Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai ngày nay), kể lại rằng, vào năm 1967, khi mới 10 tuổi, ông đã theo cha mẹ lên Quỳnh Thắng sinh sống. Ngày đó, trong ánh mắt hồn nhiên thơ trẻ của ông Quắc là hình ảnh đoàn người gồng gánh, dắt nhau men theo con sông Hoàng Mai ngược về phía Tây và khuất dần trong sâu thẳm núi rừng.

“Hồi mới lên, thượng nguồn sông Hoàng Mai còn nhiều con khe nhỏ. Những hộ dân nào quen làm nông nghiệp thì hòa nhập nhanh với cuộc sống mới, chỉ có các hộ dân vốn quen nghề đánh cá thì có gặp đôi chút khó khăn. Ngư, lưới cụ mang theo cũng đành cất trên gác bếp” – ông Quắc bồi hồi nhớ lại.

Thế rồi, khi lòng hồ Vực Mấu hình thành, những con người gốc làng biển xưa kia lại có dịp trổ tài đánh bắt cá. Tại thôn 5 hiện nay có 246 hộ dân thì gần như hộ nào cũng có con thuyền ba ván và bộ chài, lưới trong nhà. Trong đó, có đến hơn 50% hộ dân có thu nhập chính từ nghề đánh bắt cá trên lòng hồ Vực Mấu.

Bè nuôi cá lồng trong lòng hồ Vực Mấu. Ảnh: Hồ Đình Chiến
Bè nuôi cá lồng trong lòng hồ Vực Mấu. Ảnh: Hồ Đình Chiến
Thả trâu bên hồ Vực Mấu. Ảnh: Long Hồ
Thả trâu bên hồ Vực Mấu. Ảnh: Long Hồ

Anh Nguyễn Viết Hải – một tay sát cá của thôn 5, ngoài làm mấy sào ruộng khoán thì hầu như ngày nào cũng lênh đênh trên mặt hồ Vực Mấu. Bình quân mỗi ngày anh có thể đánh bắt được từ 2 – 3 yến cá, cho thu nhập từ 400-500 nghìn đồng.

Nói về câu chuyện giữ nước hồ Vực Mấu đến cao trình hơn 21m để chống lũ cho thị xã Hoàng Mai thì sẽ gây ngập cho dân xã Quỳnh Thắng, cả ông Thành – Phó Chủ tịch UBND xã và ông Quắc cũng như nhiều người dân mà chúng tôi gặp đều xem đó là chuyện bình thường. Thậm chí, nếu mực nước hồ dâng lên đến mức 22,72m thì có thể cả khu vực trung tâm xã Quỳnh Thắng cũng có thể bị ngập sâu.

Hiện tại, phía sau nhà ông Quắc, nơi sát mép lòng hồ, một cột mốc đo mực nước lũ đã được xây dựng. Cột mốc kẻ những vạch đỏ, trắng, lấy đỉnh lũ năm 2013 làm chuẩn. Sau đợt lũ cuối tháng 9 mới đây, nước đã rút nhưng dấu bùn vẫn còn in hằn rất rõ. Mỗi mùa mưa lũ, chưa cần người thân điện báo lên, chỉ cần ra sau vườn nhìn lên cột nước họ đã biết tình cảnh ở quê xưa.

Tại Quỳnh Thắng, năm 2010, UBND huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng một khu tái định cư rộng 5 ha để bố trí, di dời cho 54 hộ dân sống quanh vùng lòng hồ. Tuy nhiên, nhiều hộ đã nâng cao vườn, nền nhà so với đỉnh lũ 2013 nên quyết định không di chuyển nữa mà chọn sống chung mỗi khi có lũ về.

Người Quỳnh Thắng đã từng hy sinh hàng nghìn ha đất để tích nước lòng hồ Vực Mấu, hàng năm họ cũng tiếp tục chịu thiệt để giữ nước lòng hồ lên cao, cắt lũ cho vùng hạ du. Ngày nay, cũng như nhiều địa phương khác họ đã chung tay về đích nông thôn mới với tổng nguồn lực đầu tư hơn 476 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp kinh phí, hiến tặng đất đai, công trình, cây cối và đầu tư chỉnh trang nhà cửa hơn 279 tỷ đồng… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Thắng còn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Đã hơn 30 năm dòng nước hồ Vực Mấu chảy xuôi, cũng chừng ấy năm người dân vùng thượng nguồn lòng hồ thủy lợi này chứng kiến những lần con nước lên xuống. Tiễn chúng tôi về xuôi, ông Quắc khảng khái: “Nếu chúng tôi ở trên này có thể sống chung được với lũ bằng cách đắp nương vườn, nền nhà cao lên, đổi lại bà con, anh em mình ở dưới miền xuôi được an toàn thì đó cũng là điều đáng làm lắm chứ!”.

Hồ Vực Mấu nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồ Đình Chiến
Hồ Vực Mấu nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồ Đình Chiến