Nơi lũ dữ đi qua

Ngày thứ ba sau khi cơn lũ dữ đổ xuống các bản làng của xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, giữa ngổn ngang đổ nát, chúng tôi đã gặp rất nhiều người ở ngay nơi tâm lũ. Họ là dân bản, là hàng xóm láng giềng, là người ở các xã lân cận, là cán bộ huyện, cán bộ tỉnh, là lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm… Tất cả, dù là quen biết hay xa lạ, ai nấy đều chung một mục tiêu giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Có nhà ngay cạnh con dốc gần nơi lũ đổ về ở bản Sơn Hà, anh Hạ Bá Chống mỗi lúc nhớ lại vẫn chưa hết rùng mình sợ hãi những âm thanh, hình ảnh làm kinh khiếp và tàn phá các bản làng đêm 1/10 và sáng 2/10. Anh Chống cho biết, khoảng 1 giờ sáng nghe người dân kêu cứu nhớn nhác, nghe tiếng nước đổ và đất đá lao ầm ầm từ trên đỉnh núi xuống như tiếng máy bay trực thăng. Dòng nước lũ đã cuốn trôi 3 ngôi nhà nơi ngã ba phía đầu bản, khiến một cháu bé 4 tháng tuổi bị vùi lấp, thiệt mạng khi chưa kịp gọi tiếng “mẹ ơi”. Có 3 người khác bị lũ cuốn trôi, trong đó có người em họ của anh Chống, tên là Chò.

“Người em họ của tôi lúc đó cũng bị lũ cuốn xa hơn 100m, nhưng may mắn bám được vào tấm lưới sắt bên đường nên thoát án tử, còn tài sản nhà cửa thì đã trôi theo lũ. Hiện hai vợ chồng nó đang ở nhờ nhà tôi. Thoát chết, song toàn bộ cẳng chân của Chò bị rách da thịt nhăm nhít vì va đập với cây cối, đất đá trong nước lũ. Đến sáng 4/10, tuy vết thương ở chân của Chò còn rướm máu, nhưng Chò đã cùng với những người khoẻ mạnh trong bản đi giúp đỡ những hộ bị thiệt hại” – anh Chống cho biết. Cũng như Chò, nhiều hộ khác tuy bị thiệt hại nhà cửa, mất hết tài sản nhưng may mắn còn sức khoẻ, còn có khả năng giúp đỡ xóm giềng, họ đã gạt qua những mất mát để chung tay giúp đỡ, chia sẻ hoạn nạn cùng đồng bào mình.

Đó là gia đình thầy giáo Vi Văn Hùng ở bản Hoà Sơn, mỗi đêm nấu 2-3 tạ gạo, nếp để cứu đói cho bà con khi lũ dữ đã cuốn trôi hết nhà cửa, của cải; là Trưởng Công an xã Tà Cạ Lô Đình Quang dù ngôi nhà thân yêu của mình cũng đã trôi theo lũ nhưng vẫn miệt mài với việc giúp dân. Gặp anh Lô Đình Quang ngay tại bản Hoà Sơn khi trời đã quá 12 giờ trưa, dù bộ áo đồng phục ngành Công an đã ướt đẫm mồ hôi, anh vẫn nhanh nhẹn xuôi ngược giữa dòng người, không ngại trèo qua suối, cắt qua những quả đồi cao, dốc trơn trượt để gùi gạo, nước về cho dân bản.

Nhà của Lô Đình Quang và nhà của bố mẹ đẻ đều sập trong nước lũ, phải đi ở nhờ nhà hàng xóm. Bản thân anh Lô Đình Quang ở nhờ nhà của thầy giáo Vi Văn Hùng, vừa để thuận tiện tham gia giúp bà con, vừa hỗ trợ thầy Hùng nấu, chuyển những suất cơm nóng hổi đến tay đồng bào mình trong những thời gian bị nước lũ cô lập.

Nơi tâm lũ quét qua, ngôi nhà của anh Mùa Bá Tủa ở bản Sơn Hà cũng đã mất hút theo dòng nước hung dữ. “Sau lũ, mọi gia sản của anh Mùa Bá Tủa đều không còn gì ngoài một con bò may mắn thoát chết. Người thì được bà con trong bản cho cơm ăn, cho áo mặc chống đói rét, nhưng bò thì nguy cơ chết đói vì đường sá bị chia cắt, cô lập không thể đi lấy cỏ. Biết được tình cảnh của anh Tủa, Trưởng bản Huồi Khả của xã Huồi Tụ là Mùa Dua Thái đã không ngại nguy hiểm gùi một bế cỏ đầy băng qua các ngọn đồi, men theo dòng suối mang cỏ đến cứu đói cho “gia tài” quý giá còn lại của anh Mùa Bá Tủa” – Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ Mùa Bá Giờ cho hay.

Ông Mùa Bá Giờ còn cho biết thêm, ngay sau khi lũ xảy ra, hàng chục cán bộ và người dân xã Huồi Tụ đã không ai bảo ai đều tự giác rủ nhau mang cuốc xẻng băng đồi, vượt suối sang Tà Cạ để giúp đồng bào mình khắc phục hậu quả của thiên tai.

“Có những ngày có tới 72 người từ Huồi Tụ sang Tà Cạ, Mường Xén giúp bà con, ví như ngày 5-6/10, trong số đó có 25 cán bộ xã, 11 đồng chí dân quân tự vệ, còn lại là cán bộ và bà con các bản. Đến ngày 13/10, đồng bào Huồi Tụ đã có 3 đợt sang vùng tâm lũ giúp người dân các bản dọn dẹp nhà cửa, lưu thông đường sá với 136 lượt người tham gia” – Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ cho biết.

Không chỉ xã Huồi Tụ, toàn bộ những xã còn lại của huyện Kỳ Sơn đều cử đoàn cán bộ, nhân dân cùng nhau tiến về Mường Xén, Tà Cạ chung tay với chính quyền, các lực lượng chạy đua với thời gian. Có những xã như Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Bảo Nam trước đó cũng đã hứng chịu nhiều ảnh hưởng, mất mát bởi mưa lớn, sạt lở đất đá, hàng chục hộ dân bị thiệt hại; có những xã cách xa hàng chục cây số như Na Ngoi, Keng Đu, Mường Ải… song trước hoạn nạn của đồng bào mình, cán bộ và người dân đều hăng hái, quyết tâm góp một tay giúp các gia đình bị thiệt hại sớm vượt qua lũ dữ.

Chúng tôi, những người làm công tác thông tin tuyên truyền, cũng có mặt ngay những ngày đầu xảy ra lũ quét ở các bản bị thiệt hại của xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trước những hoang tàn đổ nát mà cơn lũ đã gây ra cho đồng bào mình, đã nhanh chóng kêu gọi, kết nối những tổ chức, cá nhân hảo tâm quyên góp, ủng hộ hàng chục chuyến xe, hàng chục tấn nhu yếu phẩm, gạo góp phần giúp người dân Kỳ Sơn khắc phục hậu quả thiên tai. Tất cả sự đóng góp ủng hộ của đồng bào trong tỉnh, trong nước đều được lãnh đạo huyện và tổ chức Mặt trận Tổ quốc huyện Kỳ Sơn tiếp nhận, tập kết tại một địa điểm là trụ sở làm việc của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.

Ngày 4/10/2022, tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, tầm 19 giờ 30 phút, trời đã sập tối, kèm với việc mất điện khiến người người khó nhìn rõ mặt nhau, nhưng ai nấy đều cật lực khuân những két nước, thùng sữa nặng trịch từ chiếc xe trọng tải 3 tấn xuống sân. Một trong những “phu khuân vác” hôm ấy có Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Vi Thị Quyên. Trong lúc nhân dân đang cần sự hỗ trợ, dù là cán bộ huyện, dù gia đình có người mất nhà, mất tài sản nhưng họ vẫn ngày đêm dồn tâm, dồn sức lo cho nhân dân.

Sau lũ, trung tâm thị trấn Mường Xén trở thành một đại công trường. Giữa những núi đất đá cao quá đầu người, hàng loạt máy xúc, máy ủi cùng hàng trăm người ngày đêm cật lực đào xới đất đá, nạo vét bùn, rồi sửa đường điện, đường nước… Trong ngổn ngang, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng băng qua lũ giúp đưa cháu nhỏ đi cấp cứu, chiến sĩ công an tiếp sức dùng xe chuyên dụng đưa cháu đến bệnh viện kịp thời.

Thượng tá Tô Văn Hậu – Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, từ 2/10 đến nay lực lượng Công an tỉnh và huyện đã điều động 350 cán bộ, chiến sĩ; Bộ Công an tăng cường lực lượng Cảnh sát cơ động 100 người giúp bà con dọn dẹp. Đến sáng 13/10, lực lượng Công an tỉnh tạm thời rút, lực lượng Cảnh sát cơ động vẫn bám trụ dân để giúp.

Có 11 gia đình cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Kỳ Sơn bị ảnh hưởng, trong đó có nhà của 1 đồng chí là Tô Đình Quang – Trưởng Công an xã Tà Cạ và nhà bố mẹ bị sập hoàn toàn nhà, hiện đang phải đi ở nhờ nhà người khác. Song, các cán bộ, chiến sĩ vẫn vừa giúp người dân khắc phục hậu quả lũ quét, vừa làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh xử lý một số trường hợp xuyên tạc sai sự thật về chế độ hỗ trợ của địa phương, cũng như tấm lòng của các nhà hảo tâm hướng về Kỳ Sơn.

Ngoài lực lượng Công an, có mặt nơi tâm lũ còn có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, quân đội, cùng với các đoàn thể địa phương đóng vai trò nòng cốt trong giúp người dân vượt qua hoạn nạn. Thượng tá Nguyễn Thành Đồng – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn cho biết, để kịp thời giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã nhanh chóng triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, điều động 40 cán bộ, chiến sĩ cơ quan, cùng lực lượng dân quân tự vệ các xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Phà Đánh, Bảo Nam để ứng cứu kịp thời. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng lập tức điều động 150 chiến sĩ Trung đoàn 764 cùng tham gia.

Tại những địa bàn bị chia cắt, cô lập, ngoài cán bộ huyện thì lực lượng Bộ đội Biên phòng đến từ các đồn đóng quân tại các xã lân cận cũng là những người đầu tiên đến với nhân dân, vừa mang lương thực, thực phẩm tiếp tế, vừa khảo sát đánh giá tình hình thiệt hại. Ngày 3/10, men theo dọc các mép sông, suối, khi chúng tôi cuốc bộ đến được bản Bình Sơn 1 đang bị chia cắt bởi sạt lở núi thì đã thấy cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Lý có mặt, cật lực sửa nhà cho nhân dân.

“Tổ công tác chúng tôi đến Bình Sơn 1 đã được 2 ngày, làm nhiệm vụ giúp các hộ dân mất nhà cửa ổn định nơi ở, làm nhà tạm; di dời những hộ nguy cơ sập nhà và sửa chữa những nhà bị hư hỏng do lũ cuốn. Bao giờ nhân dân ổn định cuộc sống, chúng tôi mới trở lại đơn vị” – Đại úy Phan Đức Tâm – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Lý, Tổ trưởng tổ công tác cho biết. Đại tá Hồ Quyết Thắng – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng khẳng định, đến ngày 12/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã huy động trên 150 cán bộ, chiến sĩ, có mặt tại điểm nóng tâm lũ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cùng với chính quyền địa phương và các lực lượng khác ổn định cuộc sống cho nhân dân. Lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ ở lại với bà con đến khi hết việc mới trở về.

Chia sẻ, giúp đỡ người dân vùng tâm lũ Kỳ Sơn còn có đông đảo các cá nhân, tổ chức có tấm lòng nhân ái. Họ đến từ mọi miền Tổ quốc, không quản ngại đường sá xa xôi, ngay khi thông tin về trận lũ kinh hoàng diễn ra, các tấm lòng hảo tâm đã ngay lập tức thực hiện kêu gọi, ủng hộ.

Tính đến ngày 10/10, đã có 146 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ Kỳ Sơn tổng số tiền mặt và hàng chục tấn hàng các loại trị giá hơn 29 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 1,6 tỷ đồng tiền mặt và hàng chục tấn hàng hóa như mỳ tôm, sữa, gạo, nước, chăn… quy đổi thành tiền là hơn 2,9 tỷ đồng. Nhiều đoàn thiện nguyện còn đi đến tận các thôn, bản để trao tiền mặt cho người dân hơn 2,7 tỷ đồng và hàng hóa của các đoàn tự vận chuyển đến tận tay người dân trị giá gần 1,4 tỷ đồng.

Những chung tay, chia sẻ, đồng lòng đoàn kết của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội hướng về Kỳ Sơn trở thành nguồn động viên to lớn để chính quyền và người dân nơi đây sớm trở lại cuộc sống bình thường. Những nghĩa tình ấy đã trở thành sức mạnh để mỗi người dân, cán bộ Kỳ Sơn vượt qua hoạn nạn, như lời tâm tình của một người dân Kỳ Sơn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội: “3h45′, ngày 02/10/2022 thật sự là một đêm kinh hoàng đối với tôi, gia đình tôi cũng như người dân khối 1, thị trấn Mường Xén và một số bản của xã Tà Cạ. Lúc bấy giờ ngoài đường nước bùn, đá, cây cối đã băng băng ngang cổng. Rất may mắn là cả gia đình đã kịp chạy thoát thân và bỏ lại toàn bộ tài sản.

Đến hôm nay đã trải qua hơn 2 tuần, mọi thứ vẫn cứ ngổn ngang, lòng vẫn còn bất an mỗi khi mưa xuống. Nhưng đổi lại từ Đảng ủy, chính quyền, các Mặt trận đoàn thể từ huyện xuống các xã, thị trấn đã có những lời động viên cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt là các huyện bạn, các “mạnh thường quân”, các doanh nghiệp và những hội từ thiện đã đến chia sẻ những khó khăn vất vả với người dân Kỳ Sơn.

Tuy vẫn còn nhiều vất vả nữa cuộc sống của mọi người mới có thể gọi là tạm ổn, nhưng với niềm tin vào Đảng, chính quyền, chúng ta sẽ dần dần vượt qua lũ dữ”…