Nơi biển lùi, làng tiến

Các bậc cao niên ở làng biển Nghi Tiến khẳng định, từ thế kỷ XIV, một vài dòng họ từ các vùng về đây khai dân lập ấp, với nghề chính là đánh bắt hải sản. Họ là những ngư dân ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và bên tỉnh Hà Tĩnh trên đường ra khơi đánh cá, bị dạt vào đây và quyết định dừng chân khai đất, lập làng. Xưa kia, nơi đây chủ yếu là núi non và khe, suối, lạch nước có độ dốc lớn.

Dấu vết biển lùi Nghi Tiến. Ảnh: Lê Mạnh Thắng
Dấu vết biển lùi Nghi Tiến. Ảnh: Lê Mạnh Thắng

Sau những biến động của địa chất và quá trình biển lùi đã hình thành nên những bãi bồi khá rộng lớn xen lẫn những bàu, đầm, lạch nước hoang sơ. Ngày nay, ở xã Nghi Tiến vẫn còn Gò Điệp rộng khoảng 3 ha, cao khoảng 10m, là nơi sò, điệp hóa thạch thành từng khối, được xem là dấu tích của biển từ thuở xa xưa.

Mặc dù xuất thân từ nhiều vùng quê và nhiều dòng họ, nhưng những cư dân đến định cư ở xã Nghi Tiến đã sớm kết thành một cộng đồng ngày càng ổn định. Làng xóm dần được hình thành, mối quan hệ giữa các thành viên ngày càng khăng khít, cùng nhau tương trợ để mưu sinh, chống chọi với sự khắc nghiệt của biển cả và bao kẻ thù rình rập.

Làng Hải Bá và Hải Đồn được hình thành, những gò, đồi ven biển và dưới chân núi mọc lên những mái nhà, vườn cây xanh tốt. Càng về sau, cư dân Nghi Tiến càng thêm đông đúc, một phần bắt nguồn từ sự sinh sôi, một phần do người dân khắp nơi tiếp tục tìm về đây làm ăn, sinh sống.

Nét hồn hậu của ngư dân Nghi Tiến. Ảnh: Lê Mạnh Thắng
Nét hồn hậu của ngư dân Nghi Tiến. Ảnh: Lê Mạnh Thắng

Xóm làng ngày một đông đúc và trù phú, người dân luôn đoàn kết một lòng, hướng tới cuộc sống no ấm và cùng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Các dòng họ: Lưu, Trần, Hồ, Lê, Hoàng, Nguyễn, Phạm… cùng uống chung giếng nước, hóng mát dưới gốc đa làng và sẻ chia nguồn lợi từ biển khơi, đồi núi; cùng khai phá, mở rộng các con đường để thông thương với bên ngoài.

Phía trước là bao la biển cả, xung quanh là hùng vĩ núi non, người dân xã Nghi Tiến chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, trồng lúa nước, khai thác vật liệu xây dựng và sau này có thêm nghề nuôi tôm. Trong đó, nghề đánh bắt hải sản có từ rất sớm và được xem là nghề truyền thống, bởi những cư dân đầu tiên về đây định cư là những ngư phủ theo thuyền lênh đênh ra khơi đánh cá. Trải bao thăng trầm, thịnh suy và biến động lịch sử, đến nay, người dân xã Nghi Tiến vẫn gắn bó với nghề nghiệp tổ tiên truyền lại.

Người dân Nghi Tiến gắn bó với biển khơi và những con thuyền. Ảnh: Lê Mạnh Thắng
Người dân Nghi Tiến gắn bó với biển khơi và những con thuyền. Ảnh: Lê Mạnh Thắng

Cũng như bao làng quê của nước Việt, khi hoàn thành việc khai ấp, lập làng, người dân xã Nghi Tiến chung sức xây dựng các công trình văn hóa để cố kết cộng đồng và gửi gắm đời sống tâm linh. Ở đây từng có nhà Văn Thánh để thờ đạo Nho và suy tôn đạo học, khuyến khích con em theo con đường học hành, khoa bảng.

Chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát được dựng năm 1801 để bà con có cuộc sống tâm hồn bình an và hướng thiện. Những ngôi đình làng và đền thờ được xây dựng để bà con nguyện cầu bình an trước sóng gió và sự chở che của bậc Thành Hoàng, thần linh trước mỗi chuyến dong thuyền ra khơi…

Chiều cuối năm, tôi theo chân ông Hoàng Khắc Cảnh (gần 80 tuổi) ở xóm Tiền Phong, xã Nghi Tiến, dạo bước đến một số địa điểm quanh làng. Nơi dừng chân trước tiên là đình Hải Bá, ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ XVII, qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm.

Đình Hải Bá, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên
Đình Hải Bá, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên

Ngôi đình gắn với quá trình hình thành và phát triển của làng, là điểm sinh hoạt cộng đồng và gửi gắm tâm linh của cư dân làng biển. Mỗi chuyến ra khơi, các ngư phủ thường dâng hương, tế lễ cầu xin Thành Hoàng làng phù hộ. Vào mỗi dịp đầu Xuân, làng làm lễ đại tế, tổ chức hội đua thuyền khiến cuộc sống làng biển thêm phần nhộn nhịp.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sân đình là nơi tiễn những chàng trai làng biển ra chiến trường, vang lên lời thề quyết hy sinh gìn giữ non sông. Đây cũng là nơi tổ chức lễ truy điệu, tiễn đưa những người con ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Điều đặc biệt là quanh đình Hải Bá chừng 1 km có 4 giếng làng, đặt tên là giếng Đền, giếng Gia, giếng Bể và giếng Đình. Đây là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng. Người dân địa phương cho hay, dù đại hạn kéo dài, giếng cũng không lúc nào cạn nước. Ngày nay, bà con đã có giếng riêng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình, nhưng giếng làng vẫn được giữ gìn và trân trọng, được xem là di tích của làng quê.

Giếng Đền, xóm Tiền Phong, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên
Giếng Đền, xóm Tiền Phong, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên

Chúng tôi lần lượt đến xem từng giếng, tất cả đều được giữ gần như nguyên trạng, với những phiến đá xếp chồng lên nhau, thành giếng được xây bằng đá núi. Trên thành giếng Đền còn có mấy dòng chữ Hán, gợi nhớ về cảnh sống quần tụ, yên vui và đậm dấu ấn của cộng đồng làng, xã một thời.

Rời giếng làng, ông Hoàng Khắc Cảnh dẫn chúng tôi đến bên mép núi ven biển, nơi có chiếc miếu nhỏ, ở vách đá cạnh bên được gắn tấm bia khắc dòng chữ “Nơi đây đền thờ thần Nam Hải”. Theo lời ông Cảnh, thần Nam Hải chính là cá Ông (cá voi) nên còn gọi là đền Ông Thờ, được người dân xã Nghi Tiến xây dựng hơn 100 năm trước, sau khi phát hiện và tổ chức mai táng 1 con cá Ông bị chết dạt vào bờ dưới vách núi. Từ đó, mỗi khi giong thuyền ra biển, ngư dân làng Hải Bá thường thắp hương khấn vái để cầu xin trời yên, biển lặng, lúc trở về cá, tôm đầy thuyền…

Trong chiến tranh, đền Ông Thờ liên tục hứng chịu bom và pháo hạm của Mỹ nên bị hư hại và đổ sập. Ngôi đền không còn hiện hữu, nhưng vẫn tồn tại trong ký ức và đời sống tâm linh của cư dân làng Hải Bá xưa, xóm Tiền Phong ngày nay. Vào ngày đầu tháng, ngày Rằm và lễ, tết ngôi miếu bên mép đá ven biển luôn nghi ngút khói hương.

Mộ cá voi tại bãi Tiền Phong, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên
Mộ cá voi tại bãi Tiền Phong, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên

Trên bãi biển Tiền Phong còn có 1 ngôi đền nhỏ, bà con thường gọi là đền Mẫu. Trong khuôn viên của đền có 1 ngôi mộ (lăng) được xây bằng gạch, trên bia ghi dòng chữ: “Mộ Cá Ông, 11.2016”. Ông Cảnh cho hay, cuối năm 2016, 1 con cá voi bị chết và dạt vào bờ, ngay phía trước đền Mẫu.

Hay tin, bà con liền góp tiền mua chiếu khâm liệm, chôn cất và xây mộ cho cá voi, những ngày lễ, tết, các gia đình đều ra mộ chăm sóc hương khói như với người thân trong gia đình. Bởi theo quan niệm dân gian vùng biển, cá voi suốt đời vùng vẫy chốn biển cả bao la, khi mất dạt vào nơi nào để yên nghỉ thì chứng tỏ nơi đó là đất lành, cuộc sống sẽ yên ổn. Việc mai táng cá voi luôn được thực hiện trang trọng và linh thiêng, thể hiện niềm tôn kính.

Xã Nghi Tiến hiện nay đang nằm giữa 2 khu du lịch biển nổi tiếng là Bãi Lữ (Nghi Lộc) và TX. Cửa Lò, các tuyến đường đang được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện để kết nối và phát triển. Dù cuộc sống đổi thay, người dân nơi đây luôn mong giữ được những nét đẹp và nhịp sống hồn hậu của làng quê ven biển…

Người dân Nghi Tiến gắn bó với biển khơi và những con thuyền. Ảnh: Lê Mạnh Thắng
Người dân Nghi Tiến gắn bó với biển khơi và những con thuyền. Ảnh: Lê Mạnh Thắng