Nỗ lực đổi mới, sáng tạo vì lợi ích của người lao động

P.V: Đồng chí có thể thông tin ngắn gọn về đặc điểm, tình hình đoàn viên, người lao động và các tổ chức công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An ở thời điểm hiện tại?

Đồng chí Kha Văn Tám: Hiện Nghệ An có 171.283 đoàn viên và 2.885 công đoàn cơ sở. Trong đó, tỷ lệ đoàn viên nữ chiếm hơn 56,5% với 96.873 đoàn viên.

Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng công nhân. Ảnh: Thanh Quỳnh
Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng công nhân. Ảnh: Thanh Quỳnh

So với đầu nhiệm kỳ thì đoàn viên tăng 25.397, còn công đoàn cơ sở giảm 185 đơn vị. Điều kiện làm việc của đoàn viên, người lao động từng bước đã được cải thiện; Thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp từ 5,3 – 6,1 triệu đồng/tháng.

Tại các Khu công nghiệp tập trung có hơn 5.000 lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức giảm trong khi lao động trong các doanh nghiệp, khu vực phi chính thức tăng.

P.V: Khi nhắc đến công đoàn, điều mà đoàn viên luôn đặt niềm tin đó chính là việc bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của họ. Vậy trong khoảng thời gian khó khăn nhất đối với họ là đại dịch Covid – 19 và làn sóng cắt giảm nhân công trong năm vừa qua, thì công đoàn các cấp đã làm gì để thực hiện tốt vai trò của mình?

Hỗ trợ con người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: CSCC
Hỗ trợ con người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: CSCC

Đồng chí Kha Văn Tám: Có thể nói, đó là hai giai đoạn khó khăn mà tổ chức công đoàn các cấp đã luôn nỗ lực để đồng hành, sẻ chia cùng đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh. Nhiều đoàn viên vẫn chưa quên những hình ảnh vào cuối năm 2021, khi những đoàn xe máy của lao động Nghệ An từ các tỉnh phía Nam nối đuôi nhau hồi hương tránh dịch, tổ chức công đoàn là một trong những tổ chức đầu tiên có mặt tại cầu Bến Thủy để hỗ trợ những lao động này.

Thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn mà đoàn viên, người lao động đang phải đối mặt, tổ chức công đoàn các cấp đã nỗ lực để phối hợp với các ngành Y tế,  Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ công nhân lao động là F0 được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ việc; chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid -19, công nhân lao động trở về từ miền Nam; hướng dẫn công nhân đang thuê nhà trọ nhận hỗ trợ theo Quyết định 08…

Nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, người lao động ra đời. Có thể kể đến như mô hình “Bếp ăn công đoàn”, “Chuyến xe 0 đồng”, tổ chức tư vấn trực tiếp về chăm sóc sức khỏe hậu Covid -19; Kết nối thông tin để giới thiệu việc làm và phát động trong công nhân, viên chức, lao động toàn tỉnh ủng hộ vào quỹ Phòng chống dịch Covid-19. Nhờ những nỗ lực đó, các cấp Công đoàn huy động được 27.104.763.000 đồng để hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Khó khăn vì đại dịch vừa đi qua thì từ tháng 9/2022 đến giữa năm nay xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đoàn viên công đoàn bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động. Trước tình hình đó, Công đoàn đã tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực lên người lao động, bằng cách thương lượng các chế độ hỗ trợ, chương trình đào tạo lại, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, thực hiện Quyết định 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/01/2023 của Tổng Liên đoàn về thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xét duyệt hỗ trợ đợt 1 cho 513 người thuộc 6 doanh nghiệp, với số tiền 541,7 triệu đồng, đang xét hồ sơ đề nghị đợt 2 với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng cho 1.945 người lao động. Sự hỗ trợ này đã góp phần quan trọng để người lao động vượt qua khó khăn, thêm tin tưởng vào tổ chức công đoàn.

P.V: Trong nhiệm kỳ qua đã xảy ra 19 cuộc đình công. So với nhiệm kỳ trước đã tăng 8 cuộc đình công. Đồng chí có thể cho biết nguyên nhân và vai trò của công đoàn khi xảy ra những điểm nóng này?

Đồng chí Thái Minh Sỹ - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cùng công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam tổ chức bữa cơm công đoàn cho người lao động. Ảnh: Thanh Quỳnh
Đồng chí Thái Minh Sỹ - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cùng công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam tổ chức bữa cơm công đoàn cho người lao động. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đồng chí Kha Văn Tám: Nguyên nhân của các cuộc đình công chủ yếu xuất phát từ xung đột về lợi ích liên quan đến tiền lương, thu nhập, chế độ trợ cấp, phúc lợi, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, hành vi ứng xử của người quản lý, chính sách hỗ trợ người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Trong khi đó, các giải pháp chủ động trong phòng ngừa các cuộc đình công chưa được thực hiện triệt để, hiệu quả. Một số công đoàn cơ sở và tổ chức đoàn thể tại doanh nghiệp còn bị động, lúng túng trong công tác chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, khả năng giải quyết tranh chấp lao động còn hạn chế.

Xác định rõ nguyên nhân, ngay sau khi xảy ra các cuộc đình công, đại diện Liên đoàn Lao động các cấp đã có mặt kịp thời, trực tiếp thu thập nắm bắt tình hình, tổng hợp và phân loại các ý kiến của công nhân; phối hợp với các ngành, các đơn vị để kiểm tra, rà soát các chế độ chính sách liên quan mà công nhân kiến nghị.  Từ đó, đại diện Liên đoàn Lao động yêu cầu doanh nghiệp trả lời kiến nghị gửi đến toàn thể công nhân để tạo nên sự thống nhất về tư tưởng. Công đoàn cũng đã tuyên truyền, thuyết phục, vận động đề nghị doanh nghiệp giải quyết một số kiến nghị chính đáng cho người lao động. Nổi bật như: Nghiên cứu quy định của pháp luật để bổ sung phụ cấp độc hại, nặng nhọc, nâng tiền ăn ca, điều chỉnh, rút kinh nghiệm về thái độ của quản lý, khắc phục lỗi máy báo chấm công… Thông qua những hoạt động này đã bảo vệ tối đa lợi ích cho người lao động, giải quyết đình công dứt điểm, không để tình trạng tranh chấp kéo dài, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Trong nhiệm kỳ, Công đoàn các cấp đã phối hợp với nhiều đơn vị để ký kết các chương trình hoạt động nhằm mang lại quyền lợi, dịch vụ thiết yếu để hỗ trợ người lao động. Ảnh: Thanh Quỳnh
Trong nhiệm kỳ, Công đoàn các cấp đã phối hợp với nhiều đơn vị để ký kết các chương trình hoạt động nhằm mang lại quyền lợi, dịch vụ thiết yếu để hỗ trợ người lao động. Ảnh: Thanh Quỳnh

P.V: Bước vào giai đoạn hiện nay, tổ chức công đoàn có những thay đổi gì để thích ứng với những yêu cầu mới nảy sinh từ thực tiễn, từng bước đảm bảo song hành 2 yếu tố: “mạnh về lượng, vững về chất” nhằm tạo dựng chỗ dựa tin cậy cho đoàn viên?

Đồng chí Kha Văn Tám: Có thể khẳng định, kết quả hoạt động của Công đoàn Nghệ An thời gian qua đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều chương trình, hoạt động lần đầu tiên được triển khai, tổ chức. Đơn cử như việc Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với 21/21 huyện ủy, thành ủy và Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh về chỉ đạo tổ chức và hoạt động công đoàn tại các địa phương, ngành có đông đoàn viên, người lao động. Qua đó, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An còn là một trong số các đơn vị đi đầu trong hệ thống công đoàn toàn quốc xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn toàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác thông tin tuyên truyền và triển khai nhiệm vụ.

Trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 30 công nhân lao động có nhiều thành tích trong lao động sản xuất năm 2022. Ảnh: Đình Tuyên
Trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 30 công nhân lao động có nhiều thành tích trong lao động sản xuất năm 2022. Ảnh: Đình Tuyên

Đối với công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động đã có sự đổi mới trong các chương trình gắn với “thương hiệu” của tổ chức Công đoàn như: “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm Công đoàn”… Các chương trình này đã lồng ghép những hoạt động sáng tạo như tổ chức Diễn đàn “Cảm ơn người lao động”; tổ chức Chương trình “Đến với nhà trọ công nhân lao động” để thăm hỏi, tặng quà. Thông qua đó, trong nhiệm kỳ đã huy động được 57 tỷ 444 triệu đồng tổ chức các hoạt động “Tết Sum vầy”. Mang lại 239 căn nhà được xây mới và sửa chữa mang tên “Mái ấm Công đoàn”, với tổng số tiền 8,425 tỷ đồng, xây dựng 02 nhà bán trú cho giáo viên với số tiền 1 tỷ đồng..

Các phong trào thi đua yêu nước, được đổi mới mạnh mẽ, thu hút đông đảo đoàn viên tích cực tham gia. Nổi bật trong đó, Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”: Nghệ An dẫn đầu cả nước về số người đăng ký và số người nộp sáng kiến. Còn đối với Chương trình “01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”  Kết thúc giai đoạn 1, Nghệ An xếp thứ 5 trong toàn quốc. Giá trị làm lợi ước tính của các đề tài, sáng kiến là hàng trăm tỷ đồng. Những nỗ lực đó đã giúp Công đoàn Nghệ An đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, trở thành đơn vị tiêu biểu toàn quốc trong việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

P.V: Bước vào nhiệm kỳ mới với những thuận lợi và khó khăn đan xen, theo đồng chí, tổ chức công đoàn cần thay đổi những gì để củng cố sức mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động?

Công đoàn Nghệ An bước vào nhiệm kỳ mới với khí thế tiên phong đổi mới, sáng tạo, nỗ lực chăm lo, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ảnh: Đình Tuyên
Công đoàn Nghệ An bước vào nhiệm kỳ mới với khí thế tiên phong đổi mới, sáng tạo, nỗ lực chăm lo, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ảnh: Đình Tuyên

Đồng chí Kha Văn Tám: Trong 5 năm tới, Nghệ An hứa hẹn sẽ là một trong những điểm đến của các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, đặt ra nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực lao động có kỹ thuật, chất lượng cao. Đội ngũ CNVCLĐ Nghệ An sẽ tăng nhanh về số lượng khi nhiều dự án lớn đi vào hoạt động. Cùng đó, dưới tác động của cách mạng công nghệ 4.0, thay đổi công nghệ, sự phức tạp của tình hình thế giới sẽ là những đổi thay lớn từ thực tiễn.

Trước những biến động đó, điều cốt lõi là cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn thật sự đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược và việc kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên. Mỗi cán bộ công đoàn cần phải biết vươn lên, hoàn thiện hơn về trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ; có bản lĩnh, dẫn dắt tốt các hoạt động phong trào, truyền cảm hứng cho các cán bộ công đoàn cơ sở và đoàn viên, người lao động.

Công đoàn các cấp cũng cần tập trung nguồn lực, tích cực triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước, nơi có đông công nhân, nơi tiềm ẩn phức tạp trong quan hệ lao động. Cần xây dựng nguồn lực tài chính, tài sản công đoàn đủ mạnh, làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động công đoàn trong tình hình mới, tạo sự chuyển biến theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch. Sự đổi mới một cách nghiêm túc, đồng bộ sẽ giúp tổ chức công đoàn vững mạnh, luôn là chỗ dựa vững chắc cho công nhân, người lao động trong tình hình mới”.

Cuối cùng, cần lấy Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” để làm bản lề xây dựng các chương trình hành động, từng bước xây dựng công đoàn ngày càng vững mạnh, luôn là chỗ dựa vững chắc cho công nhân, người lao động trong tình hình mới”./.

P.V: Cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!