Những trải nghiệm thú vị khi đến Cửa Lò

Bãi biển Cửa Lò được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là một trong những bãi tắm lý tưởng nhất Việt Nam với chiều dài trên 10 km, độ dốc thoải đều, nước biển trong xanh, sóng vừa phải, độ mặn thích hợp là những đặc điểm mà không phải bãi tắm nào cũng có… Tại đây du khách có thể tham gia nhiều hoạt động như: kéo lưới, câu mực đêm cùng người dân hay trải nghiệm mô tô nước, đá bóng, thả diều trên bãi biển…

Ảnh: Nguyễn Đạo - Sách Nguyễn
Ảnh: Nguyễn Đạo - Sách Nguyễn

Nằm ngay sát bờ biển, đảo Lan Châu có hình dáng như một con cóc khổng lồ đang vươn mình ra biển khơi. Đảo này nằm trong tour du lịch chính của thị xã biển Cửa Lò, dành cho những du khách ưa khám phá vẻ đẹp hoang sơ. Phía đông đảo Lan Châu là những vách đá lô nhô trải dài ra phía biển, do sự bào mòn của gió và sóng tạo cho những hòn đá này có những hình thù kỳ thú. Trên đỉnh cao của đảo có lầu Nghinh Phong của vua Bảo Đại. Từ vị trí này có thể quan sát toàn cảnh thị xã, Cảng Cửa Lò và phóng tầm mắt ra biển khơi bao la.

Từ cầu cảng đảo Lan Châu, du khách có thể di chuyển bằng ca nô, thuyền ra Đảo Ngư. Được biết từ 1/6/2024 sẽ có hệ thống cáp treo xuất phát từ khu VinWonders Cửa Hội – cáp treo vượt biển đầu tiên và duy nhất của Bắc Trung Bộ, với độ dài 3,5 km, công suất phục vụ 1.500 khách 1 giờ, kết nối tổ hợp công viên giải trí bên bờ với quần thể sinh thái đảo Ngư, mang đến tầm nhìn 360 độ ngắm trọn vẹn biển Cửa Lò với cảnh sắc đẹp đến choáng ngợp.

Đảo Lan Châu trong ánh bình minh. Ảnh: Sách Nguyễn
Đảo Lan Châu trong ánh bình minh. Ảnh: Sách Nguyễn

Đảo Ngư hay còn gọi là Song Ngư, được hình thành từ 2 ngọn núi lớn hướng ra biển. Trên đảo có chùa Ngư, được xây dựng từ đời nhà Trần cách đây gần 700 năm và tương truyền rất linh thiêng. Chùa nằm giữa lối giao thương của Cửa Lò và Cửa Hội nên từ xưa thương nhân nếu qua lại buôn bán thường vào đây thắp hương và khấn xin điều may mắn. Chùa Ngư gồm chùa thượng, chùa hạ và vườn chùa. Trong chùa ngoài thờ Phật tổ còn thờ vị tướng tài thời nhà Trần là Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn.

Nằm ở trung tâm thị xã Cửa Lò, làng chài Nghi Thủy vẫn còn lưu giữ được những nét đặc sắc của văn hóa biển, và trở thành “vốn quý” để khách du lịch khám phá và trải nghiệm khi đến với phố biển xinh đẹp này. Điểm check-in này rất phù hợp với những du khách ưa khám phám trải nghiệm, sống chậm… với rất nhiều cung bậc cảm xúc của không khí chộn rộn từ 3 – 4 h sáng í ới ở chợ; là mùi thơm nức của mẻ cá nướng, tôm nướng đón bình minh; là khi nắng đã vỡ òa tràn ngập không gian cũng là lúc các mẹ các chị tất tả chở cá đi bán …

Ảnh: Sách Nguyễn - Đình Tuyên - Thanh Phúc
Ảnh: Sách Nguyễn - Đình Tuyên - Thanh Phúc

Để trải nghiệm nghề làm nước mắm truyền thống có từ lâu đời, các làng nghề nước mắm như Hải Giang 1, Nghi Thủy cũng là lựa chọn thú vị cho du khách. Ở đây du khách có cơ hội được trải nghiệm cùng người dân làm các công đoạn chế biến các sản phẩm như nước mắm nhỉ, mắm tép, mắm chua nổi tiếng của Cửa Lò.

Đặc biệt, đến với Cửa Lò vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần du khách sẽ được hòa mình vào các hoạt động như lễ hội âm nhạc đường phố gắn với hoạt động ẩm thực đêm, hội thi dân vũ, các nhóm nhảy… được tổ chức vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Ngoài ra còn có lễ hội Carnival đường phố, lễ hội cầu ngư, đêm hội hoa đăng… sẽ làm phong phú thêm những trải nghiệm khi đến Cửa Lò.

Thị xã Cửa Lò hiện có 40 di sản văn hóa vật thể đã được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó có 13 di tích đã được xếp hạng gồm 4 di tích Quốc gia (đền Vạn Lộc; nhà thờ họ Hoàng Văn; đền Mai Bảng; nhà thờ, khu lăng mộ Nguyễn Trọng Đạt) và 9 di tích cấp tỉnh.

Ảnh: Huy Thư
Ảnh: Huy Thư

Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, trên địa bàn thị xã Cửa Lò còn tồn tại và phát triển 6 loại hình với 97 di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở này, thị xã lựa chọn lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu “Lễ hội Đền Yên Lương” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Bên cạnh những món ăn thơm ngon hương vị truyền thống vị mặn mòi của biển như cá thu nướng, mực nhảy, mọc cua bể, ghẹ hấp, cháo nghêu… thời gian gần đây nhiều nhà hàng của thị xã biển còn biến tấu nhiều món ăn lạ miệng, hấp dẫn như tiết canh tôm hùm, gỏi cá trích chua thanh đậm đà, ốc hương sốt bơ ăn kèm với bánh mỳ…

Điều quan trọng là đồ ăn ở Cửa Lò tươi ngon, giá cả phải chăng. Đặc biệt, nếu cần thưởng thức súp lươn, phở gà, bánh mướt, hay xôi các loại thì Cửa Lò cũng sẵn sàng phục vụ du khách.

Ảnh: Đình Tuyên - Hồ Phương
Ảnh: Đình Tuyên - Hồ Phương

Thị xã hiện có hơn 300 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 2 đến 5 sao như khách sạn Mường Thanh, khách sạn Sài Gòn Kim Liên, hệ thống khách sạn Summer, Khu Vinpearl Discovery Cửa Hội sẽ đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Ngoài ra, thị xã đã có trên 150 nhà hàng mới được xây dựng khang trang, sạch, đẹp, hiện đại với cung cách và chất lượng phục vụ đáp ứng tổ chức tốt các sự kiện lớn.

Ảnh: Nguyễn Đạo - Đức Anh
Ảnh: Nguyễn Đạo - Đức Anh

Xe điện sẽ là người bạn đồng hành thuận tiện, thân thiện của du khách trong các chuyến mua sắm, ăn uống, tham quan, trải nghiệm trong các tour nội thị tại Cửa Lò như: Đảo Lan Châu – Đền Vạn Lộc – Điểm đến phường Nghi Thủy hoặc Đền Làng Hiếu – Cầu Cửa Hội – Làng nghề nước mắm Hải Giang I – Khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Hội…

Để mở rộng liên kết quảng bá các điểm du lịch trên địa bàn thị xã với các điểm du lịch trong tỉnh, trong nước, năm nay thị xã tiếp tục liên kết tour du lịch Cửa Lò – Vinh – Nam Đàn, Cửa Lò – Hà Tĩnh và các điểm du lịch trong nước.

Ảnh: Đình Tuyên
Ảnh: Đình Tuyên

Trao đổi với ông Hoàng Thanh Sơn – Trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Cửa Lò, được biết: trong đêm khai mạc du lịch Cửa Lò 2024 và đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội đền Yên Lương diễn ra vào tối 18/4, đã có hơn 30 nghìn du khách khắp nơi trong và ngoài tỉnh về với Cửa Lò. Đây là 1 tín hiệu vui để Cửa Lò trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước, quốc tế.

Để đảm bảo công tác phục vụ khách du lịch năm 2024, Cửa Lò đã đầu tư xây dựng tuyến đường dạo bộ dọc bãi tắm từ đảo Lan Châu đến Vinpearl Cửa Hội với hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí để phục vụ du khách dạo bộ và thưởng thức khung cảnh bãi biển về đêm, gắn với quy hoạch khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh. Quy hoạch bổ sung các điểm tắm tráng, bãi gửi xe, các điểm check-in và các vị trí trồng hoa cúc biển. Quy hoạch điểm bán mực nháy Cửa Lò và các sản phẩm đánh bắt về đêm, các sản phẩm OCOP (khu vực trên vỉa hè đường Nguyễn Xí từ đường Bình Minh nối ra đảo Lan Châu). Chỉnh trang các khu ẩm thực ven sông Lam, khu ẩm thực đường Mai Thúc Loan. Đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình gắn với xây dựng điểm đến phường Nghi Thủy, Nghi Thu và điểm đến các phường để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch Cửa Lò…

Ảnh: Đình Tuyên - Đức Anh
Ảnh: Đình Tuyên - Đức Anh

Ông Doãn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò nhấn mạnh: Năm 2024 là năm bản lề, năm nước rút để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh giai đoạn 2020 – 2025; kỷ niệm 30 năm thành lập thị xã, du lịch Cửa Lò đang đứng trước vận hội mới. Trước thời cơ và vận hội đó, Đảng bộ và nhân dân Cửa Lò tập trung vào các nhiệm vụ như: Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, chỉnh trang hệ thống hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, điện trang trí. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá Cửa Lò là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Tập trung phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị cao, từng bước kéo dài thời gian hoạt động du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách. Tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng, nguồn lao động phục vụ du lịch. Tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và đề ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả các Đề án, Kế hoạch phục vụ phát triển du lịch.

Biển người về với đêm khai mạc du lịch Cửa Lò 2024. Ảnh: Sách Nguyễn
Biển người về với đêm khai mạc du lịch Cửa Lò 2024. Ảnh: Sách Nguyễn