Một người dành thời gian, tiền bạc trở lại chiến trường xưa tìm mộ đồng đội; một người chỉ còn 2% sức khỏe vẫn nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ. Có thể xem thương binh Nguyễn Tất Triển và Nguyễn Đình Lợi là những người tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và toát lên phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ.
Khoảng 3 năm nay, khi công việc xã hội bắt đầu vơi đi, việc gia đình cũng đã nhẹ nhàng, ông Nguyễn Tất Triển ở khối 7, phường Trung Đô (thành phố Vinh) dành thời gian vào chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội.
“Gần đây, thông tin về phần mộ liệt sỹ ở các nghĩa trang trên khắp cả nước hầu hết đã được đưa lên mạng Internet, giúp thân nhân gặp thuận lợi hơn nhiều trong việc tìm kiếm. Nhưng có điều, bố mẹ hay vợ của liệt sỹ đều đã già, có những người ở nơi thôn cùng xóm vắng sẽ ít có điều kiện tiếp cận và tra cứu. Vì thế, tôi nghĩ mình phải đến tận nơi xin danh sách, sơ đồ phần mộ và tìm cách chuyển đến cho gia đình” – ông Triển bộc bạch.
Ông Nguyễn Tất Triển (SN 1949) quê ở xã Minh Sơn (Đô Lương), nhập ngũ năm 1967 và được biên chế vào Trung đoàn 1 – Sư đoàn 324, địa bàn chiến đấu chủ yếu ở mặt trận Trị – Thiên và chiến trường Lào. Năm 1973, trong một trận chiến đấu, Nguyễn Tất Triển bị mảnh đạn pháo xuyên vào bụng rồi cắm vào ruột, phải phẫu thuật để nối lại.
Không thể tiếp tục ở lại chiến đấu, ông được điều về công tác tại Bộ tư lệnh Quân khu 4 và nghỉ hưu năm 1989 với quân hàm Trung tá. Nghỉ hưu, ông Triển vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội, làm cán bộ khối phố, Hội Cựu chiến binh, rồi Bí thư Đảng ủy phường Trung Đô.
Gần đây, mỗi khi cảm thấy sức khỏe ổn định, ông Nguyễn Tất Triển lại thu xếp công việc vào Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, tìm đến các nghĩa trang lớn, nhỏ để xin danh sách và phần mộ liệt sỹ quê Nghệ An. Cách làm của ông là xin ghi chép lại danh sách liệt sỹ, rồi ra khu mộ đối chiếu, ghi chép vị trí của từng ngôi mộ theo hàng dọc, ngang. Về nhà, ông phân chia danh sách liệt sỹ tìm được theo quê quán (huyện, xã), đơn vị, ngày hy sinh và số mộ chí.
Điều đáng nói nữa là tuổi đã cao nhưng ông Nguyễn Tất Triển vẫn học hỏi và thành thạo kỹ năng soạn thảo văn bản trên máy vi tính và sắp xếp danh sách một cách hợp lý, khoa học. Mỗi lần có thêm danh sách mới, ông Triển in ấn thành nhiều bản, thông qua Hội Cựu chiến binh tỉnh gửi về hội cấp huyện và nhờ chuyển về xã, tìm cách liên hệ, kết nối với thân nhân, gia đình.
Trong vòng 3 năm qua, ông đã có nhiều chuyến đi và tìm được gần 800 phần mộ liệt sỹ nằm rải rác khắp các nghĩa trang vùng Trị – Thiên. Riêng năm 2018, ông Triển có 4 chuyến đi đến các nghĩa trang ở Hương Trà, Phong Điền, A Lưới (Thừa Thiên – Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị). Kết quả, tìm được được 246 phần mộ, tất cả đều đã được lập thành danh sách và gửi về các địa phương, chờ hồi âm.
Việc tìm kiếm phần mộ của ông Nguyễn Tất Triển bước đầu đã có những tín hiệu tốt đẹp khi nhờ đó mà một vài gia đình đã tìm và đưa mộ người thân về quê hương. Đó là gia đình liệt sỹ Bùi Văn Thanh ở Minh Sơn (Đô Lương), Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Hoa ở thành phố Vinh. Và một số gia đình ở các huyện, thị đã liên lạc với ông để bày tỏ ân nghĩa, vì nhờ ông mà họ biết được nơi người thân mình đang an nghỉ để vào thăm viếng. Sắp tới, ông sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm, mở rộng quy mô lên các địa bàn vùng sâu, vùng xa gần biên giới Việt – Lào.
Về kinh phí đi lại, ông Triển hoàn toàn tự túc, bao năm nay số tiền trợ cấp thương binh ông dành lại để thực hiện việc ân nghĩa này. “Càng về sau, tâm tư luôn thôi thúc tôi trả phần nào “món nợ” ân tình cho đồng đội. Trong chiến trường, tham gia hàng trăm trận đánh, có khi đang ngồi ăn hay trên đường hành quân, đột nhiên người cạnh bên trúng mảnh đạn rồi hy sinh. Được trở về cùng gia đình, có mái ấm hạnh phúc, con cháu đuề huề, tôi có cảm giác như đồng đội ngã xuống để dành phần sống cho mình” – ông Triển tâm sự.
Một ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm tượng đài ghi công và phần mộ của 28 liệt sỹ trong cao trào Xô viết Nghệ – Tĩnh (người dân địa phương thường gọi là nghĩa trang) ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu). Tượng đài uy nghi và khá bề thế, nằm bên con đường thiên lý Bắc – Nam, khuôn viên sạch đẹp với hàng chục loài hoa ngát hương và hàng trăm cây ăn quả.
Nơi luống hoa bên góc, người đàn ông một tay giữ chiếc nạng gỗ, tay kia cầm kéo cắt tỉa lá, cành với dáng vẻ cần mẫn và chăm chỉ. Có khách ghé thăm, ông tạm dừng công việc, chỉ tay mời về căn phòng nhỏ nằm phía cuối góc rồi khập khiễng chống nạng bước vào. Lúc này, chúng tôi mới nhận ra ông là một thương binh nặng.
Người thương binh ấy tự giới thiệu tên là Nguyễn Đình Lợi, nhà ở xóm Trường Tiến, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), là thương binh mất sức 98%, nhận làm quản trang đã hơn 20 năm. Ông Lợi dẫn chúng tôi lên chân tượng đài và giới thiêu về sự kiện diễn ra ngày 7/11/1930 dẫn đến sự hy sinh của 28 liệt sỹ.
Theo lời ông Lợi, chiều 7/11/1930, xác của hàng chục đồng bào tham gia biểu tình bị bắn chết nổi dạt trên sông Bùng, 28 người ngã xuống được chôn cất cùng một địa điểm cách phủ đường không xa, nay thuộc xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc. Để tưởng nhớ những người đã anh dũng ngã xuống, năm 1995 huyện Diễn Châu quyết định xây dựng Đài tưởng niệm.
Về phần mình, ông Nguyễn Đình Lợi cho biết mình nhập ngũ năm 1975 và sớm có mặt trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn Lào tiêu diệt tàn quân của bọn phỉ Vàng Pao. Năm 1982, trong một trận truy quét địch ở vùng rừng núi hiểm trở thuộc tỉnh Bô-Ly-Khăm-Xay, không may bị trúng đạn và ngã xuống từ vách núi cao khiến cột sống bị gãy.
Nguyễn Đình Lợi lập tức được chuyển về nước để điều trị, được Giáo sư Tôn Thất Tùng trực tiếp phẫu thuật và can thiệp bằng những thiết bị y tế hiện đại nhất. Qua 3 năm với chế độ chăm sóc đặc biệt, nhờ thiết bị “ăng ten cột sống” và “áo giáp ăng ten”, ông có thể dậy đi lại bằng nạng gỗ và xe lăn điện. Về an dưỡng tại Trại điều dưỡng thương binh 4 một thời gian, ông xin về an dưỡng tại nhà và lập gia đình với bà Nguyễn Thị Thúy (SN 1961), lần lượt sinh được 4 người con.
Năm 1995, khi Đài tưởng niệm và phần mộ 28 liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh hoàn thành, ông Lợi lập tức viết đơn tự nguyện đảm đương công việc trông coi, chăm sóc. “Khi ấy, sức khỏe đã ổn định, ngồi không ở nhà cảm thấy bứt rứt, công việc chăm sóc phần mộ cũng không quá vất vả nên tôi làm đơn gửi lên huyện, xã để xin nhận chăm sóc”.
Để có được khuôn viên này, người thương binh mất 98% sức khỏe ấy có công rất lớn, bởi toàn bộ hơn 100 cây ăn quả đang tỏa bóng mát nơi đây đều do bàn tay ông Lợi ươm trồng và chăm sóc. Hàng tháng, UBND huyện dành một khoản gọi là hỗ trợ tiền công, số tiền không nhiều nhưng với ông Nguyễn Đình Lợi đó không phải là tất cả.
Ông chia sẻ: “Là thương binh hạng nặng, nhận được ưu đãi đặc biệt của nhà nước, vợ cũng được nhận phụ cấp chăm sóc thương binh nặng, các con đã trưởng thành và công việc ổn định nên tôi xác định làm công việc này để khuây khỏa, góp phần làm đẹp và tri ân những con người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước”.
Những việc làm của thương binh Nguyễn Tất Triển và Nguyễn Đình Lợi đã được thân nhân, gia đình liệt sỹ, các cấp chính quyền và nhân dân ghi nhận. Họ thực sự tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường.