P.V: Lịch sử phát triển Cửa Lò gắn liền với lịch sử phát triển du lịch biển Nghệ An. Trong quá trình phát triển này, Cửa Lò đã có những dấu mốc đáng nhớ nào thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thanh Long: Ngày 29/8/1994, Chính phủ có quyết định thành lập thị xã Cửa Lò. Cửa Lò được ra đời trên cơ sở tách ra từ huyện Nghi Lộc. Đây chính là điều kiện thuận lợi để du lịch biển ở Nghệ An có bước phát triển mới. Cần phải nhắc lại rằng, lịch sử du lịch biển Nghệ An đã có từ trước đó rất lâu, khi vào năm 1907, người Pháp đã chọn Cửa Lò để xây dựng nên một vùng nghỉ mát và tắm biển.
Quá trình phát triển của du lịch biển Cửa Lò có thể được chia làm 3 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn sơ khai (từ năm 1994 đến năm 2004), giai đoạn xây dựng đô thị du lịch biển văn minh (2004-2021), giai đoạn phát triển mới (từ năm 2022 trở đi).
Trong giai đoạn sơ khai, trên nền tảng là một số nhà nghỉ điều dưỡng có sẵn, Cửa Lò đã thực hiện xây dựng hệ thống ki-ốt sát biển (phía Đông đường Bình Minh) để tạo nên dấu ấn, thu hút du khách. Trong giai đoạn này, Cửa Lò đã từng bước xây dựng nên thương hiệu du lịch biển của mình và thu hút được khá đông du khách… Trong cuối giai đoạn sơ khai, ở Cửa Lò đã xuất hiện một số biểu hiện không tốt cho sự phát triển du lịch như chặt chém, nâng giá, ép giá, chèo kéo du khách.
Bước sang giai đoạn xây dựng đô thị du lịch biển văn minh, Cửa Lò đã ban hành chủ trương “5 không” (Không nâng ép giá; Không chèo kéo, đeo bám khách; Không tẩm quất, bán hàng rong; Không làm tổn hại môi trường; Không làm mất an ninh, trật tự) và thực hiện quyết liệt chủ trương đó. Chủ trương “5 không” được ra đời sau khi Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Hồ Đức Phớc (2004-2007) thực hiện khảo sát, học hỏi cách làm du lịch tại các địa phương phát triển du lịch biển trong cả nước. Nhờ thực hiện chủ trương “5 không” các biểu hiện tiêu cực đã giảm thiểu tối đa. Năm 2014, Cửa Lò đã được công nhận là đô thị du lịch biển đầu tiên trong cả nước.
Trong giai đoạn phát triển mới, Cửa Lò đã thực hiện một cuộc cách mạng nhằm nâng tầm du lịch của địa phương. Cụ thể, thị xã nhận thấy sứ mệnh lịch sử của hệ thống ki-ốt sát biển đã chấm dứt, cần phải giải tỏa, trả lại vẻ đẹp mặt biển, tạo điều kiện để Cửa Lò xây dựng phát triển du lịch biển theo hướng hiện đại. Cùng với việc giải tỏa hệ thống ki-ốt là sắp xếp lại đô thị mở rộng không gian du lịch về phía Tây; tăng cường đổi mới công tác quản lý các loại hình dịch vụ, trong đó có xe điện và giá cả các loại hàng hóa…
Bước đầu, Cửa Lò đã thành công trong việc giải tỏa hệ thống ki-ốt, sắp xếp lại hệ thống nhà hàng. Dịch vụ xe điện phục vụ đưa, đón du khách ở Cửa Lò được đánh giá đẹp, văn minh, đứng đầu các đô thị du lịch biển.
P.V: Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về những hoạt động nhằm nâng tầm du lịch của Cửa Lò trong giai đoạn phát triển mới? Và đâu là những khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục?
Đồng chí Lê Thanh Long: Để nâng tầm du lịch Cửa Lò trong giai đoạn phát triển mới, Cửa Lò đã phải chấp nhận một thời kỳ quá độ. Thời kỳ này, Cửa Lò tập trung lớn vào việc xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch. Cụ thể, sau khi giải tỏa hệ thống ki-ốt phía Đông đường Bình Minh, Cửa Lò tiến hành xây dựng đồ án quy hoạch Khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh và hiện tại đã công bố quy hoạch. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ họp bàn cách đấu thầu xây dựng các khu câu lạc bộ biển. Sau khi hoàn thành, chắc chắn diện mạo Cửa Lò sẽ có sự thay đổi lớn theo hướng hiện đại, độc đáo, bản sắc, thân thiện và hiệu quả kinh tế cao.
Song hành với việc quy hoạch, xây dựng Khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh, thị xã cũng đã tiến hành sắp xếp lại hệ thống nhà hàng ở phía Tây đường Bình Minh. Đến nay, khu vực phía Tây đã có trên 150 nhà hàng mới được xây dựng khang trang, sạch, đẹp, với cung cách và chất lượng phục vụ tốt.
Thị xã cũng đã ban hành đề án cải tạo, nâng cao chất lượng các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn. Cửa Lò hiện có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, song mới chỉ có một số khách sạn tạo được thương hiệu như Summer, Sài Gòn Kim Liên, Mường Thanh Cửa Lò… Số còn lại thì đã xuống cấp, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo. Đề án đặt ra mục tiêu nâng cao hạ tầng dịch vụ, kỹ năng phục vụ du khách… qua đó, thu hút lượng du khách ở phân khúc có mức chi tiêu cao.
Đồng hành cùng thị xã trong giai đoạn này, các nhà đầu tư cũng đang triển khai nhiều hạng mục mới. Khu vui chơi Vinpearl Cửa Hội đang tập trung xây dựng, nhà đầu tư cam kết đến tháng 4/2024 sẽ đưa vào hoạt động. Với Khu Liên hợp khách sạn và biệt thự chung cư cao cấp tại thị xã Cửa Lò, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Bảo Khánh Hamico cũng đang trình tỉnh Nghệ An kế hoạch điều chỉnh lại quy hoạch để xây dựng khách sạn 45 tầng…
Cùng với việc xây dựng Khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh, cải tạo hệ thống nhà hàng phía Tây đường Bình Minh, việc có thêm khu vui chơi tầm cỡ, khách sạn sang trọng thì du lịch Cửa Lò sẽ được nâng tầm trong thời gian tới.
Trong giai đoạn phát triển mới này, Cửa Lò vẫn gặp phải một số yếu tố cản trở. Thứ nhất, đó là nhận thức của một số bộ phận cán bộ, đảng viên, của một số doanh nghiệp và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về sự phát triển bền vững của du lịch, nên vẫn còn tư duy “ăn xổi”, thái độ phục vụ và chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo. Tiếp đó, vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự ủng hộ chủ trương giải tỏa, di dời để phát triển của thị xã…
Trước những yếu tố cản trở này, thị xã Cửa Lò đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị – xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng người dân trong việc đồng tâm, chung tay, góp sức xây dựng nên thương hiệu Du lịch Cửa Lò; để mỗi người dân là một tuyên truyền viên về du lịch; tăng cường công tác quản lý Nhà nước để không còn những “con sâu làm rầu nồi canh”.
P.V: Trong thời gian tới, Cửa Lò sẽ sáp nhập vào thành phố Vinh. Đồng chí đánh giá như thế nào về tác động của việc sáp nhập đối với sự phát triển du lịch biển Cửa Lò? Và có điều gì gửi gắm tới thành phố Vinh trong tương lai?
Đồng chí Lê Thanh Long: Việc sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh là một chủ trương đúng và là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển. Về phát triển du lịch, việc sáp nhập này sẽ tăng sự kết nối hạ tầng dịch vụ, tăng cường kết nối vùng, kết nối các giá trị di sản, tạo nên sức mạnh “cộng” để thu hút du khách nhiều hơn.
Sau khi sáp nhập, thành phố Vinh sẽ là một thành phố biển. Vấn đề cần đặt ra là thành phố Vinh phải làm gì để giữ vững, phát huy di sản thương hiệu Du lịch Cửa Lò. Để làm được điều này thì thành phố Vinh cần xem du lịch biển là hướng phát triển trọng tâm. Có như vậy mới phát huy được tiềm năng, lợi thế và tạo nên sự hòa hợp, đồng điệu trong phát triển.
Trong quá trình xây dựng và phát triển du lịch Cửa Lò, hiện vẫn còn nhiều đề án, kế hoạch, chương trình còn dang dở. Mong rằng, sau sáp nhập, thành phố Vinh sẽ tiếp tục thực hiện những đề án, kế hoạch, chương trình này. Bản thân tôi luôn tin tưởng với sự lãnh đạo của tỉnh, thành phố Vinh thì trong tương lai du lịch Cửa Lò tiếp tục có bước phát triển, vươn lên tầm cao mới.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!