Ngôi trường THPT Đô Lương nằm yên bình trên mảnh đất của làng Đa Phúc, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương. Con đường dẫn vào cổng ngôi trường này có hai hàng cây xanh soi bóng bên bờ ao. Đối với cô giáo Trần Thị Liên Thanh, con đường ấy, khung cảnh ấy đã trở thành một phần quan trọng gắn bó với cuộc sống, với tâm hồn người giáo viên trẻ. Là người con gái sinh ra ở quê hương Diễn Châu, sau khi tốt nghiệp Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, cô Trần Thị Liên Thanh theo học Đại học Sư phạm Huế rồi về Nghệ An, nhận công tác ở Trường THPT Đô Lương 3 đã hơn 10 năm nay.
Nếu không một lần trò chuyện, thật khó hình dung người con gái nhỏ nhắn, có giọng nói đầm ấm như cô giáo Trần Thị Liên Thanh với 10 năm công tác nhưng đã có một “bộ sưu tập” những Bằng khen từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp Bộ về thành tích dạy học. Cô giáo trẻ sinh năm 1988 ngoài việc nhiều năm liền là Chiến sỹ thi đua cơ sở, nhiều năm được Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen còn được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen (năm học 2018 – 2019) vì thành tích xuất sắc trong dạy học. Ngoài công việc giảng dạy, cô Trần Thị Liên Thanh còn đam mê học tập, nghiên cứu và viết sáng kiến kinh nghiệm. Bản thân cô đã có 4 sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) đạt giải cấp cơ sở và cấp tỉnh, trong đó có 3 SKKN đạt giải A, 1 SKKN đạt giải B, 2 SKKN được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là SKKN cấp tỉnh… Với thành tích trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi và nghiên cứu khoa học, cô được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2019, là “điển hình tiên tiến ngành Giáo dục” huyện Đô Lương và tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020.
Thế nhưng, khi bộc bạch về bản thân, cô Trần Thị Liên Thanh vẫn luôn khiêm tốn, chỉ nhận rằng chính các em học sinh đã giúp cô có thêm động lực để cống hiến. Trong suốt những năm tháng giảng dạy, gắn bó dìu dắt bao thế hệ học sinh, cô cũng đã trải qua nhiều buồn vui. Những kỷ niệm với học trò đã giúp cô thêm vững tin rằng, trên bước đường trưởng thành của mỗi học sinh, chỉ cần người giáo viên quan tâm, yêu thương chia sẻ thì các em sẽ khôn lớn nên người, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Sự nghiệp “trồng người” không thể tính theo ngày theo tháng mà là cả một quá trình dài và kiên nhẫn, đúng như Bác Hồ đã từng căn dặn “Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Cô Trần Thị Liên Thanh còn nhớ như in cái ngày đầu tiên cô sinh viên Trường Sư phạm Huế nhận công tác, trở thành giáo viên chủ nhiệm trẻ tuổi của một lớp học khá đặc biệt của Trường THPT Đô Lương 3.
“Đó là khoá học sinh đầu tiên mà tôi đảm nhận vai trò vừa là giáo viên bộ môn Địa lý, vừa là giáo viên chủ nhiệm. Lúc ấy, lớp có khá nhiều học sinh đặc biệt, hay quậy phá nên nề nếp của lớp được xếp vào tốp sau trường” – cô Liên Thanh cho hay. Để “vực” dậy nề nếp của lớp từ thứ 33 của trường lên thứ 15, rồi xếp thứ 10 toàn trường, cô giáo Liên Thanh đã nhiều đêm trằn trọc, rồi cất công tìm đến từng nhà học trò để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình. Cô gần gũi tâm sự, nắm bắt tâm lý của từng học sinh và theo sát các em trên mỗi bước đường từ trường về nhà và ngược lại. “Lúc bấy giờ có em còn bị rủ rê tham gia đánh bài ăn tiền, rồi trốn học đi chơi… thậm chí nửa đêm học sinh còn gọi điện thoại tâm sự với cô về những lỗi lầm đã mắc phải, rồi nhờ cô giúp đỡ… Lúc ấy tôi cũng hoang mang thực sự, nhưng sau bình tâm lại, nhận ra rằng học trò đã tin tưởng xem mình như người bạn tri kỷ, người nhà, tôi đã đứng ra giải quyết. Sau lần đó, học trò đã nhận ra lỗi lầm, đã cảm nhận được tấm lòng của cô giáo và trở nên chăm ngoan, học hành tiến bộ và hiện tại đã có việc làm ổn định, trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội – cô Liên Thanh nhớ lại. Tấm lòng bao dung, yêu thương của cô giáo đã soi rọi cho học trò nhỏ nhận biết được con đường chân chính, đến được với bến bờ tươi sáng của cuộc đời. Và trên những chặng “đưa đò” ấy, chính những học trò cũng giúp cô giáo thêm vững tin khi trao truyền kiến thức khoa học, kiến thức cuộc sống để học sinh vững bước vươn xa, trưởng thành.
Nhắc đến cô giáo Trần Thị Liên Thanh, thầy Vương Trần Lê – Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 3 tâm sự: “Cô Thanh không chỉ là “nhà vô địch” trong sở hữu các danh hiệu, phần thưởng cao quý về thành tích dạy học, mà còn là người đam mê học hỏi, trăn trở với nghề nghiệp. Và ở ngôi trường THPT Đô Lương 3, không năm nào là trường không có học sinh giỏi tỉnh các môn học, trong đó cô giáo Liên Thanh có 2 lần bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý đạt kết quả 100%”.
Cô Liên Thanh vừa mới hoàn thành khoá đào tạo cao học về môn Địa lý tại Trường Đại học Vinh cuối năm 2020, và là người đạt số điểm tốt nghiệp cao nhất lớp, được Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học của trường. Trong những tâm sự về sự học trên con đường dạy học, cô Trần Thị Liên Thanh bộc bạch rằng, kho tàng tri thức của nhân loại là vô hạn, mỗi người dù học đến đâu cũng thấy mình còn quá nhỏ bé.
Hơn nữa, ngày nay với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, là người đứng trên bục giảng, trao truyền kiến thức cho học sinh thì thầy, cô giáo luôn cần phải trang bị nhiều hơn nữa những kiến thức khoa học và cuộc sống. Bởi thế, sự học của mỗi giáo viên trẻ luôn cần thiết và thực sự bổ ích. Từ những mày mò của bản thân, rồi học hỏi đồng nghiệp, tự tìm hiểu trên mạng internet, cô Liên Thanh đã tự học và áp dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, tìm kiếm các câu chuyện, các kiến thức bổ trợ cho bài giảng mà sách giáo khoa không đề cập nhằm thu hút sự tò mò chú ý và khơi gợi đam mê của học sinh trong mỗi giờ học Địa lý…
Chính sự năng động, tự tin và tâm huyết trong nghiên cứu các phương pháp giảng dạy, những cách thức truyền đạt kiến thức luôn mới mẻ, hấp dẫn mà học sinh luôn hứng thú với bộ môn Địa lý, đặc biệt là tìm hiểu kiến thức địa lý của địa phương mình. Cô giáo Liên Thanh có sáng kiến kinh nghiệm “Đánh giá học sinh thông qua nhiệm vụ nghiên cứu trong dạy học Địa lý 10 THPT” đạt giải A và được công nhận là SKKN cấp tỉnh. Với sự khéo léo khơi gợi, cô Liên Thanh đã khích lệ học trò trở thành những “phóng viên nhí” thực hiện các bài viết về địa lý địa phương với các bước phỏng vấn nhân vật, điều tra thực tế, phản ánh tình trạng kinh tế, xã hội, môi trường… địa phương. Nhờ đó, học sinh luôn hào hứng với bộ môn cô Liên Thanh giảng dạy.
Trong quá trình tìm hiểu để thực hiện chùm bài này, chúng tôi biết được thông tin trong 106 học sinh trên toàn tỉnh được xét chọn, tuyên dương danh hiệu Học sinh 3 tốt, Học sinh 3 rèn luyện năm học 2020-2021, có tới 10 em là học sinh Trường THPT Diễn Châu 3. Sự tò mò về ngôi trường đóng trên địa bàn xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu càng lớn khi hay rằng, thầy Hồ Văn Đồng – Bí thư Đoàn trường cũng là 1 trong 19 giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021, thôi thúc chúng tôi phải “mục sở thị”.
Với tổng số hơn 1.600 học sinh, được tuyển sinh từ hơn 10 xã của huyện Diễn Châu, có thể nói Trường THPT Diễn Châu 3 là một trong những trường có quy mô đào tạo lớn, không chỉ ở địa phương này mà tính cả phạm vi toàn tỉnh. Vinh dự được đứng trong đội ngũ giáo viên yêu nghề, thương trò của trường từ năm 2013, thầy Đồng là giáo viên đứng lớp môn Giáo dục quốc phòng, là môn học có ý nghĩa quan trọng, nhằm giáo dục lòng yêu nước, định hình nhân cách, rèn giũa đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, cũng như giúp các em hiểu thêm về truyền thống của các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Ở vai trò này, thầy giáo Hồ Văn Đồng không chịu thỏa hiệp với lối mòn, mà luôn trăn trở thử nghiệm áp dụng những sáng kiến mới trong giảng dạy, tạo sự hứng khởi từ người học. Những cố gắng của thầy như phát động phong trào học sinh bảo vệ an ninh Tổ quốc, hay sáng kiến tự giác chủ động, sáng tạo, thảo luận nhóm trong học Giáo dục quốc phòng đã được Sở Giáo dục và Đào tạo chứng nhận là sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành năm 2020, 2021.
Còn trên cương vị thủ lĩnh thanh niên, nắm trong tay “nghìn quân” ở độ tuổi “ô mai”, hẳn có không ít thử thách đặt ra đối với thầy Hồ Văn Đồng. Nhưng chẳng gì làm khó nổi thầy, bởi một khi đã hết lòng với trò, thì sự kết nối, lan tỏa sẽ từ trái tim đến với trái tim, và những gì mà người thầy ấy được nhận lại còn được nhân lên gấp bội. Sự dễ mến, kết hợp với nhiệt huyết tuổi trẻ sục sôi của thầy Đồng đã nhận được sự tạo điều kiện từ phía Ban Giám hiệu, sự đồng thuận của giáo viên chủ nhiệm các lớp, và sự ủng hộ hết mình từ phụ huynh và học sinh.
Nhiều phong trào lớn mạnh, có điểm nhấn, thể hiện rõ sự sáng tạo của tuổi trẻ Diễn Châu đã được lên ý tưởng và hiện thực hóa tại đây, chẳng hạn việc tổ chức Hội thi Gói bánh chưng vào dịp trước Tết Nguyên đán nhằm rèn kỹ năng, giáo dục truyền thống cho học sinh đã trở thành hoạt động được nhiều em yêu thích, là dịp lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ trong đời học sinh, trở thành mô hình để các trường khác nhân rộng. Hay nhờ sự định hướng của người thủ lĩnh Đoàn, hơn 10 câu lạc bộ đã được ra đời, hoạt động bài bản, thu hút đông đảo thành viên là học sinh Trường THPT Diễn Châu 3 như CLB diễn xuất, múa, tiếng Anh, truyền thông, lịch sử…
Đây là cách bổ ích nhất để củng cố lại kiến thức đã học cho các em, đồng thời tăng kỹ năng mềm, tăng giao lưu, trao đổi, từ đó đoàn kết học sinh và tạo sân chơi phát hiện nhiều nhân tố nổi bật. Sự ghi nhận khách quan nhất những nỗ lực của thầy Hồ Văn Đồng nói riêng, tập thể ngôi trường nói chung được thể hiện qua những tấm Bằng khen của Trung ương Đoàn qua nhiều năm học, giai đoạn và đang được đề xuất tặng Cờ thi đua.
Nhận xét về người đồng nghiệp trẻ, cô Cao Thị Hải An – Phó Hiệu trưởng cho biết: “Thầy Hồ Văn Đồng không chỉ vững về chuyên môn mà còn là cán bộ Đoàn có nhiều sáng kiến, có sức lan toả các phong trào trong nhà trường. Ngôi trường THPT Diễn Châu 3 ngày càng trở nên lớn mạnh, không chỉ khẳng định vị thế trong các phong trào về học tập, mà các hoạt động đoàn thể đã trở thành thế mạnh để các thế hệ học sinh rèn luyện, gắn bó tu dưỡng, vươn lên đạt nhiều thành tích trong học tập, giúp các em ra trường với hành trang vững chãi, tự tin”…
Trong số 19 giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu được Tỉnh đoàn tuyên dương, có tới 13 thầy, cô giáo vừa là những nhà giáo có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, đồng thời là những Bí thư Đoàn trường, Tổng phụ trách Đội năng động, giỏi giang. Họ đã và đang gánh trọn hai vai của người giáo viên – cán bộ Đoàn – Đội với sức trẻ và nhiệt huyết tiếp nối truyền thống “trăm năm trồng người”, truyền thống hiếu học của dân tộc.
Từ những trao truyền ấy, lớp lớp các thế hệ học trò lại càng thấm đẫm đạo lý “Tôn sư trọng đạo” – một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, vùng đất hiếu học Nghệ An nói riêng. Mỗi dịp tháng 11 hàng năm, những người học trò dù đang ngày ngày cắp sách tới trường, hay học trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thậm chí cả những người mái tóc đã ngả bạc, cũng khôn nguôi khi nhớ về những người thầy, người cô đã in dấu trong cuộc đời mình. Nghề giáo là một trong những nghề cao quý nhất, bởi nó quyết định tương lai của một con người. Tri ân những “người lái đò”, như cô Hà, cô Mơ, thầy Hùng, thầy Đồng… cũng như hàng nghìn, hàng vạn giáo viên khác là hành động đẹp để thể hiện sự tôn vinh giá trị của tri thức.