Như một thói quen hàng chục năm nay, sáng nào ông lão cũng ôm mành lưới, vác cọc vượt quãng đường hơn 3km ra đầm tôm. Sáng ra trời âm u lại lất phất mưa khiến ông lão rùng mình. Đã thượng tuần tháng Ba mà thời tiết vẫn còn đỏng đảnh, vụ tôm năm nay cũng chính vì thế trở nên bấp bênh.
Rũ mảnh áo mưa tiện lợi đã rách một bên ống tay, lão cho biết mình là Nguyễn Văn Thương, sinh sống ở xóm Phong Yên, xã Hưng Hòa (thành phố Vinh). “Toàn bộ khu vực nuôi tôm của xóm Phong Yên đều là đất dự án hết. Chủ dự án họ về đo vẽ, lập đàn cúng bái cả chục năm rồi. Nghe đâu là quy hoạch xây dựng khu đô thị mới, bà con chúng tôi cũng chỉ nghe rứa thôi, chưa “chộ” (thấy) chi cả” – người đàn ông ngoài lục tuần ngao ngán. Cũng vì “nghe nhưng chưa chộ” nên chẳng có hộ nông dân nào dám đầu tư mạnh hơn để đào ao, be bờ, cho dù đã có một thời gian, con tôm ở Hưng Hòa từng tạo ra “cú sốc” về thu nhập cho người dân nơi đây.
Nếu căn cứ vào mật độ dự án đầu tư trên một đơn vị hành chính cấp xã thì có lẽ xã Hưng Hòa (thành phố Vinh) là địa phương hội tụ nhiều dự án nhất tỉnh Nghệ An. Xã ngoại thành Vinh này hiện tập trung 12 dự án đầu tư và bao trùm 100% diện tích đất nông nghiệp có trên địa bàn. Thực tế này có vẻ như là điều đáng mừng đối với người dân sinh sống trên vùng đất chua phèn vùng cửa sông Lam. Nhưng những gì đã và đang diễn ra lại cho thấy một sự thật khác. Đó là tất cả các dự án được thẩm định và cấp phép đầu tư tại xã Hưng Hòa đều trong tình trạng… treo vô thời hạn.
Từ năm 2010, Dự án “Khu đô thị hỗn hợp sinh thái ven sông Lam” do Công ty TNHH Hà Thành (Thanh Hóa) làm chủ đầu tư được phê duyệt quy hoạch (theo Quyết định số 2128/QĐ-UBND.ĐT ngày 20/5/2010 của UBND tỉnh Nghệ An) thì gần như toàn bộ diện tích nuôi tôm của xã Hưng Hòa nằm lọt trong dự án. Dự án này có tổng diện tích quy hoạch là hơn 103 ha, nằm vắt qua địa bàn 2 xã: Nghi Thái (Nghi Lộc) và Hưng Hòa (thành phố Vinh), trong đó phần diện tích cần thu hồi tại xã Hưng Hòa là 80 ha, còn khu vực xã Nghi Thái là hơn 20 ha.
Thông tin về dự án ban đầu rất hoành tráng với 5 phân khu chức năng, gồm: khu đất ở (chung cư cao tầng, biệt thự); khu dịch vụ thương mại (Trung tâm dịch vụ, khách sạn, nhà hàng); khu công cộng (quảng trường trung tâm, trường học, y tế, văn hóa); khu công viên cây xanh sinh thái, thể dục thể thao và khu xử lý nước thải. Tuy nhiên, khu đô thị được kỳ vọng trở thành “một trong những điểm nhấn quan trọng ở phía Đông TP. Vinh” lại chỉ mới thực hiện công tác bồi thường cho các hộ dân thuộc xã Nghi Thái, còn ở Hưng Hòa đã 9 năm nay chưa có động tĩnh gì.
Cách không xa khu đất của Dự án “Khu đô thị hỗn hợp sinh thái ven sông Lam” là khu đất của dự án như: Xây dựng Trường Cao đẳng nghề hàng hải Vinalines của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Theo Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Nghệ An số 320/QĐ-UBND.ĐC được ban hành ngày 29/11/2011 thì sẽ thu hồi hơn gần 262.584m2 đất, gồm hơn 230.988m2 đất nông nghiệp và 31.596,5m2 đất giao thông, thuỷ lợi nội đồng tại xã Hưng Hoà, TP. Vinh do Hợp tác xã nông nghiệp 2 xã Hưng Hoà quản lý, sử dụng (trong đó hơn 240.039 m2 đất để giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề hàng hải Vinalines, số diện tích còn lại sử dụng vào mục đích mở rộng đường giao thông theo quy hoạch đã phê duyệt.
Ông Chu Văn Trí – Chủ tịch HĐND xã Hưng Hòa dẫn chúng tôi ra địa điểm triển khai dự án ngao ngán nói: “Chủ đầu tư đã về cắm bảng sơ đồ quy hoạch dự án ngay ven đường đê sông Lam. Vậy nhưng, 8 năm trôi qua, tấm bảng ngày nào giờ chỉ trơ lại hai cọc sắt hoen gỉ”. Rồi các khu chức năng như: nhà giảng đường, hiệu bộ, thể dục – thể thao, thực tập tay nghề, mô phỏng buồng lái, ký túc xá sinh viên, khu nhà nghỉ chuyên gia, giáo viên được thuyết trình cao từ 2 – 9 tầng nay vẫn chẳng thấy đâu ngoài mấy đầm cói bạc màu xen đôi ba đám lúa tranh thủ đất.
Nhưng ở xã Hưng Hòa nào chỉ có dự án “Khu đô thị hỗn hợp sinh thái ven sông Lam” hay Trường Cao đẳng nghề hàng hải Vinalines, mà tại mảnh đất hạ nguồn sông Lam này có tổng cộng đến 12 dự án lớn nhỏ khác nhau được quy hoạch với tổng diện tích lên đến 1.414 ha. Trong khi đó, tổng diện tích tự nhiên của xã Hưng Hòa là 1.458 ha, trong đó có 700 ha đất sản xuất nông nghiệp. Điều này có nghĩa là 100% diện tích đất trồng lúa, trồng cói, nuôi tôm và phần lớn đất ở của người dân xã Hưng Hòa đều nằm trong “chiến lược phát triển của các dự án”. Chính quyền xã cho hay, trong số 12 dự án được vẽ quy hoạch ở xã Hưng Hòa, có 8 chính thức… treo dài hạn, 4 dự án đang lập quy hoạch.
Tại thị xã biển Cửa Lò, phường Nghi Hòa là địa phương có nhiều dự án “đắp chiếu trên đất vàng”. Trong đó, phải kể đến dự án Khu nghỉ dưỡng Sông Hồng được cấp phép từ năm 2008. Với mục tiêu xây dựng khách sạn, nhà hàng, biệt thự cho thuê trên diện tích sử dụng đất 9.890,1 m2. Theo tiến độ dự án này hoàn thành vào khoảng năm 2016 – 2017. Tuy nhiên, sau 11 năm, dự án chỉ mới hoàn thành san lấp, giải phóng mặt bằng, xây tường rào bao quanh diện tích dự án và triển khai một số hạng mục nhỏ.
Mặc dù dự án này đã được UBND tỉnh kiểm tra năm 2017 và được kết luận tại Quyết định số 4161/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh Nghệ An, trong đó đã cho gia hạn triển khai thi công tổng các hạng mục đến 31/12/2017, hoàn thành công trình vào 1/9/2019 nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa triển khai theo đúng quyết định gia hạn của tỉnh.
Tương tự, Dự án Khu khách sạn nhà nghỉ của Công ty CP Du lịch Hà Nội do Công ty CP Du lịch Hà Nội làm chủ đầu tư, có tổng vốn đăng ký đầu tư 77,868 tỷ đồng. Theo thiết kế dự án có quy mô là 2 nhà khách sạn 7 tầng, 3 nhà khách sạn 5 tầng, 1 nhà khách sạn 4 tầng, 2 nhà khách sạn 3 tầng và gồm 3 nhà biệt thự và một số công trình phụ trợ khác như: bể bơi, sân thể thao, bãi đỗ xe… Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2006 nay chỉ mới xây dựng tường rào bao quanh.
Ngoài ra, trên địa bàn phường Nghi Hòa còn một số dự án “đắp chiếu” hàng chục năm qua như: Dự án Trung tâm chăm sóc người cao tuổi; dự án Trung tâm hoạt động của Hội Phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia do Hội phát triển kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia làm chủ đầu tư có quy mô diện tích 2.200 m2 được cấp phép năm 2011 đến nay chưa triển khai xây dựng hạng mục nào.
Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa Lê Thanh Giang cho biết: Đa số các dự án này đều chiếm diện tích lớn và nằm ở các vị trí đắc địa đã được Nhà nước giao đất hàng chục năm nhưng nhà đầu tư không triển khai ảnh hưởng đến khai thác tiềm năng đất đai, tốc độ phát triển và lãng phí tài nguyên đất, thậm chí có một số dự án chưa hoàn thành tiền thuê đất.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Võ Văn Hùng, trên địa bàn thị xã hiện có 15 dự án chậm tiến độ, trong đó có 8 dự án đã kiểm tra nhưng chưa thi công, 7 dự án thị xã đề xuất tỉnh kiểm tra năm 2019. Nhiều dự án hàng chục năm không triển khai đã gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến tốc độ đô thị hóa của thị xã và sự phát triển của thị xã, đến quỹ đất thu hút đầu tư của thị xã để thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện các dự án. Điều này còn làm mất lòng tin đối với nhân dân, cán bộ…
Không chỉ có thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò đang được “hưởng” tác dụng… ngược từ dự án treo, mà hiện nay ở nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang gặp tình cảnh tương tự. Người dân vùng dự án nóng ruột vì chẳng thể đầu tư làm ăn một cách “tử tế”, còn cấp ủy, chính quyền thì loay hoay giải thích cho nhân dân, rồi có khi có ngậm ngùi tiếc nuối vì có những nhà đầu tư có thực lực thật sự tìm đến khảo sát nhưng quỹ đất chẳng còn…