Theo Nghị quyết 02-NQ/TW, Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức theo hướng mới, nâng cao hiệu quả mô hình tổ chức công đoàn 4 cấp, tập trung nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở và có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở cả khu vực phi chính thức… “Chìa khóa” để làm được điều này chính là đội ngũ cán bộ công đoàn “chuyên nghiệp, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm”.
Hiểu rõ tầm quan trọng của cán bộ công đoàn, tại Đại hội XVIII, Công đoàn Nghệ An đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2018-2023 là “Nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ công đoàn”. Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn được tập trung đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo từng chuyên đề, vị trí công việc và bổ sung các kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Từ năm 2021 đến nay, hàng loạt các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, kỹ năng đối thoại, thương lượng, nghiệp vụ tài chính, kế toán, kiểm tra, tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động, đình công, kỹ năng trình bày, thiết kế các sản phẩm tuyên truyền; kỹ năng viết tin bài; kỹ năng đối thoại… liên tục được tổ chức. Việc tập huấn cũng được ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn được tiếp cận chương trình đào tạo thuận lợi, dễ dàng. Trong 2 năm 2021-2022, tổng số cán bộ công đoàn được tập huấn, bồi dưỡng là 23.596 người. Dự kiến năm 2023, Công đoàn Nghệ An sẽ tổ chức 124 lớp tập huấn nghiệp vụ, trong đó 8 lớp cấp tỉnh và 116 lớp cấp huyện, ngành.
Đồng thời, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thông qua Nghị quyết “Tăng cường vai trò của các cấp Công đoàn Nghệ An trong việc nâng cao chất lượng, số lượng thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp giai đoạn 2022-2028”; xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở tại Khu Kinh tế Đông Nam và công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động”; Xây dựng đề án “Một số giải pháp phòng ngừa, hạn chế các cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2030”. Sự đồng bộ, nhất quán và quyết tâm trên không chỉ là tiền đề để thu hút đoàn viên, người lao động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, thích ứng với môi trường hoạt động trong điều kiện hội nhập kinh tế mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An trong những năm sắp tới.
Một trong những nội dung dễ nhận thấy nhất từ công tác tập huấn, đào tạo là sự đổi mới vượt trội về công tác tuyên truyền. Từ các lớp tập huấn về viết tin bài, chụp ảnh, thiết kế ấn phẩm…, Công đoàn Nghệ An đã xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách thuần thục kỹ năng truyền thông đa phương tiện, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin. “Không chỉ viết tin bài, chụp ảnh, quay phim, những cán bộ công đoàn chuyên trách hiện nay còn có thể chủ động thiết kế khung hình, banner, infographic, làm video… Tin bài trên trang thông tin điện tử của Công đoàn Nghệ An và công tác truyền thông cho các sự kiện lớn nhỏ của công đoàn đều do đội ngũ cán bộ công đoàn đảm nhận. Nhiều người trong số đó đã trở thành những cộng tác viên thường xuyên cho cơ quan báo chí. Nhiều cá nhân, tập thể còn giành giải cao trong các cuộc thi tuyên truyền, vận động cấp tỉnh, cấp quốc gia. Nghệ An cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong hệ thống công đoàn toàn quốc xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số” – bà Nguyễn Thị Thu Nhi, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh ghi nhận.
Khi đội ngũ cán bộ công đoàn được tập huấn, trang bị kỹ năng đối thoại, thương lượng, lợi ích của người lao động tất yếu sẽ được cải thiện, quan hệ lao động sẽ hài hòa, ổn định, hạn chế tối đa các cuộc đình công trái quy định. Hiện nay, toàn tỉnh có 476/558 doanh nghiệp (kể cả 4 nghiệp đoàn nghề cá) có thỏa ước lao động tập thể. Các bản thỏa ước lao động tập thể đã có nhiều nội dung phúc lợi cao hơn so với quy định của pháp luật, như thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, thưởng, chế độ cho lao động nữ, chất lượng bữa ăn ca, phụ cấp ăn ca, thâm niên…
Ông Kha Văn Tám – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An nhận định: “Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần phải đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp. Cán bộ công đoàn cơ sở chính là cánh tay nối dài, là gương mặt đại diện của tổ chức công đoàn, gần gũi nhất với người lao động. Lực lượng này có nhiệt thành, tâm huyết, năng lực, hiểu biết thì mới có thể tham gia đóng góp với đơn vị, từ đó xây dựng nhiều chính sách chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động thông qua thỏa ước lao động tập thể, phúc lợi đoàn viên, đối thoại… Khi cán bộ công đoàn cơ sở thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ cho người lao động thì sẽ thu hút, tập hợp được người lao động đến với tổ chức”.
Để đạt và vượt chỉ tiêu phát triển đoàn viên giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, các cấp công đoàn Nghệ An đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở với kế hoạch hoạt động và mục tiêu cụ thể. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn “Kỹ năng vận động, thành lập Công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên” cho cán bộ chuyên trách công đoàn; phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng để nắm bắt, khảo sát, dự báo tình hình công nhân lao động và doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, xây dựng kế hoạch vận động, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Nhiệm vụ vận động thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng với tổ chức công đoàn, nhất là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, dựa vào năng lực, tâm huyết và quyết tâm của đội ngũ cán bộ công đoàn, Công đoàn Nghệ An đã có nhiều cách làm hay để vượt chỉ tiêu phát triển đoàn viên.
Chia sẻ về cách làm của mình trong vận động thành lập công đoàn cơ sở, ông Vương An Nguyên – Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam nói: “Chúng tôi tận dụng kiến thức của bản thân để tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khi có cơ hội. Điều này không chỉ củng cố vị thế công đoàn mà còn giúp tạo dựng mối quan hệ giữa cán bộ công đoàn với đội ngũ cán bộ nhân sự doanh nghiệp. Khi có được mối quan hệ tốt đẹp, tin tưởng, chính đội ngũ nhân sự doanh nghiệp sẽ hậu thuẫn cho tổ chức công đoàn trong thuyết phục chủ doanh nghiệp thành lập công đoàn cơ sở và tổ chức các hoạt động công đoàn”.
Tương tự, tại các huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Nghĩa Đàn… từ những lần thăm hỏi, những tư vấn giải quyết rắc rối trong quan hệ lao động, hướng dẫn làm các thủ tục giấy tờ…, đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở dần có được sự tin tưởng của các doanh nghiệp, khẳng định vị thế của tổ chức. Nhiều doanh nghiệp vì thế mà tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn, chủ động đóng kinh phí công đoàn mà không cần thuyết phục.
Tháng Công nhân 2022, những cán bộ công đoàn huyện Quỳnh Lưu đã tạo dấu ấn với sự kiện thành lập mới 2 nghiệp đoàn nghề cá với tổng số 2.368 đoàn viên. “Đội ngũ cán bộ Công đoàn huyện Quỳnh Lưu đã đến với ngư dân chúng tôi bằng sự chân tình, cởi mở và sự kiên trì thuyết phục. Họ chủ động hỗ trợ, trao tặng cờ Tổ quốc, quà, thăm hỏi hoàn cảnh khó khăn dù chúng tôi chưa phải đoàn viên. Họ nhiệt tình trả lời những thắc mắc liên quan đến chế độ, chính sách của chúng tôi. Họ nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của làng chài như thể là một ngư dân… Sự chân thành, kiên trì đó đã thuyết phục chúng tôi” – Ông Vũ Ngọc Chắt – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu thổ lộ.
Sau khi thành lập mới 2 nghiệp đoàn nghề cá, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn đầu tiên cho 4 nghiệp đoàn trong tỉnh Nghệ An. Sự kiện là cơ hội để các đoàn viên ngư dân được kết nối với nhau, hiểu thêm về nhau, hiểu thêm về tổ chức và gắn bó với công đoàn…