Một ngày cuối tháng Giêng của năm Tân Sửu, những bản làng dọc hai bên bờ con suối Nặm Kai, thuộc bản Kẻ Trai, xã Thạch Ngàn của huyện miền núi Con Cuông lại vang vang tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã. Thứ thanh âm mà chỉ có những dịp lễ hội, Tết đến, Xuân về, bà con mới gióng lên giữa núi rừng, tụ họp người thân, bạn bè, khách khứa nơi gần, nơi xa tìm về.
“Hôm nay là ngày vui hơn Tết, dân làng mở hội vui mừng vì sắp có cây cầu mới được xây dựng bắc ngang con suối Nặm Kai”, Trưởng bản Kẻ Trai, ông Vi Trung Úy cố cất giọng nói thật to, át tiếng nhạc rộn rã của cồng chiêng để người nghe được rõ.
Tháng Giêng, tháng Hai đang là mùa nước cạn, con suối Nặm Kai hiền hòa chảy những dòng trong văn vắt qua những nương ngô, ruộng lúa tươi tốt của bà con dân bản. Lũ trẻ con cũng kéo nhau đi xem hội, vui đùa bên dòng nước mát lạnh. Bà Lê Thị Hương, một người dân đã gắn bó hơn nửa đời người với bản Kẻ Trai cùng con suối Nặm Kai cho hay: “Mùa nước cạn thì suối hiền hòa vậy thôi, chứ mùa mưa, lũ bao năm nay nước dâng cuồn cuộn, nước chảy xiết cuốn trôi không biết bao nhiêu mà kể những cây cầu, bao nhiêu ngô, lúa của dân làng rồi”.
Nghe bà Hương nói vậy, các bà, các chị váy áo rực rỡ đứng xung quanh cũng tạm rời mắt khỏi các tiết mục hát, múa, quay sang tiếp lời: “Đúng vậy đó, năm nào dân bản cũng góp tre, góp nứa, góp công, góp của để làm cầu tạm qua suối, nhưng làm xong thì lại bị nước cuốn trôi. Có năm làm cầu đến 2 lần nhưng học sinh vẫn phải nghỉ học vì nước dâng cao quá, không thể qua suối”.
Ông Võ Đình Thành – Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn cho biết, bản Kẻ Trai sau khi sáp nhập có 198 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu sống dọc theo hai bên dòng suối Nặm Kai này. Tuy nhiên, vào mùa mưa, lũ, nhiều lần dân bản bị chia cắt cả nửa tháng trời do nước dâng quá cao, lại không có cầu cứng. Vì vậy, mọi sinh hoạt, giao thương, buôn bán, đi lại của người dân, học hành của con em đều bị đình trệ. Nông sản ứ đọng, có khi hư hỏng, thiệt hại. “Hôm nay lãnh đạo huyện Con Cuông cùng các cá nhân, tổ chức hảo tâm về cùng dân bản làm lễ động thổ xây dựng 1 cây cầu cứng bắc quan dòng Nặm Kai và 1 cây cầu nữa bắc qua dòng Khe Xan, bản Kẻ Tre. Cầu xây xong thì mọi tình trạng các cụm dân cư chia cắt, cô lập lâu nay sẽ được chấm dứt. Học sinh không còn phải nghỉ học mỗi khi trời mưa, lũ.”, ông Võ Đình Thành vui vẻ cho biết.
Cũng ở xã Thạch Ngàn, sau khi dự lễ động thổ xây cầu ở bản Kẻ Trai, lãnh đạo huyện, xã và các nhà hảo tâm lại đến bản Kẻ Tre để động thổ xây cây cầu thứ 2 bắc qua dòng Khe Xan, nối giữa bản Tổng Xan và bản Kẻ Tre. Hiện nay mới chỉ có đường giao thông từ trung tâm huyện đến bản Tổng Xan. Còn bản Kẻ Tre với 88 hộ dân, hơn 400 nhân khẩu nằm phía bên kia bờ của con suối Khe Xan chảy giữa hai bên núi đồi. Mọi giao thương đi lại của người dân Kẻ Tre được kết nối với các vùng khác bằng chiếc cầu tạm duy nhất, làm bằng tre, mét, gỗ do người dân đóng góp.
“Mỗi khi mưa lũ, cây cầu tạm lại bị cuốn phăng theo dòng nước, cũng có nghĩa là bản Kẻ Tre bị cô lập hoàn toàn. Có khi cả nửa tháng dân làng phải sống trong cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” do cầu bị cuốn trôi”, Bí thư Chi bộ bản Kẻ Tre – Vi Văn Hải cho biết.
Bởi vậy, được biết sắp có cây cầu cứng bằng bê tông chắc chắn, cao ráo được xây dựng, dân làng Kẻ Tre, Tổng Xan mở hội ăn mừng bằng bữa tiệc âm nhạc đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Điệu cồng chiêng nhịp nhàng theo điệu nhảy sạp điêu luyện khiến cả một vùng rừng núi rộn rã. “Người dân Kẻ Tre vui hơn Tết, vì có cầu sẽ giúp làm ăn, buôn bán, đi lại, giúp trẻ em không phải nghỉ học”, bà Bùi Thị Nội, năm nay hơn 70 tuổi hân hoan cho hay.
Cũng ở huyện Con Cuông, người dân bản Quẹ, xã Bình Chuẩn cũng được hưởng niềm vui như của người dân bản Kẻ Tre, Kẻ Trai của xã Thạch Ngàn. Cây cầu được xây xong ngay trước thềm năm mới Tân Sửu, đem lại cho mỗi người dân bản Quẹ những cảm nhận thấm thía về sự quan tâm, chia sẻ ấm tình người đến từ cấp ủy, chính quyền và những người xây cầu tặng dân bản.
Chị Vi Thị Ninh, một người dân bản Quẹ, có nhà gần ngay đầu cầu cho biết, trước đây bản Quẹ đã có mấy trường hợp người ốm đau bị chết vì không thể đưa đi bệnh viện kịp thời do nước lũ dâng, chia cắt bản với thế giới bên ngoài. Còn xe bị trôi, người bị vấp ngã khi qua suối thì hầu như năm nào cũng diễn ra.
“Bản Quẹ trước đây người dân vẫn thường gọi đùa với nhau là bản cô đơn, vì thường xuyên bị cô lập khi mưa, lũ đến”, Trưởng bản Quẹ Vi Văn Sơn cho biết. Rồi anh Sơn tiếp lời, ngày cây cầu khởi công xây dựng, cả bản nghỉ một hôm làm rẫy để tham gia lễ động thổ. Rồi mọi người tự phân công nhau góp gạo, góp rau, quả, thức ăn hàng ngày đến tặng tổ công nhân xây cầu. “Ấy mà cây cầu bê tông dài 29m với 3 nhịp, 4 mố cầu được xây xong chỉ trong 2 tuần. Nhiều hộ dân chưa đến “lịch” tặng thực phẩm cho tổ xây cầu thì cầu đã xây xong. 97 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu của bản Quẹ biết ơn lắm lắm những người đã tài trợ kinh phí xây cầu cả người đã kêu gọi các tổ chức từ thiện đêm nguồn sống mới đến cho dân bản”, anh Vi Văn Sơn bộc bạch.
“Nghe nói cán bộ huyện tên Bình là người kêu gọi, kết nối các nhà từ thiện xây tặng nhân dân huyện Con Cuông 3 cây cầu to trị giá hàng tỷ đồng. Nhưng chị chưa gặp bao giờ, chỉ nghe mọi người khoe với nhau vậy thôi”, chị Vi Thị Ninh cho biết. Rồi chị Ninh ồ lên ngạc nhiên, vui mừng khi lần đầu tiên được gặp Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông Phạm Trọng Bình, người đã cùng với tập thể cơ quan dày công kêu gọi, kết nối với các nhà hảo tâm tài trợ và trực tiếp xây cầu tặng nhân dân.
Bà con cho biết, cán bộ huyện, xã đã thấu hiểu được những khó khăn, những thiệt thòi của người dân khi không có cầu chắc chắn để đi lại. Và cán bộ đã nhiệt tâm mang sự thấu hiểu đó truyền đến các nhà hảo tâm, thuyết phục được tấm lòng nhân ái, sẻ chia của họ.
Được trực tiếp tham dự các lễ khởi công xây cầu ở bản Kẻ Trai và kẻ Tre, được gặp những nhà hảo tâm đến từ Thủ đô, chúng tôi nhận thấy những người cho cầu và những người thụ hưởng đều rạng rỡ hạnh phúc.
Ông Nguyễn Nam Hà, một nhà hảo tâm cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với mảnh đất Thạch Ngàn này, và tôi đã thấy được sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thấy được sự mong mỏi của bao người dân nơi đây về một cây cầu vững chãi”.
Bà Đỗ Thị Như Quỳnh, một thành viên khác của đoàn thiện nguyện cũng xúc động chia sẻ: “Mong cầu sẽ sớm hoàn thành, để các em nhỏ không còn phải vất vả lội suối, không còn phải nghỉ học khi trời mưa, lũ. Chúng tôi hạnh phúc vì được góp sức mình xây những cây cầu ý nghĩa tặng bà con”.
Dù đã tạm biệt bà con, tạm biệt những người xây cầu, nhưng những câu chuyện, những tâm tư nồng ấm mà chúng tôi ghi nhận được ở Thạch Ngàn, ở Bình Chuẩn hôm ấy vẫn mãi còn những dư âm. Và chúng tôi tin chắc rằng, những dư âm ấy cũng vẫn mãi còn đọng lại trong trái tim những “người trong cuộc”. Người cho, người nhận đều hạnh phúc. Và hơn hết, hiệu quả, lợi ích lâu dài mà những cây cầu mang lại cho hàng nghìn hộ dân của 3 bản, làng nói trên là vô cùng to lớn, không thể đo đếm.
Bản Kẻ Trai, Kẻ Tre hay bản Quẹ đều có số hộ nghèo còn tương đối cao, đời sống người dân đa số còn gặp nhiều khó khăn. Những năm trước, theo chia sẻ của cán bộ bản, hàng năm mỗi khi Tết đến, Xuân về, cấp ủy, chính quyền cũng như một số tổ chức, cá nhân cũng đều có quà tặng các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Họ tặng tiền, hiện vật. Tuy nhiên, những món quà ấy chỉ giúp cho các hộ gia đình trong một thời điểm. Sau đó, họ lại vẫn cứ nghèo, vẫn chưa thể có nguồn lực để tự vươn lên, thậm chí còn phần nào nảy sinh tâm lý trông chờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Cho nên, việc xây cầu là sự hỗ trợ lâu dài, cốt lõi có tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống người dân những nơi được thụ hưởng.
Có cầu, học sinh không phải nghỉ học, việc học tập sẽ tốt hơn. Có cầu, người dân có thể đi lại thuận tiện để phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, thắt chặt tình thân, bạn bè…
Phải khẳng định rằng, từ thiện là việc làm cao đẹp, thể hiện tinh thần nhân ái, sẻ chia và có tác dụng tích cực đối với mỗi cá nhân cũng như xã hội. Mỗi một sự sẻ chia dù lớn hay nhỏ đều đáng trân quý. Trân quý ở tấm lòng, ở ý thức vì cộng đồng góp phần xây đắp truyền thống nhân văn của cha ông. Tuy nhiên, làm như thế nào để có hiệu quả thực sự và lâu bền thì cũng cần suy nghĩ. Ví như mỗi năm, vào những ngày mùa Đông giá rét, cộng đồng xã hội ở Nghệ An và nhiều nơi khác lại có những cuộc quyên góp, kêu gọi mua áo ấm, khăn ấm, góp đồ áo cũ còn dùng được tặng học sinh và người dân nghèo vùng miền núi.
Theo đó, đã có hàng chục đoàn thiện nguyện trong và ngoài tỉnh đến với các bản, làng vùng cao, tặng hàng nghìn chiếc áo ấm, chăn ấm cho người dân. Tuy nhiên, có những địa phương một mùa Đông có 2-3 đoàn từ thiện đến tặng áo ấm, chăn ấm với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Điều này phần nào gây lúng túng cho cả người cho lẫn người nhận, khi nhu nhu cầu của người nhận về đồ áo ấm đã đầy đủ. Chia sẻ về vấn đề này, một cán bộ địa phương bày tỏ, giá như số tiền hàng trăm triệu đồng mà cộng đồng quyên góp ấy, dành một phần để mua áo ấm, chăn ấm, dành một phần để mua những thứ khác thiết thực hơn, sát với như cầu người dân hơn thì sẽ phát huy được hiệu quả tối đa.
Ví như mua bò giống, dê giống tặng các hộ thực sự khó khăn, giúp họ có “cần câu cơm”, giúp họ tăng thêm ý thức lao động, vươn lên để thoát khỏi nghèo khó. Được như vậy, đến năm sau hộ đó không còn trông chờ vào sự từ thiện của cộng đồng nữa. Thậm chí, với những con giống được tặng, họ sẽ còn có thể giúp hộ khác cùng vươn lên thoát nghèo.
Điển hình như phong trào giúp đỡ các xã nghèo miền Tây do UBND tỉnh Nghệ An phát động, chỉ đạo từ năm 2012, theo đó mỗi cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 1 xã nghèo. Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị có thể chọn những cách giúp đỡ khác nhau, từ việc xây dựng các công trình hạ tầng đến tặng cây giống, con giống, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, giúp học sinh nghèo vươn lên học tập… Nhờ đó, mỗi năm đã có hàng chục tỷ đồng được cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị quyên góp giúp đồng bào miền Tây.
Ví dụ như Báo Nghệ An nhận giúp đỡ xã Xiêng My (Tương Dương), mỗi năm Báo Nghệ An quyên góp 50 – 70 triệu đồng mua 2 -3 con bò sinh sản tặng các hộ nghèo ở xã Xiêng My, hỗ trợ học sinh nghèo, tặng quà Tết cho người nghèo và mua sắm các thiết bị cần thiết tặng UBND xã. Sau 9 năm hỗ trợ, tỷ lệ hộ nghèo của xã Xiêng My đã giảm từ 64,99% (năm 2015) xuống còn 33,06% (năm 2020). Nhiều gia đình ở xã Xiêng My từ nguồn bò của Báo Nghệ An tặng đã sinh sản 3-4 lứa, tạo nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, chăm lo con cái học hành và thoát hẳn cảnh đói nghèo một cách bền vững.
Làm thiện nguyện, ngoài xuất phát từ tấm lòng nhân ái, thiết nghĩ, mỗi người, mỗi tổ chức khi thực hiện việc làm cao đẹp này cần tìm hiểu kỹ địa chỉ dự định sẽ đến, liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương, với những người kết nối uy tín để mỗi việc làm của mình dù nhỏ cũng phát huy được tối đa hiệu quả lâu bền, và góp phần xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vốn còn tồn tại trong cộng đồng.