Nhà văn Nguyễn Minh Châu, người Quỳnh Lưu đã có một cái truyện với cái tít “Phiên chợ Giát” rất nổi tiếng. Tuy nhiên, đó là câu chuyện về cuộc đời; phiên chợ Giát chỉ như là cái cớ. Nhưng với hầu hết những người dân Quỳnh Lưu thì chợ Giát một thời cứ như là máu thịt, huyết mạch và là nhịp sống của cả một vùng đất.
Theo như các cụ ngày trước kể lại thì chợ Giát nguyên trước đây chỉ có một phiên chợ Cầu. Đến thời ông Trần Mậu Trinh làm Tri huyện thì cho chuyển cả chợ Bèo thuộc tổng Hoàn Hậu (Bầu Hậu – nay thuộc xã Quỳnh Hậu) về họp luôn ở Cầu Giát thành ra chợ có 2 phiên, chợ Cầu và chợ Bèo từ đó. Theo quy định, phiên chợ Cầu họp vào các ngày 5 (5, 15, 25) âm lịch hàng tháng. Phiên chợ Bèo họp vào ngày 10 (10, 20, 30) âm lịch hàng tháng. Khi lớn lên tôi vẫn thấy cái vé chợ do ông Khán Chợ (như tổ trưởng dân phố bây giờ) phát ra có ghi rõ vé chợ Cầu hay chợ Bèo trong từng phiên họp chợ, dù trên cùng một vị trí đất. Ngoài 2 phiên chợ chính bán đủ thứ sản vật, chợ Giát còn có các phiên chợ xép vào các ngày 7 ngày 3 (mồng 3, mồng 7, 13, 17, 23, 27) âm lịch. Phiên chợ này cũng họp cả ngày. Phiên chợ hôm thì họp vào cuối chiều của tất cả các ngày chủ yếu bán thực phẩm tươi sống cho dân hàng huyện. 2 phiên chợ phụ này cũng bán nhiều thứ, duy không có hàng ăn (bún phở, thịt chó…).
Ở chợ Giát có phân thành hai khu vực họp chợ rành rẽ là chợ hàng hóa và chợ bò (bán chủ yếu là trâu). Chợ bò họp ngày năm và ngày mười trùng với phiên chợ Cầu và chợ Bèo. Ngày trước người nông dân đi chợ chủ yếu là đi bộ. Đi hàng năm bảy cây số đường đất. Chợ Giát vừa là chợ huyện của cả vùng, lại vừa mang rõ sắc thái chợ quê. Cái văn hóa vùng quê lúa rất đậm đà.
Các phiên chợ Giát ngoài rau quả lương thực, còn bán vật nuôi sống như gà vịt, lợn; chợ bò bán trâu bò. Ngày trước bán lợn thường cho vào rọ mang hoặc quảy; trâu bò thì dắt bộ. Đàn bà thường đi chợ bán lợn gà. Đàn ông chuyên mua bán trâu bò. Người dân quê đi chợ mất non ngày. Có khi chỉ cắp một con gà trống lên chợ bán, mua mấy cái bánh khô (bánh đa), hoặc mấy cái bắp ngô luộc về cho con nít; còn lại đong gạo, mua cá biển, mua dép, mua áo cho chồng cho con. Tuổi thơ cứ trông mẹ đi chợ về là thế. Cái hương vị bắp ngô nếp luộc cứ thơm nồng nàn đi mãi trong cuộc đời là thế. Lợn đi bán được tắm rửa sạch sẽ, cho vào rọ tre, đáy lót tấm mê đan. Tấm mê đáy rọ cứng bạnh cái bụng cái hông lợn làm da thịt đùn ra cả ngoài ô đan, trông con lợn to hẳn, béo mập hẳn. Người xưa có câu “lợn rọ, chó thui” là thế. Lợn rọ mới bắt mắt, nhìn to đầy đặn làm sao.
Phiên chợ bò thì vui như hội. Chợ như một sàn diễn xướng dân dã mà đam mê. Nhà văn Nguyễn Minh Châu viết “Phiên chợ Giát” ngụ ý chỉ nói về cái phiên chợ bò này. Đến phiên chợ, trâu bò từ khắp huyện và các huyện lân cận được dắt bộ nườm nượp trở về. Người xa đi chợ bò phải xuất phát từ bốn năm giờ sáng, khi mặt trời chưa mọc; đường đất còn mát mẻ, trâu không mệt, nhìn còn phương phi nhanh nhẹn. Đàn ông đi chợ bò bao giờ cũng có một đứa con nhỏ đi theo dắt trâu như tiểu đồng đi cạnh ông chủ. Người nông dân đi bán trâu bò vì thế có được cái cảm giác ông chủ thực sự là thế. Mỏi đâu, ông chủ ngồi vệ đường bắn điếu thuốc lào, sảng khoái nhả khói lên trời mơ về một giấc mơ có nắm tiền lớn, có cơ hội tự thưởng bằng tô phở hoặc chầu thịt chó. Đây cũng là lý do khiến phiên chợ Cầu, chợ Bèo luôn có hàng ăn, quán nhậu. Hễ bán được trâu bò, người nông dân liền sà ngay vào quán thịt chó nhâm nhi cút rượu. Trẻ thì được thưởng công bằng tô phở, tô bún. Lâu dần chợ Cầu, chợ Bèo thành nơi ăn uống bù khú. Có người đi chợ chẳng để mua bán gì, chỉ là ăn nhậu hoặc đãi khách. Hồi trước người ta hay kể câu chuyện vui về một ông bợm nhậu ở cổng chợ Giát, hễ ngồi nhậu một mình thì bị vợ la. Vì thế, ông luôn tìm cớ có người ngồi để nhâm nhi đĩa thịt chó. Cứ thế thành quen, hễ thèm rượu thịt chó là ông ra quán, nhìn ai mua may bán đắt vui vẻ, thong thả là ông kéo vào cụng li như bạn cũ lâu ngày gặp mặt. Cũng nhấm nháp, cũng hàn huyên.
Chợ bò có bọn “vuốt đuôi bò” chuyên nghiệp. Là cách nói dân gian với tầng lớp người chuyên buôn nước bọt, bán hộ trâu bò. Việc bán hộ bò nghe rất thú vị vừa như diễn xướng, tâng bốc, vừa như tả thực. Bọn vuốt đuôi bò về nguyên tắc là rất giỏi về tướng số trâu bò. Họ nhìn tướng từng con rồi nhận giá bán khoán. Lời hơn thì họ được hưởng. Mà thời trước, với nhà nông, “con trâu là đầu cơ nghiêp”. Ca dao xưa có câu: “Tậu trâu cưới vợ làm nhà/ Trong ba việc ấy thật là khó thay”; hoặc: “Một ba sáu tám kim lâu/ Làm nhà cưới vợ tậu trâu chớ làm”. Không hiểu sao người quê gọi là chợ bò, nhưng kỳ thực bán trâu vẫn nhiều hơn, hay hơn, thú vị hơn bán bò.
Về tướng số, thời vận, con trâu vẫn hấp dẫn hơn. Người xưa bảo con trâu mang mệnh của chủ. Nếu nuôi trúng con trâu có lông xoáy phản chủ, người nuôi dễ bị sạt nghiệp, thậm chí là tử vong. Con trâu đực thì cần tốt đường cày. Phải sừng cánh ná/dạ bình vôi/ mắt ốc nhồi/ tai lá mít/ đít lồng bàn. Móng tròn, khi đi bàn chân sau phải dẫm đúng vào vết chân trước. Trâu có da đồng/lông móc, nuôi nhanh lớn, cày kéo khỏe. Trâu nái thì phải chọn tướng đẻ tốt. Người xưa nói: Ruộng sâu/ trâu nái/gái đầu lòng là thế. Con nái thì trâu cổ cò/ bò cổ lãi… Người vuốt đuôi bò còn biết tán xoáy lông muộn hay sớm cho phân ít hay nhiều; xoáy hạ địa hay đau bụng tiêu chảy; xoáy thiên lôi đả hay bị sét đánh… Nghĩa là tầng lớp chuyên nghiệp này đã có công làm đẹp hình ảnh con trâu; làm cho con trâu trở nên linh thiêng trong mỗi gia đình nông dân Việt. Cái cách họ bán, họ tán, họ cà cưa thì lại rất mê. Một tay cầm dây múi trâu (dây thừng), tay kia cầm vào lòng tay khách, đập cái bốp: thì hai triệu này! Một triệu chín đi! Tướng này hay ăn chóng lớn!…
Chợ Giát xưa còn là nơi để người ta hát; chuyên hát xẩm chợ. Nghe nói sau này có người từ hát xẩm chợ đã thành nghệ nhân ca kỹ dân gian.
Bây giờ về lại chợ Giát, thấy to hơn, nhiều hàng hóa hơn, nhưng nhạt hơn. Không còn cái thi vị thời trước nữa. Nhất là chợ bò chỉ bán toàn me (bê) và nghé nhỏ xíu. Tất cả đều được buôn bằng ô tô từ những vùng miền xa xôi về đây. Việc bán trâu rất tẻ nhạt, không còn bọn diễn xướng như xưa. Có lẽ bây giờ con trâu không còn là tài sản lớn chủ đạo của nhà nông nữa. Con trâu cũng không còn dùng để cày. Bây giờ cứ khỏe mạnh, không ốm đau theo cái nhìn của ông thú y là xong. Mua trâu thì ước lượng theo thịt mà trả tiền. Người mua bán ít bị phiền nhiễu nhưng lại mất đi cái hồn cốt của một phiên chợ quê truyền thống. Cái ăn trong chợ vì thế cũng không còn như xưa nữa. Nói chung không khí chợ Giát đã khác xưa quá nhiều. Phiên chợ Giát bây giờ thuần túy chỉ có đổi trao mua bán hàng hóa. To lớn hơn, xô bồ hơn, nhưng phiên chợ Giát đã ít đi cái tinh tế vi diệu của cái chợ quê một thời đầy ký ức của vùng đất Bắc xứ Nghệ hào hoa trong quá vãng!