Nhật ký người lính trẻ và lý tưởng thanh xuân, khát vọng hòa bình

Một ngày đầu tháng Tư, tôi được anh Lê Tiến Dũng (trú tại thành phố Vinh) – một tình nguyện viên tâm huyết với việc kết nối các thông tin về liệt sĩ – chuyển cho xem file chụp phim cuốn nhật ký ghi lại hành trình huấn luyện và chiến đấu của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn (SN 1950), quê ở xóm Hoa Đông, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành.

Anh Dũng chia sẻ: Cuốn nhật ký bị quân Mỹ thu giữ ngày 17/8/1970 cùng một số giấy tờ của bộ đội thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Các file chụp nội dung được lưu giữ tại kho tư liệu về chiến tranh Việt Nam trên website của Trường đại học Kỹ thuật Texas (Hoa Kỳ). Kỹ sư Lâm Hồng Tiên – hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam là người đã tìm thấy bản chụp cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn và chuyển về cho anh Lê Tiến Dũng để kết nối với thân nhân.

Anh Lê Tiến Dũng (ngoài cùng, bên phải) - thành viên Hội thiện nguyện tìm mộ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sĩ trao đổi với đồng đội và hàng xóm cũ đã giúp anh kết nối được với thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn.
Anh Lê Tiến Dũng (ngoài cùng, bên phải) - thành viên Hội thiện nguyện tìm mộ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sĩ trao đổi với đồng đội và hàng xóm cũ đã giúp anh kết nối được với thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn.

Theo thông tin chia sẻ trên trang Kyvatkhangchien.com, thì các cựu chiến binh của F304 cũng xác nhận có thông tin về liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304), quê xã Hoa Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) hy sinh ngày 16/8/1970 tại cao điểm 400.

Ngay trang đầu tiên trong cuốn nhật ký của người lính trẻ Nguyễn Trọng Ấn (đề ngày 12/4/1968) đã phác hoạ chân dung cậu học sinh ở độ tuổi mười tám, đôi mươi với nhiều ước mơ về hạnh phúc, tương lai nhưng đành gác lại chuyện học giang dở để cầm súng ra chiến trường đánh Mỹ, làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc. “Bài lượng giác còn chưa xong… buồn ngủ quá, ta vừa thiu thiu ngủ. Có lẽ khoảng 12h đêm… Cánh cửa kẹt một tiếng… cầm tờ giấy lệnh điều nghĩa vụ quân sự với chữ ký Nguyễn Công Chân, trong người có một cảm giác dễ thường từ trước đến nay chưa bao giờ có. Một đêm, một đêm nhớ mãi…”.

Thông tin về liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn đăng trên trang kyvatkhangchien.com.
Thông tin về liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn đăng trên trang kyvatkhangchien.com.

Cựu chiến binh Phan Thế Nguyên (SN 1948) – bạn cùng quê, nhập ngũ cùng một ngày với liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn, là người được nhắc tên trong cuốn nhật ký, bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi học cùng trường, Ấn học lớp 9, tôi học lớp 10, chênh nhau hai tuổi. Tháng 4 năm 1968, chúng tôi cùng nhập ngũ vào cùng một đơn vị. Thời điểm ấy xã Hoa Thành có 14 người nhập ngũ đều ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, còn ngây thơ, hồn nhiên lắm. Ấn có vóc dáng thư sinh, nói năng nhỏ nhẹ, hơi nhút nhát, thích làm thơ. Chúng tôi có hoàn cảnh giống nhau, đều là con trai một (liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn là con thứ tư, trong gia đình còn có 4 chị em gái). Từ giã người thân, cha mẹ già ra đi không hẹn ngày về, nên khá nặng lòng. Hai anh em thường tâm sự, động viên nhau…”.

CCB Phan Thế Nguyên - đồng đội cùng nhập ngũ với liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn chia sẻ những kỉ niệm đẹp về người đã hi sinh.
CCB Phan Thế Nguyên - đồng đội cùng nhập ngũ với liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn chia sẻ những kỉ niệm đẹp về người đã hi sinh.

Ở những trang nhật ký kế tiếp, người lính trẻ Nguyễn Trọng Ấn viết về những ngày đầu nhập ngũ với nhiều bỡ ngỡ và có chút lưu luyến khi phải rời xa quê hương: “Ngày 15/4/1968 bắt đầu hành quân đi ra. Khởi hành từ 4 giờ sáng ngày hôm ấy đi suốt đêm, từ nhỏ đến lớn ta chưa bao giờ đi xa, chưa quen mang nặng mà đến hôm nay lại làm bạn với đường trường. Băng qua cánh đồng, xa dần làng xóm nhỏ, tiếng gà khuya văng vẳng vọng qua…”. “Ngày lại qua ngày, chặng đường dài mãi, vực thẳm, sông sâu. Đoàn quân vượt qua bao nhiêu rừng, bao nhiêu suối, qua đất Nghệ An, cảnh làng xóm vắng dần và mất hẳn. Ta đi trong rừng sâu, đi mãi… hết dốc thấp đến dốc cao luồn qua rừng rậm, một vài ánh mặt trời le lói, ảm đạm. Những khu rừng tĩnh mịch làm sao. Nếu không có chiến tranh chắc hàng nghìn năm vẫn không có dấu chân người…”.

Một số trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn.
Một số trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn.

Ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất, thay vì tiếp tục cắp sách đến trường, Nguyễn Trọng Ấn bắt đầu trải qua những ngày đầu trong quân ngũ “sáng học quân sự vượt hàng rào dây, trưa tranh thủ lấy củi làm nhà, chiều học chính trị quân sự…”;làm quen với các động tác bò trườn, đâm lê…”. Trong những giờ phút nghỉ ngơi suốt chặng đường hành quân, bên cạnh nỗi nhớ nhà, nhớ quê, người lính trẻ còn bày tỏ những cảm xúc tự hào, kiêu hãnh của thế hệ thanh niên được đứng trong hàng ngũ đoàn quân ra trận: “Những ngày hành quân qua núi, xuyên rừng, ta ước ao được sưởi ấm bằng 1 mái nhà ấm cúng… Thế rồi, ngày chiến đấu cũng đến gần theo lịch sử. Ta cũng không nhớ rõ ngày nào… Ta chỉ nhớ rằng hôm đó trời mưa rả rích… Một trung đội một xe. Ngồi chật quá, mưa rét quá nhưng ta vẫn cảm thấy ấm lòng khi xe qua bệnh viện, qua làng xóm và cả đoàn quân cùng hát… Nhân dân ra xem, ta hát càng to. Chắc họ thích lắm khi thấy đoàn xe chở đoàn lính miền Bắc vào Nam. Tuổi thanh niên thấy cảnh này ai mà không thèm muốn…”.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cuốn nhật ký nhắc đến nhiều địa danh khác nhau: Như Xuân (Thanh Hóa), Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quỳnh Trang, Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Quảng Bình, Quảng Trị và cả những vùng đất nước  bạn Lào… Trong chặng đường hành quân đầy gian lao, trải qua những cuộc chiến đấu khốc liệt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, nỗi nhớ quê hương, người thân được Nguyễn Trọng Ấn gửi gắm thầm kín trong từng dòng nhật ký đong đầy cảm xúc. Tại trang nhật ký đề ngày 27, 29 Tết Âm lịch năm 1970, ông viết: “Đã 27 Tết. Ở nhà vui lắm đây. Ngày nào ta còn đi chơi Tết, tiếng pháo, tiếng trống nhộn nhịp thế. Nhớ nhà quá… ở quê lúc này có lẽ cha mẹ, em gái đang nhớ ta đây. Tối nay mẹ có khóc không, thương cha mẹ quá chừng. Ước gì phút này ta có mặt ở gia đình nhỉ, chắc ở nhà cha mẹ đã chuẩn bị Tết cả rồi…”. “…Tối nay, ta sẽ thức để đón Giao thừa, ôi lại 1 cái tết trong quân đội. Đêm nay ở quê hương cha mẹ sẽ nghĩ gì về đứa con xa nhà. Chắc mẹ sẽ khóc nhiều khi nghĩ đến ta. Ôi nhớ thương…”.

Thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn xúc động khi nhớ về người thân đã hi sinh.
Thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn xúc động khi nhớ về người thân đã hi sinh.

Khi bị thương nặng ở đùi, phải ở lại để điều trị, người lính trẻ có những giờ phút trải lòng “Đơn vị rút khỏi chốt 1 và 2 nhận nhiệm vụ khác, ta không đi được vì đau chân lên tiểu đoàn nằm. Một mình, 1 căn hầm lạnh lẽo cô đơn. Ôi sao nhớ nhà lạ lùng… Kỷ niệm xưa chập chờn trước mặt, ta ao ước một ngày sống ở quê hương. Có cha, mẹ và em. Bây giờ mẹ cha đang làm gì?ta cứ tưởng tượng mẹ làm việc này, cha làm việc nọ. Có lẽ em gái ta đang còn nấu cơm. Rồi lại nhớ từng vật nhỏ trong nhà, nhớ cái sân góc vườn, ngõ cổng…”. “Lúc toàn bộ núi rừng chìm đắm trong im lặng cũng là lúc hình ảnh quê hương trỗi dậy mãnh liệt… Ta muốn giơ đôi tay bé nhỏ của mình giữ lại những cái gì làm ta da diết nhớ nhung…”.

Một trang nhật ký bày tỏ nỗi nhớ quê hương da diết của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn.
Một trang nhật ký bày tỏ nỗi nhớ quê hương da diết của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn.

Nhiều nhớ thương quê hương đến thế, nhưng người lính ấy đã không thể trở về, Nguyễn Trọng Ấn ngã xuống khi mới  20 tuổi trong một trận đánh ác liệt trên chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị). Theo giấy báo tử gửi về địa phương: Binh nhất Nguyễn Trọng Ấn – chiến sỹ thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, đơn vị 1450, hy sinh ngày 16/8/1970 tại mặt trận phía Nam Quân khu Bốn. Trong trường hợp: “Chiến đấu vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước bảo vệ Tổ quốc”, được xác nhận là: Liệt sĩ.

Sáng 14/4/2024, tại hội trường UBND huyện Yên Thành đã diễn ra một sự kiện đặc biệt. Đó là lễ trao, nhận cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn – người con của quê hương Hoa Thành. Buổi lễ diễn ra trong không khí ấm cúng, xúc động với sự có mặt của lãnh đạo huyện, chính quyền địa phương, đông đảo thân nhân, đồng đội của gia đình liệt sĩ.

Tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Yên Thành  khẳng định, cuốn nhật ký là một di vật thiêng liêng đối với gia đình, dòng tộc và quê hương, bởi liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn sinh ra, lớn lên và khoác ba lô ra chiến trường từ mảnh đất này.

Đại diễn lãnh đạo huyện Yên Thành, Hội thiện nguyện tìm mộ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sỹ Nghệ An- Hà Tĩnh  trao cuốn nhật ký chiến trường cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn.
Đại diễn lãnh đạo huyện Yên Thành, Hội thiện nguyện tìm mộ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sỹ Nghệ An- Hà Tĩnh trao cuốn nhật ký chiến trường cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn.

Chia sẻ về hành trình kết nối, tìm kiếm thông tin thân nhân để đưa cuốn nhật ký của người đã khuất trở về bên gia đình sau hơn 50 năm lưu lạc ở bên kia bán cầu, anh Lê Tiến Dũng – thành viên Hội thiện nguyện tìm mộ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sĩ Nghệ An – Hà Tĩnh, xúc động bày tỏ: “Có những lúc tôi gần như bỏ cuộc vì trong nhật ký chỉ nhắc đến chị gái tên Ẩn và em gái, không biết tên họ cụ thể. Thế nhưng,  nỗi nhớ thương và khao khát đoàn tụ với người thân của người lính trong từng trang nhật ký khiến tôi xúc động và có thêm động lực tìm kiếm. Và như một cơ duyên, tôi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có ông Phan Tất Hệ là  hàng xóm của gia đình liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn đã giúp tôi kết nối được với với chị và cháu gái của liệt sĩ đang ở Hà Nội”.

Bà Trần Thị Mai Hương - cháu ruột liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn bày tỏ lòng cảm ơn chính quyền huyện Yên Thành, Hội thiện nguyện đã hỗ trợ đưa cuốn nhật kí của liệt sĩ về với người thân.
Bà Trần Thị Mai Hương - cháu ruột liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn bày tỏ lòng cảm ơn chính quyền huyện Yên Thành, Hội thiện nguyện đã hỗ trợ đưa cuốn nhật kí của liệt sĩ về với người thân.

Nhiều câu chuyện xúc động về chủ nhân cuốn nhật ký cũng đã được người thân và đồng đội kể lại. Cựu chiến binh Phan Thế Nguyên là đồng đội cũ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn, rưng rưng chia sẻ: “14 thanh niên cùng xã nhập ngũ năm ấy, chỉ có 8 người trở về. Anh Ấn ở trong số 6 người đã hy sinh. Hơn 50 năm rồi, nay nhận được thông tin về cuốn nhật ký của đồng đội đã hy sinh trong đó có nhắc tên mình “Thế là thằng Thụ chết mất rồi, anh Nguyên bị thương…”, tôi xúc động quá!. Chỉ là kỷ vật thôi mà chứa đựng nhiều tình cảm thiêng liêng, như người bạn chiến đấu năm nào đã trở về bên chúng tôi”. Còn cựu chiến binh Phạm Đức Cừ run run rút trong túi áo ra cho mọi người cùng xem tấm ảnh nhỏ chụp cùng đồng đội Nguyễn Trọng Ấn trong bộ quân phục. Tấm ảnh đen trắng đã nhoè mờ theo năm tháng nhưng vẫn được ép bọc cẩn thận. Trong ký ức của ông Cừ cũng như của các đồng đội cùng đợt nhập ngũ: Nguyễn Trọng Ấn là một người giàu tình cảm, luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội.

Lễ trao nhận cuốn nhật ký liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn. Clip: Đăng Trí

Điều đó, thể hiện trong từng trang nhật ký, từ buổi đầu nhập ngũ cho đến khi  đơn vị phân tán mỗi người mỗi ngả: “Thôi nhé tạm biệt những người bạn đã sống với nhau trong những ngày đầu nhập ngũ. Ôi sao chưa chia tay mà đã cảm thấy nhớ nhung. Ta không muốn rời xa những con người này”. Sự yêu thương, sẻ chia với đồng chí, đồng đội của những người lính trong gian khổ, cũng hiện lên rõ nét trong trang nhật ký đề ngày 8/7/1970: “tình trạng thiếu thốn bắt đầu, đã phải chia nhau từng hạt muối. Cũng từ đây, thức ăn chỉ còn lại muối thôi. Nghe đâu đơn vị đã phải ăn 1 ngày 3 lạng gạo…”.  Trên đường đi lấy gạo ở kho Sư đoàn, gặp mấy thương binh, nghe tin dữ về đơn vị, Nguyễn Trọng Ấn bồn chồn, lo lắng: “Những người đồng chí, những người anh em, ai đã hy sinh, ai bị thương, nóng ruột quá, ta chỉ muốn về đơn vị…” . “Ngày 16/7/1970, một ngày in đậm trong cuốn nhật ký này. Tai hoạ đã giáng xuống đầu đơn vị ta, ta nằm bên đường đi. Anh em lần lượt cáng những đồng chí, những người bạn đi qua, đau xót vô cùng…”.

Một trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn có nhắc đến các đồng đội cùng quê, cùng nhập ngũ.
Một trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn có nhắc đến các đồng đội cùng quê, cùng nhập ngũ.

Theo từng trang nhật ký, có thể cảm nhận được sự cứng cáp, trưởng thành dần trong suy nghĩ và hành động của người lính trẻ. Từ ngày huấn luyện đầu tiên trên thao trường “tưởng không thể nào chịu nổi”, thế nhưng “kết quả sau 2 tháng cũng rạng rỡ”. Đến khi đi sâu vào chiến trường, Nguyễn Trọng Ấn đã không ít lần nhận nhiệm vụ trinh sát thực địa, cảnh giới cho đơn vị hành quân hoặc triển khai đội hình tập kích địch. “Cùng trung đội trưởng Đỗ Thế Huấn đi trinh sát  dẫn đường tập kích địch ở đồi con vịt… ra đi lúc 8 giờ sáng vượt qua nhiều đồi, nhiều khe, chưa quen địa hình, chưa biết được hoạt động của thám báo, biệt kích nên ta đi có phần chú trọng. Có lúc ta đi vòng dưới chân bọn địch. Có lẽ chúng thấy động nên hay bắn vu vơ… Ta có nhiệm vụ đi đầu để cảnh giới, đi hết suối Lạp ra ngã ba suối Khỉ, ngửi thấy mùi chanh thơm… nhất định có thám báo…”. Ở một trang nhật ký khác ông miêu tả: “Đánh rồi, giòn dã quá… Tất cả làm thành một mũi xông về có tiếng súng… Ta cũng theo anh em xông lên. Một lúc sau không biết cối cá nhân hay lựu đạn mỏ vịt mà đanh thế. Tới tấp bắn ra, địch cũng bắn mạnh, Nhiều đồng chí bị thương. Ta cầm chắc trong tay hai quả thủ pháo, AK treo trước ngực. Kể ra bọn Mỹ cũng ngoan cố thật…”.

Ảnh tư liệu - minh họa: Internet
Ảnh tư liệu - minh họa: Internet

Có lẽ chỉ có khát vọng hòa bình mãnh liệt và trái tim yêu gia đình, quê hương tha thiết thì thế hệ thanh niên trưởng thành trong cuộc chiến tranh vệ quốc như Nguyễn Trọng Ấn  mới có sức mạnh phi thường để vượt qua những ngày tháng khó khăn, khốc liệt đến mức không tưởng như vậy. Dọc đường hành quân sâu vào chiến trường, trước cảnh thiên nhiên đẹp đến “không thể chê được… giá mà đơn vị đóng quân ở đây ít ngày mà chơi trăng nhỉ”, nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh ông thầm ước hẹn “thôi, đợi đến ngày hoà bình, bây giờ hãy nghỉ lấy sức mai mà leo dốc”. Lần khác, mặc dù “người yếu mà mệt” nhưng khi cùng đoàn quân băng qua thôn làng, nương rẫy, ông vui sướng khi nghe thấy tiếng chó sủa và cảm nhận được “Mùi lúa trổ thơm lạ, mùi quê hương trong những ngày lúa trổ…”.

Những cánh đồng lúa ở huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu - minh họa: Sách Nguyễn
Những cánh đồng lúa ở huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu - minh họa: Sách Nguyễn

Ở gần cuối cuốn nhật ký đề ngày 5/8/1970 (trước thời điểm Nguyễn Trọng Ấn hy sinh), người lính ấy bày tỏ: “…Ta không thích đánh nhau… Ta không muốn giết người. Ta muốn sống tự do, hoà bình, hạnh phúc bên cha mẹ già, chị và em của Ta. Ta muốn ngồi trong ngôi nhà thân yêu đã che chở nắng mưa từ thuở bé… Ta nhất định sẽ không chết, sẽ về sống đầm ấm với gia đình”.

Hiện thực ước mơ đoàn viên, sum họp của người đã hy sinh, trong buổi lễ giao nhận cuốn nhật ký do UBND huyện Yên Thành tổ chức, có sự hội ngộ của chị gái, các cháu, người thân của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn từ khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam. Thay mặt gia đình, bà Trần Thị Mai Hương – cán bộ Vụ quan hệ Quốc tế  (Văn phòng Chính phủ), cháu gái liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn nghẹn ngào gửi lời tưởng nhớ, tri ân tới người cậu có “vóc dáng nhỏ nhắn và nụ cười hiền hậu”. Đồng thời, bày tỏ: “Đại gia đình tôi đã đi xa quê hương mấy chục năm rồi, nhưng nay vẫn được chính quyền, các ban ngành đoàn thể huyện Yên Thành, Hội thiện nguyện; các cựu chiến binh, những người đồng đội vào sinh ra tử với cậu quan tâm, kết nối hỗ trợ gia đình tổ chức buổi lễ đón nhận di vật người thân trong không khí trang trọng, xúc động và ấm áp. Chúng tôi vô cùng biết ơn và thấu hiểu sâu sắc rằng: dù đi đâu, dù xa cách bao lâu thì quê hương, nguồn cội vẫn là nơi để trở về…”.

Ngày hội tòng quân năm 2024 tại huyện Yên Thành. .Ảnh tư liệu - minh họa: Cổng Thông tin điện tử huyện Yên Thành
Ngày hội tòng quân năm 2024 tại huyện Yên Thành. .Ảnh tư liệu - minh họa: Cổng Thông tin điện tử huyện Yên Thành

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hoài bão của tuổi thanh xuân, ký ức, kỉ niệm đẹp về gia đình, về tình đồng chí, đồng đội; sự khốc liệt, gian khổ nơi chiến trường và khát vọng hoà bình… được ghi lại trong cuốn nhật ký dọc đường hành quân của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn như lời nhắn gửi tới người thân và thế hệ mai sau không quên những đau thương, mất mát và hy sinh cao đẹp của những người đã ngã xuống cho đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Từ đó, mỗi người biết trân trọng hơn giá trị của hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc ngày hôm nay…