Ngày 17/8/2018, khi hình ảnh thị trấn Mường Xén của huyện biên giới Kỳ Sơn chìm trong biển nước ngập tràn mạng xã hội; đường dây nóng Báo Nghệ An liên tục nhận được những thông tin của cán bộ, nhân dân vùng cao, chúng tôi xác định đây là một vấn đề cần phải quan tâm…
Thế rồi không chỉ dịp thị trấn Mường Xén bị ngập lụt, mà ròng rã suốt từ đó cho đến ngày thủy điện Bản Vẽ xả lũ với mức xả lịch sử trong ngày 31/8/2018, phóng viên Báo Nghệ An luôn có mặt tại các điểm “nóng” của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông. Ngoài việc kịp thời cập nhật thông tin lũ lụt giáng họa xuống người dân, còn đề ra trách nhiệm phải tìm hiểu nguyên nhân, sớm có những đề xuất, góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập nếu có.
Ở Kỳ Sơn, tìm đến những khu vực ngập lụt ở thị trấn Mường Xén, lội bùn đến với đồng bào Khơ mú tại các bản Nhạn Lỳ, Nhạn Cù (xã Tà Cạ), tiếp cận với cán bộ địa phương cơ sở, đã xác định nhà máy thủy điện Nậm Mô có “góp phần” gây nên lũ lụt. Đó là ở giai đoạn này thường xuyên có nước lũ từ Lào đổ về, nhưng nhà máy thủy điện chậm xả lũ; và khi dòng Nậm Mộ dâng quá cao buộc phải thực hiện xả lũ, thì đã xả quá đột ngột với lưu lượng lớn. Thời điểm này, vùng hạ du thủy điện Nậm Mô nước đã dềnh cao, trời mưa lớn, cùng với việc xả lũ đã dẫn đến thị trấn Mường Xén mắc họa.
Còn ở Tương Dương và Con Cuông, sau khi đi hết các thôn, bản chịu hậu họa năng nề thuộc các xã Yên Na, Lượng Minh, Xá Lượng, thị trấn Hòa Bình, Thạch Giám, Tam Thái, Tam Quang (Tương Dương), Châu Khê, Lạng Khê, Bồng Khê (Con Cuông), đã nhận ra công tác phòng chống lũ vùng hạ du và quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa của các thủy điện ở khu vực này gồm Bản Vẽ, Nậm Nơn, Khe Bố, Chi Khê có nhiều tồn tại, bất cập. Đó là công tác quan trắc, thủy văn của các thủy điện này còn sơ sài, không được quan tâm đúng mực, bởi vậy, đã không đánh giá được chính xác, kịp thời lượng nước về hồ chứa. Từ đây, dẫn đến việc cảnh báo chậm, chỉ đạo xả lũ của cấp có thẩm quyền rơi vào thế bị động. Bên cạnh đó, các hồ chứa của các thủy điện sau nhiều năm đi vào hoạt động, bị bồi lắng dẫn đến sức chứa giảm sút nghiêm trọng. Nhiệm vụ phòng chống lũ vùng hạ du chỉ được nêu ra tại hồ sơ nhưng không được triển khai thực hiện; hoặc có thực hiện nhưng qua loa đại khái…
Từ thực tế, từ hồ sơ tài liệu, từ những trao đổi của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm… đã có rất nhiều bài viết, chùm ảnh, clip ra đời sau đó, được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Nghệ An. Tại các bài viết, chùm ảnh, clip này, ngoài phản ánh một thực tế đáng báo động ở các vùng ngập lũ, còn nêu rõ những nguyên nhân, trong đó thắng thắn chỉ rõ những tồn tại, bất cập của các nhà máy thủy điện. Đó là “Cứu lấy… Quốc lộ 7A”, “Ngăn dòng lũ dữ miền Tây”; “Truy trách nhiệm thủy điện Bản Vẽ”, “Cần thanh, kiểm tra việc phòng, chống lũ vùng hạ du các thủy điện”…
Đến với vùng cao những ngày chịu hiểm họa lũ lụt, cảm nhận đủ đầy, sâu sắc tình cảm của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú… dành cho các phóng viên Báo Nghệ An. Ấy là những ân cần dù lần đầu gặp gỡ. Là sự nhiệt tình trong chia sẻ thông tin. Là những giúp rập, tạo điều kiện trong quá trình phóng viên lưu lại cơ sở tác nghiệp. Cán bộ vùng cao cũng vậy. Từ những người đứng đầu Huyện ủy, UBND huyện, cho đến các phòng ban, xã, thôn bản. Tất cả đều tận tình giúp đỡ phóng viên Báo Nghệ An. Làm nghề báo, không có nghĩa là có hiểu biết sâu sắc hết mọi vấn đề của xã hội. Thế nên, những thông tin từ người dân, từ các cán bộ đều hết sức cần thiết, quý báu.
Các đơn vị thủy điện có những đóng góp cho xã hội. Bởi vậy, khi tìm hiểu để xác định có hay không những hệ lụy từ thủy điện, đã có những cơ quan, những cán bộ có trách nhiệm ngại ngần, hoặc né tránh giao tiếp, cung cấp thông tin. Nhưng cũng nhiều những cán bộ là lãnh đạo, hoặc là người có chuyên môn đã thấu hiểu việc làm của phóng viên Báo Nghệ An. Với tinh thần trách nhiệm cao, họ đã thẳng thắn trao đổi, cung cấp những kiến thức sâu sắc để góp phần chỉ ra những tồn tại, bất cập của thủy điện. Đó là Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Toàn, Cục phó Cục quản lý đường bộ 2 Đào Văn Minh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thành; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy…
Như Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thành đã trao đổi: “Có vấn đề trong việc dự báo lượng mưa, lượng nước ở lưu vực thượng nguồn! Nếu có dự báo tốt và số liệu lượng mưa thượng nguồn và chỉ cần phần mềm tính toán thì có thể ra quyết định xả lũ sớm hơn với mức xả thấp hơn mà vẫn đảm bảo dự trữ nước và an toàn thân đập, thì nhân dân hạ nguồn đâu đến nỗi!”. Với Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông, ông đã nhắn nhủ: “Chúng ta ghi nhận những đóng góp của các Nhà máy thủy điện trong nhiều năm qua. Nhưng từ các đợt lũ lụt trong tháng 8/2018, cần đánh giá những tác động của các nhà máy thủy điện. Đánh giá để đề ra được những giải pháp khắc chế, triệt tiêu những hệ lụy; đồng thời qua đó để các nhà máy thủy điện phải nhìn nhận, có sự điều chỉnh và có trách nhiệm với xã hội…”. Hoặc như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy, đã nói rằng việc tìm hiểu, nêu ra những tồn tại, bất cập của thủy điện là việc rất nên làm. Bản thân ông, trong vai trò là đại biểu Quốc hội, đã thể hiện điều này bằng những việc làm cụ thể. Đó là cũng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đưa những tồn tại, bất cập của thủy điện ra diễn đàn Quốc hội; có văn bản chất vấn lãnh đạo Bộ Công thương… và tự chấp bút bài viết “Cần thanh, kiểm tra việc phòng, chống lũ vùng hạ du các thủy điện”…
Rồi nhiều những thông tin về việc thực hiện hỗ trợ khó khăn của các tổ chức, người hảo tâm đến với đồng bào vùng lũ lụt. Các nhà máy thủy điện cũng nhận thấy trách nhiệm, đã có những hoạt động hỗ trợ; kiểm đếm những thiệt hại của dân, của tài sản công để thực hiện công tác đền bù. Hơn hết, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh thành lập đoàn công tác liên ngành, thanh kiểm tra toàn diện việc vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện. Qua cuộc thanh tra, đã chỉ ra nhiều những tồn tại, bất cập trong quá trình vận hành xả lũ, và cả việc thực hiện phòng chống lũ vùng hạ du… Sớm được tiếp cận với kết quả của đoàn công tác liên ngành, chúng tôi thực sự vui. Bởi như vị Trưởng đoàn công tác đã thổ lộ, ông đọc nhiều những bài viết về hệ lụy thủy điện Báo Nghệ An đăng tải; nội dung của kết luận, có bóng dáng những kiến nghị, đề xuất báo đã nêu. Và bởi, quan điểm của Báo Nghệ An là luôn quan tâm sâu sát tới mọi vấn đề xã hội trên địa bàn. Quan tâm sâu sát, không chỉ nhằm kịp thời thông tin, mà còn để nhận chân từng vấn đề, đưa ra những kiến giải, góp phần cùng với các cấp, các ngành chức năng xử lý kịp thời. Nhận diện hệ lụy thủy điện đối với vùng cao là một minh chứng.