Nhận diện hạn chế, tồn tại trong đầu tư: Bài 1: Lãng phí đầu tư công

Thực trạng lãng phí trong đầu tư công và sử dụng các nguồn lực đã được quy định trong luật luôn là vấn đề “nóng” trong dư luận. Trong bối cảnh đầu tư công thắt chặt, ngân sách khó khăn, công tác phòng chống lãng phí ở lĩnh vực này cần được đẩy lên mức cao hơn, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong sử dụng tiền ngân sách.

Lãng phí trong đầu tư công thường thể hiện trong các khâu phê duyệt dự án, khâu bố trí vốn và thực hiện, trong cả khâu thiết kế và cả khâu xây dựng chính sách, chương trình, phê duyệt quy hoạch. Nhiều dự án không phù hợp với thực tế, chưa điều chỉnh để đạt được thỏa thuận cùng người dân mà vẫn cho triển khai dẫn đến tình trạng người dân không đồng ý tiếp nhận. Một nguyên nhân lãng phí khác, đó là quyết định đầu tư không tính đến khả năng cân đối vốn, dẫn tới không khả thi trong quá trình thực hiện, công trình dở dang, không đủ vốn để hoàn thành; hoặc không có vốn để bố trí, lãng phí kinh phí chuẩn bị đầu tư….

Đường 72m (nối ngã 3 Quán Bàu và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - TP Vinh) thi công hơn 10 năm chưa xong. Ảnh: P.V
Đường 72m (nối ngã 3 Quán Bàu và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - TP Vinh) thi công hơn 10 năm chưa xong. Ảnh: P.V

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong đầu tư xây dựng cơ bản, tình trạng phát sinh nợ đọng xây dựng sau ngày 31/12/2014 ở một số đơn vị vẫn còn. Mặc dù Luật đầu tư công đã nghiêm cấm hành vi yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch, gây nợ đọng xây dựng cơ bản đồng thời cũng quy định chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày Luật đầu tư công có hiệu lực.

Nhìn chung 2 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần tăng hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách. Báo cáo của tỉnh Nghệ An cho thấy, tiết kiệm trong lĩnh vực đầu tư năm 2018 đạt được 411,87 tỷ đồng. Ở lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua việc ban hành chế độ định mức tiêu chuẩn về tài chính, các sở, ban, ngành cũng tiết kiệm được 219 tỷ đồng. Ở lĩnh vực thuế, Cục Thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, thu được 379,1 tỷ đồng, đạt 45,7 % so với tổng số nợ đến 31/12/2017. Tuy nhiên, công tác phòng chống lãng phí vẫn còn những khe hở và bất cập, nhiều vấn đề cũ chưa được giải quyết.

Đơn cử địa bàn huyện Quỳnh Lưu, công trình trường Trung cấp kinh tế Bắc Nghệ An (cơ sở 2) được xây dựng tại xã Quỳnh Hoa trên khu đất nông nghiệp rộng gần 5ha, tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, khá quy mô, hiện đại, dự kiến đáp ứng nhu cầu học tập cho trên 2.000 học sinh trên địa bàn các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai… Nhưng sau gần 8 năm thi công (từ 2010), công trình này vẫn chưa thể hoạt động do nhiều hạng mục dở dang. Khuôn viên nhà trường trở thành nơi chăn dắt trâu bò của người dân địa phương. Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hoa cho biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, địa phương đã kiến nghị nhiều lần lên các vị đại biểu HĐND tỉnh nhằm đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ nhưng câu trả lời nhận được là thiếu nguồn vốn nên chưa thể hoàn thiện. Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tài – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Nghệ An cho biết: Hiện dự án Cơ sở 2 đặt tại xã Quỳnh Hoa còn một số hạng mục như lắp đặt điện, nước, lối đi và trang trí khuôn viên sân trường… vẫn đang phải chờ vì thiếu vốn.

Sau gần 8 năm thi công, Trường Trung cấp kinh tế Bắc Nghệ An tại xã Quỳnh Hoa  (Quỳnh Lưu) chưa thể hoàn thành. Đất dự án đã thành bãi chăn thả trâu bò. Ảnh: PV
Sau gần 8 năm thi công, Trường Trung cấp kinh tế Bắc Nghệ An tại xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) chưa thể hoàn thành. Đất dự án đã thành bãi chăn thả trâu bò. Ảnh: PV

Dự án xây dựng khu tái định cư cho người dân ở vùng ngập lụt, sạt lở đất tại xã Quỳnh Thắng, vốn đầu tư 15 tỷ đồng do UBND huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư. Được biết dự án triển khai từ năm 2010, diện tích gần 5 ha, chia làm 54 lô đất, mỗi lô 600 m2, khi hoàn thành sẽ bố trí nơi ở mới cho trên 54 hộ dân thuộc các xóm: 3, 4, 5… của xã Quỳnh Thắng. Để di dời về nơi ở mới, nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí di dời 20 triệu đồng/1 hộ. Theo người dân nằm trong diện được di dời lên khu tái định cư phản ánh, do mức hỗ trợ quá ít và chính sách không phù hợp nên không thể đến nơi ở mới ổn định cuộc sống bởi không có chi phí làm nhà mới. Sau gần 8 năm hoàn thiện hạ tầng, hệ thống đường nội bộ, mương thoát nước ở đây đã xuống cấp khi để quá lâu không sử dụng. Nhà văn hóa xây trên khuôn viên rộng tới 600 m2, nhưng chưa một lần được sử dụng.

Tại huyện Tân Kỳ, chợ Tân Long nằm trên địa bàn xã Tân Long. Khu vực chợ rộng lớn có diện tích 3.000m2 gần như bỏ hoang nhiều năm nay do đầu tư không hợp lý. Rồi một số dự án tái định cư ở bản Quắn (Liên Hợp – Quỳ Hợp), Piêng Luống (Châu Thành- Quỳ Hợp), dự án tái định cư Khe Mừ (Thanh Lâm – Thanh Chương) một số dự án ở Quế Phong, nhiều tuyến đường miền núi ở Con Cuông, Tân Kỳ… làm trong nhiều năm do thiếu vốn nên đến nay vẫn dở dang, người dân đi lại vô cùng khổ sở.

Cầu Khe Thần, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ thi công dở dang từ nhiều năm nay, do thiếu vốn. Ảnh: PV
Cầu Khe Thần, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ thi công dở dang từ nhiều năm nay, do thiếu vốn. Ảnh: PV

Ở thành phố Vinh, đường 72m nối từ ngã ba Quán Bàu đến đường Xô viết Nghệ Tĩnh do Ban quản lý các dự án Xây dựng dân dụng và hạ tầng kỹ thuật hạ tầng đô thị (thuộc Sở Xây dựng) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 264.017.000.000 đồng. Công trình được làm đi làm lại hơn 10 năm trải qua nhiều nhà thầu, nay là nhà thầu Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, nhưng do chưa giải phóng mặt bằng được nên vẫn thi công cầm chừng. Những đoạn thi công đào đắp đất xong qua nắng mưa bị hư hỏng lại phải làm lại, rất lãng phí, tốn kém…

Một hạn chế trong đầu tư công nữa là số dư tạm ứng kéo dài chưa thu hồi ở một số dự án vẫn còn lớn. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Nghệ An đến 19/11/2018, đã thực hiện thu hồi 12.840 triệu đồng, số dư tạm ứng còn lại chưa thu hồi của các dự án đến ngày 19/11/2018 là 54.622 triệu đồng. Bên cạnh đó giải ngân đầu tư công vẫn đạt thấp.

Xét rộng ra bình diện chung, trong lĩnh vực đánh bắt hải sản xa bờ, nhiều trường hợp cho đóng tàu cá tràn lan không theo quy hoạch, đến khi thiếu ngân sách hỗ trợ cho người dân dẫn đến chính sách thiếu công bằng, người được người chưa, trong khi tiền đóng tàu chủ yếu vay ngân hàng. Trong xây dựng nông thôn mới, lãng phí thể hiện ở việc đầu tư xây dựng hạ tầng chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế địa phương, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài. Ở các cơ quan công sở, việc sử dụng điện, nước, nhà cửa, giấy tờ, trang thiết bị còn rất lãng phí;  mua sắm đầu tư máy móc, ô tô, sử dụng ô tô biển xanh lãng phí chưa được khắc phục triệt để. Trong đấu giá đất tình trạng cò đất lộng hành khiến cho giá đất bán không đúng giá thịt trường, gây thất thu cho ngân sách…

(Còn nữa…)