Nhà thơ Trần Kim Anh: “Những tháng năm đau thương mà anh dũng”

Nhà thơ Trần Kim Anh quê Hà Tĩnh, hiện sống tại Hà Nội. Bà có nhiều năm tháng gắn bó với thị xã Vinh thời lửa đạn. Bà làm nghề giáo, nhưng sau đi theo nghiệp văn chương với tất cả đam mê, trăn trở và cũng gặt hái nhiều giải thưởng… Bà luôn dành tình cảm đặc biệt cho quê hương xứ Nghệ với khắc khoải, day dứt ký ức về mảnh đất Nghệ Tĩnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà quanh những kỷ niệm quê nhà.

____________________________

– Thưa nhà thơ Trần Kim Anh, là người con Đức Thọ (Hà Tĩnh), lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh chống đế quốc Mỹ, được biết những năm tháng bom đạn đó, bà có nhiều kỷ niệm ở thị xã Vinh và nó là một phần ký ức không phai nhòa, là nguồn tư liệu cho các sáng tác của bà. Bà có thể nhắc nhớ lại về những năm tháng đó?

– Ngày 5/8/1964, lần đầu tiên tôi được bố đưa ra thị xã Vinh, năm ấy tôi vừa tròn 9 tuổi. Lúc bấy giờ, thị xã Vinh đang trong thời kỳ khói lửa, tôi chứng kiến cảnh đổ nát, hoang tàn và chết chóc. Thật khủng khiếp. Mọi người trong cơ quan bố tôi nhận lệnh phải sơ tán vì buổi chiều ấy, máy bay Mỹ bỏ bom kho xăng dầu Bến Thủy. Cả kho xăng cháy nghi ngút và cảnh tượng rất kinh hoàng, nhiều người bị chết cháy, toàn là công nhân kho xăng. Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi rất sợ. Trẻ con mà, hoảng loạn vì nhìn đâu cũng hoang tàn, cảnh người chạy rầm rập, di tản, tìm nơi an toàn trú ẩn. Trẻ con, người già hầu như là không ở những nơi nguy hiểm như thế. Tôi nghe các bác trong cơ quan bố kể là người dân di tản về các huyện lân cận. Phải sau 1 tuần, tôi mới trở về Hà Tĩnh. Tôi cứ theo bố đi đi, về về giữa thị xã Vinh và Đức Thọ, phải đi qua phà Bến Thủy, đây cũng là một cứ điểm mà giặc Mỹ luôn ném bom, dữ dội vô cùng.

Xe qua phà Bến Thủy trong những năm tháng chiến tranh.
Xe qua phà Bến Thủy trong những năm tháng chiến tranh.

Nhắc đến phà Bến Thủy, đây cũng là nơi diễn ra những trận bom ác liệt mà đế quốc Mỹ ném phá, hòng cắt đứt huyết mạch giao thông trọng yếu hai bờ sông Lam. Dù có bị tàn phá, biết bao nhiêu bom đạn dội xuống khủng khiếp nhưng phà Bến Thủy ngày đêm vẫn miệt mài chở người, chở hàng, mặc cho mưa bom, bão đạn. Phà Bến Thủy chưa bao giờ bị mất mạch nối, luôn được thông suốt bởi các anh bộ đội, những cán bộ giao thông, tự vệ… ngày đêm túc trực, làm nhiệm vụ hết sức quan trọng giữa hiểm nguy luôn rình rập. Đó là những gì mà tôi đã được tận mắt chứng kiến. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn luôn canh cánh một lòng biết ơn về họ, những người chiến sỹ, những người công nhân ấy – họ đã không tiếc thân mình, đứng trong làn mưa bom, bão đạn để bảo vệ phà, ngày đêm vận chuyển từng chuyến hàng, vũ khí vào miền Nam, góp phần đánh Mỹ cứu nước.

Đội Dân quân tự vệ bảo vệ nhà máy điện Vinh
Đội Dân quân tự vệ bảo vệ nhà máy điện Vinh

– Thế những ngày tháng ấy, ngoài nỗi sợ hãi trước hoang tàn, chết chóc, thì cô bé Kim Anh đã suy nghĩ gì về cuộc chiến. Một số kỷ niệm về chiến tranh mà bà tham gia hay chứng kiến để rồi sau này nó sẽ ghi dấu ấn trong những trang viết của bà?

– Tôi nhớ lần đầu tiên theo các chị thanh niên xung phong lên Ngã ba Đồng Lộc, lúc bấy giờ tôi đang học lớp 7, tôi cũng muốn gia nhập vào đội thanh niên xung phong nhưng gia đình tôi chỉ có mình tôi, bố mẹ lại là cán bộ Nhà nước, nên không được đi. Tôi trốn theo các chị lên vùng lửa ấy, muốn xem công việc hằng ngày của các chị. Quả thực là rất nguy hiểm, ác liệt vô cùng. Tuổi mười bảy, mười tám, toàn là gái nông thôn, học hành còn dang dở mà không hiểu sao các chị lại dũng cảm quá đỗi, không biết sợ là gì. Tháo gỡ bom mìn, san lấp hố bom, san đường, làm cọc tiêu sống giữa đêm tối cho xe qua… là những công việc hàng ngày của các chị. Tôi được ở cùng một đội khoảng 7, 8 chị trạc tuổi nhau, khoảng 17, 18 tuổi. Các chị vui tính lắm, hát suốt ngày, làm việc quần quật mà không khi nào kêu ca, phàn nàn. Ngã ba Đồng Lộc là cung đường diễn ra vô cùng ác liệt, bộ đội, lái xe, thanh niên xung phong hy sinh nhiều vô kể. Tôi cũng từng chứng kiến cảnh từng đoàn xe đi qua, các anh bộ đội ở Bắc vào, trẻ lắm, vẫy tay chào, nói cười với các anh, chị thanh niên xung phong, thế mà xe vừa đi độ chưa đầy cây số thì bị trúng bom, các anh hy sinh khi chưa kịp vào chiến trường.

Thanh niên TP. Vinh tham gia kháng chiến chống Mỹ
Thanh niên TP. Vinh tham gia kháng chiến chống Mỹ

Bạn bè tôi viết đơn đi bộ đội rất nhiều, các bạn nam trong lớp tôi, rồi các lớp khác nữa tình nguyện ra chiến trường bằng một tinh thần quyết tâm, hào hứng lắm. Bạn bè tôi bảo, ở nhà học cũng không thể yên lòng khi chiến trường đang vẫy gọi. Phải đi vì sự nghiệp dân tộc, nếu còn sống thì trở về học sau. Thanh niên lúc bấy giờ sẵn sàng tâm thế tự nguyện, hào sảng, yêu nước mãnh liệt như thế. Tôi còn nhớ như in một người bạn tôi, anh Phan Đình Linh, trước khi ra chiến trường, anh nói rằng “Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực. Tớ đi chiến đấu rồi tớ về học tiếp. Các bạn ở nhà học tập tốt, làm hậu phương vững chắc cho bọn tớ. Nhất định bọn tớ sẽ trở về”. Nhưng anh ấy vào chiến đấu được 2 năm thì chúng tôi nhận tin anh ấy hy sinh ở chiến trường Đông Nam bộ. Các bạn lớp tôi hy sinh nhiều lắm, xót xa lắm! Họ ra đi khi tuổi vừa đôi mươi, chưa biết yêu, chưa học xong… mọi việc còn chờ họ. Nhưng, chiến tranh mà, rất ít người trở về nguyên vẹn. Thế hệ bạn bè tôi đã nằm lại chiến trường rất nhiều.

Cô dân quân làng Đỏ
Cô dân quân làng Đỏ

– Và bà đã đưa những năm tháng đó, những xúc cảm đó vào trường ca “Ca hát cùng biên cương” như thế nào?

– “Và chiến tranh/ chiến tranh tự bao đời từ phương Bắc phương Tây/ cha ông mình cầm vũ khí mà nào được bình an cho dân tộc/ chiến tranh có tự khi nào? Tuổi ơi!/ chiến tranh chia đôi dòng Bến Hải/ chiến tranh tràn ra cả nước, Bến Thủy quặn trời miền Trung/ quặn trời khói thương/ thương nhà máy, con đường, trường học, thành hố bom xa xót tội tình/ ngằn ngặt bé con nhoài bên xác mẹ/ bé con thành tro hoen trang vở học trò”, đây là những câu thơ mà tôi viết trong đau đớn tột cùng khi nhớ lại, hình ảnh những người thân của mình là bố tôi, anh trai của chồng… hy sinh nơi chiến trường. Tất cả gom vào mạch cảm xúc trong trường ca mấy ngàn câu, tôi nhớ hết, không thiếu chi tiết nào. Tôi muốn dựng lại những năm tháng gian khổ, mất mát, hy sinh nhưng kiên cường, bất khuất. Nhân dân ta, đồng bào ta nói chung và Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng chịu biết bao thương tổn nhưng vô cùng gan dạ, kiên trung, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù. Tôi muốn thể hiện trong tác phẩm của mình lòng biết ơn, ghi nhớ tạc dạ công lao to lớn của đồng bào hai bên bờ sông Lam trong cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Dòng Lam giang yên bình trong ánh chiều
Dòng Lam giang yên bình trong ánh chiều

– Thú thực tôi rất xúc động với những câu thơ viết về người lính như thế này: “Phải đi thôi, chiến trường đưa anh ra trận, anh thành lính pháo canh trời/ canh bờ Tam Soa, Ngã ba Đồng Lộc/ dòng Lam đêm về, đồng đội anh ra trận, tuổi hai mươi/ canh cho em gái tắm tiên, ngan ngát rừng chiều sau ngày chuyển pháo/ họ là thiên nga vỗ cánh trong anh bất tận đến không lời…”. Tôi muốn biết cảm xúc của nhà thơ khi viết về họ?

– Cũng như viết về nhân dân, đồng bào, người chiến sỹ trên mặt trận là những người mà tôi kính trọng, biết ơn. Tôi có những người thân là chiến sỹ ngoài mặt trận, là bố tôi, anh trai của chồng tôi, là bạn học… họ đã ra đi chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc, họ đã hy sinh anh dũng. Do vậy mà khi tôi đặt bút viết trường ca này, trong đầu tôi luôn vang lên câu hỏi: Rằng mình đã sống xứng đáng với sự hy sinh của những người thân chưa? Thú thực một điều là cứ đến ngày 30/4 hàng năm, là tôi xúc động lắm, tôi mua lễ thắp hương cho những người thân đã mất, tôi tưởng nhớ công lao của họ và tự hứa sẽ phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh ấy. Trong trường ca “Ca hát cùng biên cương”, tôi đã gói trọn tinh thần ấy và tôi nghĩ rằng, tôi viết để con cháu của mình đọc và hình dung về những năm tháng gian khổ mà kiên trung của quê hương Nghệ Tĩnh. Viết được điều mình trăn trở là hạnh phúc. Và với tôi, đó là những tháng ngày đau thương mà anh dũng, không bao giờ quên…

 – Trân trọng cảm ơn nhà thơ Trần Kim Anh với những chia sẻ!