Hiện chưa biết Jean Dupuis có mặt ở Nghệ An từ bao giờ, chỉ biết năm 1887, ông mua lại được một cơ sở kinh doanh lâm sản và thương mại ở đây. Sách Annuaire General de L’Indochine (Thư mục tổng quát Đông Dương) xuất bản năm 1912 ở Paris, viết: “Công ty Lâm sản và Thương mại An Nam” có trụ sở tại Bến Thủy, năm 1802, sau đó đổi tên thành “Xưởng gỗ và sản phẩm lâm nghiệp”. Nó được chuyển nhượng lại cho ông Jean Dupuis vào năm 1887”.
Năm 1885, Pháp đánh chiếm thành Nghệ An và bắt đầu thiết lập sự cai trị lên mảnh đất này. Cho đến nay, các sách sử viết về Nghệ An và Vinh đều cho rằng, phải hơn 10 năm sau, thực dân Pháp mới thiếp lập xong sự cai trị và từ đó các nhà tư bản Pháp và các nước mới đầu tư vào làm ăn ở Nghệ An. Thế nhưng, ít người biết rằng: Ngay từ năm 1887, nghĩa là chỉ 2 năm sau khi ngưng tiếng súng công thành, một nhà buôn Pháp đã đặt cơ sở buôn bán lâm sản đầu tiên ở Bến Thủy.
Jean Dupuis sinh ngày 7/12/1828, ở Saint Just la Pendue (Pháp), mất ngày 28/11/1912 ở Monaco, được sử sách gọi là nhà thám hiểm và thương nhân người Pháp. Sử Nhà Nguyễn chép tên ông là Đồ Phổ Nghĩa (涂普義). Ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ năm 1858 tại Ai Cập. Năm 1860, ông đến Trung Quốc, vừa buôn bán, kể cả buôn bán vũ khí, vừa thám hiểm các vùng đất phía Nam Trung Quốc, tiếp giáp Việt Nam. Từ những năm 1864, 1865 ông đã đặt vấn đề thám hiểm và khai thác sông Hồng cho mục đích thương mại. Sau nhiều nghiên cứu, năm 1871, ông đóng bè và thuê thêm một số người Trung Quốc rồi bắt đầu thám hiểm sông Hồng. Khởi hành chưa được bao lâu, đoàn của Jean Dupuis đã bị thổ phỉ ở Vân Nam đánh cho tan tác.
Không nhụt chí, Jean Dupus lại chuẩn bị cho chuyến đi thứ hai. Chuyến thám hiểm thành công và Jean Dupuis rút ra kết luận hoàn toàn có thể khai thác sông Hồng cho mục đích thương mại. Ông lập tức cho đóng tàu ở Hồng Kông và về Pháp mua vũ khí. Jean Dupuis đã đưa thành công 2 chiếc tàu hơi nước chứa đầy vũ khí theo đường sông Hồng, từ Hải Phòng lên đến Vân Nam (Trung Quốc) để bán cho quân đội Trung Hoa và mua hàng hóa khác đưa về Bắc Kỳ bán. Thương vụ đầu tiên trót lọt, mang lại món lời lớn, Jean Dupuis tiếp tục chuyến thứ hai. Nhưng lần này việc lưu thông của Jean Dupuis trên sông Hồng đã bị triều đình Nhà Nguyễn phát hiện và yêu cầu dừng lại. Triều đình Nhà Nguyễn yêu cầu người Pháp trục xuất Jean Dupuis, còn phía Pháp lại đòi được tự do thương mại trên lãnh thổ Bắc Kỳ. Trước tình hình đó, năm 1873, Toàn quyền Nam Kỳ đã cử Francis Garnier đến Bắc Kỳ, danh nghĩa là để hòa giải cuộc tranh chấp. Gây sức ép cho Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương bất thành, ngày 20/11/1873, Garnier phối hợp cùng đội quân của Jean Dupuis đánh úp thành Hà Nội. Không chỉ thế, Jean Dupuis cũng chính là người sau đó đã tích cực giúp thực dân Pháp chinh phục vùng đất này.
Sau khi Garnier bị quân Cờ Đen tiêu diệt, thời thế thay đổi, Jean Dupuis không thể tiếp tục công việc kinh doanh như cũ. Ông trở về Pháp một thời gian, chờ cơ hội mới. Và, cơ hội mới có thể đã đến với Jean Dupuis khi tiếng súng công thành của Pháp vang lên ở Cửa Hội (Nghệ An), ngày 20/7/1885…
Trong một album ảnh về Đông Dương chụp từ năm 1887 đến 1892, có bức ảnh chiếc lều của Jean Dupuis. Bức ảnh chú thích là “Khai thác gỗ. Cơ sở cũ của Dupuis ở Bến Thủy, gần Vinh”. Trong ảnh là chiếc lều được dựng bằng tranh tre, nứa mét, rất đơn sơ, phía sau là núi Quyết. Trong lều khá đông người Tây đang ngồi, phía trước lều có vẻ như được cắm mấy lá cờ của Pháp. Theo chú thích ghi dưới bức ảnh, có thể suy đoán, tại thời điểm chụp ảnh Jean Dupuis đã xây dựng được cơ sở mới, đây là cơ sở cũ mà ông xây dựng khi mới đặt chân đến.
Ngoài kinh doanh gỗ, sau năm 1900, khi Pháp khởi công xây dựng đường sắt Hà Nội – Vinh, Jean Dupuis cũng đã tham gia thầu và có sự tăng trưởng nhanh chóng. Sách “Thư mục tổng quát Đông Dương” viết: “Năm 1894, nó được chuyển thành Công ty vô danh (Anonyme) với số vốn là 500.000 franc. Nó có mục đích là khai thác thương mại và công nghiệp các khu rừng của An Nam và Bắc Kỳ và tất cả các hoạt động liên quan đến việc khai thác khác như mua bán, trao đổi, xây dựng… Sau khi mở rộng hoạt động, vốn của nó vào năm 1900 đã tăng lên đến 1.000.000 franc. Công ty có 1 xưởng cưa hơi nước và xưởng mộc, 1 nhà máy diêm”.
Đến năm 1902, ở tuổi 74, Jean Dupuis chuyển nhượng cơ sở kinh doanh của mình cho Công ty Rừng và Diêm Đông Dương. Từ đó, Công ty Rừng và Diêm Đông Dương, với nhà máy gỗ, nhà máy diêm, nhà máy điện, có trên 1.000 công nhân, đã phát triển thành một đế chế lớn bậc nhất ở Trung Kỳ.
Rõ ràng Jean Dupuis là một nhà buôn, nhà thám hiểm gan góc, đồng thời cũng là một tên thực dân hiếu chiến. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, ông ta là một nhà sử học tài danh. Ông đã viết 4 cuốn sách về Bắc Kỳ, đồng thời cũng là người đầu tiên vẽ bản đồ Bắc Kỳ năm 1879. Đặc biệt, trong bản đồ Bắc Kỳ vẽ năm 1879, ông dùng tiếng Pháp để phiên âm một số địa danh mà người bản địa vẫn gọi. Một số địa danh như tên tỉnh “Lào Cai”, ngày nay đã thành địa danh chính thức.
Năm 1881, Jean Dupuis được Viện Hàn lâm Khoa học Paris trao Giải thưởng Delalande Guérineau cho công trạng thám hiểm và hỗ trợ chinh phục Bắc Kỳ. Dưới thời thuộc Pháp, tên của Jean Dupuis được đặt cho một đường phố ở Hà Nội, đó là phố Hàng Chiếu ngày nay. Thậm chí một phù điêu mang chân dung ông cũng được dựng ở Hà Nội. Riêng ở TP. Vinh, dưới thời thuộc Pháp, tên Jean Dupuis đã được đặt cho một con phố nhỏ, nay là phố Nguyễn Nghiễm, thuộc phường Quang Trung.
Dù sao, có thể ghi nhận Jean Dupuis là nhà tư bản đầu tiên đầu tư vào Vinh – Bến Thủy nói riêng và Nghệ An nói chung.