Nguyễn Trọng Hoàng: “Phù Đổng xứ Nghệ” và hành trình chinh phục Đông Nam Á

Từ cái nhìn đầu tiên, các nhà cầm quân như Alfred Riedl và H. Calisto đã để mắt đến Trọng Hoàng khi anh mới 18, đôi mươi. Từ đó đến nay, tiền vệ xứ Nghệ đã trải qua nhiều đời huấn luyện viên trưởng cấp độ CLB lẫn ĐTQG, nhưng anh vẫn luôn khẳng định và chiếm một vị trí quan trọng đội tuyển. Tuy nhiên, dưới thời HLV Park Hang-seo, Trọng Hoàng thực sự hoàn thiện và đa năng thay vì lối chơi băm bổ như trong mắt người hâm mộ.

Nguyễn Trọng Hoàng quê gốc tại Nam Trung, Nam Đàn nhưng lớn lên tại Vinh, cậu bé đến với bóng đá rất tình cờ. Năm 2000, khi Hoàng 11 tuổi, trong lần cùng đội bóng của trường tiểu học dự Hội khỏe Phù Đổng rồi đến Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An trong màu áo TP Vinh, Hoàng lọt vào “mắt xanh” của các tuyển trạch viên, trong đó có HLV Cao Phi Đại và được chính thức tuyển thẳng vào lò SLNA.

Ba năm khổ luyện, đầu năm 2003, Trọng Hoàng được chọn vào ĐT U14 Việt Nam tham dự giải vô địch Đông Nam Á trên đất Thái Lan, giành huy chương đồng. Sau đó, thành tích liên tục đến với Hoàng khi đoạt huy chương ở các giải U17, U19 và U21 quốc gia. Đạt nhiều thành công tại đội trẻ, năm 2007 Trọng Hoàng được đôn lên đội một của SLNA thi đấu V.League ở vị trí tiền vệ. Với lối đá mạnh mẽ dựa vào nền tảng thể lực sung mãn, chạy liên tục và có mặt ở nhiều điểm nóng trên sân, Trọng Hoàng được đồng đội đặt biệt danh Hoàng “bò” hay truyền nhân của Ngô Quang Trường (Trường “trâu”).

Cũng năm 2007, Trọng Hoàng là cầu thủ trẻ nhất đội tuyển có tên trong kế hoạch chuẩn bị của HLV Alfred Riedl cho SEA Games 24. Tuy nhiên vào phút cuối, anh đã phải xin rời đội tuyển do phải thi tốt nghiệp THPT. Đá bóng hay, được gia đình giáo dục và rèn dũa nghiêm khắc nên Hoàng “bò” học rất khá, tốt nghiệp THPT 48 điểm/6 môn. Trước đó, anh đã phải hoãn kỳ thi THPT vì bận tập trung đội tuyển trẻ nước nhà. Cũng chính vì học rất khá nên ông Nguyễn Trọng Hường luôn hướng cho con trai theo nghiệp cha, theo chị gái làm cảnh sát. Đã từng có thời điểm, hai cha con tranh cãi nảy lửa vì bất đồng quan điểm, mặc dù ông Hường cũng đam mê bóng đá và chơi bóng chẳng kém gì con trai.

Nguyễn Trọng Hoàng: “Tôi đã phải thuyết phục bố rất nhiều mới được chơi bóng“

V.League 2009, lứa cầu thủ Trọng Hoàng, Âu Hoàn, Văn Bình… dưới bàn tay của HLV Nguyễn Văn Thịnh thi đấu thăng hoa, giúp SLNA cán đích Top 3 mùa giải đó. Đây là thời điểm mà đội bóng nhà giàu B. Bình Dương đã bắt đầu nhòm ngó Trọng Hoàng và muốn mua đứt tiền vệ trẻ SLNA với giá 9 tỷ đồng, chuẩn bị cho đấu trường châu lục. Tuy nhiên, cầu thủ trẻ xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam năm 2009 còn quá sớm để ra đi.

Dưới thời HLV Calisto, Trọng Hoàng và Thành Lương chính là hai cầu thủ trẻ có tính cách ngoan ngoãn, là niềm hy vọng hàng đầu của ông “phù thủy” người Áo. Thậm chí, HLV Calisto còn gọi Trọng Hoàng là “my son”, tức là con trai. Mặc dù vậy, Trọng Hoàng vẫn còn quá trẻ để kịp góp mặt trong chức vô địch AFF Cup 2008.

Một năm sau, SEA Games 25 tại Lào là một ký ức buồn với Trọng Hoàng và các đồng đội. Tiền vệ xứ Nghệ là niềm hy vọng số 1 của người hâm mộ bóng đá Việt Nam cho chức vô địch trong tầm tay. Tại vòng bảng, Hoàng bò ghi bàn trong trận thắng gặp Malaysia, nhưng đáng tiếc anh gặp chấn thương không thể có mặt trong trận bán kết. Trở lại, Trọng Hoàng được vào sân thay người trong trận chung kết nhưng ĐT Việt Nam đã không vượt qua được chính “bại tướng” Malaysia trước đó và chỉ giành được tấm huy chương Bạc. Một thất bại đau đớn của bóng đá Việt Nam, nhưng sau giải đấu đó, hàng loạt tài năng đã trưởng thành, trong đó có Trọng Hoàng. Kể từ đó về sau, mỗi lần gặp Malaysia là Hoàng “bò” lại chơi đầy bốc lửa vì chưa quên thất bại năm xưa, trở thành mối nguy hàng đầu của đối thủ.

Đến mùa bóng 2010, Trọng Hoàng có danh hiệu vô địch Cúp QG cùng SLNA và HLV Hữu Thắng. Rồi chức vô địch V.League 2011 có công rất lớn của tiền vệ cánh mang áo số 9 do Công Vinh để lại. Chức vô địch sau 10 năm chờ đợi cùng đội bóng xứ Nghệ và những đóng góp cho ĐTQG giúp anh đoạt danh hiệu Quả bóng Bạc Việt Nam năm 2011.

Trong giai đoạn này, Trọng Hoàng luôn là ngôi sao sáng nhất và ổn định giữa hàng loạt tài năng khác. Trên cấp độ đội tuyển, Trọng Hoàng luôn có một vị trí chính thức trừ trường hợp gặp phải chấn thương. Tuổi đôi mươi, Trọng Hoàng là trụ cột của U21 SLNA, đội 1 SLNA, ĐT U21 Việt Nam, ĐT U23 Việt Nam và ĐTQG, mỗi năm thi đấu xấp xỉ 60-70 trận trên nhiều mặt trận. Điều đáng kinh ngạc là dù căng sức thi đấu nhiều mặt trận, nhưng nền tảng thể lực sung mãn, Hoàng “bò” không hề có dấu hiệu quá tải.

Thời điểm 2011, khi ĐT Việt Nam đá giao hữu với Nhật Bản, Trọng Hoàng gây ấn tượng mạnh với một số đội bóng chủ nhà và để ý nhờ lối chơi hiện đại, nhưng Hoàng bò vẫn từ chối tất cả. Vì lúc đó, chưa có cầu thủ Việt Nam nào tự tin chơi bóng tại Nhật Bản. V.League 2012 và 2013, Trọng Hoàng là người được HLV Hữu Thắng chọn làm thủ lĩnh SLNA nhờ kinh nghiệm thi đấu dày dạn và nhãn quan chiến thuật tốt.

Với lối sống lành mạnh, khả năng chuyên môn thích ứng với nhiều lối đá khác nhau, rất ít bị chấn thương, Trọng Hoàng là mẫu cầu thủ mà các HLV rất yêu thích. Trong 3 năm đá cho SLNA (2011-2013) Hoàng “bò” ra sân 68 trận và luôn luôn nghiễm nhiên suất đá chính, từng được tin cậy giao tấm băng đội trưởng. Theo thống kê BTC V-League thì tiền vệ có lối chơi xông xáo, tràn đầy năng lượng này đứng đầu cả thời gian ra sân thi đấu, lẫn tỷ lệ ra sân chính thức 13.312 phút, trung bình 1.664 phút/mùa.

Ít ai biết rằng, sau khi kết thúc V.League 2012 là thời điểm Trọng Hoàng đáo hạn hợp đồng cống hiến cho SLNA, anh được Sài Gòn XT trải thảm đỏ chào đón với giá kỷ lục 14,5 tỷ đồng cho 3 năm hợp đồng, trả trước 8 tỷ đồng tiền mặt. Ông bầu của đội bóng này đợi nhiều ngày bên kia cầu Bến Thủy, chờ kết quả cuộc làm việc của lãnh đạo SLNA với gia đình Trọng Hoàng. Chỉ cần từ chối đề nghị gia hạn hợp đồng với SLNA, Trọng Hoàng có ít nhất 8 tỷ đồng trong tài khoản. Nhưng vì sợi dây Hữu Thắng – Hồng Thanh và ân tình quê hương, Trọng Hoàng cam kết ở lại SLNA thêm 1 năm và số tiền mà anh nhận được cho lòng chung thủy là chừng 1,25 tỷ đồng. Có thể nói, Trọng Hoàng không có duyên với những bản hợp đồng bom tấn như các cầu thủ cùng thời.

Phải đến năm 2014, khi HLV Hữu Thắng lực bất tòng tâm, không thể kiếm được nguồn tài trợ giữ chân được các trụ cột, SLNA phải để cho bộ ba Trọng Hoàng – Văn Bình – Âu Văn Hoàn cập bến B. Bình Dương với giá 7,5 tỷ đồng/3 năm. Không phải là lứa cầu thủ đầu tiên rời SLNA tìm kiếm bến đỗ mới, nhưng đó thực sự là một quyết định khó khăn của Trọng Hoàng và các đồng đội. Sau đó, HLV Hữu Thắng cũng dứt áo rời SLNA vì không giữ được các cầu thủ tốt nhất của mình. Về phần Trọng Hoàng, anh chia tay đội bóng quê hương sau nhiều năm cống hiến, nhiều thành tích, vẹn tình vẹn nghĩa.

Trong môi trường mới tại B. Bình Dương, Nguyễn Trọng Hoàng đã chứng tỏ mình xứng đáng đến từng cắc mà đội bóng đất thủ đã bỏ ra để chiêu mộ anh. Giải đấu đầu tiên Hoàng “bò” thi đấu cho B. Bình Dương là BTV Cup 2013 (Cúp truyền hình Bình Dương). Ở giải đấu này, Nguyễn Trọng Hoàng đã góp công lớn vào chức vô địch của đội chủ nhà, còn cá nhân anh được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất giải.

Màn khởi động cho mùa giải 2014 của Nguyễn Trọng Hoàng và B. Bình Dương diễn ra hết sức tuyệt vời. Không ngoa khi nói rằng, đội bóng đất thủ “như hổ mọc thêm cánh” với sự xuất hiện của Hoàng “bò”. Chức vô địch V.League và danh hiệu Á quân Cúp QG ở mùa giải 2014 có công không nhỏ của cựu tiền vệ SLNA. Theo thống kê, Trọng Hoàng thi đấu 19 trận và ghi được 6 bàn thắng cho B.Bình Dương tại V.League 2014.

Tầm quan trọng của cầu thủ sinh năm 1989 với B.Bình Dương được thể hiện rõ nhất ở mùa giải thứ 2. Trọng Hoàng là một trong những cầu thủ có đóng góp nhiều nhất trong chiến tích giành cú đúp danh hiệu của đội bóng đất Thủ (vô địch V.League và vô địch Cúp QG). Thi đấu 20 trận, 7 pha lập công tại V.League và lập cú đúp bàn thắng trong trận chung kết với CLB Hà Nội tại Cúp QG, là những dấu ấn đậm nét nhất của Trọng Hoàng ở mùa giải 2015 trong màu áo B. Bình Dương.

Mùa giải 2016, mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ với cả đội bóng đất Thủ lẫn cá nhân tiền vệ người Nghệ An. Do gặp phải những chấn thương nặng khiến phong độ của Nguyễn Trọng Hoàng sa sút trông thấy. Tại V.League 2016, cựu đội trưởng SLNA chỉ ra sân thi đấu vỏn vẹn 11 lần và cũng chỉ có đúng 2 pha lập công cho đội bóng chủ quản. Kể từ ngày được đôn lên đội 1 SLNA đến nay, chưa bao giờ Hoàng “bò” trải qua mùa giải tồi tệ như vậy. Sau đó, nhờ cơ địa cực khỏe và may mắn, Trọng Hoàng vẫn trở lại mạnh mẽ sau gần 1 năm phải điều trị dây chằng đầu gối.

Mùa giải 2016 kết thúc cũng là thời điểm bản hợp đồng giữa Trọng Hoàng và B. Bình Dương chính thức đáo hạn. Lúc này, tham vọng của “Chelsea Việt Nam” đã không còn cao như trước. Thay vì những cuộc mua sắm rầm rộ hay giữ lại những cầu thủ thuộc hàng “sao số”, B. Bình Dương bắt tay vào công cuộc trẻ hóa lực lượng. Và những cựu binh đến từ địa phương khác như Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn…đã không nằm trong kế hoạch của đội bóng đất Thủ cho mùa giải mới.

Với đẳng cấp của mình, Trọng Hoàng không mất nhiều thời gian để tìm được bến đỗ “lý tưởng”. Điểm dừng chân tiếp theo của cựu tuyển thủ U23 Việt Nam là FLC Thanh Hóa. Nhờ sự “chống lưng” của Tập đoàn FLC, đội bóng xứ Thanh đã trở thành một “thiếu gia” của bóng đá Việt Nam, với tham vọng rõ ràng là giành chức vô địch V.League. Trong kế hoạch xưng vương xưng bá của FLC Thanh Hóa, có tên Nguyễn Trọng Hoàng – cầu thủ từng giành 3 chức vô địch V.League trong màu áo SLNA và B.Bình Dương.

Tại đội bóng xứ Thanh, Nguyễn Trọng Hoàng vẫn chứng tỏ được đẳng cấp và tầm quan trọng của mình. Dưới sự chỉ đạo của HLV Petrovic, HLV tạm quyền Hoàng Thanh Tùng, HLV Mihail hay HLV Nguyễn Đức Thắng, Hoàng “bò” đều là sự lựa chọn đầu tiên ở vị trí tiền vệ trung tâm hoặc tiền vệ cánh phải của FLC Thanh Hóa trong 2 mùa giải vừa qua.

Chỉ cần nhìn con số 21 lần ra sân ở V.League 2017 và  22 lần ra sân ở V.League 2018 của Trọng Hoàng cũng đủ nói lên vai trò của anh. Danh hiệu Á quân V.League và 1 danh hiệu Á quân Cúp QG của FLC Thanh Hóa có công không nhỏ của cựu cầu thủ SLNA. Còn nhớ, Trọng Hoàng từng có vinh dự là cầu thủ Việt Nam duy nhất lọt vào đội hình tiêu biểu của bóng đá Đông Nam Á năm 2017. Nói vậy để thấy, quyết định chiêu mộ tiền vệ xứ Nghệ của ban lãnh đạo FLC Thanh Hóa là nước cờ chính xác.

Đã 5 năm trôi qua, kể từ ngày Hoàng “bò” chia tay sân Vinh để cập bến B. Bình Dương. Nửa thập kỷ không phải là quãng thời gian quá dài, nhưng đó là hành trình không thể nào quên với Trọng Hoàng nói riêng và những người hâm mộ anh nói chung. Ở độ tuổi 29, cựu đội trưởng SLNA đã gần như đoạt được mọi danh hiệu cao quý nhất ở cấp CLB. Mục tiêu trước mắt của Nguyễn Trọng Hoàng là chức vô địch AFF Cup 2018 cùng Đội tuyển Việt Nam và những danh hiệu cùng FLC Thanh Hóa. Trọng Hoàng không chỉ là cầu thủ tiêu biểu, hình mẫu của cầu thủ trẻ SLNA, niềm tự hào xứ Nghệ mà còn là niềm vinh dự của đội bóng xứ Thanh.

Trọng Hoàng chính là “bản sao không cần công chứng” của đàn anh Trường “trâu”, một cựu thủ quân ĐTQG cùng thời Hữu Thắng, Văn Lưu. Lối đá của Trọng Hoàng khá đơn giản, dựa nhiều vào tốc độ và nền tảng thể lực cực tốt của cầu thủ sinh năm 1989. Hoàng chủ yếu làm động tác giả, rồi tăng tốc loại đối thủ, ít khi cầu thủ này thay đổi hướng đi bóng trong đoạn ngắn. Nếu các hậu vệ đối phương để Hoàng “bò” vào guồng thì khó lòng đoạt được bóng của cầu thủ có chiều cao 1,70 m, nặng 70 kg và luôn dồi dào nguồn năng lượng.

Kể từ trận ra mắt đội tuyển Việt Nam ngày 2/12/2010 (thắng Myanmar 7-1) đến nay Trọng Hoàng đã đá trong màu áo đội tuyển 54 trận, trong đó 35 trận trong các giải chính thức. Anh ghi được 12 bàn thắng và đang đứng nhì về thâm niên ăn cơm tuyển sau đội trưởng Văn Quyết. Ngay cả việc cựu đội trưởng SLNA gác “tuần trăng mật” để tham gia AFF Cup 2018 đã xứng đáng được điểm (+) trong mắt ông Park Hang-seo và người hâm mộ Việt Nam, chơi đúng “chất Nghệ”.

Trọng Hoàng đang trong thời điểm chín muồi của sự nghiệp “quần đùi, áo số”. Với 161 trận đấu trong 8 năm tại V.League như một lời đảm bảo về năng lực chuyên môn của cầu thủ xứ Nghệ này. Với việc ra sân 155/165 trận V.League chứng tỏ ngoài năng lực chuyên môn, cầu thủ 29 tuổi này có nền tảng thể lực tuyệt vời. Trọng Hoàng cũng là một trong những nhân tố chủ chốt giúp CLB Thanh Hóa giành ngôi Á quân tại V-League năm nay. Tiền vệ của CLB Thanh Hóa đã tham dự 3 kỳ AFF Cup liên tiếp và ghi 3 bàn thắng. Anh được HLV Park Hang-seo triệu tập thay cho Vũ Văn Thanh dính chấn thương. Có thể thua kém Văn Thanh về sức trẻ và khả năng thi đấu ăn ý cùng các đồng đội, song bản lĩnh ở những giải đấu lớn là điều người hâm mộ kỳ vọng ở cầu thủ này.

Điểm mạnh của Trọng Hoàng là lối đá hiện đại, không hoa mỹ cầu kỳ nhưng lại luôn gây khó khăn cho bất cứ hàng phòng ngự nào. Khi ngẫu hứng, Hoàng “bò” có thể cầm bóng xông thẳng vào hàng phòng ngự đối phương, bất chấp dàn hậu vệ đối phương đông như thế nào. Nhiều hậu vệ bị bất ngờ khi Hoàng “bò” quyết định chọn lối tắt đi bóng vào khe giữ 2 hậu vệ, thay vì chuyền bóng. Lối đá băm bổ, dựa trên nền tảng thể lực của tiền vệ này đã khiến anh phải nhận tổng cộng 32 thẻ vàng và 3 thẻ đỏ tại V.League. Việc thiếu tiết chế trong nhiều tình huống đối kháng là điểm trừ của cầu thủ gốc Nghệ.

Được tập luyện tại lò SLNA từ nhỏ nên Hoàng “bò” có kỹ thuật cá nhân hoàn thiện, sở hữu sút xa khá tốt, chơi bóng 2 chân như một. Ngoài vị trí tiền vệ cánh phải ưa thích, khá nhiều trận trên tuyển quốc gia Trọng Hoàng được giao đá tiền vệ trung tâm và cơ bản anh đá tròn vai. Dưới thời HLV Calisto, Trọng Hoàng thường chơi như một tiền đạo ảo nhờ khả năng chọc khe và dứt điểm đầy uy lực ngoài vòng 16m50.

Tại AFF Cup 2018, được HLV Park Hang-seo giao đá hậu vệ cánh phải, Trọng Hoàng thích nghi khá nhanh và ngoài nhiệm vụ phòng thủ anh đã có 2 pha kiến tạo thành bàn bằng 2 chân cho Tiến Linh trận Campuchia và Văn Đức trận gặp Philippines. Ngoài ra, khá nhiều thủ môn đã phải nhận trái đắng khi bị tiền vệ này nã đại bác thẳng vào khung thành khi đang di chuyển tốc độ cao. Khi thăng hoa, cựu thủ quân SLNA có thể thực hiện được các bàn thắng vừa có quỹ đạo trái bóng đẹp lại có độ khó cao. Dưới bàn tay của ông Park, khả năng gây đột biến và quỹ đạo các đường chuyền của số 8 này đã tốt hơn rất nhiều. Rất nhiều đường bóng của Trọng Hoàng tạo cảm giác sảng khoái cho khán giả. Có thể kể đến đường chuyền cho Vũ Minh Tuấn xé lưới Indonesia trận hòa 2-2 tại bán kết AFF Cup 2016 đầy cảm xúc trên sân Mỹ Đình.

Dưới bàn tay của ông Park, khả năng gây đột biến và quỹ đạo các đường chuyền của số 8 này đã tốt hơn rất nhiều.
Dưới bàn tay của ông Park, khả năng gây đột biến và quỹ đạo các đường chuyền của số 8 này đã tốt hơn rất nhiều.

Hành trình đi đến ngôi vương năm nay, Trọng Hoàng đã đối đầu với Stephan Schröck (17, Philippines), Safawi Rasid, Sumareh (Malaysia), họ là 3 trong 5 tiền vệ cánh hay nhất AFF Cup. Cầu thủ xứ Nghệ đã làm rất tốt nhiệm vụ phòng ngự, chỉ gián tiếp chịu trách nhiệm 1 trong 4 bàn thua. Ngược lại, Trọng Hoàng có 2 pha kiến tạo thành bàn đầy sắc sảo và nhạy bén, được đánh giá là một trong những cầu thủ ổn định nhất đội tuyển Việt Nam tại giải đấu này. Trong 3 trận đấu gặp Malaysia, Trọng Hoàng và Duy Mạnh được HLV Park giao nhiệm vụ án ngữ mỗi khi đội nhà được hưởng phạt góc. Và khi vào bán kết, Trọng Hoàng cũng ít được lên tham gia tấn công. Các nhà chuyên môn cho rằng, Malaysia đã bại trận chính vì tin rằng có thể khai thác vào cánh của tiền vệ xứ Nghệ đang chơi trong vai trò hậu vệ. Lên công về thủ nhịp nhàng, Trọng Hoàng cùng với Ngọc Hải là hai chiến binh xứ Nghệ có lối chơi mạnh mẽ, không ngại va chạm. Trong nhiều thời điểm, sự có mặt của Trọng Hoàng và một chút “gấu” đúng chất SLNA khiến ĐT Việt Nam có thêm chất thép, đặc biệt là khi đối đầu với những đội bóng đá rát, thậm chí là đá xấu.

Tuyển thủ Trọng Hoàng chia sẻ về nhiệm vụ đặc biệt tại AFF Cup 2018

Đến nay, Trọng Hoàng chính là tuyển thủ quốc gia Việt Nam giàu thành tích cá nhân nhất trong thời điểm hiện tại. Với 3 chức vô địch V.League (2011, 2014, 2015), Siêu Cúp QG 2014, Cúp quốc gia 2010, 2015 và mới đây là chức vô địch AFF Cup 2018. Có thêm chiếc Cúp vàng Đông Nam Á, Trọng Hoàng chính là cầu thủ Việt Nam có nhiều thành tích nhất.

Sớm thành danh và khẳng định được tài năng, nhưng Trọng Hoàng cùng với lứa cầu thủ vàng của SLNA như Văn Bình, Âu Văn Hoàn đều được CĐV xứ Nghệ yêu mến đặc biệt và ủng hộ vì tính cách điềm đạm, ngoan ngoãn. Ông Nguyễn Trọng Hường: “Khoảng cuối năm lớp 8, Hoàng bày tỏ nguyện vọng muốn chuyên tâm tập luyện để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi và vợ suy nghĩ nhiều đêm rồi mới dám quyết định. Hoàng thời điểm đó đã có thể kiếm được tiền, thậm chí còn nhiều hơn cả lương của tôi. Tuy nhiên, điều Hoàng khiến tôi an tâm là không hề tiêu xài phung phí mà đưa về cho mẹ nhờ cất và đặc biệt luôn đam mê bóng đá”.

Cách đây 10 năm, Trọng Hoàng lỡ hẹn với AFF 2008 vì còn quá trẻ. Một năm sau đó, Trọng Hoàng và đồng đội thua đau đớn Malaysia tại SEA Games 25. Và bây giờ sau một hành trình đầy gian lao, qua nhiều đời huấn luyện viên, Trọng Hoàng đã trả được món nợ quá lâu với người Mã, thỏa mơ ước đoạt chức vô địch AFF Cup 2018. Một chức vô địch có quá nhiều ý nghĩa và xúc cảm với chàng cầu thủ xứ Nghệ.

Trong Hoàng chia sẻ với Báo Nghệ An: “Tôi đã 9 năm khoác áo ĐTQG, đã có lúc tưởng chừng như chạm đến đỉnh vinh quang nhưng rồi lại tuột mất. Vì vậy chức vô địch AFF Cup 2018 thực sự mang đến cho tôi nhiều cảm xúc vỡ òa. Thật may mắn cho tôi là HLV Park Hang-seo luôn biết cách nhìn nhận cầu thủ và đã tin tưởng, trao cho tôi cơ hội. Thi đấu tại AFF Cup 2018 thực sự là một trải nghiệm quý giá khi lần đầu tiên phải đá hậu vệ, đòi hỏi nhiều thể lực hơn và thành quả đến với chúng tôi thật xứng đáng”.

Trong các cầu thủ xứ Nghệ tham gia giải AFF Cup 2018, Nguyễn Trọng Hoàng là người trở về quê sớm nhất. Mục đích là để có thời gian gặp người vợ mới cưới, ăn mừng cùng đồng đội cũ trong SLNA và trở về quê ở huyện Nam Đàn để thắp hương báo cáo tổ tiên. Tại Asian Cup 2019, khi Văn Quyết và Anh Đức không còn được HLV Park giữ lại thì vai trò dẫn dắt các đàn em của Trọng Hoàng tại giải đấu sắp tới lại càng quan trọng hơn. Có thể nói, Trọng Hoàng chính là nhân chứng của bóng đá Việt Nam trong một hành trình dài chờ đợi – người chứng kiến nhiều vực thẳm và cũng được chứng kiến vinh quang ngày hôm nay. Chúc mừng Trọng Hoàng!