PV: Là Phó Giám đốc phụ trách mảng xét nghiệm, truy vết các trường hợp liên quan Covid-19 của CDC Nghệ An, ông đón nhận thông tin có mẫu xét nghiệm của trường hợp F1 ở thị xã Hoàng Mai dương tính với virus SARS-CoV-2 như thế nào? Các bước xử lý tiếp theo sau khi đón nhận thông tin này?
BS Phạm Đình Du: Trong hơn 1 năm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 (từ đầu năm 2020 đến 6/5/2021), phải nói rằng Nghệ An rất may mắn khi không có trường hợp nhiễm bệnh ở cộng đồng. Tuy nhiên, lần này may mắn không thể đứng mãi về phía chúng ta được nữa. 17 giờ 30 phút chiều ngày 6/5, cán bộ phòng xét nghiệm gọi lên cho tôi thông báo về một mẫu xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2: “Anh ơi! Có vấn đề. Kết quả xét nghiệm sàng lọc rất rõ…”. Thú thực, bản thân tôi đón nhận thông tin này với tâm thế không có gì đặc biệt hay quá bất ngờ. Điều này xuất phát từ việc ngành Y tế Nghệ An và bản thân đã xác định rõ việc xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng chỉ là chuyện sớm hay muộn, và chúng tôi đã lên phương án, chuẩn bị cho tình huống này rất kỹ và từ rất lâu rồi.
Tiếp nhận thông tin này, ngay lập tức tôi đã báo cáo với đồng chí Giám đốc CDC Nghệ An, xin ý kiến cho làm xét nghiệm khẳng định; đề nghị Giám đốc báo cáo lại cho đồng chí Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An. Sau đó, tôi đã yêu cầu Đội phản ứng nhanh của CDC Nghệ An có mặt cơ quan để chuẩn bị tất cả mọi trang thiết bị, cơ sở vật chất thiết yếu để lên đường, chứ không chờ kết quả xét nghiệm khẳng định nữa. 18 giờ 30 phút, 3 xe chở cán bộ y tế, cơ sở vật tư y tế thiết yếu của CDC Nghệ An đã xuất phát ra thị xã Hoàng Mai. Ngay trên đường đi, tôi đã gọi điện yêu cầu các đơn vị y tế như Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu chuẩn bị lực lượng, thuốc men, hóa chất, phương tiện để sẵn sàng tăng cường hỗ trợ TX Hoàng Mai theo yêu cầu của đồng chí Giám đốc Sở Y tế.
PV: Bản thân ông và nhiều lãnh đạo, cán bộ y tế khác đã có 3 ngày, 2 đêm thức trắng cùng thị xã Hoàng Mai để thực hiện truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan đến ca bệnh 3098. Ông có thể cho biết những khó khăn trong phòng, chống dịch lúc đó?
BS Phạm Đình Du: Khi chúng tôi bắt đầu chuẩn bị xuất phát thì Sở Y tế Nghệ An đã thông báo cho thị xã Hoàng Mai về việc có trường hợp bệnh nhân 3098, yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thị xã chuyển sang chế độ chống dịch, huy động các cơ sở cách ly tập trung, chuẩn bị cơ sở vật chất để chuyển các trường hợp F1 lên khu cách ly tập trung và truy vết các trường hợp F2.
Khi thực hiện nhiệm vụ tại thị xã Hoàng Mai, chúng tôi đã lường trước được những khó khăn, đó là: Đây là lần đầu tiên xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng nên các cán bộ y tế cơ sở chưa quen việc, tốc độ phản ứng với dịch chậm; khâu tổ chức truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cấp tốc lúng túng trong bối cảnh yêu cầu phải làm thật nhanh… Vậy nên, khi ra đến thị xã Hoàng Mai, theo sự phân công, hoạt động đầu tiên mà chúng tôi thực hiện đó là triệu tập toàn bộ nhân lực chống dịch bao gồm cán bộ trung tâm y tế, công an, đơn vị hỗ trợ… để tập huấn lại, tập huấn nhanh cho anh em về công tác truy vết và lấy mẫu xét nghiệm. Sau tập huấn thì cho lực lượng xuống đưa tất cả F1 vào khu cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm; truy vết tất cả F2 lập danh sách, yêu cầu họ cách ly tại nhà. Cũng trong đêm đó, CDC Nghệ An lên phương án truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho thị xã Hoàng Mai vào ngày hôm sau.
Có thể nói, trong đêm 6/5 – rạng sáng 7/5, công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở thị xã Hoàng Mai đã cơ bản thực hiện xong những việc lớn. Ngày chống dịch thứ 2 (7/5), phần việc còn lại là nhanh chóng tiếp cận, lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp F2 theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Sở Y tế là “lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả trường hợp nghi ngờ”. Trong chiều tối 7/5, Giám đốc Sở Y tế đã yêu cầu tăng tốc làm xuyên đêm để lấy mẫu tất cả trường hợp F2.
Trong đêm 7/5, khó khăn mới tiếp tục xuất hiện khi mà việc điều tra các trường hợp F2 ở thị xã Hoàng Mai, không có sự thống nhất giữa chính quyền cơ sở và cơ quan y tế, dẫn đến có sai số lớn trong việc tính toán tổng số lượng F2. Sai số này có nguyên nhân chính là nhiều người dân ở đây do lo sợ nên cũng đã khai báo mình là F2. Số lượng F2 bỗng tăng đột biến. Từ dự kiến ban đầu là số lượng F2 chỉ xấp xỉ 1.000 trường hợp nay đã vọt lên trên 2.000 trường hợp. Điều này khiến cho lực lượng lấy mẫu vất vả hơn. Và cũng rất may, chúng tôi cũng đã dự kiến được tình huống này nên việc bố trí, điều động sinh phẩm xét nghiệm được thực hiện chủ động, kịp thời. Chiều tối 7/5, chúng tôi đã yêu cầu Trung tâm Y tế TX Hoàng Mai điều xe vào CDC Nghệ An để lấy thêm 500 mẫu sinh phẩm chuyển ra; trong đêm, điều phối 500 mẫu sinh phẩm từ Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (dành cho việc lấy mẫu tại bệnh viện vào sáng 8/5) để kịp thời đáp ứng lấy mẫu. Đến 4 giờ 30 phút sáng 8/5, hoạt động lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F2 cơ bản hoàn thành.
PV: Với ca nhiễm cộng đồng đầu tiên ở thị xã Hoàng Mai, chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm nào trong công tác phòng, chống dịch Covid-19?
BS Phạm Đình Du: Sau dịch Covid-19 ở thị xã Hoàng Mai được khống chế, Sở Y tế Nghệ An ngay lập tức đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến toàn ngành để đánh giá, rút kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở TX Hoàng Mai. Tại cuộc họp này, đồng chí Giám đốc Sở Y tế đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị y tế, sự vất vả của nhân viên y tế, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo chính quyền, ban chỉ đạo các địa phương trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thị xã Hoàng Mai.
Nhiều bài học kinh nghiệm đã được nêu ra, đó là: Cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo phòng chống dịch; tuyệt đối không được thỏa mãn với thành tích đã đạt được, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phát huy tốt vai trò của tổ phòng, chống Covid -19 cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở địa phương, ủng hộ và tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn; cần rà soát, thành lập, kiện toàn tổ truy vết do ban chỉ đạo điều hành bao gồm các lực lượng cán bộ chính quyền địa phương, công an và cán bộ y tế để sẵn sàng triển khai nhiệm vụ truy vết ngay khi xuất hiện tình huống dịch bệnh trên địa bàn.
Các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch cũng được Giám đốc Sở Y tế đưa ra, như: Xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn mới, tập huấn lại cho các cán bộ thuộc các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh về kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu và xét nghiệm Covid-19, yêu cầu tất cả cán bộ trực thuộc khoa xét nghiệm của các đơn vị phải có khả năng tham gia lấy mẫu khi có diễn biến dịch xảy ra; nghiêm túc triển khai công tác rà soát, xác minh thông tin, lập danh sách, tổ chức khai báo y tế, điều tra dịch tễ ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân liên quan đến các trường hợp trở về từ vùng dịch, nghi ngờ nhiễm Covid-19 trên địa bàn; kịp thời hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe, phòng chống dịch phù hợp đối với các trường hợp đi qua, trở về từ các ổ dịch trên cả nước… tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
PV: Trong làn sóng dịch thứ 4 này, Nghệ An có nhiều trường hợp F1, nguy cơ lớn khiến dịch bùng phát tại cộng đồng. Ông có thể nói gì về điều này? Là người làm chuyên môn, ông có dự báo nào về tình hình dịch sắp tới?
BS Phạm Đình Du: Thời điểm này tại Việt Nam chúng ta xuất hiện khá nhiều ổ dịch bùng phát. Như ta đã biết, người dân Nghệ An đi làm ăn, buôn bán tại rất nhiều nơi, rất có thể họ mang theo mầm bệnh về địa phương. Đặc biệt, tại các ổ dịch đang bùng phát mạnh là các khu công nghiệp phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, số người Nghệ An làm việc tại đây rất đông. Riêng tại Bắc Giang, số người Nghệ An làm công nhân tại đây là gần 2.500 người. Các huyện có số người dân đi lao động đông đó là Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương, Đô Lương…
Điều đáng nói, số lượng bệnh nhân tại các ổ dịch nói trên vẫn chưa được khống chế nên tỷ lệ các trường hợp F1 chuyển thành F0 của các ổ dịch ngày càng phát sinh lớn. Cho nên số lượng các trường hợp F2 về các tỉnh, trong đó có Nghệ An trở thành F1 xuất hiện rất nhiều, phát sinh đột xuất. Điều này khiến cho lực lượng phòng chống dịch tại các huyện, thành, thị rất vất vả, gặp nhiều khó khăn trong việc cập nhật thông tin nhanh để mà truy vết sớm. Tính từ ngày 27/4 đến nay, số lượng F1 ở Nghệ An được cách ly, xét nghiệm là trên 1.000 trường hợp. Với số lượng F1 này, công tác phòng chống dịch ở các huyện, thành, thị gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí cách ly và bố trí lực lượng giám sát cách ly tại nhà… nhất là trong bối cảnh chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngành Y tế Nghệ An đã có những nhận định rõ về tình hình dịch sắp tới, đó là: Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, có cửa khẩu, cảng biển, đường bộ, đường sắt và đường thủy. Người dân Nghệ An đi lao động, làm ăn, buôn bán ở nhiều địa phương, trong đó có nhiều vùng dịch. Vì vậy, nguy cơ Nghệ An có bệnh nhân mắc Covid-19 xâm nhập là rất lớn. Nguy cơ xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng tại Nghệ An cao khi mà hằng ngày ở tỉnh vẫn phát hiện những công dân nhập cảnh trái phép trở về, sau đó mới được đưa đi cách ly lấy mẫu. Trong khi đó, một bộ phận người dân còn rất chủ quan, không thực hiện tốt các biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nguy cơ dịch là vậy, nhưng với những biện pháp quyết liệt mà Đảng, Nhà nước, ngành Y tế, chính quyền địa phương đang triển khai, cá nhân tôi cho rằng tình hình dịch sẽ sớm được khống chế, đời sống kinh tế – xã hội sẽ sớm được ổn định trở lại.
PV: Xin cảm ơn ông!