Người xứ Lường ở thung lũng Silicon

Nguyễn Nghĩa Tài quê ở Đô Lương, là “dân” nửa đầu 8X. Thú thực, chàng trai này là “ca khó” của báo chí khi rất đỗi kiệm lời và liên tục nhắc nhở rằng mình không muốn lên mặt báo với hình ảnh của một cậu bé lớn lên ở vùng quê nghèo, ham học và học giỏi. Ồ sẽ không đâu, bởi ngoài điều đó ra, còn nhiều điều khác thú vị hơn để nói về Tài chứ, như chuyện hồi đầu tháng 12/2018, bộ thu phát băng tần Ka đầu tiên trên thế giới cho vệ tinh siêu nhỏ do Nguyễn Nghĩa Tài thiết kế đã được phóng lên quỹ đạo Trái đất bằng tên lửa SpaceX Falcon 9.

_____________

Chào Tài, mặc dù biết là bạn không thích nói nhiều về bản thân mình, nhưng những thông tin cơ bản thì cũng có thể chứ nhỉ? Một chút về quê quán, gia đình, quá trình học tập?

Chỉ vắn tắt thôi nhé! Nhà mình ở quê cũng không có gì đặc biệt, không quá nghèo và không quá giàu. So sánh với các huyện khác ở Nghệ An, Đô Lương có lẽ được xếp vào những huyện có kinh tế thuộc dạng khá, nên mình cũng có điều kiện hơn nhiều bạn ở khu vực miền núi. Mẹ mình làm nông, bố mình làm nhiều nghề từ bộ đội, làm cán bộ huyện và làm kinh doanh nhỏ. Bố mẹ mình rất chăm lo cho bọn mình học tập. Ký ức của mình là có bố mẹ tuyệt vời, những người đã nhìn thấy tương lai của việc học hành và chăm chút cho bọn mình từ bé.

Thực ra hồi nhỏ mình học không giỏi. Cấp 1 mình học khá tệ, mải chơi. Khoảng đến lớp 8 trở đi thì mới học khá hơn. Mình cũng có điều kiện hơn các bạn cùng lứa là được học trường chuyên, lớp chọn. Mình học trường chuyên của huyện Đô Lương ở cấp 2 và Chuyên Toán Đại học Vinh ở cấp 3. Lên Đại học thì mình học Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; sau đó, sang Hàn Quốc làm tiến sỹ và sang Mỹ làm sau tiến sỹ.

Hồi bé mình đọc rất nhiều sách (so với các bạn ngày xưa) về nhiều chủ đề, nên cách tiếp cận thông tin của mình hơi khác các bạn cùng lớp. Mình có những mơ ước “viển vông” từ hồi bé như về khoa học công nghệ, không gian vũ trụ, truyền tin, người ngoài hành tinh… Kết quả có thể do mình đọc nhiều sách viễn tưởng chẳng hạn! Mình cũng rất thích chương trình KCT của Đài truyền hình Việt Nam ngày xưa. Chương trình KCT là chương trình nói về Khoa học Công nghệ nói chung, trong đó có bác Võ Quý và bác Lân Dũng tham gia giải thích khoa học.

Có vẻ như những “viển vông” hồi bé – như bạn nói ấy, đã góp phần làm nên một Nguyễn Nghĩa Tài của bây giờ: đam mê khoa học, khát khao khám phá vũ trụ. Bạn có chia sẻ là hiện đang làm việc tại một công ty startup trong lĩnh vực công nghiệp không gian, trụ sở đóng tại thung lũng Silicon (Mỹ). Nghe thú vị và đặc biệt đấy, bởi lĩnh vực này ở Việt Nam chưa phát triển và phổ biến!

Chính xác là mình đang làm công việc Thiết kế điện tử tần số cao “RF engineering design” cho vệ tinh nhân tạo tại công ty Audacy. Ở Mỹ, người ta gọi những công ty kiểu như công ty bọn mình là những công ty hoạt động trong ngành công nghiệp không gian mới (NewSpace Industry) trong sự so sánh với những công ty hoạt động trong ngành công nghiệp không gian kỳ cựu như Boeing, Airbus, SSL, Thales, Lockheed Martin… Theo mình biết, Việt Nam đang cố gắng có được nền công nghiệp không gian với sự ra đời của một vài trung tâm công nghệ vũ trụ. Tuy nhiên, mình không có nhiều thông tin về các trung tâm đó.

Thật ra, công việc của mình làm cũng quan trọng giống như rất nhiều công việc khác mà thôi. Có vẻ như ngành công nghiệp không gian của Việt Nam không phát triển làm cho mọi người có cảm tưởng mình làm cái gì đó “ghê gớm” quá!

Bạn nói thế nào chứ, những người “ngoại đạo” như tôi thật sự cảm thấy ngưỡng mộ và cả chút hiếu kỳ với công việc bạn đang làm đấy. Ồ, cả những thành công nữa chứ, tôi được biết bạn đã đạt được một số bước tiến quan trọng trong công việc, điển hình như bộ thu phát băng tần Ka đầu tiên trên thế giới cho vệ tinh siêu nhỏ vừa được phóng lên quỹ đạo Trái đất đầu tháng 12/2018?

Về việc thiết bị thu phát của mình thiết kế được phóng lên không gian, mình không nghĩ là mọi người lại ưu ái dành cho mình nhiều lời khen tặng thế. Thực sự, mình chưa xứng với lời khen của mọi người. Mình chỉ dám nhận là mình đã hoàn thành công việc được giao, còn những lời khen khác mình xin nhận để lấy làm mục tiêu phấn đấu cho chặng đường sắp tới.

Chia sẻ về thiết kế của mình, thì phải nói đôi nét cơ bản về không gian đã nhé. Trong không gian, vệ tinh là thiết bị quanh quanh Trái Đất ở các quỹ đạo khác nhau. Người ta chia quỹ đạo Trái Đất thành ba quỹ đạo chính. Đó là quỹ đạo thấp (Low Earth orbit/LEO), quỹ đạo trung bình (Medium Earth orbit/MEO), quỹ đạo địa tĩnh (Geostationary orbit/GEO).

Trong các quỹ đạo trên, quỹ đạo địa tĩnh rất phổ biến thời gian trước. Những vệ tinh truyền hình dùng để truyền hình trực tiếp bóng đá là nằm trong quỹ đạo địa tĩnh. Các vệ tinh Việt Nam như Vinasat-1, Vinasat-2 là các vệ tinh địa tĩnh. Quỹ đạo trung bình thì ít phổ biến hơn nhưng cũng rất quan trọng. Các vệ tinh của Hệ thống định vị toàn cầu GPS nằm trên quỹ đạo trung bình. Hiện nay, quỹ đạo thấp đang ngày càng được chú ý. Vệ tinh của công ty bọn mình vừa phóng nằm trên quỹ đạo này.

Thiết bị do mình thiết kế được vận hành ở tần số rất cao, băng tần Ka. Thiết bị được dùng để truyền tin (thu/phát) giữa vệ tinh với một trạm mặt đất. Trong tương lai, nó có thể dùng để truyền tin (thu/phát) tin giữa các vệ tinh với nhau. Mình hoàn thành thiết kế trong khoảng 1,5 năm. Thiết bị này rất nhỏ, kích thước tầm 10x10x3 cm. Trước đây, chưa có ai thiết kế bộ thu phát ở tần số cao mà nhỏ như thế, nên hầu như không có tài liệu tham khảo. Các linh kiện điện tử mình dùng để thiết kế cũng không phổ biến, nên mình phải làm việc với các đối tác để làm ra những linh kiện hoàn toàn mới, sử dụng riêng cho bộ thu phát này.

Hiện nay, bạn đã có cuộc sống, công việc ổn định ở Mỹ. Có bao giờ bạn nhìn lại chặng đường đã qua, từ một cậu học sinh ở xứ Lường đến một kỹ sư ở thung lũng Silicon? Trên chặng đường đó hẳn có nhiều thất bại, khó khăn?

Mình không nghĩ xuất thân là điều quá quan trọng mà quan trọng nhất là nghị lực, ý chí, mục tiêu của mỗi người. Bản thân mình thích khám phá những thứ mới, và điều đó bắt nguồn từ hồi mình còn bé. Mình thường chọn con đường đi không giống số đông và sẵn sàng chịu rủi ro. Với mình, khi thất bại, thì làm lại. Thất bại thực ra làm cho mình học được rất nhiều thứ mới hơn, nên mình không sợ thất bại. Thậm chí, sau khi thành công, mình lại thích những lúc thất bại trước đó!

Thế còn về ước mơ, mong mỏi, bạn có thể chia sẻ về chúng không?

Mình mong một ngày trẻ con Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng sẽ có nhiều thư viện công cộng để vào chơi và đọc sách. Hy vọng mình sẽ có đủ tiền để xây dựng một hay nhiều thư viện công cộng ở quê. Nghệ An đã từng có mô hình đào tạo bóng đá trẻ tốt nhất Việt Nam. Nếu chúng ta có được một hệ thống thư viện công cộng tới tận huyện hoạt động thực sự hiệu quả cho trẻ con Nghệ An chơi giống như bóng đá trước đây thì tương lai của quê hương sẽ cực kỳ tươi sáng. Tuy nhiên, cách làm này thì mất rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Mình không thích từ “văn hóa đọc”. Mình chỉ thích dùng từ đọc sách và chơi. Mình ước mơ có môi trường thư viện công cộng đủ lớn để trẻ con từ mẫu giáo đến đại học vào chơi và đọc sách. Nếu trẻ con vui khi đến chơi thư viện từ bé, thì thói quen đọc sách sẽ gắn bó cả đời với một đứa trẻ. Xã hội có nhiều người thích đọc sách thì dân trí sẽ tăng lên rất nhiều và nhanh.

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện! Chúc bạn và gia đình sức khoẻ, hạnh phúc và thành công trong năm mới.

Hỏi nhanh đáp gọn:

Tự nhận xét về tính cách của mình?

Ham học và khá liều.

Nhớ về quê hương, bạn thường nhớ về món ăn gì?

Cháo lươn. Ước gì ai đó mở hàng cháo lươn ở California.

Với bạn, điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống?

Sống tử tế.

Thần tượng của bạn là ai?

Elon Musk. Ông ấy là “người ngoài hành tinh”. Mình thần tượng ông ấy.

Định nghĩa của bạn về vũ trụ?

Mình không có định nghĩa riêng về Vũ trụ. Tuy nhiên, nếu mình nghĩ lại khi thế giới ở thế kỉ 13-14 trước khi khám phá ra châu Mỹ, có ai biết châu Mỹ là gì đâu? Vũ trụ có thể là như vậy!