Người viết ‘Nhật ký covid-19’

Các đoàn ủng hộ thực phẩm để tổ chức mặt trận chuyển đến khu cách ly tập trung; Hoạt động kiểm tra thân nhiệt cho đồng bào trong khu cách ly tập trung được anh Phạm Trọng Bình ghi lại; Những suất cơm dành cho đồng bào trong các khu cách ly tập trung; Hình ảnh các chiến sỹ anh nuôi luôn có trong mỗi trang nhật ký.
Các đoàn ủng hộ thực phẩm để tổ chức mặt trận chuyển đến khu cách ly tập trung; Hoạt động kiểm tra thân nhiệt cho đồng bào trong khu cách ly tập trung được anh Phạm Trọng Bình ghi lại; Những suất cơm dành cho đồng bào trong các khu cách ly tập trung; Hình ảnh các chiến sỹ anh nuôi luôn có trong mỗi trang nhật ký.

Ngày 16/5/2020, Ủy ban MTTQ tỉnh là một trong những tổ chức được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương các điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hỏi Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: “Trong các “chiến sỹ mặt trận”, ai xứng đáng được biểu dương?”, câu trả lời là: “Có một số nhân tố thực sự điển hình, ví như Phạm Trọng Bình…”.

Người mà chị Võ Thị Minh Sinh nhắc đến là Trưởng ban Dân vận – Chủ tịch MTTQ huyện Con Cuông. Anh chính là người viết “Nhật ký Covid-19”.

Kết bạn trên Facebook, nên tôi sớm biết Phạm Trọng Bình quan tâm, thường xuyên cập nhật thông tin về dịch Covid-19, cùng những nỗ lực của huyện Con Cuông cho khu cách ly tập trung để chuẩn bị đón đồng bào từ nước ngoài trở về theo chỉ đạo của tỉnh. Đến ngày 30/3, anh viết status với tiêu đề “Ngày thứ ba! Tổ quốc tôi, đồng bào tôi!”.

Đọc, thấy Bình như con tằm rút ruột, nhả tơ. Bởi với độ dài lên tới cả ngàn từ, status của anh là những gom nhặt tỉ mỉ các hoạt động ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 và giúp đỡ những người đang làm nhiệm vụ, và đồng bào trong khu cách ly tập trung đã diễn ra trong ngày. Ở đó, có những thiết tha kêu gọi của tổ chức Mặt trận, có không khí “Chống dịch như chống giặc”, có lấp lánh những thảo thơm của tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ tiền, gạo, rau, quả, bánh trái…; đặc biệt, còn có nhiều hình ảnh chân thực, sống động để minh họa.

Anh viết: “Tổ quốc gọi, đồng bào trả lời”, mấy từ ngắn ngủi thôi sao mà thiêng liêng đến lạ. “Trong đầu tôi vẫn văng vẳng tiếng cô bé người Bắc về làm dâu xứ Nghệ: “Các anh, chị ăn đi cho nóng! chiều mai em lại nấu chè đưa lên”.

Hình ảnh những bà cụ vào tận cơ quan Mặt trận góp từng buồng chuối, trái bầu, nắm rau, thùng mỳ tôm. Rồi nhiều các bạn làm việc xa quê, các đơn vị nhanh như cơn gió trao đổi nhau qua nhóm Zalo, Facebook…, lần lượt góp tiền ủng hộ.

Có hai ông bà bán phở ngoài chợ cũng tằn tiện từng đồng tiết kiệm, hô hào cả con cháu mình đóng góp, rồi tập tễnh trên đôi chân còn đau nhức khớp xương vào ủng hộ đến 3 triệu đồng; các cháu nhỏ tiết kiệm từng đồng tiền quà, tiền tiết kiệm để đến hỗ trợ các chú, các cô…”.

Status của anh được rất nhiều người trên địa bàn hoan nghênh, bày tỏ yêu thích, chia sẻ. Cứ thế, ngày lại ngày, Bình tỉ mẩn viết. “Ngày thứ 6. Ngày giỗ Tổ… Vào địa điểm tiếp nhận, tiếp tục nhận được sự chung tay góp sức của đồng bào, đồng chí cho cuộc chiến này. Xúc động vô cùng, mân mê mãi 3 chiếc phong bì dày cộp với đủ mệnh giá tiền của đồng bào 5 thôn Liên Tân, Vĩnh Hoàn, Liên Trà, Lam Bồng, Tân Dân của xã Bồng Khê với số tiền 33.070.000 đồng; khu dân cư khối 2, thị trấn với số tiền 10.200.000 đồng; Nhân dân và cán bộ xã Chi Khê 23.040.000 đồng; phong bì 200.000 đồng tiết kiệm từ tiền quà của cháu Đăng Phúc – Lớp 6A2, Trường Trung học cơ sở Trà Lân… Chị Ngọc (nguyên Trưởng Đài TT-TH), anh Minh (Bí thư Chi bộ khối 2), dì Châu – Chi ủy viên Chi bộ khối 2 cứ nắm chặt lấy tay mấy anh em lắc mãi, còn cố dặn thêm: “Nhắc anh em cố mà ăn, cố chợp mắt khi giải lao, phải thật an toàn nha mấy đứa!”. Rưng rưng trong khóe mắt…”.

“Ngày thứ 13. Có lẽ mọi người hình dung được việc chuẩn bị xa nhau, nên anh em đưa phiếu đề nghị đóng góp ý kiến thì đã viết như những dòng lưu bút lại rồi. Phòng 207 đã viết “I Love Con Cuông. Phòng 207 rất hài lòng vì sự nhiệt tình giúp đỡ và chăm sóc…”; đại diện phòng 201, anh Nguyễn Thanh Tần viết: “Trong những ngày qua, bà con tại khu cách ly được sự quan tâm, anh chị em phục vụ rất tốt, được chăm sóc y tế, sức khỏe, ăn uống, chu đáo tận tình, phục vụ hết mình. Chúng tôi xin cảm ơn!”… Quả thực, yêu thương đó là sự sẻ chia mà mỗi người dành cho nhau. Một thứ tình cảm thiêng liêng xuất phát từ nơi con tim… “Ngày thứ 14! Tổng số tiền ủng hộ về Ban cứu trợ là 852.689.000 đồng và hàng trăm triệu đồng hàng hóa, thực phẩm, thiết bị y tế,… Là cuộc vận động, huy động sức dân nhanh chưa từng có trên địa bàn huyện và thật tự hào, khoảng 95% tổng số tiền này là từ nhân dân, từ cán bộ, công chức, viên chức. Tự hào thay mảnh đất Trà Lân, xứ Nghệ; huyện cửa ngõ của miền Tây Nam Nghệ An…”.

Liên lạc qua điện thoại để nói với Phạm Trọng Bình rằng anh được cấp trên đánh giá là một trong những “chiến sỹ mặt trận” có nhiều cách làm sáng tạo để cùng tổ chức góp một phần công sức đưa Nghệ An đứng thứ ba cả nước về đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19.

Anh tâm sự: “Tôi viết “Nhật ký Covid-19” sau 3 ngày huyện Con Cuông được tỉnh giao nhiệm vụ đón đồng bào ta từ nước ngoài trở về tập trung cách ly. Thấy có nhiều người dõi theo, nắm thông tin nên xem việc viết nhật ký là trách nhiệm nhằm kết nối, kêu gọi sự chung tay, sẻ chia của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong và ngoài địa bàn. Vì thế đã dành thêm thời gian sát với cơ sở, tới các khu cách ly, nắm các nguồn thông tin chính thống khác để đi đến tận cùng ngày dỡ cách ly…”.

Tôi cảm nhận về Phạm Trọng Bình là con người như vậy, nhưng không vì từ những trang “Nhật ký Covid-19”, mà qua cán bộ, nhân dân vùng Mường Quạ, xã Lục Dạ, nơi anh có 3 năm làm Chủ tịch UBND xã.

Ở bản Hồng Sơn (nay là bản Kim Sơn), năm 2014 trở về trước, đồng ruộng thường khô hạn, nhất là những vùng hóc chõ, vì vậy, người dân chẳng mấy mặn mà. Về Lục Dạ làm Chủ tịch UBND xã, Phạm Trọng Bình đã tìm hiểu nguyên nhân. Anh phát hiện hệ thống đập Phai Khà đã được xây dựng nhưng thấp nên không dẫn được nước về đến đồng ruộng. Vì vậy, anh đã đề xuất huyện đầu tư nâng đập cao thêm 0,5m. Từ đó, mương thủy lợi nối từ đập luôn đủ nước tưới cho các cánh đồng ruộng nước, kể cả 7 ha ruộng màu có nhiều hóc chõ. Dân bản Hồng Sơn, từ ngày Lục Dạ có “ông Bình” thì gắn bó với đồng ruộng, có nhiều lúa, nhiều ngô trong sân, trong nhà.

Bà Võ Thị Hoa phấn khởi khi gặp lại anh Phạm Trọng Bình và cùng đi thăm cánh đồng lúa bản Hồng Sơn; Anh Phạm Trọng Bình trò chuyện với Bí thư chi bộ Lương Thị Mơ, Trưởng bản Vi Văn Lưu; Bãi ngô của người dân bản Hồng Sơn, nơi một thời từng khô hạn bỏ hoang; Người dân xã Lục Dạ quây quần bên “ông Bình”; Đường về bản Yên Hòa, xã Lục Dạ.
Bà Võ Thị Hoa phấn khởi khi gặp lại anh Phạm Trọng Bình và cùng đi thăm cánh đồng lúa bản Hồng Sơn; Anh Phạm Trọng Bình trò chuyện với Bí thư chi bộ Lương Thị Mơ, Trưởng bản Vi Văn Lưu; Bãi ngô của người dân bản Hồng Sơn, nơi một thời từng khô hạn bỏ hoang; Người dân xã Lục Dạ quây quần bên “ông Bình”; Đường về bản Yên Hòa, xã Lục Dạ.

Bà Võ Thị Hoa – nguyên Trưởng bản Hồng Sơn khi nói về Phạm Trọng Bình thì hết sức xúc cảm. Vì như bà Hoa nói: “Ông Bình không ngồi bàn giấy mô, đi thực tế suốt để lo cho dân. Sướng lắm. Khi ông Bình đi về huyện, tiếc chi chi…”.

Hay như ở bản Yên Hòa, Bí thư Chi bộ Lương Thị Mơ – Trưởng bản Vi Văn Lưu đã trao đổi rằng, với cá nhân Chủ tịch UBND xã Phạm Trọng Bình để lại cho bản rất nhiều kỷ niệm. Nhớ nhất là vùng Yên Hòa thời kỳ đó, có rất nhiều vùng đồi bị bỏ hoang. Sau khi khảo sát, Chủ tịch Bình đã chỉ đạo cán bộ thôn bản bằng mọi giá phải hướng đến cho người dân trồng sắn “trong thời gian 3 năm”. Khi nghe chỉ đạo, cán bộ thôn bản, đều rất băn khoăn. Người dân bản Yên Hòa cùng rất băn khoăn. Vì tập quán canh tác, và vì sắn là loại cây trồng quá mới mẻ với người dân Lục Dạ. Anh Phạm Trọng Bình khi đó đã hứa, dân phải trồng sắn còn Chủ tịch xã nhận nhiệm vụ tìm doanh nghiệp để vận động họ bao tiêu sản phẩm.

Nói đi đôi với làm. Chủ tịch Bình đã về huyện Thanh Chương vận động lãnh đạo Nhà máy tinh bột sắn lên Lục Dạ tham quan, để trở thành đầu mối tiêu thụ nguyên liệu sắn cho bà con. Và thế là bản Yên Hòa đã không còn tình trạng đồi hoang, núi trọc…

Bí thư Chi bộ Lương Thị Mơ và Trưởng bản Vi Văn Lưu cho biết, sau 3 năm trồng sắn, vùng đồi hoang núi trọc năm nào đã được chuyển đổi từ cây sắn sang cây keo, giúp dân có thêm sinh kế. “Cái được nhất từ chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã Phạm Trọng Bình đó là người dân bản Yên Hòa đã thay đổi về nhận thức. Họ đã biết quý đất đai, biết tạo ra sinh kế từ đất”, Bí thư Chi bộ Lương Thị Mơ nói.

Phạm Trọng Bình sinh năm 1977, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 1999. Có vẻ ngoài khá ngang tàng, vậy nhưng khi đề cập sẽ viết về anh – chân dung một cấp ủy, thì Bình đã ngại ngần. Anh băn khoăn và ngỏ lời từ chối. Nói với Bình, trong những ngày nóng bỏng nhất trong phòng, chống Covid-19, Con Cuông, vùng đất gần như không có doanh nghiệp nhưng đã vận động ủng hộ quỹ được gần 1,1 tỷ đồng (gần 900 triệu đồng tiền mặt, gần 200 triệu đồng hàng hóa), là một kết quả rất xứng đáng.

Rằng sở dĩ tìm đến anh, còn bởi tổ chức Mặt trận tín nhiệm lựa chọn giới thiệu. Hơn nữa, Bác Hồ từng dạy “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn”, là người của tổ chức, khi được giới thiệu sao lại từ chối? Đến lúc này, Bình mới đồng ý. Nhưng anh nói rằng, đang có nhiều những trăn trở, trong đó có bởi chính nhiệm vụ Dân vận và Mặt trận đang mang trên mình.

Anh Bình tâm sự: “Tôi từng suy nghĩ, cùng một lúc mang trên mình hai nhiệm vụ, liệu có hoàn thành được? Vì băn khoăn, tôi từng hỏi các đồng chí lãnh đạo, khi biểu quyết về một vấn đề gì đó trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện thì đứng ở vai nào?”.

Rồi anh trải lòng, để giải mã điều mình băn khoăn, bản thân anh đã tự đề ra cho mình, phải nỗ lực hơn, sát hơn, sâu hơn với cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ mặt trận; để qua đó, sẽ là nền tảng để làm tốt công tác Dân vận. “Năm 2019, lần đầu tiên Ban Dân vận tham mưu Thường trực Huyện ủy thực hiện công tác giám sát phát hiện ra nhiều bất cập từ cơ sở.

Sau đó, đã kiến nghị kịp thời cho Ban Thường vụ Huyện ủy, các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh và điều hành tốt hơn trong quản lý, sử dụng các nguồn thu từ nhân dân và chế độ cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức Mặt trận cũng phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Đây sẽ là những công tác mà Dân vận, Mặt trận huyện Con Cuông sẽ tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới…

Trong thời gian lưu lại huyện Con Cuông, tôi đã đến thăm 2 nhà giáo cao tuổi Phạm Trọng Tịnh, Trần Thị Điểm, là thân sinh của anh Phạm Trọng Bình. Các cụ đã trên 80 tuổi, nhưng còn rất minh mẫn. Trong khoảng thời gian hẹp, các cụ không nói đến chuyện nhà, mà chỉ nói về thành Trà Lân, bia Ma Nhai, bãi tập của nghĩa quân Lê Lợi… với những hoài niệm, và bày tỏ niềm mong các giá trị lịch sử được lưu giữ, tôn vinh. Nói với hai cụ, huyện Con Cuông được tỉnh xác định phấn đấu trở thành đô thị sinh thái để phát triển kinh tế du lịch.

Để đạt được, sẽ có rất nhiều việc phải thực hiện, trong đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị lịch sử riêng có trên địa bàn là một công việc không thể bỏ qua. Những cán bộ lão thành như các cụ, sẽ là những pho sử sống, giúp cho huyện trong nhiều việc… Và người con của hai cụ, với những trăn trở, hành động như đã từng thể hiện ở Lục Dạ, hay trong cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 với những trang nhật ký đầy xúc cảm, hẳn sẽ đồng hành cùng cán bộ, nhân dân trên địa bàn có thêm nhiều những đóng góp đích thực mới cho vùng đất cửa ngõ Tây Nam xứ Nghệ…

Hình ảnh đoàn công tác của tỉnh thăm khu cách ly được anh Phạm Trọng Bình ghi lại, đưa vào nhật ký; Chủ tịch UBMTTQ Võ Thị Minh Sinh thăm khu vực rau quả người dân Con Cuông ủng hộ khu cách ly tập trung; Anh Phạm Trọng Bình ân cần tiếp nhận tiền ủng hộ từ những cụ bà; Trưởng ban Dân vận - Chủ tịch MTTQ huyện Con Cuông, anh Phạm Trọng Bình phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Con Cuông nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hình ảnh đoàn công tác của tỉnh thăm khu cách ly được anh Phạm Trọng Bình ghi lại, đưa vào nhật ký; Chủ tịch UBMTTQ Võ Thị Minh Sinh thăm khu vực rau quả người dân Con Cuông ủng hộ khu cách ly tập trung; Anh Phạm Trọng Bình ân cần tiếp nhận tiền ủng hộ từ những cụ bà; Trưởng ban Dân vận - Chủ tịch MTTQ huyện Con Cuông, anh Phạm Trọng Bình phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Con Cuông nhiệm kỳ 2020 - 2025.