Người ta làm được, tại sao mình không?

Thuở học trò, từ nhà tôi đến trường phải đi qua nhà Thắng. Tôi con nhà viên chức, không giàu có dư giả nhưng so với các hộ ở làng thì thuộc vào tốp khá. Thắng và nhiều bạn trong làng là con em gia đình làm nông, gia đình rất vất vả.

Sự có mặt của một số gia đình công chức, viên chức trong xóm, cùng với những khoảng cách trong sinh hoạt luôn tạo ra những so sánh khiến cho người làng hình như thêm phần mệt mỏi. Cảm giác như nhiều hộ nông dân trong làng luôn gồng mình lên để gắng cho bằng được những hộ dân công chức, viên chức, dù có khi chỉ để bằng một khía cạnh nào đó.

Tuy nhiên, có một điểm ở các hộ nghèo mà các hộ công chức, viên chức luôn lấy làm gương để hướng con cái mình noi theo, ấy là gương học tập của Thắng. Nhà Thắng nghèo, nhưng từ nhỏ Thắng đã là đứa luôn dẫn đầu về thành tích học tập trong lớp, trong trường, có kết quả tốt các kỳ thi học sinh giỏi huyện, tỉnh. Mỗi kỳ đi họp phụ huynh về, các gia đình muốn hay không khi đi qua nhà Thắng đều như đi chậm lại, ngắm nghía, ngó nghiêng, xem thử nhà Thắng có gì, cha mẹ cho Thắng “ăn gì mà học giỏi thế không biết”, cha mẹ Thắng “dạy con kiểu gì mà ngoan thế không biết”.

Người lớn trong làng luôn nói, đi đâu cho xa, nhìn thằng Thắng mà học.

Mà Thắng quá xứng đáng để chúng tôi học tập. Cha mẹ Thắng đã già, quanh năm cặm cụi ruộng vườn, chẳng biết gì sách vở để mà dạy cho con, thế mà Thắng vẫn tự giác lo lỏm học hành chăm chỉ siêng năng, ngoài học ra còn chăm chỉ làm việc nhà…

Từ nhỏ, với chúng tôi, Thắng chính là một minh chứng sinh động về việc: Không phải có tiện nghi đầy đủ mới học giỏi, không hẳn cứ phải được sinh ra trong gia đình khá giả mới học giỏi và có thành tích học tập tốt.

Đã có những lúc chúng tôi cho rằng việc học của mình chưa tốt vì thiếu dụng cụ này, thiếu quyển sách kia, lập tức sau đó liền nghĩ lại, nhưng mà thằng Thắng còn vất vả thiếu thốn đủ thứ, nó vẫn học giỏi đấy thôi. Nghĩ thế, chúng tôi lại không còn phàn nàn nữa.

Nhưng đó chỉ là chuyện  nhỏ, có một chuyện ở Thắng làm chúng tôi thực sự ngả mũ tôn trọng.

Sau khi có bằng cử nhân xây dựng, Thắng được một công ty nhận vào làm việc. Trong một lần kiểm tra thi công ở tầng 3 công trình thì xảy ra sự cố kỹ thuật, Thắng bị rơi từ tầng 3 xuống đất. Thắng bị tổn thương xương sống, dây thần kinh, dù được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ, chạy chữa khắp nơi, nhưng y học đành bó tay không thể cứu đôi chân của Thắng khỏi chứng bại liệt. Tương lai tươi sáng của Thắng như đóng sập lại. Tấm gương học tập và thành đạt của Thắng như có ai đó đang tâm ném vở. Ngày ngày đi qua nhà, nhìn Thắng ngồi trên xe lăn, ai cũng ái ngại, lắc đầu, vừa xót thương cho Thắng, vừa thất vọng.

Ảnh chỉ có tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ có tính minh họa: Internet

Bạn bè cùng trang lứa, rồi những đứa trẻ trong làng cũng dần lớn lên và đi ra, đi xa, thì Thắng vẫn ở lại với chiếc xe lăn cùng xóm nhỏ. Nhưng đến một ngày, những đứa trẻ đi xa trở về phải trầm trồ với khả năng làm việc, kiếm tiền của Thắng.

Ấy là từ các thông tin thu thập được, Thắng mày mò tìm hiểu và thử nghiệm việc bán hàng qua mạng. Chỉ với một chiếc smartphone có kết nối internet, Thắng thực hiện mọi khoản giao dịch, kết nối giữa người mua với bên phân phối sản phẩm. Cứ ai có nhu cầu mua hàng gì, từ mỹ phẩm, cho đến lương thực, thực phẩm sạch. Ban đầu là kết nối những sản phẩm trong vùng, sau đó vươn xa kết nối để tiêu thụ những mặt hàng theo yêu cầu, bất kể gần xa. Thắng vận dụng hết các khả năng kết nối của mạng xã hội, từ tin nhắn, đến cuộc gọi zalo, facebook, viber… Khách hàng đặt mua kiểu gì Thắng cũng nỗ lực đáp ứng, không tự đi vận chuyển ship hàng được thì kết nối với dịch vụ vận chuyển của bưu điện, của các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải, rồi nếu cần thì thuê người ship.

Từ chỗ ai cũng ái ngại lo cho Thắng mất khả năng lao động, nay Thắng lúc nào cũng “sáng đèn trên facebook” để phục vụ khách hàng. Nhiều thanh niên trong xóm khỏe mạnh, lành lặn, giờ thành nhân viên ship hàng cho Thắng, trông cho Thắng đưa ra kế hoạch ship hàng để vào nhận. Nhiều người do thiếu kế hoạch, thiếu đầu óc làm ăn, chi tiêu bất hợp lý, đôi lúc lâm vào cảnh túng thiếu, lại tất tả… sang cậy nhờ Thắng để vay tiền.

Giờ, Thắng có vợ và một con gái 3 tuổi. Không chỉ tự nuôi thân, Thắng còn xoay xở để chăm sóc gia đình nhỏ của mình, và tạo việc làm cho những người khác.

Trong khi, có không ít người đến tuổi trưởng thành vẫn “ăn bám” bố mẹ, có không ít người lười lao động, lười suy nghĩ, việc làm thiếu ổn định, túng thiếu, trở  thành gánh nặng xã hội và gia đình, thì Thắng vẫn không có đủ thời gian để làm việc. Trong khi nhiều người suốt ngày “cắm mặt” trên điện thoại để thành “giang cư mận” sống ảo, thậm chí có kẻ chỉ suốt ngày chơi game, đánh bạc, thực hiện những trò chơi vô bổ trên mạng, thì chiếc smarphone trên xe lăn của Thắng vẫn thường xuyên cắm xạc để đủ năng lượng phục vụ công việc. Và đương nhiên, có việc làm ắt sẽ có thu nhập, đều đặn, thường xuyên.

Nỗi đau mất đi đứa con đầu lòng là đòn đau số phận khiến Yến có lúc như bị ngã khụy không thể đứng dậy nổi. Càng đau đớn hơn mỗi khi nghĩ về kết cục không đáng có mà con mình mắc phải, đứa bé chỉ bị một chứng bệnh không quá nguy hiểm, nhưng lại phải nhận kết cục thảm hại nhất. Bao nhiêu chữ “nếu” oan nghiệt luôn day dứt, bào mòn tâm can, đánh thẳng vào miền yếu đuối và u uẩn nhất, thành vết thương tinh thần nhức nhối khiến Yến ngày đêm chập chờn không thể nào dứt ra được. Sự thể kéo dài đến mức Yến rơi vào trầm cảm… Không còn muốn gặp ai, không thiết tha với bất cứ việc gì… Sự suy sụp về tinh thần kéo theo sự suy nhược về thể chất khiến Yến xanh xao vàng vọt, đến hơi thở cũng nặng nhọc, chưa nói đến làm việc khác.

Ảnh chỉ có tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ có tính minh họa: Internet

Một ngày, tình cờ Yến đọc được thông tin về một cháu bé người dân tộc bị gãy chân, gia đình không có tiền đưa em đi viện và nơi bị gãy đang bị gập lại và có nguy cơ thành thương tật suốt đời. Nếu gia đình em có tiền thì em sẽ được cứu chữa. Nếu được cứu chữa thì em sẽ có thể đứng lên với đôi chân lành lặn. Nếu được cứu chữa thì em bé sẽ có tương lai. Nếu em bé được cứu chữa thì… mẹ em bé sẽ giải thoát được nỗi đau khủng khiếp về sự bất lực khi đứa con mình ngày một rơi vào vô vọng…

Những chữ “nếu” trước đây ám ảnh Yến về cái chết của đứa con đầu lòng, thì nay lại ám ảnh về một cháu bé Yến không hề quen biết. Những chữ “nếu” lần trước kéo Yến gục xuống, thì lạ thay, lần này nó chạm đến miền trắc ẩn sâu kín nhất, và nó có sức mạnh như thể những móc sắt vực Yến đứng dậy và nhắn nhủ Yến phải làm một điều gì đó để giải cứu đứa bé dù Yến không hề quen biết.

Thế rồi, với những thông tin sơ khai về thời gian, địa điểm, nhân thân và người thân của cháu bé đang lâm vào hoạn nạn và vô vọng vì thiếu tiền, Yến đã đăng lên tút của mình trên trang cá nhân để kêu gọi các nhà hảo tâm cùng quan tâm, chia sẻ vật chất và tinh thần để giúp đỡ cháu bé.

Hiểu được tâm trạng của Yến, đồng cảm với hoàn cảnh của cháu bé, rất nhiều tập thể và cá nhân đã chuyển tiền, quà, giới thiệu cơ sở khám chữa bệnh, tư vấn về cách chữa trị, tiên liệu về khả năng cứu chữa đối với đứa bé… Trong một thời gian ngắn, số kinh phí kêu gọi không chỉ đủ để thực hiện ca phẫu thuật khó mà còn có dư để đảm bảo chăm sóc cho cháu sau phẫu thuật. Cùng với đó, các cơ sở y tế cũng vào cuộc đồng hành trên tinh thần thiện nguyện, chủ yếu là để cứu giúp cháu bé. Thế là Yến cùng những người bạn đã lên đường và trao cho gia đình cháu bé số tiền quyên góp được. Kỳ diệu thay, với số kinh phí Yến kêu gọi, vận động được, cùng với sự tận tâm cứu chữa của đội ngũ y bác sĩ, cháu bé được mổ chân thành công và được trả lại đôi chân lành lặn.

Nỗi đau riêng còn đó, nhưng Yến nghĩ nếu cứ mãi chìm đắm trong nỗi đau đó thì chỉ khổ đau thêm. Trong khi nếu bớt chút thời gian để tìm kiếm thông tin những hoàn cảnh bi đát, cùng cực, rồi đứng ra kêu gọi các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ thì sẽ giúp cho nhiều cá nhân, gia đình thoát ra khỏi nỗi đau, hay chí ít thì cũng giảm bớt những khó khăn, cơ cực. Với ý nghĩ đó, Yến cùng một số bạn bè đã lập ra nhóm thiện nguyện với tiêu chí “Gieo niềm tin, ươm hy vọng, gặt yêu thương”.

Từ một trường hợp đến nhiều trường hợp, từ một gia đình đến nhiều gia đình, từ một địa chỉ ban đầu đến nhiều vùng quê, nhiều miền quê… Suốt 4 năm qua, Yến cùng nhóm thiện nguyện đã vận động tổng số tiền gần 2 tỉ đồng, giúp đỡ hàng trăm trường hợp vượt qua gian nan. Có nhiều trường hợp thập tử nhất sinh, bệnh viện trả về, gia đình bất lực, nhưng với sự giúp đỡ của nhóm thiện nguyện, sự vào cuộc đồng hành của các y bác sĩ, người bị nạn đã được cứu thoát khỏi bàn tay tử thần.

Từng giờ, từng ngày nghĩ về những thân phận đang chịu nhiều đau khổ cần giúp đỡ, Yến lại nghĩ mình cần phải khỏe, cần phải thật khỏe, để còn có sức giúp đỡ mọi người. Chỉ với ý nghĩ như vậy, đã giúp Yến dần thoát khỏi những ám ảnh, dư chấn nặng nề của nỗi đau riêng. Cứ bình quân 2 tuần nhóm của Yến lại tổ chức một chuyến đi thiện nguyện. 4 năm qua, nhiều người đã được trả lại ánh sáng cho đôi mắt, bước đi cho đôi chân, nhịp đập cho trái tim,…

Khát vọng vì cộng đồng đến với Yến không phải từ những hô hào, ồn ào, mà từ những sẻ chia lặng lẽ, kết nối âm thầm và giúp đỡ vô tư, hết mình. Có những đợt sức khỏe yếu, Yến phải điều trị dài, nhưng hễ dứt thuốc, dứt phác đồ điều trị, là Yến đã lại có mặt ở tận những nơi vùng sâu, vùng xa cùng bước chân của đoàn thiện nguyện. Nhiều người nói vui về Yến, cứ “rút kim là lên đường”.

Nhờ những ý nghĩ tích cực, hành động tích cực, Yến dần vượt qua nỗi đau riêng, không những thế còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến người thân, bạn bè và cộng đồng. Đến nay, Yến đã có thêm một cháu bé kháu khỉnh, sức khỏe dần bình phục và ổn định về cuộc sống, công việc. Thời gian mỗi ngày 24 tiếng dường như chưa bao giờ là đủ với Yến. Bởi còn đó rất nhiều việc phải làm, rất nhiều địa chỉ nhân ái còn cần sự vào cuộc chung tay của cộng đồng mà Yến cần giành thời gian, tâm trí để kết nối hiệu quả. Chỉ nghĩ về hành động về những điều đó thôi đã luôn cảm thấy không đủ thời gian rồi…

Thắng và Yến là hai nhân vật có thật mà trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chưa thể lột tả hết những điều thần kỳ mà bản thân họ không chỉ mang lại cho chính mình mà cho cả cộng đồng. Nếu cứ mãi chìm đắm trong những nỗi đau riêng, cho phép mình cái quyền gặm nhấm tủi buồn, thì không những bản thân không thoát khỏi nỗi buồn mà còn tạo nên gánh nặng tâm lý cho những người chung quanh.

Ấy vậy nhưng, Thắng và Yến, mỗi người theo cách riêng của mình, đã tự giải quyết được những vấn đề riêng theo cách mà có lẽ bản thân họ cũng chưa từng nghĩ đến. Ừ thì cứ cho rằng mỗi con người có một số phận. Số phận mang đến cho họ niềm vui, nỗi buồn, và cả những đòn đau, nhưng cũng chính số phận đã chỉ cho họ cách vượt qua để rồi quay trở lại thay đổi số phận chính mình và cộng đồng. Vấn đề là, mỗi người có dám dũng cảm bước qua chính mình, bước qua số phận, để thay đổi hay không?

Thắng bị bại liệt vẫn vươn lên kiếm tiền chính đáng để trang trải cuộc sống, chăm nuôi vợ con chu đáo và còn có thể hỗ trợ, cho người khác vay mượn. Yến bị rơi vào bi kịch nhưng từ trong nỗi đau của mình, đồng cảm với nỗi đau của người khác, mà vươn lên kêu gọi vận động sự chung tay của cộng đồng để tạo nguồn lực có thể giúp đỡ người khác vượt qua nỗi đau, giảm các cơn đau hoặc tránh được thảm họa. Thắng và Yến chính là biểu tượng về nghị lực, tự lực, về tinh thần ý chí, để mỗi chúng ta như được tiếp thêm quyết tâm và sức mạnh khi tự tạo ra cho bản thân những áp lực để hành động: Họ làm được, tại sao mình không?

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. hương diu

    cuộc sống còn có rất nhiều ng có chí thông minh và éo le nhưng k chịu đầu hàng số phận mà vươn lên một cách phi thường thật khâm phục vs đáng để noi theo