Với gần 34.000 nhân khẩu, dân tộc Mông là dân tộc thiểu số đông thứ 4 ở tỉnh Nghệ An. Đây cũng là dân tộc có mặt ở Nghệ An muộn nhất, với chỉ 200 năm trở lại đây. Do nhiều nguyên nhân, đời sống của người Mông trước đây rất khó khăn, cùng nhiều hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực đến từ hệ thống chính trị và cả từ những người Mông tiên phong đổi mới, đến nay cộng đồng thiểu số này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Báo Nghệ An có loạt bài ghi lại những hành trình vươn lên của người Mông, từ đời sống văn hóa, giáo dục cho đến các mô hình kinh tế mới với nhiều triển vọng.
Cho đến bây giờ, dù đã tốt nghiệp 20 năm, nhưng ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn vẫn không quên hành trình đi tìm con chữ đầy gian nan của bản thân mình. Ông Rê là một trong những người Mông đầu tiên ở Nghệ An có bằng đại học chính quy, và là người con đầu tiên của quê hương Đoọc Mạy được đi học đại học. “Bây giờ nghĩ lại, không có từ nào để mô tả hết sự vất vả. Bởi không chỉ vất vả về thể xác vì phải trèo đèo lội suối, ăn uống dè sẻn, mà còn vất vả về tình thân vì để theo đuổi con chữ, còn phải đấu tranh với gia đình, với dòng họ và với cả chính mình nữa”, ông Rê nói.
Ông Rê sinh năm 1979 trong một gia đình nghèo nhất nhì bản Huồi Viêng, là anh cả của 12 đứa em. Dù vậy, từ nhỏ, Rê lại có tinh thần hiếu học. Thấy con sáng dạ, bố mẹ Rê dù đang phải chạy ăn từng bữa nhưng vẫn tặc lưỡi đáp ứng nguyện vọng của cậu. Sau khi học hết lớp 2 ở bản, Rê phải băng rừng lội suối gần 20 km để tiếp tục theo học lớp 3 ở tận xã Na Loi, vì ngày đó xã Đoọc Mạy chỉ mới có điểm trường dạy đến lớp 2. Lên lớp 6, cậu học trò người Mông này lại phải cuốc bộ vượt quãng đường hơn 65km để xuống thị trấn Mường Xén theo học.
Mỗi lần từ nhà xuống trường, Thò Bá Rê phải đi mất gần 2 ngày. Lúc đó, trong bản Huồi Viêng chỉ có một bạn khác cũng theo học cấp 2 với Rê. Để tới trường, 2 cậu học trò nhỏ phải thức dậy khi mặt trời còn chưa ló, đùm cơm nắm, vác trên lưng 5 cân gạo rồi bẻ măng đắng dọc đường chống gậy mà đi. “Hồi đó tôi nhỏ lắm, chỉ chưa đầy 30 kg đâu. Bẻ cây măng vừa chống gậy đi cho khỏe, cũng là vừa mang xuống trường luộc để làm thức ăn”, ông Rê nhớ lại. Nếu đi nhanh, họ sẽ kịp tới xã Phà Đánh trước khi trời tối, còn muộn thì sẽ phải dừng chân ở xã Huồi Tụ.
“Cứ đi đến tối, thấy nhà nào dọc đường mở cửa là vào xin ngủ nhờ. Rồi khoảng 4h sáng mai, dậy thắp đuốc đi tiếp. Đến cuối chiều mới tới được trường”, ông Thò Bá Rê kể. Hành trình đến trường đầy gian nan, vất vả là vậy nhưng ông Rê nói rằng, đó không phải rào cản với ông. Khó khăn lớn nhất đối với ông đó chính là khi đối diện với gia đình, dòng họ.
Năm ông Rê lên lớp 10 thì bố ông ốm nặng, phải nằm một chỗ. Trước đó, gia đình ông Rê cũng chịu nhiều mất mát khi 6 đứa em nhỏ của ông lần lượt qua đời vì bệnh tật. Mọi của cải ít ỏi trong nhà lần lượt “đội nón ra đi” sau những lần trả viện phí. “Quãng thời gian đó thật tồi tệ. Trong một lần về thăm nhà, bố cầm tay và yêu cầu tôi không đi học nữa. Ông nói tôi là con trai cả, phải nắm tay bố trước khi bố mất để tiễn bố sang bên kia thế giới”, ông Rê nhớ lại. Đó là lần duy nhất khiến cậu học trò này lưỡng lự chuyện gác lại đèn sách. Nhưng sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, cậu quyết định sẽ tiếp tục giấc mơ của mình.
Sau đó, Thò Bá Rê đậu vào Đại học Nông lâm Huế. 4 năm đại học cũng là chặng đường đầy gian nan của chàng sinh viên nghèo người Mông này. Vì gia cảnh quá khó khăn, mỗi lần về thăm nhà, gia đình chỉ có thể vay mượn được tầm 500.000 đồng đến 1 triệu để cho Rê lo ăn học trong suốt một học kỳ. “Trong túi chỉ có 500.000 đồng, tiền xe từ nhà vào Huế cũng nằm trong đó. Để tiết kiệm, tôi chỉ dám bỏ ra 10.000 đồng mua xà phòng, dép và một cái thắt lưng. Toàn bộ tiền còn lại nộp cho nhà ăn. Hồi đó các bạn thường ăn mỗi ngày từ 10.000 đến 20.000 đồng, còn tôi chỉ dám ăn 2.500 đồng mỗi ngày. Trong suốt 4 năm đại học, chẳng dám tiêu lãng phí một đồng nào. Có năm không đủ tiền để mua vé xe về quê ăn Tết, đành phải ở lại và nói dối gia đình là bận học không về được để bố mẹ đỡ buồn”, ông Rê nhớ lại. Sau 4 năm đại học, năm 2002, ông tốt nghiệp và về công tác ở huyện Kỳ Sơn cho đến nay.
Không chỉ ông Rê, khoảng 20 năm về trước, hầu hết những học trò người Mông đều trải qua những chặng đường đầy chông gai như thế để đi tìm con chữ. Ông Lỳ Bá Thái – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn cũng là một trong số đó. Ông Thái cũng là một trong những người Mông đầu tiên ở Kỳ Sơn có bằng đại học. Ông Thái kể, bắt đầu từ năm lớp 3, để tới được trường ở trung tâm xã, ông đã phải băng rừng đi bộ quãng đường 10 km. Khi lên cấp 2, quãng đường lên tới 60 km. “Quãng đường gian nan cũng là một rào cản khiến con em người Mông ngày xưa ít được đi học”, ông Thái nói.
Dù đã được thành lập từ lâu, nhưng mãi tới năm 2002, Trường THPT Kỳ Sơn mới có học trò nữ người Mông đầu tiên tốt nghiệp 12. Đó là trường hợp của chị Vừ Y Xừ (38 tuổi, xã Huồi Tụ), hiện đang là Phó Trưởng khoa Sản – Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn. Năm 2009, Xừ cũng là cô gái đầu tiên của người Mông ở Nghệ An có bằng đại học. Khi kể về hành trình đi học của bản thân, nữ bác sỹ này cho rằng, bản thân đã quá may mắn so với những thiếu nữ người Mông khác. Từ nhỏ, Xừ học khá giỏi nên không bị bố mẹ ngăn cản. Năm học lớp 6, cũng như nhiều thiếu nữ người Mông, cô phải lấy chồng theo yêu cầu của gia đình.
“Tuy nhiên, mình may mắn là vì lúc đó chồng cũng đang học ở dưới TP Vinh, mỗi năm chỉ về ít ngày thôi. Bố mẹ chồng thấy thế nên cũng thông cảm, không bắt ở nhà mà cho đi học tiếp”, bác sỹ Xừ kể. Cứ như thế, cô trở thành người phụ nữ Mông tiên phong trong chuyện học hành. Để rồi sau đó, nhiều thiếu nữ người Mông khác cũng noi theo, hầu hết năm nào cũng có học trò nữ vào đại học.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn Lỳ Bá Thái nói rằng, ngày trước, con gái người Mông hầu như không được đi học. “Hiện nay, phụ nữ người Mông từ 40 tuổi trở lên hầu như không biết tiếng phổ thông. Đó là vì ngày xưa không được đi học. Đời tôi đi học, trong lớp chưa bao giờ có một bạn nữ nào”, ông Thái nói và cho rằng, quan niệm của người Mông cho rằng, con gái là con nhà người ta, có đầu tư bao nhiêu thì cũng chẳng nhận được gì, vì sau khi kết hôn cũng làm giàu cho nhà chồng; vì thế mà không cho con gái đi học.
Còn ông Thò Bá Rê cho rằng, trước đây người Mông ít được đi học do nhiều rào cản. Trong đó, rào cản lớn nhất là nhận thức, suy nghĩ của các bậc làm cha mẹ. Họ không nhận thức được việc học để làm gì, mà chỉ biết con trẻ lớn lên là phải đi rẫy, đi rừng. Thay vào đó, họ chỉ muốn đẻ thật nhiều con trai để nhà có thêm lao động.
“Người Mông có tâm lý không muốn con đi xa mình. Vì sợ con bị chết không nhìn thấy mặt lần cuối hoặc bố mẹ chết mà con không được nhìn thấy. Đó là suy nghĩ thể hiện sự lưu luyến, nhìn mặt lần cuối trước khi chôn cất. Người Mông chỉ muốn gia đình quây quần bên nhau, dù cuộc sống có khó khăn đến mấy. Do đó, họ không muốn cho con đi học xa nhà”, ông Rê nói.
Ngoài ra, còn có một rào cản khác khiến trẻ em người Mông trước đây ít đi học hoặc bỏ học sớm. Đó là Tết cổ truyền của người Mông. Ông Lỳ Bá Thái cho hay, Tết của người Mông thường diễn ra trước tết Nguyên đán khoảng 1 tháng. Trước đây, mỗi dịp Tết đến, học sinh người Mông thường rời trường để về nhà ăn Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, ăn xong Tết người Mông, nếu trở lại trường thì lại tiếp tục được nghỉ học để ăn tết Nguyên đán. Chính vì vậy, ngày đó nhiều học trò người Mông mỗi lần về ăn Tết suốt gần 2 tháng. “Chưa kể, nhiều trường hợp về ăn Tết gặp gỡ nhau rồi lấy chồng, lấy vợ luôn. Vậy là nghỉ học luôn”, ông Thái kể và cho hay, nhận thấy sự bất cập này, năm 1994, khi đang là sinh viên năm nhất của Học viện Biên phòng, ông đã gửi thư cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để kiến nghị sáp nhập Tết cổ truyền người Mông với tết Nguyên đán.
Cùng thời điểm đó, huyện Kỳ Sơn cũng ra Nghị quyết để sáp nhập Tết cổ truyền người Mông vào tết Nguyên đán. Trong đó, xã Mường Lống là xã đầu tiên triển khai. “Hồi đó về quê, đi đâu tôi cũng bị các cụ chửi. Họ bảo là do tôi viết thư, do tôi mà Tết cổ truyền của dân tộc mất đi. Tôi phải giải thích mãi thì dần dà họ mới thấu hiểu”, ông Thái kể và cho hay, đó là một bước đột phá lớn, và kể từ sau đó, số lượng con em người Mông được đến trường mới tăng dần. Cho đến nay, ở Kỳ Sơn, người Mông có tỷ lệ tốt nghiệp đại học nhiều nhất trong các dân tộc thiểu số.