Người đánh thức lịch sử

Trong cuộc nói chuyện với Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt thì điều đầu tiên mà tôi cảm thấy là, ông đang lật giở ra trước mặt tôi từng trang một lịch sử của tổ tiên người Việt, với tất cả những thứ từ đơn giản nhất như họ đã tồn tại bằng cách nào, ăn quả gì, săn bắn ra sao, mặc như thế nào, chiến đấu với thú dữ bằng gì, sinh ra, yêu đương và chết đi ra sao… và, đặc biệt hơn nữa, tôi/chúng ta có thể nhìn thấy gương mặt của họ.

Lịch sử loài người, trong đó có lịch sử dân tộc Việt Nam đã lùi xa tới mức mà chúng ta không có một tư liệu nào bằng hình, bằng chữ, bằng âm thanh… để hình dung ra. Tuy nhiên, điều đó đã dần trở nên dễ dàng hơn, đơn giản hơn nhờ các nhà khảo cổ học.

Đó là lý do tôi gọi ông Nguyễn Việt là người đánh thức lịch sử.

Ông là một trong những nhà khảo cổ học danh tiếng không chỉ ở Việt Nam mà thậm chí trong một số lĩnh vực, ông còn có những đóng góp quan trọng đối với khảo cổ thế giới. Cách đây 20 năm, ông rời khỏi Viện Khảo cổ học, thành lập Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á – một trong những tổ chức phi chính phủ đầu tiên ở Việt Nam. Việc rời khỏi Viện Khảo cổ học theo ông Việt là để được làm tất cả những gì mình muốn, không cần phải trải qua rất nhiều thủ tục để xin phép (mà cuối cùng có thể cũng không được làm). Tất nhiên, những việc mà ông muốn làm đều trong khuôn khổ luật pháp cho phép.

Và trong hai thập kỷ qua, rất nhiều công trình của ông đã thành công, ghi những dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử ngành Khảo cổ học.

Một trong những đề tài đầu tiên chúng tôi muốn nhắc đến ở đây là việc phục dựng gương mặt tổ tiên người Việt. TS Nguyễn Việt và nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phục chế thành công khuôn mặt người Việt buổi đầu Công nguyên. Những chiếc sọ được TS Nguyễn Việt chọn để phục chế khuôn mặt được tìm thấy trong khu mộ táng Động Xá (Kim Động – Hưng Yên) có niên đại từ 2.000 đến 2.500 năm. Đó là giai đoạn lịch sử quan trọng của thời kỳ dựng nước. Công trình phục dựng mặt người Động Xá ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và công luận. Đề tài khoa học đã được Hội đồng Khoa học của Hội Nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam nghiệm thu và được trình bày tại Viện Goethe (Viện Phát triển văn hóa và ngôn ngữ Đức) tại Hà Nội năm 2005. Thật khó để hình dung ra cảm xúc của chúng ta khi lần đầu tiên được nhìn thấy gương mặt của tổ tiên, cách đây hơn 2.000 năm.

Điều mà tất cả những người bình thường, như tôi, không thể hiểu được là cơ sở nào để từ một hộp sọ, người ta có thể phục dựng một gương mặt giống thật đến 90%? Ông Việt giải thích thế này: Vào khoảng những năm 1955 – 1965 là thời kỳ cả thế giới sôi động với các phát hiện cũng như thực hành của giáo sư Gerasimov của Liên Xô cũ. 11 tuổi ông Gerasimov đã thích mày mò về xương xẩu quanh nhà. Bố là bác sĩ mẹ là họa sĩ. Và từ cái ham thích ấy, Gerasimov rất muốn phục hồi xương của động vật và con người. Lớn lên ông ấy xin vào nhà xác để làm việc. Bởi vì khi ở nhà xác thì ông toàn quyền với những xác chết. Phương pháp của Gerasimov rất thủ công. Ông lấy các cái kim nhúng vào dầu luyn sau đó cắm vào các phần mềm trên mặt xác chết, đầu kim chạm đến xương thì ông rút ra để đo. Và với hàng nghìn cái kim như thế Gerasimov  thống kê được một cách chi tiết, những con số mang tính quy luật. Ví như phần trán người ta sâu bao nhiêu, má sâu bao nhiêu, cằm sâu bao nhiêu… Và từ đấy Gerasimov có thể phục dựng lại một con người chỉ với… hộp sọ  của họ. Và ở Việt Nam, rất nhiều năm sau sự kiện của Gerasimov, ông Việt đã dùng những chỉ số và công thức Gerasimov tạo ra kết hợp với số đo từ trên 100 chân dung X-Quang người Việt để phục dựng gương mặt tổ tiên người Việt.

Ông nói, việc phục dựng chân dung tổ tiên sẽ khiến cho khảo cổ không phải là một cái gì đó quá “ghê gớm”, mà thực ra là nó giản dị thôi, gần gũi thôi, ai ai cũng có thể tiếp cận được. Hãy thử so xem giữa việc nhìn thấy một bộ xương lạnh lẽo nằm trong hộp bảo quản bên ngoài ghi niên đại, với việc nhìn thấy một người với đúng chiều cao, gương mặt, trang phục, vũ khí, vương miện… thì sẽ thấy cảm xúc của chúng ta khác như thế nào.

Điều khiến tôi ấn tượng nhất ở ông Việt chính là chủ trương biến khảo cổ thành một thứ rất gần với đời sống, chứ không phải cái gì cao siêu xa vời, hiểm hóc. Ông nói vui, nhiều nhà khảo cổ cũng thích “dọa dân”. Đào một cái mộ, thấy một bộ xương, thì cũng làm ra vẻ nghiêm trọng lắm. Thực ra thì nó giản dị thôi. Ông tự cho rằng, ông chỉ may mắn hơn những người bình thường ở chỗ hiểu sâu hơn, nghiên cứu kĩ hơn mà thôi. Nhưng trong cái sự hiểu sâu, hiểu kĩ ấy, ông lại tìm cách để đưa những kết quả nghiên cứu được đến gần nhất với công chúng. Đôi khi bằng những cách rất lãng mạn. Ví như việc tìm được vải từ thời Đông Sơn, cách đây khoảng 2400 năm, ông đặt tên cho miếng vải đó là tấm khố của Chử Đồng Tử. Nói miếng vải thời Đông Sơn thì người nghe đã háo hức lắm rồi, lại còn là tấm khố của Chử Đồng Tử nữa thì hẳn là ai ai cũng cảm thấy đó đích thị là vải của người Việt, không chệch đi đâu được. Rồi biết đâu có một ngày ông lại tìm ra chiếc trâm cài tóc của Tiên Dung nữa chăng?

Ông Việt có một quan niệm, khảo cổ chỉ là một phương tiện, công cụ trong việc nhìn nhận lịch sử, nhìn nhận về di sản, nhìn nhận về quá khứ loài người. Ông nói: “Tôi xuất phát từ một nhà khảo cổ, chuyên sâu về khảo cổ học, và tôi dùng các tài liệu, kiến thức của khảo cổ để xây dựng lại nhận thức về lịch sử một cách chính xác hơn. Ví dụ như khi đào được vải lúc khai quật mộ thuyền ở Châu Can, lập tức tôi tổ chức một chuyên đề nghiên cứu vải sợi Đông Sơn và nó trở thành đề tài quốc tế. Tức là mình có thể đưa được nội dung đó đến các hội nghị quốc tế, thì đấy là một cái cách tương tác giữa chuyên ngành khảo cổ học với những nhận thức khác về thời tiền sử lịch sử. Và trong quá trình đó thì khảo cổ lại còn gắn chặt với công tác di sản. Cần phải bảo vệ các di sản còn lại như thế nào khi mà đã đào lên, tìm thấy, nghiên cứu, kết luận về nó? Cần phải nghĩ ra được những hình thái để làm sao cho cái quá khứ, cái di sản không bị mất đi một cách đơn giản thuần tuý mà lúc nào anh cũng có thể giữ lại được”.

Cách đây không lâu, có một sự kiện đặc biệt diễn ra ở Quảng Yên, Quảng Ninh, đó là lễ hạ thủy thuyền hai buồm cánh dơi tiêu biểu ở Vịnh Bắc Bộ do TS Nguyễn Việt làm chủ. Chiếc thuyền có chiều dài khoảng 1.100 cm, rộng 360 cm. Lễ hạ thủy chính thức được tổ chức đúng dịp chiến thắng Bạch Đằng. Thuyền buồm nhiều nước trên thế giới có, nhưng buồm cánh dơi thì theo ông Việt, chỉ Việt Nam có. Và sự lãng mạn của ông nó nằm ở chính cái màu đỏ chói, rực rỡ của những cánh buồm. Nhìn bức ảnh chụp chiếc thuyền gỗ với hai cánh buồm đỏ thắm, và hình dung nó lênh đênh trên mặt nước mênh mông xanh biếc, thực lòng không thể không nghĩ tới một cuốn tiểu thuyết.

Ở ông Việt có sự hòa trộn giữa tính kỷ luật, nguyên tắc, cẩn trọng của một nhà khoa học, và sự lãng mạn, bay bổng, nhạy cảm, đôi khi mơ mộng của một nghệ sĩ. Có lẽ đây là đặc điểm không mấy khi bắt gặp ở một nhân vật là nhà khoa học. Khi ông viết về những bức tượng nam nữ ôm nhau, một sự thể hiện khá phổ biến trên các bức tượng và thạp đồng thời Đông Sơn, ông đặt tên đề tài là “Tình yêu trên đồng”. Tên tiếng Anh là “Bronze Love”. Trong đó có đoạn, đồng chỉ nóng chảy ở nhiệt độ 1300 độ. Tức là khi nung quặng lên đến nhiệt độ đó thì đồng mới nóng chảy. Thế nhưng hơi ấm của nó thì vẫn còn đến tận hôm nay.

Cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Việt còn mang tới cho tôi một điều gì như sự khai sáng về ý nghĩa của mỗi cuộc đời. Với ông Việt, làm việc dường như cũng là một cách hưởng thụ. Bởi vì trong công việc ông luôn tràn đầy hưng phấn, và niềm hạnh phúc mà công việc mang tới luôn không có giới hạn. Ông là một người bạn đặc biệt đối với nhiều đồng nghiệp trên khắp địa cầu. Có những công trình do ông thực hiện kết quả của nó đã góp những thông tin quan trọng trong ngành khảo cổ thế giới.

Trước lịch sử hàng nghìn năm có thể được bóc tách từng lớp một, lật giở từng trang một như lật giở một cuốn sách khổng lồ, tôi tin là mình có thể cảm nhận được thứ hạnh phúc kì diệu mà các nhà khảo cổ như ông có được.