Người Đan Lai hướng về cuộc sống mới

Những ngày đầu tháng Bảy, nhiều hộ đồng bào Đan Lai ở bản Cò Phạt và bản Búng nơi thượng nguồn Khe Khặng thuộc xã Môn Sơn (Con Cuông) đang tất bật chuẩn bị cho công cuộc di dời đến nơi ở mới là Khu tái định cư Bá Hạ – Kẻ Tắt (xã Thạch Ngàn). Đến thời điểm này, đã có 20/35 hộ dân đăng ký về nơi ở mới và mơ về một cuộc sống ấm no, ổn định hơn…

Giữa cái nắng oi nồng, bỏng rát của một ngày hè ở vùng cao, chúng tôi đã có cuộc hành trình đến với đồng bào Đan Lai ở Khe Khặng. Chỉ cách trung tâm huyện Con Cuông khoảng 40 cây số nhưng bản Búng và Cò Phạt gần như thuộc về một thế giới riêng biệt. Bình thường để vào 2 bản của người Đan Lai đi bằng thuyền trên sông Giăng sẽ thuận lợi hơn nhưng nắng hạn khiến nước sông cạn nên chúng tôi đành chọn phương án đi theo đường bộ.

Bản Búng - một trong hai bản có tộc người Đan Lai sinh sống, nằm sâu trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát.
Bản Búng - một trong hai bản có tộc người Đan Lai sinh sống, nằm sâu trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát.

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ vượt quãng đường khúc khuỷu, với nhiều con dốc lớn nhỏ, đầy bụi, bản Búng hiện ra với những nếp nhà sàn tranh tre nứa lá, thưng bằng ván gỗ mỏng. Từ đầu đến cuối bản, những người phụ nữ già trước tuổi và trẻ em Đan Lai tóc khét nắng tụ tập dưới chân cầu thang, nhìn khách với ánh mắt tò mò, lạ lẫm. “Đàn ông đi bắt cá hoặc kiếm măng hết rồi, phụ nữ thì ở nhà thôi, cuộc sống của bà con còn khó khăn, vất vả lắm”, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, ông Lê Văn Cang – Trưởng bản Búng bày tỏ.

Ngôi nhà đầu tiên mà chúng tôi đến thăm là của gia đình anh Lê Văn Nhị (SN 1970), một người đàn ông Đan Lai nhỏ nhắn có nước da đen, mái tóc dài và nụ cười rạng rỡ. Anh Nhị cùng gia đình hai người con trai La Văn Hùng và La Văn Bảy là 3 trong số 10 hộ ở bản Búng ký cam kết về nơi ở mới trong tháng 7 này. Anh đã chuẩn bị sẵn sàng để về nơi ở mới chưa? nghe chúng tôi hỏi, anh Nhị cười đáp “Chuẩn bị hết rồi, chỉ mong đến nơi ở mới cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chứ ở đây dù được BĐBP và chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ nhiều nhưng ruộng ít, kinh tế không phát triển được, hơn nữa giờ có chủ trương cấm phát rẫy, cấm săn bắn rồi, nên hàng ngày chỉ biết lên rừng kiếm măng, nhặt củi và xuống khe tìm cá thôi”, anh Nhị chia sẻ.

Phụ nữ Đan Lai ở bản Búng, khe Khặng chỉ biết quanh quẩn với việc nhà.
Phụ nữ Đan Lai ở bản Búng, khe Khặng chỉ biết quanh quẩn với việc nhà.

Bản Búng hiện có 112 hộ, 500 khẩu, sống tách biệt nên thường xảy ra hôn nhân cận huyết thống, con chú con bác, con cô con cậu lấy nhau vòng quanh nên trong bản chỉ có 2 họ là họ Lê và La. Trên địa bàn có điểm trường tiểu học và mầm non nhưng lên cấp 2 các cháu phải đi học nội trú tại trường chính ở trung tâm xã Môn Sơn, cách khá xa nơi ở và đường sá đi lại rất vất vả. Chính bởi vậy mà nhiều người như gia đình anh La Văn Nhị muốn về khu tái định cư mới để hòa nhập với cộng đồng, tạo điều kiện cho con cháu học hành, giao lưu với bên ngoài…

Cuộc sống người dân Đan Lai ở khe Khặng chủ yếu dựa vào khe  suối.
Cuộc sống người dân Đan Lai ở khe Khặng chủ yếu dựa vào khe suối.

Cùng suy nghĩ “vì tương lai con em”, anh La Văn Điệp (SN 1982), phó bản Cò Phạt và vợ là chị La Thị A (SN 1985) cũng là 1 trong số các hộ tiên phong ký cam kết về khu tái định cư mới Bá Hạ – Kẻ Tắt (Thạch Ngàn). Vị phó bản vui tính này cho biết bố mẹ anh cùng nhiều họ hàng đã di dời và ổn định cuộc sống ở khu tái định cư tại bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn từ năm 2007. “Tôi thường xuyên lên thăm bố mẹ nhưng đường sá đi lại vất vả, vì vậy gia đình tôi chuyển về Thạch Ngàn cho gần ông bà thôi”, anh Điệp nói. Bản Cò Phạt có 115 hộ, 500 khẩu trong đó có 10 hộ đã ký cam kết về nơi ở mới và theo kế hoạch công việc di dời sẽ được tiến hành trong tháng 7 này.

Để tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết về nơi ở mới, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã “dày công” đi từng cửa, gõ từng nhà. Ông Lô Văn Thao – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Từ đầu năm 2018 đến nay huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại với dân nhằm vận động, thuyết phục các hộ tại hai bản dân cư đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát là Cò Phạt và Khe Búng ra nơi ở mới. Bên cạnh đó tổ chức đưa người dân đến tham quan tại khu tái định cư để bà con yên tâm về nơi ở mới, đến nay đã có 20/35 hộ ký cam kết di dời. Hiện huyện đang xúc tiến các nội dung liên quan để đảm bảo hoàn thành việc di chuyển dân đến địa điểm mới trong tháng 7/2019”, ông Thao nói.

Người dân Đan Lai bày tỏ nguyện vọng với đoàn công tác của huyện trước khi di chuyển sang khu tái định cư.
Người dân Đan Lai bày tỏ nguyện vọng với đoàn công tác của huyện trước khi di chuyển sang khu tái định cư.

Dự án tái định cư 35 hộ dân thuộc tộc người Đan Lai được thực hiện theo Quyết định 280/2006/QĐ-TTg ngày 16/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông”. Mục tiêu của đề án là nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế – xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người này, đồng thời đảm bảo khu vực an ninh biên giới, bảo vệ hệ sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát.

Ông Lô Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông trao đổi về công tác tuyên truyền, chuẩn bị cho người dân Đan Lai chuyển ra nơi ở mới.

Thực hiện nội dung này, khu tái định cư mới ở vùng Bá Hạ – Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) đã được xây dựng với diện tích quy hoạch 100 ha, trong đó 1,40 ha đất ở; 95,19 ha đất sản xuất. Cùng với đó, 35 ngôi nhà sàn và nhiều công trình phụ trợ kèm theo đã được hoàn thành từ năm 2011. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau đề án bị gián đoạn khiến các công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Vì vậy “ngoài việc lên phương án thống kê chi tiết tài sản, số hộ, số khẩu để chuẩn bị công tác di dời. Huyện Con Cuông cũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án, tu sửa các hạng mục cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cộng đồng và các công trình phụ tạo điều kiện để cho bà con tái định cư yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới”, ông Trần Anh Tuấn – Trưởng Ban quản lý dự án cho biết.

Cơ sở hạ tầng ở khu tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) đã sẵn sàng để đón các cư dân Đan Lai mới sẽ chuyển đến trong tháng 7.
Cơ sở hạ tầng ở khu tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) đã sẵn sàng để đón các cư dân Đan Lai mới sẽ chuyển đến trong tháng 7.

Đến tham quan khu tái định cư mới của người Đan Lai ở vùng Bá Hạ – Kẻ Tắt mới cảm nhận được tâm huyết của chính quyền các cấp, cũng như các ban ngành liên quan đang ngày đêm gấp rút chuẩn bị các điều kiện để đón 20 hộ dân Đan Lai về nơi ở mới trong đợt này. Nhìn từ xa, những dãy nhà sàn nối nhau thẳng tắp giữa khung cảnh nên thơ. Ông Ngân Xuân Nhung – Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông cho hay: “Để đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân sắp chuyển về khu tái định cư Bá Hạ – Kẻ Tắt, huyện Con Cuông đã chỉ đạo UBND xã làm tốt công tác tuyên truyền đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tiến hành cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, dọn dẹp vệ sinh môi trường, cơ sở hạ tầng… để đón nhận người mới. Dự kiến, khu tái định cư của các hộ dân Đan Lai sẽ sáp nhập vào bản Bá Hạ”.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình tư tưởng của người dân khi đón nhận những cư dân mới, Trưởng bản Bá Hạ Vi Văn Hiếu mới sinh năm 1988 cười vui vẻ: “Bà con sẵn sàng thôi, càng đông càng vui, người Thái hay Đan Lai đều là anh em cả, chúng tôi mong những cư dân mới sẽ thắt chặt mối đoàn kết cộng đồng, cùng xây dựng cuộc sống mới…”.

Một góc bản tái định cư Thạch Sơn, Thạch Ngàn.
Một góc bản tái định cư Thạch Sơn, Thạch Ngàn.

Đã từng có kinh nghiệm trong việc đón 42 hộ dân Đan Lai từ vùng lõi quốc gia Pù Mát về khu tái định cư mới ở bản Thạch Sơn từ năm 2007, Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn Ngân Văn Nhung tự tin sẽ sớm ổn định cuộc sống cho 20 hộ dân sắp chuyển đến. “Hiện tại trên địa bàn có 13 bản, 4 dân tộc Thái, Kinh, Đan Lai, Hoa kiều cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 80%, đồng bào các dân tộc rất đoàn kết, gắn bó. Riêng ở bản Thạch Sơn, cuộc sống của bà con Đan Lai đã thay đổi hơn rất nhiều”, ông Nhung chia sẻ.

Và như để chứng minh cho lời nói của mình, vị chủ tịch xã bố trí người đưa chúng tôi ghé thăm bản Thạch Sơn – nơi được lựa chọn để xây dựng khu tái định cư số 01 – hợp phần đầu tiên của Đề án “Bảo tồn và phát triển tộc người thiểu số Đan Lai” sinh sống tại vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát. Sau 12 năm sinh sống ở khu tái định cư, người Đan Lai ở Thạch Sơn cơ bản đã đủ cơm ăn áo mặc, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Dân bản cũng đã thành thạo với việc gieo trồng, sản xuất nông nghiệp. Từ 42 hộ dân chuyển đến lúc ban đầu, đến nay bản có 54 hộ dân, 279 nhân khẩu. Ông La Quang Vinh – Trưởng bản Thạch Sơn chia sẻ: “Nơi ở mới nhìn chung thuận tiện hơn nhiều, từ đường giao thông đi lại, khám chữa bệnh, đến chuyện học hành của con cái hay phát triển kinh tế, ngoài trồng lúa, trồng ngô, trồng keo, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ còn khá lên nhờ buôn bán tạp hóa, dịch vụ máy xay xát hay đi xuất khẩu lao động. So với trước đây cuộc sống của chúng tôi giờ sướng hơn rất nhiều, bà con ai nấy đều phấn khởi. Hiện trong bản có 100% nhà kiên cố, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ dân có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường”.

Đập Bá Hạ và hệ thống dẫn nước nối liền đập Bá Hạ với bản Thạch Sơn.
Đập Bá Hạ và hệ thống dẫn nước nối liền đập Bá Hạ với bản Thạch Sơn.

Ấy thế nhưng điều đáng mừng nhất đối với đồng bào Đan Lai khi về khu tái định cư mới là đã dần thay đổi được tình trạng hôn nhân cận huyết. Đến nay, trong bản đã có hơn 10 nam nữ người Đan Lai lấy vợ hoặc chồng là người dân tộc Thái, có 2 thanh niên người Đan Lai đi làm ăn ở Sài Gòn lấy vợ miền Nam. Chưa kể phụ nữ Đan Lai lấy chồng về các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ cũng ngày một nhiều. “Mới rồi, chi bộ Thạch Sơn kết nạp thêm được 2 đảng viên trẻ người Đan Lai là La Văn Bảy và La Thị Sơn, cuộc sống người Đan Lai sang một trang mới rồi”, trưởng bản La Văn Vinh hồ hởi khoe.

Ngoài 35 nhà sàn để ở và các công trình phụ trợ, các hộ Đan Lai tái định cư Bá Hạ – Kẻ Tắt sẽ được bố trí 10 ha đất sản xuất, 100 ha đất rừng. Trong năm đầu tiên tại nơi ở mới, các hộ sẽ được hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, lương thực, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất và mua sắm công cụ lao động… và còn được cấp các loại bìa liên quan đến đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp và đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhiều hộ dân muốn vận chuyển cả nhà sàn bằng gỗ về nơi ở mới nhưng hiện tại nước sông cạn, không thể sử dụng thuyền nếu vận chuyển bằng đường bộ thì sẽ mất nhiều chi phí và công sức. Mặt khác, đến thời điểm này, mặc dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng chỉ có 20/35 hộ thuộc phạm vi dự án ký cam kết di dời. Các hộ khác, trong đó có cả cán bộ bản viện lý do “ở đây lâu rồi, thời xưa tổ tiên ông bà ở quen nên chưa muốn rời đi”.

Người dân Đan Lai di chuyển về nơi ở mới tại bản Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn) phấn khởi vì cuộc sống có nhiều đổi thay.
Người dân Đan Lai di chuyển về nơi ở mới tại bản Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn) phấn khởi vì cuộc sống có nhiều đổi thay.

Theo cán bộ ban quản lý dự án huyện Con Cuông thì công tác tuyên truyền gặp khó vì đặc thù người Đan Lai có sự cố kết anh em, dòng họ, chỉ cần một người nói không đi là những người khác sẽ nghe theo. Bởi vậy, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động theo hình thức “mưa dầm, thấm lâu”, huyện Con Cuông cần phải tập trung tạo điều kiện giúp 20 hộ di dời trong tháng 7 sớm ổn định cuộc sống, để các hộ khác thấy rõ “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” và tự nguyện đến khu tái định cư. Về băn khoăn của người dân đối với nước sinh hoạt, ông Lô Văn Thao – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: ngoài hệ thống dẫn nước từ đập Bá Hạ phục vụ cho sản xuất, huyện đã chỉ đạo ban quản lý dự án phối hợp với địa phương đào thêm 10 giếng nước cho cụm dân cư mới chuyển đến, đồng thời có những giải pháp hỗ trợ bà con mở rộng quan hệ giao lưu, sớm hòa nhập với các dân tộc khác trên địa bàn.

Theo kế hoạch, với sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng, cuộc di chuyển từ thượng nguồn Khe Khặng của 20 hộ dân Đan Lai ở bản Búng và Cò Phạt ra Khu tái định cư Bá Hạ – Kẻ Tắt (xã Thạch Ngàn) sẽ diễn ra trong tháng 7. Và tin rằng, khi được giao đất, giao rừng, hỗ trợ sản xuất, cuộc sống của họ sẽ bước sang một trang mới…

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Nguyễn Trọng Thanh

    Rất mong chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm để đồng bào có được cuộc sống tốt hơn.

Trả lời bình luận của Nguyễn Trọng Thanh (x)