NSƯT Lưu Thành Vinh được biết là nam nghệ sỹ gạo cội với những vai chính diện ngọt sắc. Xem vai diễn của anh, người ta cảm nhận sự trải đời, sự đam mê và khả năng “diễn như không diễn”. Ấy thế, với người nghệ sỹ có 20 năm đứng trên sân khấu này, để có được thành quả đó là những tháng ngày lao động nghệ thuật cần mẫn, không ngừng học hỏi, không ngừng sáng tạo. Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với NSƯT Lưu Thành Vinh - Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh để hiểu thêm về những đam mê của lớp nghệ sỹ như anh, một đời tận hiến cho sân khấu truyền thống nước nhà.
P.V: Chào NSƯT Lưu Thành Vinh, được biết anh là người thành công sớm trên sân khấu truyền thống, vậy chắc hẳn anh đã sớm bộc lộ năng khiếu của mình từ nhỏ và sớm chọn cho mình con đường sân khấu ca kịch?
NSƯT Lưu Thành Vinh: Không hẳn vậy đâu, tôi có lẽ tiêu biểu cho câu “nghề chọn người”. Tôi đến với dân ca và sân khấu ca kịch như là một cơ duyên. Và khi cái duyên đã bén, nó vận vào đời tôi đến mức giờ tôi nghĩ, chắc chọn lại tôi vẫn theo nghiệp này.
P.V: Vậy anh có thể kể về cơ duyên ấy?
NSƯT Lưu Thành Vinh: Lúc đó tôi mới học xong lớp 12, vào khoảng năm 1992, tình cờ một lần xuống nhà chị gái ở TP Vinh chơi, thấy NSƯT Lệ Thanh và Minh Lạc tuyển diễn viên cho Đoàn Văn công Quân khu 4, tôi đi xem cho vui vì bản tính cũng rất thích ca hát, đặc biệt là dòng nhạc dân gian. Ban đầu tôi nghĩ chỉ đến xem vậy thôi, nhưng không hiểu sao tôi lại mạnh dạn thử sức. Chỉ mới hát được vài đoạn tổ khúc dân ca, tôi nhận được cái gật đầu của anh chị NSƯT nổi tiếng thời kỳ đó. Vào Đoàn Văn công QK 4 để tiếp tục được học hỏi và hứa hẹn sẽ được gửi đi đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, thế nhưng mấy ngày sau tôi lại nghe được thông tin Đoàn Cải lương Bông Sen Trắng đang tuyển diễn viên, tôi lại lân la đến xem và cũng “máu me” thi tuyển. Không ngờ mới ca được mấy tổ khúc cải lương mà tôi học mót bấy lâu, Ban giám khảo đã gật đầu đồng ý. Giám đốc của đoàn lúc bấy giờ là anh Bùi Quý Phi ngay lập tức phân cho tôi một phòng tập thể và bảo chị gái tôi chỉ cần đưa tư trang đến. Lúc đó tôi vừa mừng vui, vừa lo lắng, lại có phần hoang mang, không hiểu tôi có theo đuổi trọn vẹn được con đường duyên nghiệp tình cờ vận vào mình này không. Thế nhưng, dần dà tôi đã thực sự tận hiến với sân khấu, bằng cả trái tim, cả niềm đam mê như chữ duyên mà tôi gặp với nghề.
P.V: Ở sân khấu cải lương, điều mà anh đã gặp trở ngại là gì khi thời gian đó hầu hết những kép chính là những nghệ sỹ tên tuổi, còn anh chỉ mới là diễn viên chân ướt chân ráo, lại chưa được đào tạo qua trường lớp?
NSƯT Lưu Thành Vinh: Thú thực tôi đã rất bỡ ngỡ khi mới vào đoàn, thấy khó, thấy gian nan nhưng trên hết là rất say mê, rất thích khi xem các anh chị và các bạn đồng nghiệp vào vai, tập vở. Thế nên, tôi xem việc học hỏi và được trao truyền là điều tiên quyết để mình thành công. Với cải lương rất khó, diễn viên mới rất khó để được giao vai, dù chỉ là vai phụ; thế nhưng ngay thời kỳ đầu tôi đã được giao vai, thành quả đó là những lao động học hỏi miệt mài. Mỗi khi đoàn có vở, cánh diễn viên mới chúng tôi đều ngồi cánh gà và học thuộc từng câu, từng cử chỉ, từng trình thức biểu diễn, đơn nguyên sân khấu, đến mức vai nào tôi cũng đều thuộc hết, từ thoại cho đến các đoạn tự sự của các diễn viên. Thành công ở sân khấu cải lương với tôi là không nhiều, nhưng tôi luôn cảm ơn những năm tháng tôi hoạt động ở sân khấu cải lương, bởi chính từ trường học cải lương mà tôi đã có được những bước phát triển sau này. Tôi yêu sân khấu cũng từ cải lương, tôi mong ước và nỗ lực để có được vai diễn cũng chính từ khao khát bỏng cháy được đứng trên sân khấu cải lương. Chính từ trường học đầu tiên này mà tôi đã có được những kỹ năng nghề nghiệp và lộ phát những phẩm chất quý giá của một diễn viên chính luận trong các vở kịch hát truyền thống sau này.
P.V: Được biết, thời điểm năm 2000 khi các đoàn sân khấu chèo, cải lương, kịch nói, dân ca nhập lại thành một, nhiều diễn viên đã không có đất để “dụng võ”. Nhưng cũng chính thời điểm này anh đã tìm thấy chân trời mới nhiều triển vọng cho mình. Anh có thể chia sẻ rõ về những chặng đường gian gian vất vả, vô cùng thú vị mà anh và các bạn diễn đã trải qua không?
NSƯT Lưu Thành Vinh: Đang học cải lương bỗng dưng chuyển sang dân ca mà lại là kịch hát dân ca, thú thực tôi và nhiều anh em rất bỡ ngỡ, thậm chí sốc phải làm quen với các lớp diễn mới, phải học hát dân ca, và những tổ khúc dân ca. Thế nhưng như là trời phú, chúng tôi nhanh chóng thích nghi, nhanh chóng hát tốt, diễn tốt với dân ca. Sau này chiêm nghiệm lại tôi mới hiểu, vì mình sinh ra ở hai bên bờ dòng Lam, được ăn con nước sông Lam, nói tiếng nói dòng Lam, thấm đẫm những khúc hát dân ca qua lời ru của bà của mẹ, thì tự dưng mình đến với dân ca không hề bỡ ngỡ. Thế nên, cái chất dân ca như ở đâu bỗng ùa về tụ hội, khiến tôi và các anh chị em diễn viên các đoàn thời đó dù bảo là khó, là vất vả nhưng đến với dân ca bằng sự tự nhiên, mộc mạc mà đằm thắm nhất.
Qua thời gian, chúng tôi đã đứng vững trên sân khấu kịch hát dân ca xứ Nghệ, tôi được giao nhiều vai chính và không hiểu sao toàn được giao những vai chính luận, là những cán bộ công an nhân dân, là những vị chủ tịch xã gần dân, sát dân, là những cảnh sát điều tra vì chữ “tín”, chữ “tâm” mà sẵn sàng lăn xả vào những vùng khó, sẵn sàng lật giở quá khứ, bất chấp hiểm nguy…
Tôi đã có được những Huy chương Vàng, Bạc đầu tiên ở các hội diễn, và đó là món quà tinh thần khích lệ động viên và cổ vũ mình trong những con đường phía trước.
P.V: Tôi đã từng xem nhiều vai anh hóa thân nhưng đặc biệt ấn tượng vai Trung tá Mạnh trong “Người thi hành án tử”. Vai diễn này cũng là tấm Huy chương Vàng thuyết phục tại một Hội diễn chuyên nghiệp mang tính cạnh tranh khốc liệt. Nhưng mới đây tôi lại ngạc nhiên vô cùng về vai Trung tá Trọng trong “Vụ án Am bụt mọc”, vai diễn đem về một trong những HCV ấn tượng nhất của Hội diễn Hình tượng người công an nhân dân. Anh có thể chia sẻ chuyện xung quanh những vai diễn này không?
NSƯT Lưu Thành Vinh: Tôi may mắn được vào nhiều vai diễn chính luận và nhập vai khá nhanh, nhất là những vai có nhiều trường đoạn diễn biến tâm lý phức tạp. Có những vở diễn chúng tôi chỉ tập trong vòng 3 ngày là hoàn thành. Thế nhưng, để vào được vai ngọt, diễn được đúng ý đạo diễn và có những sáng tạo gây thú vị cho người xem thì người diễn viên cần có những tìm tòi nghiên cứu kỹ lưỡng, phải diễn sao cho ra chất người chiến sỹ công an, cho ra một chủ tịch xã mới thuyết phục được. Ngoài ra, còn phải đặt mình vào nhân vật để lột tả đúng tâm trạng, diễn biến tâm lý mới “ra” được vai.
Lại nói về vai diễn Trung tá Mạnh trong “Người thi hành án tử” đoạt Huy chương Vàng năm 2010, thú thực khi tôi nhận vai này có nhiều phần lo lắng, vì trên thực tế để lột tả cho ra nhân vật này cần sự nghiên cứu khá dày công, trong khi tôi chỉ mới quan sát hình ảnh người cán bộ công an nhân dân ngoài đời thường, còn khi họ làm nhiệm vụ thì chưa có điều kiện quan sát. Vậy là tôi phải ra Trại tạm giam Công an tỉnh để quan sát xem cán bộ công an họ “làm việc” thế nào. Thời gian quá ngắn để tôi có được những đúc rút, những chiêm nghiệm, nhưng qua những nghiên cứu từ thực tế và từ sách vở tôi đã có những “nhận diện” cho Trung tá Mạnh – nhân vật có những diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp. Bởi Trung tá Mạnh là người phải thực hiện một nhiệm vụ hy hữu trong cuộc đời, khi ông là người phải bắn phát súng cuối cùng, trong một cuộc thi hành án tử đối với thủ trưởng cũ, với một ân nhân từng vào sinh ra tử với mình. Vừa run rẩy vì xót thương, vừa căm giận vì chính người mà anh đã tôn thờ và biết ơn này đã khiến anh rơi vào vực sâu của niềm tin.
Còn về vai về Trung tá Trọng, người cảnh sát điều tra giàu phẩm chất, tình cờ trong một vụ án ông này phát hiện ra những tình tiết oan sai của một vụ án trước đó. Ông liền bắt tay vào điều tra, dù nhận được không ít những ngăn cản, khó khăn của đồng nghiệp, vì vụ án này đã khép lại. Thế nhưng, bằng sự mưu trí dũng cảm, bằng những khả năng trinh sát tài tình ông đã tìm ra được sự thật và giải oan cho nạn nhân. Vai diễn này khó, suốt quá trình tập luyện tôi như người mượn hồn, lúc nào ông Trọng cũng ở trong đầu sắc thái biểu cảm của tôi. Rất vui là vai diễn đã vượt qua hàng trăm vai diễn ở nhiều loại hình khác nhau và đạt được vị trí cao nhất của hội diễn.
P.V: Còn những vai nào khiến anh tâm đắc? Anh có thể nói rõ hơn về tuýp nhân vật mà anh rất thuận lợi để vào vai?
NSƯT Lưu Thành Vinh: Đó là vai thầy Giao trong “Một cây làm chẳng nên non” năm 2010 là vai diễn đấu tranh về những căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục, là vai chủ tịch xã trong “Sáng dậy một vùng quê”.
Có thể thấy rằng từ khi vào nghề tôi chỉ đóng vai chính diện, có lẽ nó phù hợp với con người tôi và cách cảm nhận về thế giới quan, về những vấn đề nóng trong xã hội của cá nhân tôi.
P.V: Có một điều mà hầu hết lớp diễn viên cùng thế hệ với anh đều trăn trở, làm thế nào để xây dựng được đội ngũ kế cận, nhằm bảo tồn và phát huy di sản phi vật thể của ông cha để lại, khi đến nay Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh từ nhiều năm đã không tuyển mới được diễn viên mà nếu có tuyển cũng không giữ chân được?
NSƯT Lưu Thành Vinh: Tôi luôn mong ước được đi học đạo diễn hoặc biên kịch, hoặc các khóa học liên quan đến chuyên môn để sau này có thể trao truyền cho những lớp diễn viên kế cận, nhưng cũng chạnh lòng vì lâu nay chúng tôi không thu hút được em nào tận tâm tận lực, giữ được ngọn lửa đam mê với sân khấu kịch hát dân ca. Đã đến lúc chúng ta cần một cơ chế, chính sách dài hơi để thu hút các tài năng trẻ, vì trên thực tế tài năng trong cộng đồng rất nhiều, họ cũng có đam mê, cũng muốn được diễn chuyên nghiệp trên sân khấu. Thế nhưng, họ không đến được với sân khấu truyền thống trong môi trường hiện nay vì gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền”.
Thế nên, tôi muốn nói rằng khi đã theo nghiệp dân ca chúng ta phải xác định rằng, sống vì đam mê, lấy đam mê để nuôi đam mê, chẳng phải đáng lắm sao. Cái giàu khi được sống đúng với đam mê nó quan trọng với chúng tôi vô cùng, bởi chúng tôi là những diễn viên sống chết vì sân khấu truyền thống!
P.V: Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!