Nghịch lý phía sau các cụm công nghiệp ở Quỳ Hợp

Thông tin trên đến với PV Báo Nghệ An bên lề Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2024” do UBND tỉnh tổ chức chiều ngày 6/3/2024.

Tại đây, đại diện Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp cho biết, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn vướng mắc trong việc thuê đất ở các cụm công nghiệp, nơi họ có nhà xưởng sản xuất đã nhiều năm. Vị này trao đổi: “Năm 2023, UBND huyện Quỳ Hợp rà soát, yêu cầu những doanh nghiệp này phải hoàn tất thủ tục thuê đất thì mới được hoạt động. Nhưng đây là nội dung rất khó thực hiện vì có nhiều vướng mắc, cần phải được các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Trước thực tế này, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp đã có văn bản kiến nghị nhưng cũng chưa được giải quyết dứt điểm. Chúng tôi rất băn khoăn vì nếu doanh nghiệp không hoàn thiện được thủ tục thuê đất dẫn đến phải dừng hoạt động sản xuất sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, việc làm của người lao động và nhiều vấn đề khác…”.

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2024 diễn ra vào ngày 6/3/2024. Ảnh: Thu Huyền
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2024 diễn ra vào ngày 6/3/2024. Ảnh: Thu Huyền

Kiểm chứng thông tin, ngày 26/5/2023, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp có Công văn số 21-CV/HDN kiến nghị lãnh đạo huyện Quỳ Hợp giải quyết vướng mắc hồ sơ thuê đất. Dẫn đến việc kiến nghị, như Công văn số 21-CV/HDN thể hiện, là bởi trước đó, vào ngày 5/5/2023, UBND huyện Quỳ Hợp ban hành Thông báo số 192/TB-UBND về việc xử lý các xưởng chế biến khoáng sản chưa thuê đất trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thiện việc thuê đất (gồm 23 xưởng chưa có hồ sơ thuê đất, 19 có hồ sơ nhưng chưa được duyệt), nếu không sẽ buộc phải đình chỉ sản xuất, tháo dỡ nhà xưởng các công trình đã đầu tư, xây dựng.

Theo Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp, các doanh nghiệp trên địa bàn luôn mong muốn hoàn thành các thủ tục để được Nhà nước cho thuê đất, tạo sự ổn định, có điều kiện để mở rộng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, kinh doanh lâu dài. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã có giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản và đã lập hồ sơ xin thuê đất trong nhiều năm nhưng chưa được thuê đất. “Có doanh nghiệp đã 5-7 năm, thậm chí có doanh nghiệp 10 năm vừa sản xuất, vừa làm hồ sơ thuê đất, nhưng kết quả được phê duyệt chậm, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có thủ tục hành chính chậm, thay đổi quy hoạch khu công nghiệp – làng nghề, thay đổi quy hoạch nông thôn mới…” – Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp nêu thực trạng vướng mắc trong việc thuê đất, đồng thời có kiến nghị: “Việc ra thông báo và tiến hành kiểm tra xử lý, nhất là thực hiện việc đình chỉ sản xuất và tháo dỡ cơ sở vật chất đã được đầu tư hàng tỷ đồng, trong khoảng thời gian như vậy là hoàn toàn không phù hợp, sẽ gây ra hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trước mắt và lâu dài, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách địa phương, thu nhập của người lao động, của doanh nghiệp, uy tín đối với khách hàng trong và ngoài nước…; Để giải quyết vấn đề này, cần đưa ra lộ trình cụ thể như từ nay đến ngày 31/12/2023, các doanh nghiệp phải hoàn thành hồ sơ xin thuê đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, hết thời hạn trên nếu không có thì áp dụng chế tài theo quy định…”.

Cụm công nghiệp Thung Khuộc nằm ngay cửa ngõ vào trung tâm huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thành Cường
Cụm công nghiệp Thung Khuộc nằm ngay cửa ngõ vào trung tâm huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thành Cường

Bước sang năm 2024, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp có báo cáo kết quả công tác gửi lên Tỉnh hội cùng các cơ quan liên quan. Trong nội dung báo cáo, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp tiếp tục kiến nghị xem xét tháo gỡ việc lập hồ sơ thuê đất của các doanh nghiệp: “Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp ở các khu công nghiệp – làng nghề hồ sơ thủ tục thuê đất chưa hoàn chỉnh (có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan trong quá trình sản xuất); việc hoàn thiện còn nhiều khó khăn, kính mong cấp có thẩm quyền quan tâm định hướng tháo gỡ”.

Nắm thông tin về những tồn tại trong việc thuê đất của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn Quỳ Hợp, được biết, qua kiểm tra UBND huyện Quỳ Hợp xác định có 43 xưởng chế biến khoáng sản chưa có thủ tục thuê đất theo quy định; 43 xưởng chế biến khoáng sản này đã xây dựng, sử dụng dụng ổn định giai đoạn từ năm 2004 đến nay, thuộc 22 tổ chức và 21 hộ cá thể. Trong 43 xưởng đó, có đến 25 xưởng đứng chân tại các Cụm công nghiệp và Khu chế biến đá tập trung; cụ thể: Cụm công nghiệp Thọ Sơn 1 có 5 xưởng; Cụm công nghiệp Thọ Sơn 2 có 7 xưởng; Cụm công nghiệp Thung Khuộc có 3 xưởng; Cụm công nghiệp Châu Quang có 1 xưởng; Cụm công nghiệp Châu Lộc có 2 xưởng; Khu chế biến đá tập trung xã Đồng Hợp có 7 xưởng.

Đối với nội dung mà Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp kiến nghị, theo lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp, thì đã được huyện và các sở, ngành liên quan quan tâm tập trung giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét giải quyết đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc như khoảng cách an toàn đến khu dân cư, khoảng cách an toàn môi trường, quy hoạch nông thôn mới, chưa có giấy phép môi trường của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp và Khu chế tác đá tập trung, chưa xây dựng hạ tầng công trình bảo vệ môi trường đồng bộ…

Một số xưởng chế biến khoáng sản trong Cụm công nghiệp Thung Khuộc chưa hoàn thiện việc thuê đất. Ảnh: Nhật Lân
Một số xưởng chế biến khoáng sản trong Cụm công nghiệp Thung Khuộc chưa hoàn thiện việc thuê đất. Ảnh: Nhật Lân

Ông Trần Đức Lợi – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, trao đổi: “Đây căn bản là tồn tại có tính lịch sử. Quỳ Hợp đã quan tâm, chủ động vào cuộc giải quyết nhưng không đủ thẩm quyền để xử lý những vướng mắc. Không chỉ trong năm 2023 mà ở năm 2022 huyện cũng đã báo cáo nội dung này lên các cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, huyện đang lập lại báo cáo chi tiết theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường để có cơ sở kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được thuận lợi và tuân thủ quy định của pháp luật…”.

Tìm hiểu về sự ra đời của các Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, theo tài liệu có được, việc công nhận và phê duyệt quy hoạch chi tiết đã có từ nhiều năm trước đây. Sớm nhất là Cụm công nghiệp Thung Khuộc, được UBND tỉnh công nhận, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng năm 2007 tại Quyết định số 2021/QĐ.UBND-CN. Với các Cụm công nghiệp Thọ Sơn 1, Cụm công nghiệp Thọ Sơn 2, Cụm công nghiệp Châu Lộc, Cụm công nghiệp Châu Quang, đều cùng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng năm 2015. Về nguồn gốc đất đai trong phạm vi các Cụm công nghiệp, căn bản là đất nông nghiệp do các doanh nghiệp sản xuất khoáng sản nhận chuyển nhượng lại từ các hộ dân trên địa bàn để dựng nhà xưởng sản xuất, trước khi các Cụm công nghiệp được công nhận và được phê duyệt quy hoạch chi tiết một thời gian dài!

Một xưởng chế biến khoáng sản trên địa bàn xã Tam Hợp, Quỳ Hợp chưa được thuê đất. Ảnh: Nhật Lân
Một xưởng chế biến khoáng sản trên địa bàn xã Tam Hợp, Quỳ Hợp chưa được thuê đất. Ảnh: Nhật Lân

Tạm lấy năm 2015 làm mốc thời gian ra đời của các Cụm công nghiệp huyện Quỳ Hợp, đến nay cũng đã tròn 9 năm. Việc để qua 9 năm ròng nhưng còn nhiều doanh nghiệp trong các Cụm công nghiệp chưa thực hiện thuê đất, rõ ràng là một tồn tại đầy những nghịch lý. Vì vậy, đây thực sự là một vấn đề cần sớm được xem xét, giải quyết. Để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp liên quan; ổn định đời sống việc làm của người lao động; và, thu hồi về ngân sách những khoản kinh phí thuê đất, lên đến vài chục ha đất đã nhiều năm doanh nghiệp chưa đóng nộp!