Nghịch lý cam Vinh!

Nhiều người chưa đặt chân đến xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp nhưng lại biết đến thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Với cách làm Marketting bài bản, những năm qua, cam Kỳ Yến đã tạo được niềm tin trong lòng khách hàng trong và ngoài tỉnh. Chị Nguyễn Thị Lê Na – người làm nên thương hiệu cam Kỳ Yến cho biết: Trang trại cam theo hướng sinh thái ra đời từ năm 2013 nhưng việc tiêu thụ cam rất chậm, luôn bị tư thương ép giá, thậm chí, có năm phải đổ bỏ. Khi nhận thấy tiềm năng từ các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo và trang thương mại điện tử, chị Lê Na đã quyết định đưa cam lên… mạng. Ban đầu, do chưa nắm được những kiến thức về các nền tảng mạng xã hội nên việc bán hàng gặp nhiều khó khăn. Sau đó, chị cùng các cộng sự được tham gia khóa tập huấn “Boost with Facebook”, do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam và Facebook phối hợp tổ chức. Khóa học giúp chị vận dụng hiệu quả nền tảng để khảo sát thị trường, đánh giá tập khách hàng, từ đó phát triển các nội dung để đăng tải vào những khung giờ phù hợp. “Chỉ một thời gian ngắn, hiệu quả tương tác và chuyển đổi doanh số tăng rõ rệt”, chị Lê Na nói.

Thông qua Facebook, sản phẩm của Cam Vinh Kỳ Yến có thể tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng và đó là những nhà đánh giá chính xác nhất chất lượng sản phẩm của họ, từ đó tiếp cận thị trường dễ dàng và thương hiệu có khả năng lan tỏa rộng hơn. Giờ đây, cam Vinh Kỳ Yến đã có mặt khắp Việt Nam, được phân phối tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Trên Google, gõ từ khóa cam Vinh Kỳ Yến, sẽ ra hơn 4 triệu kết quả tìm kiếm. Trên Facebook, các Fanpage mang tên cam Vinh Kỳ Yến ở các khu vực Bắc, Trung, Nam cũng nhận được lượng tương tác lớn…

Chị Nguyễn Thị Lê Na livertream bán cam trên nền thương mại điện tử; Khâu hình ảnh được đầu tư để tạo sức hấp dẫn đối với khách.
Chị Nguyễn Thị Lê Na livertream bán cam trên nền thương mại điện tử; Khâu hình ảnh được đầu tư để tạo sức hấp dẫn đối với khách.

Gây dựng kinh tế từ cây cam khá muộn, khi cam Vinh đã “phủ sóng” khắp các địa phương trong tỉnh như: Thanh Chương, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tân Kỳ… anh Trần Điển Vi (xóm Sướn, Thanh Đức, Thanh Chương) đã trăn trở tìm cho mình một hướng đi riêng. Thay vì canh tác bình thường theo cách truyền thống thì anh lựa chọn trồng, chăm sóc cam theo chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, lấy yếu tố chất lượng làm đầu.

Hơn nữa, để đảm bảo đầu ra, anh đã tìm cách xây dựng cho mình mạng lưới đại lý giới thiệu và bán sản phẩm cam hữu cơ cho mình; tuyển cộng tác viên bán hàng trên toàn quốc. Đến nay, anh có 50 đại lý bán cam của trang trại trên toàn quốc và 1 cộng tác viên chuyên điều hành việc phân phối cam đến các đại lý. “Vào vụ thu hoạch, cam được các đại lý giao tận tay khách hàng hoặc bán lẻ trực tiếp cho khách có nhu cầu. Các đại lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhờ các đại lý này mà cam hữu cơ của trang trại được khách hàng cả nước biết đến; giúp chúng tôi chủ động đầu ra. Sản lượng cam hàng năm lên đến 60 tấn nhưng luôn tiêu thụ hết với mức giá ổn định, không bị tư thương ép giá”, anh Trần Điển Vi cho biết.

Với sự phát triển của nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo, các trang thương mại điện tử đã giúp các chủ trang trại trồng cam, tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng. Một trong những người đi đầu trong việc ứng dụng nền tảng số vào tiêu thụ cam ở Nghệ An là Nguyễn Thị Lê Na, người sáng lập nên thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến (xã Minh Hợp, Quỳ Hợp).

Cam Kỳ Yến có mặt tại nhiều siêu thị.
Cam Kỳ Yến có mặt tại nhiều siêu thị.

Để thương hiệu cam Xã Đoài vươn xa, được quốc tế biết đến, ông Trịnh Xuân Giáo ở huyện Yên Thành đã nhiều lần đi các nước, kết nối các thương nhân và các siêu thị ở nước ngoài, và đã thành công trong xuất khẩu cam Vinh sang Nhật. Đây là một bước tiến lớn, mở ra triển vọng đầu ra cho cam Vinh ở nước ngoài, nơi đòi hỏi các sản phẩm trái cây có tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn cho sức khoẻ con người. Để làm được điều đó ông Trịnh Xuân Giáo luôn giữ gìn thương hiệu cam của mình bằng việc sản xuất cam VietGAP và tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn. Năm 2020, trang trại cam Thiên Sơn của ông được cấp chứng chỉ GlobalGAP, chứng chỉ xuất khẩu sản phẩm toàn cầu. Với 60 ha cam Xã Đoài chất lượng cao ở Con Cuông đang vào vụ thu hoạch và hàng chục ha cam ở Yên Thành, ông Trịnh Xuân Giáo dự kiến sản lượng cam mỗi năm sẽ tăng lên 600 tấn/năm; năm 2023 dự kiến cho thu hoạch 600 tấn/ha, năm 2024 sẽ tăng lên 12.000 tấn. Với tốc độ phát triển đó, sản lượng cam sẽ dư thừa trong tương lai. Việc xây dựng một nhà máy chế biến cam đạt tiêu chuẩn Châu Âu đã được ông Giáo nghĩ đến và ông đang thương thảo với các đối tác.

Đối với trang trại cam Kỳ Yến, chị Nguyễn Thị Lê Na đã tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như JICA, tìm cách nâng cao giá trị sử dụng từ quả cam bằng các sản phẩm tinh chế, như: Vỏ cam sấy khô, múi cam sấy dẻo, mứt nước cam, xà phòng cam, tinh dầu cam, bánh trung thu cam… Đặc biệt, tháng 10/2021, một hãng bia nổi tiếng thế giới đã đặt hàng cam của trang trại để làm nguyên liệu sản xuất. Theo chị Lê Na thì “Thành công trong hợp tác với hãng bia nổi tiếng thế giới này, điều giá trị nhất không phải là ở tiền bạc mà chính là ở câu chuyện niềm tin về định hướng cho đặc sản cam Vinh. Đó là không chỉ bán cam tươi mà còn hướng đến những sản phẩm sơ chế, tinh chế; để từ đó, đưa cam Vinh lên bản đồ trái cây của thế giới”.

Vài năm nay, anh Nguyễn Sơn Tin, Giám đốc Công ty cổ phần HASAFOOD đứng chân tại Minh Hợp (Quỳ Hợp) cũng đã bắt tay vào chế biến cam với các sản phẩm như: Cam sấy khô, cam sấy lạnh… Các sản phẩm này được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước, phân phối tại nhiều cửa hàng, siêu thị bán lẻ hiện đại, tạo việc làm và thu nhập cho gần 30 lao động địa phương.

Các sản phẩm chế biến từ cam Vinh Kỳ Yến; Các cấp ngành tăng cường quảng bá thương hiệu Cam Vinh. Ảnh: P.V - Tiến Đông
Các sản phẩm chế biến từ cam Vinh Kỳ Yến; Các cấp ngành tăng cường quảng bá thương hiệu Cam Vinh. Ảnh: P.V - Tiến Đông

Theo khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ, thực tế tại các huyện có trồng cam ở Nghệ An, hầu hết người trồng chưa có nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam chuyên sâu, mà tự học hỏi các vườn đã trồng trước. Chỉ có một số tổ chức, cá nhân trồng cam quy mô lớn thì chủ vườn có kiến thức cơ bản tốt để trồng và chăm sóc cam, hoặc thuê chuyên gia quản lý kỹ thuật cho vườn nhưng tỷ lệ này là rất ít so với tổng số người trồng cam. Đặc biệt, tình trạng người dân trồng ồ ạt, không theo quy hoạch ở những thời điểm cây cam đang phát triển mạnh khiến cơ cấu cây trồng ở địa phương bị phá vỡ. Việc được mùa mất giá cam Vinh mấy năm trước và thực tế này diễn ra ở bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) năm 2022 vừa qua do việc ồ ạt mở rộng là bài học đau xót cho người trồng cây có múi.

Nông dân thu hoạch cam hữu cơ và được thương lái đi mua. Ảnh: QA
Nông dân thu hoạch cam hữu cơ và được thương lái đi mua. Ảnh: QA

Theo Tiến sĩ Cao Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam, một trong những yếu tố quyết định thành công của trồng cam là khâu lựa chọn giống, chuẩn bị đất. “Phần lớn người trồng cam ở Nghệ An chưa quan tâm đúng mức đối với sức khoẻ của đất và sức khoẻ của cây. Tiếp đó, người trồng không kiên trì thực hiện chăm bón đúng quy trình, yêu cầu khoa học kỹ thuật đối với cây cam. Cho nên có những trang trại thực hiện dự án trồng cam, thời gian chúng tôi theo dõi, trực tiếp phụ trách, hướng dẫn thì cam phát triển tốt. Nhưng khi bàn giao lại cho cơ sở thì chỉ sau 1 năm cây đã bị sâu bệnh hại tấn công, hỏng cả hàng trăm cây do người trồng không kiên trì thực hiện đúng hướng dẫn. Có những vườn sau vài năm khi chúng tôi quay lại thì cam đã bị chặt bỏ hết, trồng cây khác” – Tiến sĩ Cao Văn Chí nhấn mạnh.

Ở Nghệ An hiện tại chưa có cơ sở sản xuất giống cây cam đạt chuẩn khiến người dân còn sử dụng tràn lan giống trôi nổi trên thị trường, hoặc tự chiết ghép từ cây có sẵn của vườn nhà khiến tốc độ thoái hoá cây vài năm trở lại nay đã đến mức báo động. Đây cũng là vấn đề được nhiều Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị như Yên Thành, Quỳ Hợp, Tân Kỳ… đề xuất. Họ vừa là những cán bộ kỹ thuật, vừa là người trực tiếp canh tác, sản xuất, và đều nhận rất cần thiết phải thiết lập thêm nhiều hơn các cơ sở, trung tâm sản xuất giống trực thuộc các cơ quan nghiên cứu, các công ty chuyên canh cây có múi để người dân được tiếp cận với cây giống chất lượng sản xuất ngay tại địa bàn.

Tỉnh Nghệ An có lịch sử phát triển cây cam lâu đời và được trồng hàng hóa từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đã góp phần vào phát triển kinh tế cho tỉnh trong một thời gian dài. Hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đang xây dựng, thực hiện các đề án như: Đề án “phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Đề án “phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030”… Một trong những mục tiêu của các đề án trên là đến năm 2025 diện tích cam đạt 6.100 ha, đến năm 2030 đạt 8.645 ha.

Theo các chuyên gia, mục tiêu này cũng cần xem xét nhất là khi sản lượng cam những năm vừa qua đã có biểu hiện dư thừa và tình trạng phát triển cây có múi ở các tỉnh trong cả nước ngày một nhiều.

Tiến sĩ Cao Văn Chí cho biết: “Nghệ An cần quy hoạch lại vùng trồng cam một cách hợp lý hơn. Ở mỗi địa phương cần có sự khảo sát, lựa chọn để quy hoạch những địa điểm thích hợp với cây cam được phép trồng, khống chế diện tích để tăng chất lượng”.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Văn Khánh – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An bày tỏ, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch vùng trồng, khuyến cáo người dân chỉ trồng trên đất có tầng canh tác và các yếu tố thời tiết khí hậu phù hợp với yêu cầu cây có múi. Và khi quy hoạch lại đất trồng cam cần xem xét đến tiêu chí về vùng trồng. Trên cơ sở kết quả phân tích tính chất lý hóa đất phù hợp với yêu cầu của cây cam thì mới đưa vào quy hoạch, trình cấp tỉnh phê duyệt…

Cam Vinh được trưng bày tại hội chợ ở Thủ đô Hà Nội vào tháng 12/2021: Ảnh: Quang An
Cam Vinh được trưng bày tại hội chợ ở Thủ đô Hà Nội vào tháng 12/2021: Ảnh: Quang An