Chúng tôi ghé thăm trang trại bảo tồn cam Xã Đoài ở xã Nghi Diên (Nghi Lộc) dịp cuối năm. Ông Lê Văn Thắng – quản lý trang trại đang cùng công nhân say sưa thu hoạch cam Tết. “Hơn 3.000 gốc cam giống Xã Đoài đã cho mùa hái quả thứ 3. Trung bình mỗi cây khoảng 120-150 quả, giá bán trung bình 70.000 đồng/quả. Sát Tết, giá tăng lên 100.000 đồng/quả nhưng vẫn không có để bán. Cam Xã Đoài này chủ yếu bán ở thị trường Hà Nội và xuất khẩu sang Nhật Bản. Khách hàng đã đặt trước cách đây cả tháng rồi” – ông Lê Văn Thắng chia sẻ.
Bên cạnh những tốp thợ cắt cam, đóng gói chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ thì có những tốp đang cuốc cỏ, dọn vệ sinh xung quanh những gốc cam đã thu hoạch. Ông Thắng cho biết, ngay sau khi cam được hái quả, cam sẽ được làm sạch cỏ xung quanh gốc, chuẩn bị bón phân hữu cơ để bồi bổ cho cây sau một mùa sinh sản hàng trăm quả cam chín mọng, ngọt lành. “Loại phân bón chúng tôi sử dụng hoàn toàn là phân hữu cơ và đã được xử lý sạch nên không gây bệnh cho cây cam. Một số được nhập khẩu từ Nhật Bản như phân gà, một số loại phân khác thì chúng tôi tự xử lý ngâm ủ theo công nghệ Nhật Bản và dưới sự hướng dẫn, theo dõi của chuyên gia Nhật Bản như nước bột cá, maxi bột cá và phân đạm đậu nành. Phân này cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như đạm, lân, kali, trung lượng và vi lượng (Ca, Mg, S, Cu, Zn, Mo, Co, Bo,…) đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tối ưu. Giúp cho các vườn cây bị kiệt sau một chu kỳ khai thác dài mau chóng phục hồi, phục hồi các tổn thương ở rễ cây do nấm bệnh, tuyến trùng, virus và các điều kiện bất lợi của ngoại cảnh gây ra”. Theo ông Thắng, sở dĩ trang trại duy trì được sự khỏe mạnh, năng suất cho cây cam là nhờ thực hiện canh tác hoàn toàn bằng phương pháp trồng hữu cơ, khép kín từ khâu lựa chọn giống đến đầu ra cho sản phẩm. Ông Thắng cho biết thêm, nguyên liệu ủ phân như đậu nành và cá cũng được nuôi, trồng hữu cơ ngay trong trang trại, tạo hệ thống khép kín với những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và quy trình sản xuất chăn nuôi. Mỗi quy trình, mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây cam cũng như các thời điểm bón phân, chăm bón cây đều được theo dõi chặt chẽ bởi các chuyên gia Nhật Bản và các kỹ sư nông nghiệp vững chuyên môn. Các cây cam được đánh số thứ tự, có “hồ sơ” theo dõi để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Xung quanh vườn có các con sông nhân tạo đảm bảo tưới tiêu nước .“Nếu một vài cây có dấu hiệu bị bệnh dịch tấn công chúng tôi đều phát hiện được sớm và dứt khoát chặt bỏ để chặn đứt nguồn lây lan cho cây khác” – ông Thắng khẳng định.
Cũng như trang trại cam ở xã Nghi Diên, những trang trại mang thương hiệu cam Thiên Sơn của ông Trịnh Xuân Giáo cũng duy trì được sự phát triển ổn định. Cam Thiên Sơn không chỉ cung cấp nguồn cam chất lượng cho thị trường trong tỉnh, trong nước mà còn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Đức và sắp tới là Hàn Quốc. Các trang trại cam Thiên Sơn cũng đang là mô hình tham quan học hỏi của các nhà vườn, các doanh nghiệp trồng cam. Ông Trịnh Xuân Giáo cho biết, muốn trồng cam thành công trước hết phải am hiểu, nắm chắc đặc tính của cây cam và kiên trì thực hiện những quy trình canh tác đúng khoa học, kỹ thuật, chọn đúng vùng đất và chấp nhận đầu tư lớn. “Cây cam rất sợ nước ngập, vì vậy, những lúc thời tiết bất lợi cần phải theo dõi để tiêu thoát kịp thời. Vì nếu để cây bị úng nước thì sẽ bị thối rễ, vàng lá và cam rụng hàng loạt, nhưng lại cần đủ nước để phát triển” – ông Giáo cho biết. Những trang trại cam của ông Trịnh Xuân Giáo đều thực hiện canh tác theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho sản lượng và chất lượng cao. Có những cây cam đầu dòng cho sản lượng hàng tạ quả mỗi vụ. Nhờ kiên trì cách làm này, những vườn cam trĩu quả, chất lượng cao của thương hiệu cam Thiên Sơn ngày càng được mở rộng. Hiện nay, thương hiệu cam Thiên Sơn đã có mặt tại huyện Yên Thành, Nghi Lộc và Con Cuông.
Tại xã Thanh Đức (Thanh Chương), trên những ngọn đồi cao, anh Trần Điển Vi cùng gia đình đã theo đuổi giấc mơ trồng cam chất lượng cao theo mô hình hữu cơ với 15 ha. Vì vậy, anh Trần Điển Vi đã kiên trì trồng cam theo hướng tự nhiên, dùng phân chuồng của địa phương và ủ cùng các chế phẩm sinh học, xử lý sạch bệnh. Cỏ xung quanh gốc để nguyên, không dùng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu hóa học mà dùng loại thuốc trừ sâu chiết xuất từ tỏi, ớt, gừng do Sở Nông nghiệp và PTNT cung cấp. Về phân bón cho cam, anh Vi dùng các loại phân do Trường Đại học Nông nghiệp 1 cung cấp, phối hợp với phân chuồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo chăm sóc theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Mô hình trồng cam của anh được hỗ trợ phân bón vi sinh, hỗ trợ kỹ thuật, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sinh trưởng tốt và cho chất lượng cao. Nhờ vậy, mỗi năm, anh Trần Điển Vi có doanh thu gần 2 tỷ đồng. 1 ha cam anh Vi đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.
Đến nay, cam đã 6 năm tuổi và doanh thu mỗi năm cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Anh Trần Điển Vi cho biết, cam là cây cho thu nhập cao, với giá bán 50.000 – 55.000 đồng/kg, đến nay, chi phí đầu tư của anh đã hoàn vốn và có lãi. Anh tiếp tục đầu tư tiếp 2 ha cam hữu cơ để nhân rộng. Anh Trần Điển Vi cho biết thêm, sản xuất cam hữu cơ tuy năng suất không cao, mỗi cây chỉ cho thu hoạch khoảng 7-8 yến nhưng an toàn cho người trồng, an toàn cho người sử dụng. Ngoài việc sản xuất cam sạch, anh Vi còn sử dụng giống cam có nguồn gốc và đảm bảo từ Viện Nghiên cứu cây có múi. Nhìn các đồi cam của anh Trần Điển Vi, tuy lượng quả mỗi cây không nhiều nhưng quả nào quả ấy mọng tròn ngọt mát. Các đồi cam của anh Trần Điển Vi xanh tốt, không khí trong lành, anh đang dành dụm tiền để đầu tư thành vườn cam sinh thái.
Ở các huyện Anh Sơn, Yên Thành, Tân Kỳ, một số hộ cũng trồng cam theo mô hình cam sạch, chất lượng đảm bảo nên bán được giá cao, trên 50.000 đồng/kg. Các hộ còn ứng dụng khoa học, kỹ thuật để gối vụ, cho cam chín muộn đảm bảo kéo dài thời gian thu hoạch. Nhờ vậy, từ tháng 11 đến Rằm tháng Giêng hàng năm đều có lượng cam để cung ứng tới người tiêu dùng trong cả nước.
Quy trình cơ bản trong mô hình trồng cam hữu cơ
Theo các cơ quan chức năng có thẩm quyền, quy trình trồng cam hữu cơ cần phải đáp ứng một số quy trình như sau:
– Chọn vùng đất phù hợp, cải tạo đất đúng quy trình.
– Chọn giống cam chuẩn, nguồn gốc bảo đảm. Một số giống cam có chất lượng tốt như cam Vinh, cam Vân Du, cam Cao Phong, cam Đường Canh, cam Khe Mây…
– Thời vụ trồng cam mang lại hiệu quả: Vụ xuân trồng từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch; Vụ thu trồng từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch.
– Mật độ trồng: Hàng cách hàng 5 x 5m, cây cách cây 4 x 5m đảm bảo mật độ 450 – 500 cây/ha.
– Phân bón: Chủ yếu phân bón hữu cơ theo đúng chỉ dẫn của ngành chức năng theo từng thời kỳ.
– Các loại bệnh hại cam cần chú trọng:
Bệnh vàng lá Greening (gân xanh lá vàng): Do rầy chổng cánh gây ra, cây bệnh có lá ngọn biến màu xanh, vàng loang lổ, cây phát triển rất kém, gây còi cọc, quả nhỏ, dị dạng. Cách phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm rầy chổng cánh, rệp các loại để phun bằng các loại thuốc trừ rầy như Ortus 5SC, Trebon 10EC, Applaud 25SC,… đồng thời cắt bỏ cành, lá bị bệnh.
Bệnh loét lá và bệnh sẹo: Gây hại trên cành, lá, quả, các vết có màu nâu, bề mặt sần sùi: Dùng Boocdo, Kasuran 0,2%, Oxyclorua đồng 70g/10 lít. Bệnh chảy gôm: Thường hại ở vùng gốc cây sát mặt đất. Cách phòng trừ: Thường xuyên thăm vườn, khơi thông các điểm trũng, dùng dao sắc nhọn gọt cạo thân cành bị bệnh sau đó dùng Boocdo, Benlat hoặc Aliette phun và quét lên gốc và thân cây bị bệnh. Khi cây có quả từ 2cm cần tiến hành bọc quả tránh sâu bệnh.