Nghị quyết của Quốc hội tạo ra những động lực vượt trội giúp Nghệ An phát triển

Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Xuân Đại – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế – xã hội tỉnh xung quanh vấn đề này, đặc biệt là những thuận lợi, thách thức, giải pháp để triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách về tài chính – ngân sách tỉnh được thụ hưởng.


PV: Thưa đồng chí, Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới, đặc biệt về quản lý tài chính – ngân sách Nhà nước có một số điểm mới. Vậy đồng chí đánh giá như thế nào về những cơ chế, chính sách này?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố, trong đó có Nghệ An. Về kinh tế có 3 cơ chế rất thuận lợi tạo ra những động lực có tính chất vượt trội giúp cho tỉnh Nghệ An trong việc phát triển kinh tế – xã hội.

Trước hết là nâng trần nợ vay của tỉnh Nghệ An từ 20% lên 40%. Hiện nay, trần nợ vay là 20% tương đương với mức dư nợ khoảng 2.062 tỷ đồng nhưng khi chúng ta được nâng lên 40% thì trần dư nợ của tỉnh tăng thêm 2.062 tỷ đồng, có nghĩa về mặt tổng thể trần dư nợ của tỉnh được 4.124 tỷ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để Nghệ An có thêm nguồn lực nhằm phát triển kinh tế – xã hội.

Đối với nguồn vượt thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành và theo quy định về phân cấp ngân sách Nhà nước hiện nay thì toàn bộ thuế xuất, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu tỉnh điều tiết 100% cho ngân sách Trung ương, còn địa phương không được hưởng. Nếu như chúng ta hoàn thành vượt mức kế hoạch thì chúng ta không được hưởng. Tuy nhiên, thực hiện cơ chế này thì số vượt thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ được Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Nghệ An lại 70% phần tăng thu để giúp tỉnh có thêm nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn.

Vấn đề thứ ba là Nghệ An được tăng thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi trên định mức dân số để tính dự toán chi ngân sách Nhà nước bắt đầu từ năm 2022. Đây là dư địa để Nghệ An tăng thêm từ nguồn bổ sung cân đối của Ngân sách Trung ương khoảng 2.000 tỷ đồng; qua đó giúp cho chúng ta có điều kiện để tăng chi cho các lĩnh vực về chi thường xuyên trên địa bàn Nghệ An.

PV: Là người có nhiều năm trực tiếp theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực tài chính của tỉnh, đồng chí đánh giá như thế nào về những thuận lợi và cả thách thức khi Nghệ An thực hiện những chính sách về quản lý tài chính – ngân sách Nhà nước này?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Về mặt thuận lợi như tôi đã phân tích là giúp cho chúng ta có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế, nhất là đầu tư các công trình hạ tầng trên địa bàn và các lĩnh vực về giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, môi trường… Có thể nói, thuận lợi là rất lớn, chủ yếu; bởi vì nếu không có cơ chế này thì chắc chắn rằng với nhu cầu nguồn vốn lớn của tỉnh nhưng áp lực trần dư nợ vay theo quy định cho phép là như vậy (20% so với số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp – PV), chẳng khác gì cơ thể phổng phao, khỏe mạnh nhưng áo lại rất là chật.

Tất nhiên, bên cạnh thuận lợi là chủ yếu cũng có những cái khó khăn. Nếu chúng ta vay nhiều, trần nợ vay tăng thêm mà Nghệ An không sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư thì chắc chắn dẫn đến áp lực đối với tính an ninh, an toàn về mặt tài chính. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận với tỉnh Nghệ An, Bộ Tài chính đã tính toán hết tất cả các phương án tăng thu trong giai đoạn vừa rồi và dự kiến tăng thu của Nghệ An trong giai đoạn tới, trong đó có nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất dự kiến sẽ tăng thêm bao nhiêu để giúp chúng ta vừa có thêm nguồn thu, vừa đảm bảo an ninh, an toàn về mặt tài chính.

PV: Thưa đồng chí, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An sẽ có hiệu lực bắt đầu từ năm 2022, tức là chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa. Vậy theo đồng chí, Nghệ An cần có những giải pháp nào để những chính sách này sớm đi vào thực tiễn?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Để sớm đưa chính sách đặc thù này vào cuộc sống thì ngay từ bây giờ Nghệ An đã phải có các biện pháp triển khai thực hiện.

Thứ nhất là đối với trần dư nợ vay tăng thêm 20%, tức là từ 20% lên 40%, theo tôi nghĩ Nghệ An cần phải rà soát lại các dự án đầu tư trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế trong danh mục đầu tư công đã được HĐND tỉnh thông qua, mà nhu cầu cần phải đẩy nhanh tiến độ nguồn vốn tăng thêm thì cần phải tính toán cụ thể.

Trên cơ sở đó có phương án về huy động vốn phù hợp với điều kiện địa phương. Chẳng hạn có thể huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ nguồn vốn của các tổ chức tài chính trong nước và các tổ chức khác, hoặc vay từ nguồn vốn ODA Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại.

Thứ hai là đối với cơ chế vượt thu về thuế xuất, nhập khẩu. Kinh nghiệm của Nghệ An những năm trước đây đã triển khai rất tốt. Cho nên theo tôi, tỉnh cần phải có những cơ chế rất kịp thời, năng động, hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp kê khai, đăng ký và nộp thuế xuất, nhập khẩu trên địa bàn Nghệ An nhằm tạo ra nguồn vượt thu lớn hơn. Có như vậy, chúng ta mới được bổ sung có mục tiêu 70% càng lớn.

Thứ ba là Sở Tài chính đã triển khai, tức là ngành Tài chính đã và đang thảo luận với các ngành, chính quyền các cấp về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Theo đó, cần phân bổ 45% tăng thêm tính theo đầu dân số khi xây dựng dự toán chi thường xuyên một cách có hiệu quả vào các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao, cũng như xử lý những vấn đề về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách này giúp cho chúng ta có điều kiện hướng tới việc xây dựng Nghệ An sớm trở thành một trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học – công nghệ, thể dục – thể thao và các dự án đầu tư công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ theo mục tiêu Nghị quyết 26 – NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

PV: Nghị quyết của Quốc hội cũng cho phép phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp đối với tỉnh Nghệ An. Đây vừa là điều kiện thuận lợi song cũng đặt ra yêu cầu rất cao về trách nhiệm, năng lực quản trị, thực thi. Vậy theo đồng chí, Nghệ An cần tiếp cận vấn đề này như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Theo Nghị quyết của Quốc hội thì Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, trong đó có Nghệ An ở mức cao hơn. Do đó, tỉnh ta cũng phải sớm có cơ chế phân công, phân cấp cho các cấp, các ngành theo hướng thông thoáng hơn, mạnh mẽ hơn; đồng thời cũng phải gắn với trách nhiệm của các ngành, các cấp để nâng cao trách nhiệm, công tác quản trị, điều hành tốt hơn, công khai hơn, minh bạch hơn và hướng tới sử dụng nguồn vốn, kinh phí mà Trung ương hỗ trợ cho tỉnh một cách có hiệu lực, hiệu quả hơn để tạo ra sự phát triển, nhất là không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí và tham nhũng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!