Nghệ An nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo kỳ tích về thu hút vốn FDI – Bài 1: Hình thành “cứ điểm sản xuất mới”

Tại buổi Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức (20/9/2023), nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sunny, ông Diệp Liêu Ninh xúc động nói: “Lý do Tập đoàn Sunny quyết định lựa chọn triển khai dự án vào Nghệ An là nhờ sự quan tâm cao độ của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành; cộng với môi trường đầu tư kinh doanh tuyệt vời do chính quyền tỉnh tạo ra”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Sunny. Ảnh: Phạm Bằng
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Sunny. Ảnh: Phạm Bằng

Điều đặc biệt ở dự án này là sau khi nhà đầu tư nộp hồ sơ thủ tục, chưa đầy 1 tuần sau, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Được biết, Tập đoàn Sunny (Hồng Kông) là nhà sản xuất các sản phẩm, linh kiện quang học tích hợp hàng đầu thế giới. Năm 2020, tập đoàn xếp thứ 259 trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu trong bảng xếp hạng của Tạp chí Fortune (Mỹ), và là năm thứ 6 liên tiếp được đưa vào danh sách này. Dự án đầu tư cơ sở mới Sunny Automotive quang học Vina của Tập đoàn Sunny (Hồng Kông) đầu tư tại Nghệ An là dự án chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp mô đun camera, camera điện thoại di động, camera ô tô và các thiết bị điện tử khác. Dự án có tổng mức đầu tư 150 triệu USD, sử dụng khoảng 20.000 lao động, trên diện tích 42,8ha tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An.

Đây không phải là dự án đầu tiên có thời gian giải quyết thủ tục đầu tư nhanh như vậy trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trước đó, cũng chỉ mất 5 ngày làm việc từ khi nhận được hồ sơ đề xuất đầu tư dự án, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án cho Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc). Dự án có tổng mức đầu tư 165 triệu USD, dự kiến sử dụng 1.500 lao động, diện tích đất sử dụng gần 11,78ha tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, thuộc Khu kinh tế Đông Nam. Từ tháng 8/2023, chủ đầu tư xây dựng nhà xưởng và dự kiến đến tháng 10/2024, dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động. Dự án sản xuất hợp kim nhôm cho ngành sản xuất sản phẩm điện tử tiêu dùng, năng lượng xanh; sản xuất sản phẩm đúc sơ chế và sản phẩm đúc các loại từ hợp kim nhôm cho phụ trợ ngành sản xuất sản phẩm điện tử với công suất 100.000 tấn/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tặng hoa cho Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology. Ảnh: Phạm Bằng
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tặng hoa cho Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology. Ảnh: Phạm Bằng

Trợ lý đặc biệt Chủ tịch Tập đoàn Shandong Cui Guo Chang đã bày tỏ sự khâm phục khi chỉ trong vòng 5 ngày mà các sở, ban, ngành của tỉnh Nghệ An đã phối hợp hoàn thiện hồ sơ để tập đoàn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ông cũng nhấn mạnh, trong 20 năm thành lập, chưa có dự án nào của tập đoàn có thời gian giải quyết hồ sơ nhanh như vậy. “Sau nhiều cuộc làm việc, Tập đoàn đã cảm nhận sâu sắc những tiềm lực to lớn của tỉnh Nghệ An về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… Chính những yếu tố đó đã giúp tập đoàn có sự kiên định, tin tưởng khi quyết định đầu tư vào Nghệ An. Đây là dự án đầu tiên của tập đoàn đầu tư ngoài Trung Quốc và trong quá trình triển khai sẽ lựa chọn công nghệ kỹ thuật tốt nhất, hiện đại nhất để áp dụng cho dự án này”, ông Cui Guo Chang nhấn mạnh.

Dấu mốc mở đầu cho làn sóng đầu tư FDI vào Nghệ An là vào năm 2019, khi Tập đoàn Luxshare – ICT quyết định đầu tư dự án 70 triệu USD vào Khu công nghiệp VSIP. Kể từ đó đến nay, các “đại bàng” thuộc chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh của thế giới như: Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny… lần lượt tìm đến Nghệ An “lót ổ”. Sự xuất hiện của nhiều tập đoàn công nghệ cao đã đưa Nghệ An thoát khỏi “vùng trũng” trong thu hút FDI và tiếp tục tạo nên những dấu mốc quan trọng.

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án VSIP Nghệ An II. Ảnh: VOV
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án VSIP Nghệ An II. Ảnh: VOV

Năm 2022, với nhiều bộn bề khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, song Nghệ An lần đầu tiên lọt vào Top 10 tỉnh, thành thu hút vốn FDI cao nhất cả nước với 961 triệu USD. Tiếp đà thành công, trong 9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã thu hút được hơn 1,275 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tăng 221,8% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là lần đầu tiên, Nghệ An vươn lên đứng thứ 6/63 tỉnh, thành về thu hút FDI lớn nhất cả nước; đứng đầu 14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Ông Lê Tiến Trị – Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết, tính chung cả giai đoạn 5 năm từ năm 2019 đến tháng 9/2023, vốn FDI thu hút của tỉnh Nghệ An đạt khoảng 3,226 tỷ USD, gấp hơn 5 lần so với 20 năm trước đó và bình quân mỗi năm thu hút được 645 triệu USD.

Điển hình như Khu công nghiệp Hoàng Mai I, dù mới được “hồi sinh” vào năm 2021 nhưng tính tới hiện tại, Khu công nghiệp này đã đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 86% trên tổng diện tích gần 264,7ha. Tổng số vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư thứ cấp trong Khu công nghiệp này đã vượt 700 triệu USD. Trong đó, tiêu biểu là Dự án Nhà máy sản xuất thanh sillic đơn thể và đĩa bán dẫn của Công ty Công nghệ cao Runergy (Thái Lan) với tổng mức đầu tư 440 triệu USD. Nhà đầu tư Runergy cũng đang tiếp tục quy hoạch cho giai đoạn 2 với số vốn đầu tư 600 triệu USD vào quý 2/2024, ngay sau khi giai đoạn 1 thuận lợi đi vào hoạt động.

Các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, nhà đầu tư và các đối tác thực hiện nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng; dự án Nhà máy Khoa học, kỹ thuật kim loại Tân Việt; dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam. Ảnh: T. Duy - P. Bằng
Các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, nhà đầu tư và các đối tác thực hiện nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng; dự án Nhà máy Khoa học, kỹ thuật kim loại Tân Việt; dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam. Ảnh: T. Duy - P. Bằng

Không chỉ thu hút được nguồn vốn FDI lớn, điều quan trọng là Nghệ An đã thu hút được nhiều dự án động lực, dự án công nghệ cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, việc thu hút được các dự án trọng điểm trong thời gian qua đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng tuần hoàn cho lĩnh vực điện tử và công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng, tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu và thu ngân sách, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; tạo tiền đề cho tỉnh Nghệ An phát triển theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý.

Việc nhiều dự án FDI đi vào hoạt động đã góp phần đưa giá trị sản xuất của ngành công nghiệp Nghệ An tăng vượt bậc. Năm 2022, giá trị sản xuất lĩnh vực công nghiệp của Nghệ An đạt trên 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 112,7%. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng từ 198,6 triệu USD năm 2018 đến 826,8 triệu USD năm 2022. Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh có 185.630 lượt lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI. Riêng 9 tháng năm 2023, có 39.145 lao động được tuyển dụng làm việc trong các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An thuộc KCN VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An thuộc KCN VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy