Trong phần “Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, có nêu: “Đến năm 2025, có 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 1 huyện đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu)”.
Để sớm đạt được chỉ tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, chương trình xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện. Là 1 trong 4 đơn vị cấp huyện về đích nông thôn mới trong nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2020 – 2025 Đảng bộ huyện Yên Thành phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 và đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu đó, đồng chí Nguyễn Quý Linh – Bí Thư Huyện ủy Yên Thành cho biết: “Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Yên Thành đã xây dựng 23 Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Sau gần 2 năm thực hiện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã thực chất đi vào cuộc sống thể hiện thông qua nhiều hoạt động, phong trào được diễn ra thiết thực và đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Về phát triển kinh tế, huyện Yên Thành tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, bình quân từ 9-10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách luôn vượt chỉ tiêu tỉnh giao, luôn duy trì ở nhóm tốp đầu của tỉnh. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, an toàn, bền vững; đã hình thành nhiều mô hình hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng và giá trị gắn với thương hiệu; kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp – xây dựng, từng bước quy hoạch, xây dựng một số cụm, điểm công nghiệp và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất có hiệu quả trên địa bàn; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật từng bước được đầu tư, phát triển; tiến hành chỉnh trang bộ mặt thị trấn Yên Thành ngày càng khang trang, sạch đẹp. Nhờ đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới ngay từ đầu nhiệm kỳ đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, diện mạo nông thôn mới khởi sắc rõ nét. Trong năm 2021, huyện Yên Thành đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu trong năm 2022 có thêm 6 xã về đích nông thôn mới nâng cao”.
Cũng trong dịp này, hòa cùng niềm vui cả nước náo nức chào mừng kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022), huyện Nghi Lộc tổ chức Lễ công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Các địa phương ở nơi địa đầu xứ Nghệ là TX. Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu cũng đã được đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Với tốc độ đó, đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Nghệ An đã có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Lũy kế, toàn tỉnh có 300/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72,99% tổng số xã; 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 8,67% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhờ sự linh động, sáng tạo, ở lĩnh vực thu hút đầu tư, dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, biến động về thị trường ở trong nước và quốc tế, nhưng Nghệ An vẫn thu hút thêm được nhiều dự án lớn như: Đầu năm 2021, tại KCN WHA đã diễn ra lễ khởi công dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Goertek Vina. Ban đầu công ty này đăng ký đầu tư với số vốn 100 triệu USD, đến năm 2022 đã tăng lên 500 triệu USD, trở thành nhà đầu tư có số vốn đầu tư FDI lớn nhất Nghệ An đến thời điểm hiện nay. Dự kiến đến tháng 6/2022, nhà máy sẽ lắp đặt xong máy móc, thiết bị, chính thức đi vào hoạt động, sẽ tạo việc làm cho khoảng 30.000 – 40.000 lao động.
Đó còn là dự án sản xuất linh kiện điện tử với tổng mức đầu tư trên 200 triệu USD của Tập đoàn Ju Teng (Đài Loan) tại Khu Công nghiệp Hoàng Mai I (TX. Hoàng Mai); dự án của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam tại Khu Công nghiệp và đô thị dịch vụ VSIP Nghệ An… từ những dự án động lực này, các khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh sẽ mời gọi thêm nhiều dự án lớn vào đầu tư trên địa bàn Nghệ An.
Những kết quả trên, đã góp phần tạo nên bức tranh phát triển năng động của tỉnh Nghệ An trong hơn 1 năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 đạt 89.992 tỷ đồng, tăng 6,2%. Thu ngân sách cả năm đạt 18.936 tỷ đồng, đạt 134,9% dự toán điều chỉnh, tăng 6,2% so với năm 2020.
Quý I/2022, GRDP ước đạt 6,71%, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành và đứng thứ 2 trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 4.854 tỷ đồng, đạt 32,4% dự toán, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, các ngành dịch vụ như thương mại, lưu trú, ăn uống, vận tải… trên đà phục hồi. Lượng khách du lịch ước đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 2,24% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa – xã hội bảo đảm, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Công tác cải cách hành chính, quản lý Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm; tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương về xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng…
Đạt được các kết quả phấn khởi đáng nêu trên là nhờ sự đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu bền bỉ, bản lĩnh, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường kỳ tháng 3/2022, đánh giá về 1 năm triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh nhận xét: Bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025, việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội có nhiều đổi mới trong cách làm. Theo đó, lần đầu tiên khi xây dựng Chương trình hành động, tỉnh gắn với bàn các đề án, chương trình của khối Đảng, chính quyền và MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội để triển khai thực hiện. Qua đó thấy được toàn cảnh triển khai Chương trình hành động.
Cùng quan điểm đó, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất nhận định: Việc xây dựng các chương trình, đề án trọng điểm có nhiều đổi mới, triển khai chủ động, bài bản, công phu, phát huy trách nhiệm, trí tuệ của các cấp các ngành. Các chương trình, đề án sau khi ban hành đã tổ chức quán triệt và triển khai nhanh vào thực tiễn; một số nội dung đã được HĐND, UBND tỉnh kịp thời thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách và có kế hoạch bố trí nguồn lực để thực hiện. Cùng với xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị cùng với Nhân dân khắc phục khó khăn do đại dịch Covid -19, nỗ lực thực hiện toàn diện các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra.
Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy Nghệ An đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là: Các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các đoàn thể cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và tập trung triển khai chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Trung ương. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư…
Để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu trong chương trình công tác hàng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe chuyên đề để cho ý kiến về các chương trình, đề án trọng tâm nhằm đánh giá kết quả thực hiện, những khó khăn, hạn chế và đề ra giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.