Nghệ An chủ động phòng, chống bệnh lở mồm long móng

Bệnh lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan rất nhanh, mạnh đối với các loài động vật guốc chẵn như: trâu, bò, dê, cừu, lợn; do vi rút hướng thượng bì gây ra, có đặc điểm là sốt, hình thành mụn nước ở miệng, chân và vú.

Cơ quan chức năng kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Xuân Hoàng
Cơ quan chức năng kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Xuân Hoàng

Bệnh có thể lây trực tiếp do tiếp xúc giữa động vật mẫn cảm và động vật mắc bệnh khi nhốt chung hoặc chăn thả chung trên đồng cỏ; lây gián tiếp qua thức ăn, nước uống, máng ăn, máng uống, nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi, tay, chân, quần, áo người chăn nuôi bị nhiễm vi rút. Bệnh lây lan từ vùng này qua vùng khác, lây từ nước này sang nước khác qua biên giới theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống có mang mầm bệnh (kể cả thịt ướp đông, da, xương, sừng, móng, sữa), bệnh lây lan qua nhiều con đường khác nhau, kể cả qua không khí.

Mỗi năm, ở nước ta, bệnh lở mồm long móng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, dịch bệnh còn tác động tới ngành chế biến thực phẩm, ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước.

Một số dấu hiệu nhận biết bệnh lở mồm long móng. Ảnh: CSCC
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh lở mồm long móng. Ảnh: CSCC

Ở Việt Nam, vi rút lở mồm long móng đã xuất hiện, lưu hành và gây bệnh cho đàn gia súc trong hơn 120 năm qua (từ năm 1898), đến năm 1953-1954, bệnh lở mồm long móng lây lan ra các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Nghệ An và đến nay dịch bệnh vẫn xảy ra. Để triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng có hiệu quả, thực hiện Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 115/QĐ-UBND ngày 15/01/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong chăn nuôi; xây dựng thành công các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, nhằm đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Cán bộ thú y vùng cao tiêm vắc xin cho gia súc. Ảnh: Quang An
Cán bộ thú y vùng cao tiêm vắc xin cho gia súc. Ảnh: Quang An

Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, các ổ dịch lở mồm long móng chỉ xảy ra nhỏ lẻ, được khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không lây lan ra diện rộng; công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh; Công tác giám sát dịch bệnh được tăng cường, kịp thời cảnh báo và triển khai các giải pháp khống chế; Xây dựng kế hoạch, cấp vắc-xin cho các huyện để thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ hàng năm; đồng thời, tổ chức lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để đánh giá hiệu quả vắc-xin cũng như công tác tổ chức tiêm phòng tại các địa phương; Thực hiện chặt chẽ việc giám sát vận chuyển trâu, bò ra, vào địa bàn tỉnh; hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở, địa phương xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh…

Hàng năm, tỉnh Nghệ An đều có chủ trương cấp vắc-xin lở mồm long móng tiêm phòng cho đàn gia súc khu vực miền núi, vùng đệm chăn nuôi bò sữa tại huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa; vùng ổ dịch; vùng ổ dịch cũ; vùng nguy cơ cao; vùng chăn nuôi trâu, bò trọng điểm; vùng nuôi có các chợ buôn bán trâu, bò lớn của tỉnh… nhờ vậy, đã hạn chế được tối đa dịch bệnh và bảo vệ hiệu quả đàn gia súc trên địa bàn.

Xử lý môi trường trong và ngoài khu vực chăn nuôi để phòng chống bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: CSCC
Xử lý môi trường trong và ngoài khu vực chăn nuôi để phòng chống bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: CSCC

Ông Đặng Văn Minh – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng: Mặc dù bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được khống chế, nhưng nguy cơ dịch xảy ra rất cao, đặc biệt khu vực miền núi. Nguyên nhân do tỉnh Nghệ An có tổng đàn trâu, bò lớn, với gần 800.000 con, tổng đàn lợn gần 1 triệu con, nhưng chăn nuôi chủ yếu nông hộ, nhỏ lẻ, tập quán chăn thả rông tại các xã vùng sâu, vùng xa còn phổ biến, không chủ động được trong phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi; tại nhiều nơi chuồng trại chăn nuôi còn tạm bợ hoặc không có chuồng nuôi; một số chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác chăn nuôi và thú y; một bộ phận người dân chưa chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi…

Người chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại sạch. Ảnh: Xuân Hoàng
Người chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại sạch. Ảnh: Xuân Hoàng

Quy mô dẫu lớn nhưng hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ lại chiếm trên 70%, từ đó, tiềm ẩn muôn vàn nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội và môi trường sinh thái. Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan xác định đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc-xin là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm.

Hiện nay đang bước vào mùa mưa bão, tình trạng ngập úng xảy ra tại nhiều địa phương, môi trường bị ô nhiễm, các loại vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và lây lan. Vì vậy, người dân cần thường xuyên cập nhật, theo dõi dự báo thời tiết để có kế hoạch chủ động ứng phó trước khi mưa bão xuất hiện; kiểm tra, gia cố chuồng trại; chuẩn bị thức ăn, nước uống; chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi và khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết nghi bệnh truyền nhiễm cần báo ngay chính quyền địa phương, cơ quan thú y gần nhất để kiểm tra, xử lý kịp thời.