Mờ sáng ngày 30/10, đường dây nóng Báo Nghệ An nhận được điện thoại của một người dân xóm 12, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương báo tin “cát tặc” lại tiếp tục hoành hành trên sông Lam. Người này nói: “Đợt này số lượng tàu đến hút cát nhiều hơn mọi năm. Chúng ngang nhiên làm cả ngày cả đêm, từ cầu Rạng xuống đến xã Thanh Lĩnh. Dân mất ăn mất ngủ…”.
Bởi một vài năm trước đây, tình trạng “cát tặc” trên sông Lam, đoạn qua xã Thanh Tiên đã được Báo Nghệ An xác minh và thông tin, thế nên đề nghị người dân khẩn trương liên hệ chính quyền, lực lượng chức năng sở tại để kịp thời xử lý. Nhưng người này nói: “Đơn thư thì chúng tôi đã viết đến lần thứ 14 gửi đi xã, huyện, tỉnh, rồi cả Trung ương. Còn báo tin thì thường xuyên, nhưng cát tặc vẫn hoành hành, không coi người dân chúng tôi ra gì. Thậm chí chúng còn ra mặt thách thức. Mới ngay hôm trước đây, dân gọi điện báo để Công an huyện về bắt giữ 2 tàu, thế mà rồi chúng đã trở lại hoạt động…”.
Ngày 31/10, người dân xóm 12, xã Thanh Tiên lại tiếp tục liên lạc đến Báo Nghệ An. Lần này, cùng với ý kiến phản ánh, người dân còn đồng thời gửi hàng loạt ảnh, clip tàu đang hút cát trên sông giữa ban ngày để minh chứng. Họ bức xúc: “Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn thì nhà ở, công trình của hàng chục hộ dân sẽ tụt xuống sông Lam mất…”.
Có mặt ở dọc sông Lam đoạn qua xóm 12, xã Thanh Tiên lúc 9h35’ sáng ngày 1/11. Thời điểm này, trời mưa, sương mù khá dày, nhưng trên tuyến đường từ thị trấn Dùng ngược lên các xã Thanh Lĩnh, Thanh Tiên có không ít phương tiện và người qua lại. Vậy mà vọng lên từ dưới dòng sông râm ran tiếng động cơ của tàu hút cát. Vào bãi ven sông quan sát, có 3 tàu sắt đang sục vòi rồng rút ruột lòng sông. Cứ dăm phút, những chiếc đầu hút lại phụt ra cột nước trắng xóa…
Ghé vào xóm 12, xã Thanh Tiên, cũng như những lần trước đây chúng tôi về xác minh, người dân lại đưa ra bờ sông để chứng kiến cái sự họ đang lo ngại. Đó là những công trình, đất ở, đất vườn đang chấp chới trên mép lở; những bờ tre đã bị kéo tụt xuống dòng sông… Rồi đưa ra một tập dày những lá đơn kiến nghị, cùng những công văn của xã, huyện, tỉnh, đến của Bộ TN&MT, Văn phòng Chính phủ… nhắc về việc xử lý, giải quyết.
Đại diện cho các hộ dân, ông Phạm Huy Trường bày tỏ: “Đến thời điểm này, tình trạng hút cát lòng sông gây sạt lở bờ bãi, ruộng vườn đến mức nguy cấp thì không chỉ 22 hộ dân xóm 12 đứng đơn nữa, mà có đến gần 50 hộ dân có ý kiến. Chúng tôi thực sự lo lắng, thực sự bức xúc trước tình trạng cát tặc hoành hành. Mong muốn Báo Nghệ An có ý kiến để chính quyền và các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm…”.
Để có đánh giá khách quan, ngay sau khi rời xóm 12, chúng tôi đã liên hệ để rồi cùng cán bộ Phòng TN&MT huyện Thanh Chương trở lại xã Thanh Tiên chứng kiến tình trạng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông. Tại bãi ven sông, sau khi ghi lại hình ảnh các tàu hút cát đang hoạt động, cán bộ này cho biết, đoạn sông Lam qua địa bàn Thanh Tiên, Đại Đồng chưa được cấp phép hoạt động khai thác cát sạn. “Khu vực này chỉ có một bến thủy nội địa được phép hoạt động, chưa có mỏ cát nào được cấp. Vị trí các tàu đang khai thác, thuộc địa phận của xã Đại Đồng…” – cán bộ Phòng TN&MT huyện Thanh Chương xác nhận, đồng thời liên lạc với UBND xã để báo tin.
Rời khu vực xóm 12, chúng tôi tiếp tục ngược lên khu vực cầu Rạng, đoạn cuối của xã Đại Đồng, giáp ranh với xã Thuận Sơn (Đô Lương). Đến gần mố cầu Rạng, đã nghe rền vang tiếng động cơ của tàu hút cát từ dưới sông vọng lên. Lên cầu Rạng quan sát, bờ sông Lam mạn xã Đại Đồng có liên tiếp đến 4 – 5 bến cát. Dưới sông, có khá nhiều tàu cát. Trong đó, có tàu dừng nghỉ, có tàu đang chờ cần cần cẩu tháp xúc cát lên bến, và có tàu đang hút cát. Đáng nói, các tàu cát đều không mang số hiệu. Hỏi, cán bộ Phòng TN&MT cho biết phần lớn các tàu khai thác cát ở huyện Thanh Chương đều không số hiệu, không đăng kiểm. Cán bộ này nói: “Qua một số lần cơ quan chức năng bắt quả tang, lập biên bản thì đều xác định tàu khai thác cát trái phép hầu hết đều không có đăng ký, đăng kiểm…”. Đồng thời cho biết, khu vực này cũng chưa có mỏ cát nào được cấp phép khai thác. Hỏi lâu nay công tác quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản được thực hiện ra sao? Câu trả lời là: “UBND huyện và Phòng TN&MT vẫn thường xuyên đôn đốc chính quyền các xã thực hiện nghiêm nội dung này. Riêng với tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam, tính từ đầu năm đến nay, Công an huyện và các xã phát hiện, xử lý một số vụ việc…”.
Nắm lại thông tin, việc xử lý khai thác trái phép cát sỏi lòng sông ở Thanh Chương là có. Cụ thể như mới đây, ngày 28/10/2021, Công an huyện Thanh Chương phối hợp với chính quyền các xã Thanh Giang, Thanh Tiên và thị trấn Dùng tổ chức lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng khai thác trái phép cát, sạn trên sông Lam (Báo Nghệ An điện tử đăng tin ngày 28/10/2021). Những đối tượng này bị phát hiện, bắt quả tang trong ngày 27/10, gồm 4 xà lan. Trong đó, có 2 xà lan đang khai thác cát trái phép trên sông Lam, địa bàn xã Thanh Tiên và thị trấn Dùng. Thông tin này trùng khớp với tin báo của người dân xóm 12, xã Thanh Tiên. Rằng, “mới ngay hôm trước đây, dân gọi điện báo để Công an huyện về bắt giữ 2 tàu…”.
Sáng ngày 2/11, người dân xóm 12, xã Thanh Tiên phấn khởi thông tin trở lại: “Chiều ngày 1/11 (PV), có việc kiểm tra, bắt giữ 2 tàu khai thác cát trái phép…”. Liên hệ đại diện lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Thanh Chương, được thông báo cụ thể: “Ngay sau khi nhận được thông tin, huyện đã chỉ đạo chính quyền xã Đại Đồng ra khu vực báo phản ánh để kiểm tra. Dù chỉ đạo kịp thời, vậy nhưng xã vẫn không phát hiện xử lý được trường hợp nào.
Cũng trong sáng qua, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Công an huyện tổ chức kiểm tra. Chiều cùng ngày, Công an huyện phát hiện, bắt giữ 3 tàu khai thác cát sạn trái phép trên sông Lam, thuộc địa bàn xã Đại Đồng. Hiện nay, Công an huyện đang tạm giữ phương tiện, xử lý vi phạm của các đối tượng theo quy định…”. Đối với UBND xã Đại Đồng, vị lãnh đạo Phòng TN&MT đánh giá là chưa trách nhiệm với công việc. Ông thông tin: “Từ đầu năm, Phòng đã có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND huyện xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Đại Đồng trong việc phối hợp, xử lý tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên sông Lam…”.
Những thông tin từ người dân và Phòng TN&MT huyện Thanh Chương đã cho thấy tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn không thể không băn khoăn. Vì như trên đã nêu ở trên, tại đoạn sông này, Báo Nghệ An từng đã không ít lần về xác minh, có bài phản ánh. Cụ thể, vào năm 2018, để xác minh thực trạng, chúng tôi đã về đây trong đêm cùng người dân đi thuyền trên sông mới ghi lại được các hoạt động khai thác trái phép cát trái phép. Tức là ở thời kỳ đó, “cát tặc” còn hoạt động lén lút, hoạt động tại những thời điểm đêm khuya. Còn nay, với hành vi khai thác trái phép giữa thanh thiên bạch nhật, chứng tỏ các đối tượng này không chỉ bất chấp người dân, mà còn bất chấp cả chính quyền và lực lượng chức năng.
Cũng có thể lý giải rằng thời gian vừa qua, dịch Covid – 19 đang có những tái diễn phức tạp, chính quyền và các lực lượng chức năng phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch nên các đối tượng đã lợi dụng thời điểm thời tiết xấu có mưa và sương mù dày để khai thác cát trái phép. Nhưng dù có là như vậy thì những hành vi ngang nhiên khai thác trái phép cát sỏi trên sông Lam, đoạn qua hai xã Thanh Tiên, Đại Đồng vẫn không thể chấp nhận. Luật Khoáng sản nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép. UBND tỉnh cũng đã quy định rất rõ về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Cần chấn chỉnh dứt điểm tình trạng này, để không thất thoát tài nguyên khoáng sản; để không gây hại đến tài sản, đất đai của người dân; và để chấm dứt tình trạng đơn thư kéo dài!