Ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên

Theo các cơ quan chức năng, vi phạm pháp luật xảy ở nhóm đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) thường tập trung ở các hành vi như tự giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí, gây mất trật tự công cộng; sử dụng pháo nổ trái phép; buôn bán, sử dụng ma túy; bạo lực học đường; cướp giật, trộm cắp tài sản… Nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều em phải đứng trước vành móng ngựa. Điển hình ngày 28/3/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lưu Quốc V. (15 tuổi), trú xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án là N.P.H. – bạn học lớp 9 của V. Nguyên nhân vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trong lớp học, khi V. nói chuyện riêng và bị H. nhắc nhở. Sau đó, cả hai gặp nhau tại quán đối diện trước cổng trường. Tại đây, V. đã lấy con dao nhỏ tự chế đâm 1 nhát vào bụng H., gây tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với bị hại là 55%. Tại tòa, V. khai giữa mình và bị hại vốn là bạn bè cùng lớp, thường chơi với nhau, do bức xúc không làm chủ được hành vi nên lỡ tay đâm bạn. Bị cáo bày tỏ hối hận vì hành vi của bản thân. Hội đồng xét xử sau đó tuyên phạt Lưu Quốc V. 3 năm 6 tháng tù về tội “Giết người”.

Bị cáo Lưu Quốc V. lĩnh án 3 năm, 6 tháng tù về tội Giết người. Ảnh tư liệu: Trần Vũ
Bị cáo Lưu Quốc V. lĩnh án 3 năm, 6 tháng tù về tội Giết người. Ảnh tư liệu: Trần Vũ

Trước đó, ngày 4/10/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt bị cáo Vừ Bá Già (SN 2007), trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn 6 năm tù về tội “Giết người”. Thời điểm gây án, Vừ Bá Già mới 14 tuổi và đang là học sinh Trường phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Tây Sơn, còn nạn nhân Lầu Bá T. (SN 2004), là học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn. Theo cáo trạng dù không có mâu thuẫn gì với T. nhưng tối 21/3/2022, khi đang ngồi uống rượu thấy người bạn là Mùa Chứ D. chạy đến rủ đi đánh T. (trước đó, giữa D.và T. có mâu thuẫn), Già đã đồng ý tham gia. Khi đến khu nội trú của trường, D. chỉ vào T. rồi nói “chính thằng này, anh em đánh nó”. Nghe vậy, Già và nhóm bạn đi cùng lao vào đánh T. Nạn nhân bỏ chạy nhưng đã bị Già đuổi theo chặn lại chém nhiều nhát vào vùng đầu khiến T. tử vong sau đó. Tại tòa, Già khai giữa mình và bị hại không có mâu thuẫn nhưng vì nghe lời bạn rủ rê, lại có rượu trong người nên đã không làm chủ được hành vi.

Vừ Bá Già trả lời câu hỏi Hội đồng xét xử. Ảnh tư liệu: Hoàng Lam
Vừ Bá Già trả lời câu hỏi Hội đồng xét xử. Ảnh tư liệu: Hoàng Lam

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua mà thủ phạm đang ở độ tuổi học sinh. Trong thực tế, tại nhiều địa phương tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật đang tiềm ẩn nhiều phức tạp. Trong năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Thái Hòa đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã phát hiện, xử lý 8 vụ việc liên quan đến học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn với các hành vi: Tàng trữ trái phép chất ma túy (hồng phiến, cỏ); Chế tạo, tàng trữ pháo nổ; Vi phạm quy định về giao thông đường bộ; Trộm cắp tài sản. Trong đó, khởi tố 2 vụ án, 3 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 7 đối tượng. Còn tại huyện Hưng Nguyên, cơ quan chức năng đã khởi tố 8 vụ/35 bị can là người dưới 18 tuổi phạm tội (chiếm 15,3% tổng số bị can đã khởi tố); xử phạt hành chính 2 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng, 10 đối tượng về hành vi chế tạo, sản xuất, tàng trữ pháo nổ là người dưới 18 tuổi.

Nhóm thanh niên tháo biển kiểm soát xe mô tô để lạng lách, đánh võng bị Công an TP. Vinh bắt giữ. Ảnh tư liệu: Văn Hậu
Nhóm thanh niên tháo biển kiểm soát xe mô tô để lạng lách, đánh võng bị Công an TP. Vinh bắt giữ. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Bên cạnh các hành vi vi phạm pháp luật, tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông cũng diễn ra khá phổ biến với các lỗi như điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi theo quy định; không có Giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; kéo đẩy xe khác; sử dụng điện thoại, lạng lách, đánh võng, bốc đầu khi tham gia giao thông; không chấp hành hiệu lệnh giao thông… tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Hình ảnh 2 nam sinh bốc đầu xe. Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh 2 nam sinh bốc đầu xe. Ảnh cắt từ clip

Theo ngành chức năng, nguyên nhân là do người dưới 18 tuổi vốn chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, trình độ nhận thức, kiến thức xã hội, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo. Sự phối hợp trong quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa đồng bộ. Việc giám sát, quản lý đối với người dưới 18 tuổi của một số gia đình còn buông lỏng, nhất là những gia đình có bố mẹ ly hôn hoặc đi lao động ở nước ngoài. Như vụ án xảy ra vào đêm khuya ngày 12/9/2022, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt tại quán game mà 3 đối tượng Nguyễn Đình Bình A. (17 tuổi), Đinh Xuân Đ. (17 tuổi) và Hoàng Duy H. (16 tuổi) cùng trú TP. Vinh sẵn sàng dùng “hàng nóng” đâm nhiều nhát gây thương tích cho 2 thanh niên khác. Điều đáng nói là cả 3 bị cáo lĩnh án từ 3 đến 5 năm 6 tháng tù về tội “Giết người” trong vụ án này đều sinh ra và lớn lên trong gia đình không hạnh phúc khi bố mẹ ly hôn. Tại phiên tòa, nhiều ông bố, bà mẹ đã bật khóc, thừa nhận một phần trách nhiệm vì đã không sát sao bên con.

Tại  một phiên tòa xét xử 3 bị cáo trẻ vị thành niên phạm tội giết người, bố mẹ của các bị cáo nhận một phần trách nhiệm. Ảnh tư liệu: Văn Hậu
Tại một phiên tòa xét xử 3 bị cáo trẻ vị thành niên phạm tội giết người, bố mẹ của các bị cáo nhận một phần trách nhiệm. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Bên cạnh các nguyên nhân, môi trường mạng xã hội phức tạp, nhiều thông tin độc hại, dễ dàng tiếp cận là những nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý, hành động của người dưới 18 tuổi…

Để nâng cao năng lực phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật của các nhà trường, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, ngày 13/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Anh Sơn đưa ra các câu hỏi liên quan xử lý tình huống khi tham gia giao thông cho các em học sinh trả lời. Ảnh tư liệu: P.V
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Anh Sơn đưa ra các câu hỏi liên quan xử lý tình huống khi tham gia giao thông cho các em học sinh trả lời. Ảnh tư liệu: P.V

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu 100% nhà trường kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả Ban Chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm”; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên trong từng năm học; thiết lập các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường. 100% nhà trường tổ chức ký cam kết giữa nhà trường – gia đình – xã hội về nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. 100% nhà trường xây dựng kế hoạch, duy trì ít nhất 1 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. Tối thiểu 90% nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”…

Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh tại các trường học. Ảnh tư liệu: P.V
Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh tại các trường học. Ảnh tư liệu: P.V

Trước đó, vào ngày 12/3, Công an Nghệ An chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp xây dựng, triển khai mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học” trên địa bàn tỉnh. Mô hình chú trọng công tác bảo đảm an ninh trường học; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật; rèn luyện kỹ năng sống, trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó để xử lý các tình huống nguy hiểm cho học sinh… Theo kế hoạch, trong năm 2024, phấn đấu 100% huyện, thành phố, thị xã đều triển khai, xây dựng thành công mô hình tại các trường THPT. Đối với cấp xã xây dựng ít nhất 3 mô hình “điểm” tại 3 cấp học từ mầm non đến THCS. Phấn đấu đến năm 2028, bảo đảm 100% trường học trên địa bàn đều xây dựng mô hình này.

Lãnh đạo Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết triển khai mô hình
Lãnh đạo Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết triển khai mô hình "Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học". Ảnh: Quỳnh An

Ngay sau đó, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức ký kết và ra mắt mô hình điểm “Giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống” trong các trường học trên địa bàn.

Đối với lĩnh vực an toàn giao thông, ngày 19/1/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới với 9 nhiệm vụ giải pháp, trọng tâm. Trong đó, UBND tỉnh nhấn mạnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến tuổi học sinh xảy ra phức tạp do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

Tuyên truyền an toàn giao thông tại Trường CĐSP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh
Tuyên truyền an toàn giao thông tại Trường CĐSP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

UBND tỉnh cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông trong học sinh theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực. Xây dựng, nhân rộng, duy trì các mô hình hay trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tổ chức ký cam kết, đưa nội dung bảo đảm trật tự, an giao thông đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với các trường học, cấp học và các đơn vị liên quan. Lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm tra đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp…

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an thành phố Vinh) tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp thanh thiếu niên, học sinh vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Ảnh tư liệu: Văn Hậu
Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an thành phố Vinh) tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp thanh thiếu niên, học sinh vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm giáo dục, giám sát, quản lý chặt chẽ con em; tích cực phối hợp với nhà trường và các tổ chức xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa những hành vi vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên.