Ngăn mối họa mới từ bên kia biên giới – Bài cuối: Giữ rừng, không thể đơn độc

Giữa huyện Quế Phong của Nghệ An và hai huyện Xăm Tảy, Mường Quắn của tỉnh Hủa Phăn (Lào) đã đề ra những giải pháp để phối hợp thực hiện mục tiêu giữ rừng theo nhận thức trách nhiệm của mỗi bên. Nhưng thực tế rất cần có động thái mạnh hơn trong chỉ đạo của các cấp, ngành hai bên để kịp thời  có sự vào cuộc đồng bộ nhằm bảo vệ rừng nguyên sinh biên giới…

ẾT thúc chuyến khảo sát bên đất nước bạn Lào, điểm chung mà tất cả các cán bộ đoàn công tác tỉnh Nghệ An nhận thấy đó là chính quyền hai huyện Xăm Tảy, Mường Quắn của bạn đều rất nhiệt tình, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và rất thẳng thắn khi chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng người dân các bản Mông bên bạn xâm nhập, khai thác rừng nguyên sinh thuộc Khu BTTN Pù Hoạt.

Quần thể cây sa mu dầu thuộc Khu BTTN Pù Hoạt nằm sát đường biên giới Việt - Lào (ảnh: google.maps)
Quần thể cây sa mu dầu thuộc Khu BTTN Pù Hoạt nằm sát đường biên giới Việt - Lào (ảnh: google.maps)

Chính quyền hai huyện Xăm Tảy và Mường Quắn cũng nhanh chóng thống nhất cùng huyện Quế Phong tiếp tục thực hiện tốt những nội dung trong bản thỏa thuận ghi nhớ được ký kết giữa lãnh đạo huyện Xăm Tảy, huyện Mường Quắn sang thăm và làm việc tại huyện Quế Phong trong năm 2018. Đồng thời, hứa hẹn thực hiện các nội dung đoàn công tác tỉnh Nghệ An đề nghị.

Đó là, sẽ chỉ đạo các phòng ban, ngành và chính quyền cụm bản, bản tuyên truyền cho nhân dân Lào khu vực biên giới không tham gia khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng thuộc lâm phần Việt Nam và thận trọng trong việc xử lý thực bì làm nương rẫy để tránh xảy ra cháy rừng lan sang Việt Nam. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân người khai thác, mua bán, chế biến, vận chuyển trái phép gỗ rừng tự nhiên trong khu vực biên giới. Xử lý nghiêm minh các trường hợp người Việt Nam sang cấu kết với người địa phương của nước bạn Lào để hoạt động khai thác, mua bán, chế biến lâm sản trái phép. Bằng mọi hình thức, tăng cường công tác trao đổi, cung cấp thông tin giúp các cơ quan chức năng của Việt Nam trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR trên khu vực biên giới Việt – Lào… Ngoài ra, để ngăn chặn các đối tượng người Việt Nam sang móc nối, cấu kết với người Mông của nước bạn Lào ở khu vực biên giới khai thác rừng trái phép, hai bên thống nhất kế hoạch phối hợp tổ chức tuần tra chung, nhằm tăng cường bảo vệ rừng khu vực giáp ranh biên giới.

Rừng Lào mạn giáp với tình Nghệ An hầu hết không còn cây gỗ lớn (Ảnh trên). Đường tuần tra biên giới của Lào (trái) và bản người Mông Lào (Pà Khốm) nằm sát với vùng rừng nguyên sinh thuộc Khu BTTN Pù Hoạt.
Rừng Lào mạn giáp với tình Nghệ An hầu hết không còn cây gỗ lớn (Ảnh trên). Đường tuần tra biên giới của Lào (trái) và bản người Mông Lào (Pà Khốm) nằm sát với vùng rừng nguyên sinh thuộc Khu BTTN Pù Hoạt.

Tuy nhiên, sau những gì được nghe, được thấy trong quá trình đi nắm bắt thực tế,  theo chúng tôi, chỉ với khả năng của hai huyện Xăm Tảy, Mường Quắn e là chưa đủ. Có những việc họ “lực bất tòng tâm”. Đơn cử như việc thực hiện công tác tuyên truyền cho hàng chục nghìn người dân Mông Lào ở các bản sát biên giới (gồm Nậm Táy, Pà Khốm, Nậm Bống, Tông Ù, Pha Đáy, Tằng Xẩu, Huôi Hay, Đẹn Đín) nhận biết đâu là rừng Việt Nam, đâu là rừng Lào, chính lãnh đạo hai huyện Xăm Tảy, Mường Quắn thừa nhận là hết sức khó khăn. Vậy nên rất khó cho họ thực hiện hiệu quả được việc tuyên truyền sâu về các chính sách pháp luật của hai nước trong bảo vệ và phát triển rừng. Hoặc ngay cả như việc đoàn công tác Việt Nam đã giúp phát hiện điểm tập kết trên 20m3 gỗ pơ mu và sa mu dầu lậu, nhưng quá trình thu giữ số tang vật này, cơ quan chức năng của huyện Xăm Tảy cũng gặp khó khăn do người dân Mông của bản Nậm Táy phản ứng…

Hơn nữa, sau chuyến thực tế ở Xăm Tảy, Mường Quắn, ngoài thấy rõ thực trạng  hết sức đáng lo cho vùng rừng nguyên sinh biên giới, đoàn công tác tỉnh Nghệ An đã rất băn khoăn khi đường đi của gỗ lậu từ Lào về Việt Nam không chỉ qua các cửa khẩu, lối mở với tỉnh Nghệ An; mà như tại địa bàn huyện Xăm Tảy, có đến 6 đường có thể vận chuyển, thông thương hàng hóa giữa Lào – Việt Nam, cũng sẽ là tuyến đường các đối tượng khai thác, kinh doanh gỗ rừng trái phép có thể toan tính, lợi dụng, trong đó Nghệ An có 3 đường, còn 3 đường kia thuộc về địa phận tỉnh Thanh Hóa. Đoàn công tác tỉnh Nghệ An cũng trao đổi điều này với những cán bộ huyện Xăm Tảy như ông May Lả, kiểm lâm Mon, hay Đại đội trưởng Biên phòng huyện Xăm Tảy – Thiếu tá Khăm Xa Vẳn. Họ khẳng định gỗ lậu từ đây có thể qua về Nghệ An, nhưng cũng có thể về các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, hoặc bất cứ đường nào trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào.

Gỗ qua sơ chế nằm bên đường tuần tra biên giới Lào.
Gỗ qua sơ chế nằm bên đường tuần tra biên giới Lào.

Như vậy, muốn giữ yên vùng rừng nguyên sinh biên giới thì không thể chỉ đơn độc một địa phương như huyện Quế Phong, hoặc riêng tỉnh Nghệ An vào cuộc. Việc cần làm là đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo huyện Quế Phong cùng các cơ quan, đơn vị liên quan công tác bảo vệ và phát triển rừng thực hiện tốt các nội dung đã thống nhất với hai huyện Xăm Tảy, Mường Quắn của tỉnh Hủa Phăn. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật  gồm các lực lượng kiểm lâm, biên phòng, công an vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến lâm sản.

Để nối dài những cánh tay chung sức bảo vệ rừng nguyên sinh biên giới, kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện việc kết nối, trao đổi, quan hệ với lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn để tỉnh này quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ rừng nguyên sinh biên giới, có thêm những biện pháp đủ mạnh. Vì chỉ khi tỉnh Hủa Phăn thực sự quan tâm vào cuộc, các huyện Xăm Tảy và Mường Quắn và các cơ quan chức năng Lào ở khu vực biên giới mới có thể thực hiện có hiệu quả các công tác đã thống nhất với huyện Quế Phong; nhất là công tác điều tra, xử lý các đối tượng người Việt Nam và Lào cấu kết với nhau để khai thác, kinh doanh, buôn bán, chế biến lâm sản trái phép có nguồn gốc từ Việt Nam.

Ở tỉnh Hủa Phăn, giao thông đã khá thuận lợi và có rất nhiều lối mở, cửa khẩu thông thương với Việt Nam (trong ảnh là cửa khẩu Tha Lấu, đấu nối với cửa khẩu Khẹo (Thanh Hóa).
Ở tỉnh Hủa Phăn, giao thông đã khá thuận lợi và có rất nhiều lối mở, cửa khẩu thông thương với Việt Nam (trong ảnh là cửa khẩu Tha Lấu, đấu nối với cửa khẩu Khẹo (Thanh Hóa).

Đồng thời kết nối với các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh và các tỉnh có tuyến cửa khẩu, lối mở nối với tỉnh Hủa Phăn để có được sự cộng đồng trách  nhiệm, cùng nhau thắt chặt công tác kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân mua bán, vận chuyển gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp từ Lào về Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật.

Công tác tuyên truyền luôn là một nội dung quan trọng hàng đầu để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Bởi vậy, có thể mở rộng công tác tuyên truyền không chỉ trong phạm vi địa giới của tỉnh, mà đến cả các bản Mông của nước bạn Lào dọc theo tuyến biên giới. Đây là nội dung mà huyện Quế Phong và BQL Khu BTTN Pù Hoạt cần nghiên cứu, tìm hướng thực hiện để đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét cho phép thực hiện. Chỉ khi nào người dân các bản Mông của nước bạn Lào dọc đường biên có sự hiểu biết về địa giới cũng như chính sách pháp luật bảo vệ và phát triển rừng của Lào và Việt Nam, thì công tác bảo vệ rừng nguyên sinh biên giới mới có hiệu quả tốt.

Những cây sa mu dầu thuộc vùng rừng nguyên sinh Khu BTTN Pù Hoạt.
Những cây sa mu dầu thuộc vùng rừng nguyên sinh Khu BTTN Pù Hoạt.