Độ 5h – 6h sáng, chỉ cần bỏ ra khoảng 50.000 đồng tiền xe điện là khách đã được đặt chân đến bến cá Nghi Thủy. Lúc này, tàu thuyền sau chuyến ra khơi vừa cập bến. Tôm, cua, cá, ghẹ, mực… đầy khoang, tươi rói, còn búng tanh tách. Trên bến, các bà, các mẹ, các chị đã đợi sẵn với những rổ rá, sọt nhựa, làn mây, túi cói. Hải sản sau chuyến đánh bắt được nhanh tay chuyển lên bờ, tiếng ngã giá, tiếng tranh mua, tranh bán í ới, náo nhiệt cả một vùng. Ánh đèn pin lấp loáng, ánh điện cao áp vàng đục và ánh bình minh rực rỡ khi mặt trời dần ló dạng tạo nên một khung cảnh đẹp như tranh. Sẽ thật thú vị nếu du khách có một lần được đón bình minh trên bến cá, trải nghiệm nhịp lao động của ngư dân miền biển để tiếp thêm năng lượng tích cực đến từ tiếng cười giòn tan, ánh mắt lấp lánh niềm vui từ những ngư dân trở về sau chuyến ra khơi.
Đến bến cá, khách cũng dễ dàng lựa chọn cho mình những món quà từ biển cả như: tôm, cá, ghẹ, mực… còn tươi sống được bày bán ngay trên bờ với giá rẻ hơn nhiều lần so với vào mua ở các cửa hàng hải sản. Cái thú nhất là được tự tay lựa chọn, được “mặc cả”, được “cân đo đong đếm”…
Chị Nguyễn Thanh Hà, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Hầu như hè nào tôi cũng vào Cửa Lò tắm biển, nghỉ dưỡng nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến bến cá này. Cũng là tình cờ được một bác tài lái xe điện giới thiệu. Thức dậy từ 4h30p sáng, mất chừng 5 phút ngồi xe điện ra đây, được tận mắt thấy tàu thuyền cập bến, các ngư dân đưa hải sản lên bờ, chứng kiến nhịp lao động tất bật, khẩn trương của ngư dân miền biển; tự tay lựa hải sản tươi sống… quả thật rất thú vị. Lần sau, khi về du lịch Cửa Lò, nhất định bến cá này sẽ là điểm đến vào mỗi sáng bình minh”.
Từ cảng cá, theo những cung đường bê tông nhỏ ngoằn ngoèo đến với làng nghề chế biến hải sản Bình Minh, để được trải nghiệm, tận mắt chứng kiến bàn tay lao động của những hộ dân làm nghề: chế biến nước mắm, mắm tôm, mắm tép, tôm nõn, nướng cá thu… Đến đầu làng, đã nghe dậy mùi thơm nồng của biển, những ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ, nằm khiêm nhường ở góc vườn nhường không gian cho những lu, những bể, những vại sành, sứ… ủ chượp làm nước mắm, mắm tôm, mắm tép. Những cái nong to dùng để đậy bể chượp với đủ sắc màu rực rỡ dưới nắng hè.
Những người phụ nữ đội nón tay cầm gậy thành thạo đảo chượp; những thanh niên trai tráng đang bê những lu, vại ra sân xi măng để hứng những giọt nước mắm nhỉ ra từ thùng ướp; những bà mẹ đang rót nước mắm vào chai, đóng mắm vào lọ và nhanh tay dán nhãn, mác.
Ghé thăm hộ chị Bùi Thị Hằng – một gia đình làm nghề chế biến mắm tép khi chị đang đảo chượp mắm vừa đủ độ chín. Chị Hằng cho biết: “Đây là nghề gia truyền, đến chị đã là đời thứ 4 làm nghề. Từ nhỏ, chị đã lũn cũn theo bà, theo mẹ ra bến cá mua từng mớ tép biển về muối làm mắm, làm ruốc. Tuổi thơ chị gắn với những chum, vại, bể ủ chượp làm mắm; quẩn quanh bên những mẻ tép biển, những mẻ thính rang, những riềng, những gừng để làm mắm.
Để làm ra mẻ mắm thơm ngon thì trải qua nhiều công đoạn công phu và tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu đến cách muối, cách nêm thính, cách gia vị và kể cả cái lu, cái vại ướp chượp cũng rất cầu kỳ. Trước hết là khâu chọn nguyên liệu, phải là những con moi biển vùng Cửa Lò, Cửa Hội nhiều thịt và mỏng vỏ. Muối để muối mắm là loại muối tinh khiết, đã lưu kho ít nhất một năm để bốc hết những tạp khí. Bể ướp chượp làm bằng sành đã được lau chùi, tráng kỹ lưỡng. Thời gian để mắm chín khoảng 9 – 14 tháng. Mắm tép làng nghề Bình Minh có màu đỏ au tự nhiên, thơm nồng, nếm thì có vị ngọt của tép, mặn của muối và thơm bùi của thính gạo, hơi cay của ớt, sả, tỏi, riềng… Trước đây, mắm tép chỉ làm ra, phục vụ nhu cầu của gia đình, bán lẻ ở các chợ dân sinh. Nhưng dần dà sản phẩm mắm tép của người dân Cửa Lò trở nên nức tiếng, được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng, có mặt trong nhiều bữa ăn, thực đơn của nhiều quán hàng.
Ngoài mắm tép thì hiện nay, làng nghề chế biến hải sản Bình Minh của phường Nghi Thủy có 3 sản phẩm đạt 3 sao OCOP gồm: Nước mắm cá cơm nguyên chất, mắm tôm, các sản phẩm được đóng gói trong những lọ thủy tinh đẹp mắt, có tem nhãn, có mã QR truy xuất nguồn gốc và được xem là sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch.
Đến với Nghi Thủy là tìm về với những nét cổ xưa của một làng chài ven biển, nơi hạ nguồn sông Cấm với bề dày và trầm tích văn hóa có từ ngàn đời nay. Đó là mái đền làng biển, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Mai Bảng. Là ngôi đền cổ với hàng trăm năm tuổi, giá trị của đền lưu giữ bằng những hiện vật, nét chạm trổ tinh xảo, vi diệu và bí ẩn. Đây là nơi thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Thủy tinh phu nhân cùng 6 vị khai cơ lập làng. Đền Mai Bảng vừa có giá trị lịch sử, vừa mang nét kiến trúc đặc sắc, lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm, đặc biệt có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng sông nước Cửa Lò. Đặc biệt, mỗi năm đền Mai Bảng diễn ra hai lễ hội lớn vào ngày 12/2 (âm lịch) và ngày 3 tháng 5 (âm lịch) với lễ cầu ngư và nhiều hoạt động phần hội đặc sắc, thu hút du khách thích hoài cổ tìm đến và “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa lòng di tích.
Cách đó không xa là di tích đền Yên Lương với lễ hội “Phúc Lục Ngoạt” diễn ra vào trung tuần tháng 6 âm lịch. Đây là lễ hội chính, lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Nghệ, với nhiều hoạt động văn hóa thể hiện tín ngưỡng và bản sắc văn hóa độc đáo. Qua đó là điểm tựa tinh thần của ngư dân trong vùng cầu cho mỗi chuyến ra khơi vào lộng được sóng yên bể lặng, tôm cá đầy thuyền… thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương về tham dự.
Mang trong mình những nét đặc sắc riêng có, làng chài Nghi Thủy là điểm đến thú vị, hấp dẫn, nhất là những ai muốn sống chậm, ưa trải nghiệm. Ở đó, những người con làng biển vẫn giữ nét riêng thuần hậu, mặn mòi, những ngõ nhỏ quanh co bao bọc lấy làng nghề đậm mùi vị của biển cả. Ở đó, có những ngôi đền vẫn giữ vẻ cổ kính, rêu phong như hàng trăm năm trước với những lễ hội đặc sắc của ngư dân miền biển, có 6 nhà thờ họ lớn, 6 giếng làng cổ, 2 chợ và bến cá; hạ tầng kỹ thuật, giao thông cơ bản thuận tiện kết nối với các vùng du lịch khác của thị xã Cửa Lò. Tiềm năng là thế, song, Nghi Thủy vẫn chưa thực sự trở thành điểm đến của du khách khi về với Cửa Lò
Băn khoăn, trăn trở khi Nghi Thủy hội tụ nhiều yếu tố nhưng vẫn chưa khai phá hết tiềm năng, cuối năm 2021, BTV Thị ủy Cửa Lò đã ban hành Đề án xây dựng điểm đến du lịch phường Nghi Thủy. Đề án hướng tới các mục tiêu cụ thể: Từng bước hình thành và phát triển đô thị đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các loại hình du lịch, dịch vụ. Xây dựng định hướng cho quá trình phát triển các loại hình kinh doanh trên cơ phát triển kinh tế hạ tầng bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ. Tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch khác biệt, đặc trưng, hấp dẫn thu hút du khách; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Hình thành các tuyến phố đi bộ, dạo chơi, tham quan làng nghề, thưởng thức văn hóa làng chài, ẩm thực, mua đồ lưu niệm và các dịch vụ khác. Kết nối với các đồ án quy hoạch khu trung tâm thương mại, khu Resort Bắc đảo Lan Châu, Song Ngư Sơn… tạo thành điểm đến trải nghiệm du lịch hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của khách khi đến với Cửa Lò.
“Ý Đảng, hợp lòng dân”, ngay khi đề án được ban hành, cấp ủy, chính quyền và nhân dân phường Nghi Thủy đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch triển khai để hiện thức hóa giấc mơ biến Nghi Thủy trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm và khám phá những nét văn hóa người dân vùng biển của du khách mọi miền. Với quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị đã bắt tay vào tổ chức giải tỏa hành lang an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị, tuyên truyền vận động nhân dân các tuyến đường Bình Minh, Phạm Huy, Nguyễn Xí, Cao Huy Tuân… lắp đặt điện chiếu sáng, điện trang trí, thùng rác đạt tiêu chuẩn, hợp vệ sinh, cắt tỉa cây xanh, sơn sửa tường rào. Đồng thời tổng dọn vệ sinh môi trường khu dân cư, khu công cộng, khu vực bãi biển, tổ chức trồng hoa cúc biển tạo điểm nhấn cảnh quan.
Ông Võ Văn Tuất – Chủ tịch Phường Nghi Thủy phấn khởi cho hay: Chỉ sau hơn 4 tháng toàn phường đã nạo vét hơn 200m mương, làm mới 500m đường và mương khu dân cư kiểu mẫu nơi xây dựng điểm đến du lịch, chỉnh trang, sửa chữa nâng cấp chợ bến cá. Huy động 1,6 tỷ đồng nguồn nội lực đóng góp từ nhân dân và những tổ chức, cá nhân hảo tâm để xây dựng thượng điện, lập hồ sơ xin đại tu đền Mai Bảng; quy hoạch mở rộng khuôn viên Di tích lịch sử cấp Quốc gia nhà thờ họ Nguyễn Trọng Đạt, đền Yên Lương và lập hồ sơ di dời tái định cư cho 4 hộ nằm trong khuôn viên đền. Triển khai dự án mương và đường Lê Thị Bạch Cát với mức đầu tư gần 5 tỷ đồng. Tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tiểu thương và tiến hành lập hồ sơ thiết kế xây mới chợ Hôm khang trang, đẹp đẽ hơn để xứng tầm với đô thị du lịch biển.
Bên cạnh đó, để nâng giá trị “thương hiệu “các sản phẩm phục vụ du lịch, phường cũng vận động các hộ làng nghề chế biến hải sản đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng chế biến hải sản, coi trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến bao bì nhãn mác để xây dựng sản phẩm OCOP như nước mắm, mắm ruốc chua, ruốc mặn, tôm nõn, cá thu nướng, chả cá, chả mực.
Tại khối Bình Minh – nơi tập trung phần lớn các hộ làm nghề chế biến hải sản lâu đời ở làng chài Nghi Thủy, ông Hoàng Thanh Hồng – Bí thư Chi bộ khối cho hay: Khối có 105 hộ, 1791 khẩu, ngư dân làng chài hôm nay không chỉ đi biển theo nghề truyền thống của cha ông mà đã năng động, linh hoạt chuyển đổi, phát triển thêm nhiều ngành nghề mới hình thành nên làng nghề không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn phục vụ khách du lịch. Hiện trong khối có 5 đội tàu đánh bắt xa bờ, công suất từ 800 – 100CV, 22 hộ làm nghề chế biến hải sản, 1 HTX chế biến hải sản gồm 25 hộ. Mới đây, ra mắt thêm tổ hợp tác “Buôn bán và chế biến hải sản” gồm 10 thành viên. Tổ hợp là nơi để chị em trao đổi kỹ năng, phương pháp, cách thức chế biến đảm bảo yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thêm nhiều sản phẩm đạt chất lượng OCOP góp phần nâng cao thương hiệu làng nghề, đưa các sản phẩm uy tín của phường Nghi Thủy đến gần hơn với du khách và bạn bè gần xa.
Tuy nhiên, vị Bí thư Chi bộ khối cũng bày tỏ trăn trở trước thực tế địa bàn chật, người đông, địa dư đất không có nên gặp khó khăn trong việc gom các hộ làm nghề chế biến hải sản thành tổ hợp sản xuất, chế biến, bán sản phẩm tập trung vừa có không gian cho khách trải nghiệm, vừa thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát. Mặt khác đặc thù mùa du lịch cũng chỉ tập trung một vài tháng trong năm, hết mùa du lịch sản phẩm tiêu thụ khó khăn hơn, một số hộ lại chuyển qua nghề khác.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Tuất – Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy cho biết: Ngoài khó khăn về đất chật, người đông với 9.000 khẩu, 2.045 hộ, thì hạn chế là một bộ phận nhân dân vẫn làm ăn theo kiểu manh mún, nặng về bán sản phẩm, chưa có nhiều kỹ năng làm du lịch. Bên cạnh đó việc ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm, hay sử dụng các nền tảng xã hội để giới thiệu sản phẩm, quảng bá du lịch còn hạn chế. Chị Nguyễn Thị Đức, người có thâm niên 20 năm gắn bó với nghề chế biến hải sản ở khối Bình Minh cho biết: “Mấy năm trở lại đây, chúng tôi đã quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm và việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhất là thông qua mạng xã hội. Như gia đình tôi có mấy chục sản phẩm đều có bao bì, nhãn mác đầy đủ. Thế nhưng, việc “hút” khách du lịch đến tham quan, mua sắm chủ yếu vẫn trông cậy vào đội ngũ lái xe điện trên địa bàn dẫn đến”.
Để khắc phục hạn chế, phát huy những thế mạnh về kinh tế biển và tiềm năng du lịch, lãnh đạo phường Nghi Thủy cho hay: Bên cạnh hoàn thiện hạ tầng, kết cấu cảnh quan, đưa các gian hàng, các quầy hàng tự do trong toàn khu vực về các tuyến phố tạo thuận lợi trong công tác quản lý và thúc đẩy hình thành khu vực thương mại hiện đại, xây dựng các cụm sản xuất, giới thiệu sản phẩm lan tỏa trên toàn tuyến phố…, phường sẽ chú trọng đến công tác tập huấn nâng cao văn hóa giao tiếp, kỹ năng ứng xử cho các cá nhân, hộ gia đình làm du lịch, đảm bảo công tác VSMT, an ninh du lịch, tạo sự yên tâm cho du khách khi đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, có chiến lược kết nối, quảng bá liên kết các điểm đến trên địa bàn phường một cách bài bản để mỗi người dân không chỉ là những người bán hàng, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của làng chài mà còn là những “đại sứ”, hướng dẫn viên du lịch quảng bá cho du khách về cảnh quan, đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của quê hương “Một dải đất từ Lan Châu đến mũi Rồng bên bờ biển Đông quê tôi đây đứng đầu sóng gió. Hòn Mắt, Hòn Ngư bốn mùa sóng vỗ là pháo đài canh giữ biển quê tôi… Nghi Thủy ơi! Tôi yêu mến suốt đời…”.