Nạo vét lòng hồ và cho phép tận thu khoáng sản – Bài 1: Nhu cầu bức thiết

Có mặt tại xã Nghi Công Bắc (Nghi Lộc), tại đây có công trình hồ thủy lợi Nghi Công do Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An quản lý và vận hành. Hồ được xây dựng năm 1953, tổng diện tích lưu vực tới 11,6km2, dung tích khoảng 1,15 triệu m3 nước, thực hiện nhiệm vụ tưới cho 185ha đất nông nghiệp. Hồ thủy lợi này có 1 đập chính và 2 đập phụ hiện đang cung cấp nước cho hơn 400ha đất sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dân sinh trong vùng. Do trong quá trình 70 năm sử dụng, công trình này chưa hề được nạo vét lần nào, vì thế, đất đá đã bồi lắng ở phía thượng du của hồ, tạo nên những cồn đất cao, làm ảnh hưởng đến việc chứa nước, vì thế, rất cần phải nạo vét bùn lắng để tăng dung tích lưu trữ nước.

Lòng hồ Nghi Công tại xã Nghi Công Bắc (Nghi Lộc) sau 70 năm xây dựng đã bị bồi lắng, hạn chế khả năng trữ nước, vì thế việc nạo vét là điều cần thiết. Ảnh: T.Đ
Lòng hồ Nghi Công tại xã Nghi Công Bắc (Nghi Lộc) sau 70 năm xây dựng đã bị bồi lắng, hạn chế khả năng trữ nước, vì thế việc nạo vét là điều cần thiết. Ảnh: T.Đ

Trước tình trạng hồ Nghi Công bị bồi lắng, năm 2018 đơn vị quản lý đã đề xuất chủ trương được nạo vét lòng hồ và cho phép tận thu khoáng sản. Theo dự án đã được phê duyệt, khối lượng đất, đá nạo vét là 467.995m3 trên diện tích là 50,6726 ha, thực hiện trong 10 năm, thi công từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm. Công ty TNHH Xây dựng và San lấp mặt bằng Thành Đạt (có trụ sở tại thành phố Vinh), là đơn vị trúng thầu nạo vét và tận thu khoáng sản tại lòng hồ này. Theo hợp đồng được ký kết, trong 3 năm đầu, đơn vị thi công được phép nạo vét 140.399 m3, và 7 năm sau nạo vét 327.596 m3. Kể từ năm 2019, phía nhà thầu đã nộp 1 lần cho quyền khai thác trong 3 năm với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Nhâm – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và San lấp mặt bằng Thành Đạt thì vị trí nạo vét cách thân đập của công trình 150m nên không làm ảnh hưởng đến thân đập hay sự an toàn của hồ chứa. Phía đơn vị thi công cũng đã đắp bờ bao và khoanh vùng tại các khu vực khai thác để không làm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới của hồ. Khu vực nạo vét gồm 4 vùng với khối lượng được nạo vét khác nhau và độ sâu khai thác nông nhất là 0,5m và sâu nhất là 2,6m. Hiện tại, thời hạn 3 năm cấp quyền khai thác đã hết, phía đơn vị này đang tiếp tục làm thủ tục để gia hạn và tiếp tục thi công trong năm sau.

Thiết bị phục vụ cho nạo vét đang phải nằm im tại hồ Nghi Công. Ảnh: Tiến Đông
Thiết bị phục vụ cho nạo vét đang phải nằm im tại hồ Nghi Công. Ảnh: Tiến Đông

Trên địa bàn huyện Nghi Lộc, ngoài hồ Nghi Công, còn có hồ Khe Gỗ tại xã Nghi Lâm cũng đang được tiến hành nạo vét. Hồ chứa này có dung tích 5,4 triệu m3 nước. Đây là hồ chứa có dung tích lớn nhất của huyện Nghi Lộc, do Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An quản lý. Từ năm 2019, việc nạo vét hồ chứa này được giao cho Công ty TNHH Tuấn Trường Phát (có trụ sở tại TP.Vinh) thực hiện. Thời gian nạo vét từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm, số tiền cấp quyền nạo vét, tận thu khoáng sản cho 3 năm là 500 triệu đồng.

Ông Ngô Trí Vinh – Trưởng hồ Khe Gỗ cho biết: Hồ Khe Gỗ được xây dựng từ thời chiến tranh, khoảng sau năm 1950, sau một thời gian dài sử dụng, lòng hồ đã bị bồi lắng một lớp dày. Vào mùa khô hạn lòng hồ cạn trơ đáy, nhiều mảng đất nứt nẻ lộ ra. Nếu không có giải pháp nạo vét thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tưới trong năm của hồ. Thực tế trong mấy năm gần đây, năm nào vào mùa khô hạn, đơn vị quản lý cũng phải huy động máy bơm chạy dầu để vào hút nước tưới cho diện tích lúa trên địa bàn, bởi do nước cạn, không thể tự chảy qua cống điều tiết.

Máy móc được tập kết để nạo vét hồ Khe Gỗ, tại xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). Ảnh: Tiến Đông
Máy móc được tập kết để nạo vét hồ Khe Gỗ, tại xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). Ảnh: Tiến Đông

Toàn huyện Nghi Lộc có 44 công trình hồ, trong đó có 8 công trình do Công ty TNHH Thủy lợi Nam Nghệ An quản lý, số còn lại là do huyện và xã quản lý. Việc tiến hành nạo vét và cho phép các doanh nghiệp được tận thu khoáng sản trong các lòng hồ được xem là một cách làm phù hợp trong bối cảnh nhu cầu đất đắp phục vụ cho một số dự án xây dựng khu công nghiệp trên địa bàn tăng cao, hay nhu cầu đất bùn phục vụ cho các nhà máy gạch. Điều này vừa giúp cải tạo, tăng dung tích các hồ chứa mà Nhà nước không phải bỏ tiền ra đầu tư, nhưng đồng thời lại thu được tiền cho ngân sách khi cấp quyền khai thác, tận thu cho các doanh nghiệp.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa nước, trong đó, có 55 hồ, đập lớn; 220 hồ đập vừa và 786 hồ đập nhỏ. Hiện tại, đã có gần 400 hồ được nâng cấp, sửa chữa, còn trên 700 hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp, vì thế năng lực chứa nước nhằm phục vụ tưới tiêu và phòng chống lũ đã bị suy giảm nghiêm trọng. Bởi hệ thống hồ chứa nước không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn đóng vai trò quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài trong việc đảm bảo tưới, tiêu, cắt lũ vùng hạ du…

Biểu đồ: Số lượng hồ, đập chứa nước ở tỉnh Nghệ An. Đồ họa: Thục Linh
Biểu đồ: Số lượng hồ, đập chứa nước ở tỉnh Nghệ An. Đồ họa: Thục Linh

Tại Yên Thành, đây là địa phương có số lượng hồ, đập lớn của cả tỉnh với 252 hồ, đập lớn nhỏ. Trong đó có 7 hồ lớn thuộc sự quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An; có 116 hồ, đập nằm trong danh mục của tỉnh quản lý, còn lại là do địa phương quản lý. Hiện nay, nhu cầu nạo vét hồ, đập ở Yên Thành là rất lớn, nhưng dù vậy những năm gần đây cũng chỉ mới có 2 hồ được nạo vét, còn lại là đang trong diện chờ phê duyệt.

Ông Lê Văn Hồng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho rằng: việc nạo vét hồ, đập và cho phép tận thu khoáng sản là điều cần thiết trong bối cảnh Nhà nước chưa có đủ kinh phí để triển khai nạo vét hàng năm. Trong khi đó, các hồ, đập hầu hết được xây dựng từ lâu, đã bị bồi lắng rất nhiều. Nếu cho phép xã hội hóa việc nạo vét thì sẽ được lợi nhiều thứ, trong đó doanh nghiệp có nguyên liệu, Nhà nước thì thu được thuế, đồng thời tăng được dung tích hồ chứa và cả chống được nạn “đất tặc” hoành hành nhiều năm nay.

Một hồ chứa tại huyện Yên Thành cạn trơ đáy. Ảnh: Tiến Đông
Một hồ chứa tại huyện Yên Thành cạn trơ đáy. Ảnh: Tiến Đông

Tại huyện Đô Lương, hiện nay trên địa bàn toàn huyện đang có 112 hồ, đập lớn nhỏ, trong đó có 4 hồ lớn do Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An quản lý, số còn lại là do địa phương quản lý, khai thác. Do các công trình đều đã được xây dựng từ lâu, trong đó có những hồ bị xuống cấp, hư hỏng, trong khi nguồn kinh phí nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng chủ yếu trông chờ vào nguồn thủy lợi phí hàng năm. Đang có 3 công trình nạo vét, tận thu khoáng sản là: đập Chọ Ràn (Đại Sơn); đập Khe Su – Vĩnh An (Mỹ Sơn); đập Long Thái (Thái Sơn).

Tại đập Chọ Ràn, xã Đại Sơn, đây là công trình chứa nước được xây dựng từ năm 1987, cải tạo nâng cấp năm 2005. Đập này có diện tích lưu vực 1,1km2, dung tích 0,72 triệu m3 nước, diện tích lòng hồ là 31,2ha. Đập Chọ Ràn đã khai thác nhiều năm và chưa từng được nạo vét nên lòng hồ bị bồi lắng khá nhiều, không đảm bảo trữ lượng nước tưới phục vụ cho diện tích trên địa bàn. Vì thế vào năm 2020, UBND xã Đại Sơn đã có tờ trình xin chủ trương tiến hành cải tạo, nạo vét lòng hồ và cho phép tận thu khoáng sản (chủ yếu là bùn, đất), tại con đập này. Sau khi được các cấp chức năng cho phép, ngày 24/3/2022, UBND xã Đại Sơn đã có Quyết định số 57, chủ trương tư vấn, lập thiết kế phương án nạo vét, tận thu bùn, đất bồi lắng tại lòng hồ Chọ Ràn với khối lượng 268.012m3 với thời gian nạo vét là 5 năm, độ sâu nạo vét bình quân từ 1 – 1,5m. Hiện tại, công trình này đang được tiến hành thi công với lượng bùn, đất được nạo vét khá lớn.

Đập Chọ Ràn tại xã Đại Sơn (Đô Lương) hiện đang được tiến hành nạo vét. Ảnh: Tiến Đông
Đập Chọ Ràn tại xã Đại Sơn (Đô Lương) hiện đang được tiến hành nạo vét. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Cảnh Lâm – Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết: Đập Chọ Ràn sau hơn 30 năm khai thác đã bị bồi lắng nhiều, không đảm bảo việc tích nước để phục vụ tưới cho đất nông nghiệp. Chính vì thế, địa phương đã làm tờ trình xin chủ trương được nạo vét, cải tạo trên cơ sở nguồn vốn xã hội hóa. Quá trình thực hiện không sử dụng kinh phí Nhà nước, chỉ sử dụng kinh phí từ nguồn tận thu bùn, đất trong khi nạo vét. Ngoài đập Chọ Ràn thì tại xã Đại Sơn có hồ Bàu Sen cũng nằm trong danh sách đủ điều kiện nạo vét, tận thu khoáng sản.

Ông Trần Văn Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương chia sẻ: Trên địa bàn huyện hiện có 112 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có nhiều hồ đập xuống cấp, khả năng tích trữ nước hạn chế do bị bồi lắng, mỗi năm huyện cũng đã phải bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để nạo vét, cải tạo, tuy nhiên chừng đó là không xuể. Chính vì thế, việc huy động xã hội hóa, cho phép các doanh nghiệp tiến hành nạo vét, đồng thời tận thu khoáng sản là điều phù hợp, chính vì thế, rất cần một chủ trương chung, phù hợp để thực hiện. Tránh việc mỗi địa phương mỗi cách làm, hay tự tuỳ ý thực hiện mà không thông qua các cơ quan quản lý, gây thất thoát nguồn tài nguyên.

Hồ Vực Mấu là hồ chứa nước lớn ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đã lâu rồi chưa được nạo vét. Ảnh: Long Hồ
Hồ Vực Mấu là hồ chứa nước lớn ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đã lâu rồi chưa được nạo vét. Ảnh: Long Hồ