Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội

Năm 2023, cùng với cả nước, tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng; bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trong tỉnh, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở các địa phương.

Trước tình hình đó, được sự quan tâm của Trung ương; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự đồng hành, giám sát của HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh; cùng với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp,… tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có 25/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại Công ty cổ phần may Minh Anh - Kim Liên; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thăm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Nghĩa Thuận. Ảnh: Duy - Bằng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại Công ty cổ phần may Minh Anh - Kim Liên; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thăm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Nghĩa Thuận. Ảnh: Duy - Bằng

Xác định năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025), UBND tỉnh đã bám sát và triển khai quyết liệt các nội dung chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 18/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý và cả năm; thành lập 5 tổ công tác do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đốc thúc các ngành, lĩnh vực và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Kinh tế của tỉnh duy trì đà tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,14% (đứng thứ 26 cả nước và thứ 3 của vùng Bắc Trung Bộ). Thu ngân sách của tỉnh vượt dự toán HĐND tỉnh giao, ước đạt trên 20.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,11 tỷ USD, năm thứ 3 liên tiếp vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Lĩnh vực nông nghiệp cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Dự kiến năm 2023, tổng vốn đầu tư công ước giải ngân đạt 95,11% kế hoạch, trong đó, nguồn đầu tư công tập trung ước đạt 95,42%.

Khu công nghiệp WHA1, Khu công nghiệp Hoàng Mai và Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Thành Cường
Khu công nghiệp WHA1, Khu công nghiệp Hoàng Mai và Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Thành Cường

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Nghệ An là kết quả thu hút đầu tư. Tính đến ngày 22/12/2023, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh là 57.891 tỷ đồng; trong đó cấp mới 47.763 tỷ đồng, gấp 1,62 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, thu hút FDI tính năm 2023 thành công rực rỡ, tính đến nay vốn FDI đăng ký đạt trên 1,6 tỷ USD, đứng thứ 8/63 tỉnh thành; trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn. Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, mà tỉnh gọi là “5 sẵn sàng”: Quy hoạch, mặt bằng đầu tư, hạ tầng thiết yếu, nguồn nhân lực và đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, coi vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư là của tỉnh để tập trung tháo gỡ, giải quyết.

Tỉnh Nghệ An và Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo kết nối đầu tư. Ảnh: Phạm Bằng
Tỉnh Nghệ An và Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo kết nối đầu tư. Ảnh: Phạm Bằng
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chào hỏi Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunny; Dây chuyền sản xuất Nhà máy Luxshare ICT Nghệ An tại Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Bằng - Duy
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chào hỏi Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunny; Dây chuyền sản xuất Nhà máy Luxshare ICT Nghệ An tại Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Bằng - Duy

Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn, rất quan trọng, như: Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 (là cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để tiếp tục tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới); Sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Phối hợp với các cơ quan Trung ương trình Quốc hội đồng ý bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An, xử lý dứt điểm kiến nghị của các công dân kéo dài trong nhiều năm.

Người dân xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn vui mừng đón đoàn công tác của tỉnh đến trao nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Ảnh: Thành Duy
Người dân xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn vui mừng đón đoàn công tác của tỉnh đến trao nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Ảnh: Thành Duy

Công tác an sinh xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nổi bật là tỉnh đã triển khai vận động được 148 tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở với 12.568 căn với tổng kinh phí gần 640 tỷ đồng; hiện tỉnh đã xây dựng, sửa chữa được 7.245 nhà/kế hoạch 5.500 nhà của năm 2023, đạt 132% kế hoạch.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nên công tác cải cách hành chính tiếp tục có những chuyển biến rõ nét. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng “Một cửa tại chỗ”, “Một đầu mối”; tập trung chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý, giải quyết công việc. Các chỉ số PCI, PAPI, PAS INDEX, SIPAS có chuyển biến tích cực, lần đầu tiên tỉnh tổ chức đánh giá và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp, sở, ngành và địa phương (DDCI).

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh do đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban họp phiên thứ II. Ảnh: Thành Duy
Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh do đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban họp phiên thứ II. Ảnh: Thành Duy

Lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm và có nhiều tiến bộ; tiếp tục giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong tốp đầu cả nước; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu. Các hoạt động kết nối cung – cầu lao động được tăng cường; năm 2023, toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho trên 45.500 người, tăng 1,1% so với năm 2022. Tình hình quốc phòng, an ninh được đảm bảo, cơ bản ổn định. Công tác đối ngoại đạt được kết quả tích cực, đặc biệt, các hoạt động ngoại giao Nhà nước rất sôi động, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tiếp tục tập trung khắc phục, như: Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP chưa đạt được mục tiêu đề ra, tạo áp lực lớn cho việc hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công một số chương trình, dự án còn chậm. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc triển khai thực hiện 2 dự án hạ tầng giao thông chiến lược là Cảng nước sâu Cửa Lò và Cảng Hàng không quốc tế Vinh chưa đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Tàu vào nhận hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thành Cường
Tàu vào nhận hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thành Cường

Tỉnh xác định năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, dự báo nền kinh tế có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức mới. Từ phân tích kỹ lưỡng các khó khăn, thuận lợi, UBND tỉnh cân nhắc các điều kiện và tính toán mục tiêu tăng trưởng GRDP của năm 2024 từ 9-10%; thu ngân sách 15.903 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người 62-63 triệu đồng… Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, UBND tỉnh đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương.

Đặc biệt, tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là: Tiếp tục phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng các cấp, trong đó có mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó, hoàn thành việc xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này trước tháng 6/2024; Tập trung triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh, có lựa chọn ưu tiên. Hoàn thành Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025, Đề án mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu Kinh tế Nghệ An.

Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh. Đồ họa: H.Q
Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh. Đồ họa: H.Q

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm, trong đó, có 2 dự án hạ tầng giao thông chiến lược là Cảng nước sâu Cửa Lò và Cảng Hàng không quốc tế Vinh. Thực hiện mức cao nhất giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia; tăng cường quản lý hiệu quả thu – chi ngân sách. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, coi vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là của tỉnh để tháo gỡ, giải quyết.

Người dân thực hiện giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Nguyên Nguyên
Người dân thực hiện giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Nguyên Nguyên

Mặt khác, tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, nhất là các địa phương tiểu vùng Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, khơi thông các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Với dự báo năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, song tin tưởng rằng, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, với niềm tin, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ, đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành rút ngắn khoảng cách từ thành phố Hà Nội đến Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành rút ngắn khoảng cách từ thành phố Hà Nội đến Nghệ An. Ảnh: Thành Cường