Một thập niên bỏ nội trú trong trường THPT huyện vùng cao – Bài 4: Chính sách phải gắn thực tiễn

Bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn trao đổi với PV Báo Nghệ An.

“Khi Trường THPT Kỳ Sơn chưa được Tập đoàn Trung Nam tài trợ xây dựng trường, việc quản lý học sinh trọ học gặp rất nhiều khó khăn, đã có những hệ lụy. Ở huyện Kỳ Sơn, lo lắng nhất về tình trạng các em tự do sinh hoạt, yêu đương, nhiều trường hợp lấy vợ, lấy chồng sớm, tăng tỷ lệ tảo hôn; bên cạnh đó, chất lượng giáo dục còn thấp. Khi Trường THPT Kỳ Sơn có cơ sở vật chất tốt, một phần học sinh được vào ký túc xá có sự quản lý, chăm sóc của nhà trường thì đã có sự thay đổi rõ rệt. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, nếu huyện Kỳ Sơn triển khai mô hình trường học nội trú, hoặc bán trú kiểu mới thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ tiếp tục được nâng cao, đảm bảo cho các em không bị thua thiệt.

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Sơn rất trăn trở. Chính vì vậy, khi trường chưa có cơ sở vật chất đảm bảo thì tìm cách vận động, kêu gọi bằng được. Khi có cơ sở vật chất rồi thì lại nghĩ cách làm sao để đưa được các em vào ở nội trú; nghĩ làm sao để các em được đảm bảo chuyện ăn, ở, sinh hoạt. Tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT xây dựng đề án mô hình trường bán trú kiểu mới, nhưng mô hình này hiện đang do huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường THPT Kỳ Sơn và phụ huynh thử nghiệm, chứ thực sự chưa áp dụng. Chính vì vậy, những hoạt động của Trường THPT Kỳ Sơn hiện nay dù đã có những kết quả tích cực, nhưng đang mang tính chất hỗ trợ, chưa thể đảm bảo tính bền vững lâu dài. Hiện nay, các thầy, cô cáng đáng tất cả mọi công việc quản lý học sinh nội trú, nhưng lại không được thụ hưởng bất kỳ một chính sách gì, tất cả đang hoàn toàn tự nguyện vì các em. Kinh phí thử nghiệm mô hình bán trú kiểu mới đang sử dụng từ nguồn hỗ trợ của các em theo Nghị định 116/NĐ-CP, nhà trường ngoài việc quản lý, chăm sóc các em thì còn đang phải bù thêm các khoản kinh phí điện, nước…

Giờ lao động của các em học sinh Trường THPT Kỳ Sơn.
Giờ lao động của các em học sinh Trường THPT Kỳ Sơn.

Trong khi đó, huyện không có nguồn lực để hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cấp trên xây dựng được các chính sách đảm bảo lâu dài, từ chế độ hỗ trợ cho những thầy, cô làm công tác quản sinh, chế độ của người nấu ăn, phục vụ y tế, kinh phí chi trả điện, nước… Tại một số diễn đàn, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện cũng đã đề xuất về vấn đề này”.

Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương trao đổi với PV Báo Nghệ An.

Về vấn đề bán trú, nội trú trong trường THPT ở vùng miền núi là rất cần thiết, bởi điều kiện đi lại rất xa xôi, cách trở, trong khi kinh tế gia đình các em học sinh lại rất khó khăn. Được sống, học tập trong môi trường nội trú các em sẽ an toàn, hạn chế tối đa về vấn đề tệ nạn xã hội. Các em sẽ có sự dìu dắt, chăm sóc, quản lý sát sao hơn của nhà trường, qua đó, sẽ đảm bảo được kỷ cương, kỷ luật, chất lượng học tập, rèn luyện của các em chắc chắn sẽ tốt hơn. Vì vậy, quan điểm của huyện là rất mong muốn khôi phục lại việc học nội trú cho học sinh.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề bán trú, nội trú trong trường THPT các huyện miền núi lại chưa có chính sách, chưa có căn cứ pháp lý. Đây là vấn đề khó, nhất là trong giai đoạn hiện nay, chính vì vậy, dù có trách nhiệm, nhiệt huyết nhưng không thể làm được. Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương cũng không thể xác định đây là nhiệm vụ để giao cho các cấp, các ngành tổ chức thực hiện.

Tôi nói ra như vậy là để chúng ta cần xem xét giải quyết vấn đề này. Nói về giáo dục, hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới toàn diện giáo dục; và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Nhưng phải nói thẳng, nói thật là hiện nay chúng ta chưa đảm bảo sự đồng bộ để thực hiện. Đặc biệt, khi ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện thì chưa được đầu tư một cách đồng bộ, ví dụ như cơ sở vật chất chưa đảm bảo theo yêu cầu để dạy và học theo chương trình này. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho con em đồng bào cũng còn nhiều bất cập.

Không gian bên trong thường thấy của một phòng trọ ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương).
Không gian bên trong thường thấy của một phòng trọ ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương).

Như quy định cự ly từ nhà đến trường. Hãy hình dung học sinh ở cùng thôn, bản, cùng học một điểm trường đó, cùng đi con đường đó, độ dốc đó, qua dòng khe, dòng suối đó, thậm chí anh ở lại trường thì tôi cũng ở lại trường để cùng học một lớp đó, học một cô giáo đó, nhưng vì nhà tôi chỉ cách nhà anh có 0,5m thôi nên anh có chế độ còn tôi thì phải tự túc. Rõ ràng quy định như vậy là không phù hợp. Cần phải quy định là trung tâm thôn, bản cách trường học với cự ly như thế nào, để toàn thể học sinh của cộng đồng được hưởng chung một chế độ.

Hay như việc quy định điều kiện vùng 1, vùng 2, vùng 3 theo phân loại xã, cũng là một bất cập. Mục tiêu của nhân dân phấn đấu đạt mục tiêu nông thôn mới là tích cực. Nhưng để cho nhân dân có nguồn lực thoát nghèo bền vững, tiếp tục xây dựng bản, làng với các tiêu chí cao hơn thì việc cắt đi chính sách sẽ làm suy giảm động lực, nguồn lực, cùng với đó là các em bị mất các ưu tiên hỗ trợ về việc học.

Một tiết học của các em học sinh Trường THPT Quỳ Châu.
Một tiết học của các em học sinh Trường THPT Quỳ Châu.

Vấn đề vùng, miền theo tôi cũng không nên phân biệt. Cùng sống ở một khu vực mà môi trường, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt thì ai cũng phải chịu sự khắc nghiệt đó, nhưng quy định thì lại chỉ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách hỗ trợ. Vấn đề này khi áp dụng đối với trẻ em sẽ không công bằng, khiến suy giảm động lực và thấy bị phân biệt, đối xử. Đã sống trong một môi trường đặc thù như nhau thì phải được hưởng như nhau…”.

“Thế hệ trẻ là nguồn nhân lực cho tương lai, vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong rất quan tâm đến công tác giáo dục, xác định đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đối với Trường THPT Quế Phong, về chuyên môn là do Sở GD&ĐT quản lý, vì vậy, huyện xác định phải có trách nhiệm đến tất cả mọi vấn đề liên quan.

Tôi cũng có một thời gian công tác trong ngành Giáo dục, cũng từng làm việc ở trường nội trú để thấy được những ưu việt của trường nội trú. Cho nên, khi đánh giá thực trạng, thấy rằng, sau khi trường không còn chế độ nội trú thì học sinh không còn nơi ăn, chốn ở đủ điều kiện; trong quản lý hướng dẫn dìu dắt các em gặp nhiều khó khăn. Huyện Quế Phong cũng như một số huyện miền núi của tỉnh như Kỳ Sơn, Quỳ Châu, chỉ có duy nhất một trường THPT. Số lượng các em học sinh từ vùng sâu, vùng xa của huyện ra thị trấn học rất lớn. Các em phải xa gia đình, điều kiện đi lại rất khó khăn, bước đầu ra vùng trung tâm thì còn nhiều bỡ ngỡ, dễ bị tác động, lôi kéo bởi các môi trường khác. Vì vậy, tình trạng các em vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Như việc các em ở xa phải thuê nhà trọ được gia đình cho sử dụng xe máy đã vi phạm trong quá trình tham gia giao thông; hay như trước đây cũng có em sa vào tệ nạn ma túy… Nhìn chung hệ lụy từ việc các em học sinh phải thuê ở trọ là rất lớn. Đây là thực trạng chung ở các huyện miền núi, không riêng gì huyện Quế Phong.

Những nam học sinh trọ học tại khối 4, thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu).
Những nam học sinh trọ học tại khối 4, thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu).

Xuất phát từ thực trạng đó, trong những lần được làm việc với cấp trên, nhất là lần đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lên huyện Quế Phong làm việc, thì huyện đã báo cáo rất rõ. Huyện cũng đã xin chủ trương, thứ nhất, là việc đầu tư hỗ trợ cho các em học sinh có nơi ăn, ở bán trú; thứ hai, là đề xuất với ngành Giáo dục cho trường THPT Quế Phong được thí điểm mô hình bán trú kiểu mới. Những đề nghị của huyện Quế Phong được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất, được ngành Giáo dục và Đào tạo đồng tình. Nhờ đó, đã có sự quan tâm của tỉnh, cho đến nay, các quy trình, thủ tục đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào đầu tư xây dựng khu ở bán trú. Bên cạnh đó, huyện cũng đang nỗ lực kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hưởng ứng cùng chung tay giúp nhà trường nâng cấp cơ sở vật chất một cách toàn diện…”.

Khuôn viên Trường THPT Quế Phong.
Khuôn viên Trường THPT Quế Phong.