Một thập niên bỏ nội trú trong trường THPT huyện vùng cao – Bài 1: Mảng tối ngoài tường rào trường học

Quanh tường rào Trường THPT Tương Dương 1 (thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương) lúp xúp nhiều dãy nhà trọ, quán hàng ăn uống dịch vụ của người dân. Không quá khó hiểu, bởi có cung ắt có cầu. Ở ngôi trường này, hàng năm luôn có từ 600 – 700 học sinh cần nhà ở trọ để theo đuổi sự học. Trường không còn thực hiện chính sách nội trú, người dân dựng nhà trọ cho các em thuê là quá tốt. Tuy nhiên, vào nhiều nhà trọ, đập vào mắt cái gọi là nhà thì không hẳn là nhà. Hầu hết là những gian phòng nhỏ hẹp được xây dựng tạm bợ, hoặc được lắp ghép bằng các loại vật liệu rẻ tiền; các khu vệ sinh thì chung, rất bẩn thỉu.

Một nhà trọ cho học sinh thuê ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương).
Một nhà trọ cho học sinh thuê ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương).

Sáng 14/9/2023, chúng tôi ghé vào một số dãy nhà trọ như vậy. Vào lúc 9h, khi các em học sinh đang học tập tại trường, nhưng nhiều gian phòng không khóa, chỉ khép hờ, hoặc thậm chí mở tung, trống hoác. Trong mỗi phòng là vài chiếc giường, một tấm phản ghép, thậm chí dăm manh chiếu trải trên nền bê tông xộc xệch với chăn màn cáu bẩn, bừa bộn, thêm vài sợi dây thép chằng chéo ngang dọc để treo mắc vài bộ quần áo nát nhàu, cũ kỹ. Cũng trong những căn phòng trọ ấy, hình dung được những đứa trẻ ở đây không tự nấu ăn, và cũng đang rất thiếu thốn sách vở, đồ dùng học tập.

Dãy nhà trọ xung quanh Trường THPT Tương Dương 1 (thị trấn Thạch Giám, Tương Dương).

Tại một dãy phòng trọ chỉ cách tường rào trường học dăm chục mét, vương vãi nhiều vỏ bao mỳ tôm, thuốc lá…, chúng tôi phát hiện có nhóm học sinh trốn học gồm 4 đứa trẻ đen đúa, tóc tai bờm xờm. Thấy người lớn, có cả thầy giáo ghé vào, chúng bật dậy khỏi giường vội vã mặc quần áo rồi trố những cặp mắt mệt mỏi, ngái ngủ nhìn trân trối, lo sợ. “Các em học lớp mấy? Giáo viên nào chủ nhiệm? Tại sao đến giờ này không lên lớp học?…” – một giáo viên đi cùng hỏi. Cả 4 đứa trẻ lặng lẽ một lúc, rồi đứa lớn nhất tên là Xeo Hải Đăng lý nhí đáp: “Học lớp 10… Ngủ dậy thì đã 7 giờ rưỡi nên không đến lớp…”. Rồi cả 4 đứa trẻ lẳng lặng kéo nhau ra khỏi phòng.

Níu cậu học sinh có vóc người chỉ bằng trẻ miền xuôi học lớp 3 tên là Cụt Minh Tý gặng hỏi thêm, Tý cho biết, cả 4 em đều ở bản Côi, xã Lượng Minh. Đêm qua vì xem phim, chơi game khuya nên ngủ quên. Chỉ vào tàn thuốc lá vương vãi khắp nền nhà, hỏi: Còn bé thế, sao các cháu hút thuốc lá? Cụt Minh Tý đáp: “Là mấy thằng nớ hút, không phải cháu…”.

Chờ Cụt Minh Tý ra khỏi phòng trọ, những giáo viên cùng đi lắc đầu buồn bã cho biết, đây là tình trạng khá phổ biến của học trò vùng sâu, vùng xa phải thuê nhà trọ học. Phụ huynh của các em hầu hết đi làm “công ty” kiếm sống, nhà chỉ có ông bà nên khi ở trọ thì gần như mất hẳn sự quan tâm của gia đình. “Bố mẹ các em chỉ thuê nhà, hàng tháng thì gửi cho dăm trăm nghìn đồng để trả tiền trọ, chi phí ăn uống, còn lại hoàn toàn phó mặc. Vì vậy, giáo viên nhà trường vẫn thường phải “đi tìm” học sinh ở những giờ học đầu ngày. Thằng bé vừa rồi răng vàng khè, môi thâm sì chứng tỏ cũng hút thuốc đấy. Nhà trọ có chủ ở cùng thì còn đỡ. Chứ như nhà này chủ trọ không sống cùng, bọn trẻ tự quản lý, thích làm gì thì làm. Chúng hút thuốc, chơi game thâu đêm suốt sáng, có những đứa còn tụ tập uống rượu…” – một giáo viên nói.

Ngược lên thị trấn Mường Xén của huyện biên giới Kỳ Sơn chúng tôi đến ngôi trường THPT duy nhất nằm bên dòng Nậm Mộ. Trường đã có một cơ ngơi rất đẹp cùng khu nội trú 126 phòng, năm học 2023 – 2024 này đón 728 học sinh vào ở. Nhưng vẫn có một số lượng học sinh tương đương đang thuê ở trong các khu nhà trọ do người dân xây dựng bên ngoài tường rào trường.

Các em học sinh Trường THPT Kỳ Sơn chơi bóng chuyền.
Các em học sinh Trường THPT Kỳ Sơn chơi bóng chuyền.

Và các dãy trọ, cảnh sống của học sinh THPT huyện biên giới Kỳ Sơn cũng tạm bợ tương tự huyện Tương Dương. Với giá 200 nghìn đồng/tháng/học sinh, một phòng trọ chật chội nhỏ hẹp, thiếu thốn vật dụng có từ khoảng 2 – 4 em. Em Hoa Thị Lan Anh là học sinh lớp 10 cùng bạn đang ở tại phòng trọ như vậy của một gia đình giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn. Hoa Thị Lan Anh cùng bạn đều ở bản Huồi Phong, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn. Hỏi chuyện, được biết mỗi tháng trả tiền thuê nhà hết 300 nghìn đồng/em. Ăn uống thì tự nấu. Bạn nào về trước thì nấu, hôm nào cả hai cùng học 5 tiết thì đến 1h chiều mới được ăn cơm trưa. Xem bếp nấu đặt trong phòng, cảnh khổ của học sinh đến từ vùng sâu lồ lộ. Trên chiếc bàn đặt bếp nấu, chỉ có ít cây rau cải héo, vài quả ớt, bột canh… Hỏi tại sao cháu không vào ở nội trú? Cháu có muốn ở nội trú không? Hoa Thị Lan Anh lý nhí trả lời: “Vì cháu không quen ai ở trong trường cả. Có lẽ năm sau mới xin vào ở…”.

Đối diện Trường THPT Kỳ Sơn có hẳn một xóm nhà trọ mà khách ở trọ hầu hết là học sinh vùng sâu, vùng xa và giáo viên các xã biên giới. Cô N. T. D là giáo viên ở xã biên giới Nậm Cắn nói rằng, tình hình chung của “xóm trọ” khá phức tạp. “Nhìn chung học sinh vùng sâu, vùng xa về đây trọ học khó khăn mọi bề. Những học sinh nữ thì còn có ý thức, chứ học sinh nam rất phức tạp. Đêm nào cũng tụ tập rượu chè thâu đêm suốt sáng, ồn ào mất trật tự, chẳng chịu học hành. Là giáo viên, tôi rất mong các em được vào trường ở nội trú để có sự quản lý của thầy cô, được kèm cặp học tập và đảm bảo an ninh trật tự…”.

Phòng trọ của em Hoa Thị Lan Anh (học lớp 10 Trường THPT Kỳ Sơn) ở cùng bạn.

Ở hai huyện miền núi cao Quỳ Châu, Quế Phong hiện có khoảng 2.000 học sinh từ vùng sâu, vùng xa rời nhà ra thị trấn ở trọ để theo học THPT. Chúng tôi không khỏi day dứt với hình ảnh những học sinh dỡ ngói, thoát từ nóc nhà tránh lũ, những hình ảnh này tràn ngập trên báo chí, mạng xã hội ngày 27/9, khi huyện Quỳ Châu chịu cơn lũ lụt lịch sử. Day dứt đến ám ảnh, bởi biết những học sinh này sống trong một khu trọ ở thị trấn Tân Lạc, nơi trước đó, lúc 19h ngày 21/9, chúng tôi đã ghé thăm. Đó là khu trọ có 10 phòng của bà Nguyễn Thị Vinh (79 tuổi) ở tổ 2, khối 4, thị trấn Tân Lạc.

Về dãy phòng trọ của bà Vinh, chung sân với nơi ở của gia đình, cũng tuềnh toàng, cũ kỹ nhưng điểm ưu là khá sạch sẽ và chủ nhà rất có trách nhiệm với học sinh ở trọ.

Dãy nhà trọ của bà Nguyễn Thị Vinh ở khối 4, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu.

Nguyên là cán bộ Bệnh viện Quỳ Châu, bà Vinh tự hào rằng đã 35 năm làm phòng trọ cho thuê, là khu trọ đầu tiên của Trường THPT Quỳ Châu ở thị trấn Tân Lạc. Về giá phòng, theo thời gian tăng từ 5.000, 10.000, 15.000 đến 20.000 đồng/phòng, và nay theo giá thị trường. Bà nói: “Học sinh đang ở trọ hiện tại cũng chính là con cái của những người từng ở trọ tại đây. Ta lấy đồng tiền rồi nhưng cũng thương cha mẹ hắn nên phải quản lý, từ vệ sinh đến đi lại. Ở đây muộn nhất là 20h30’ sẽ đóng cổng. Quy định được giao ước ngay từ đầu, khi các cháu cùng cha mẹ đến thuê trọ. Thứ nhất về an ninh trật tự, thứ hai không đi đêm về khuya, thứ ba là không gái trai, thứ tư là phải đảm bảo vệ sinh chung. Nếu chấp hành thì ở, nếu không chấp hành thì rút ngay từ đầu…” – bà Vinh nói.

Nhưng chủ nhà trọ có trách nhiệm như bà Nguyễn Thị Vinh, nói như Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu, thì “hiếm như sao buổi sáng”. Thực tế một số dãy trọ gần nhà bà Vinh được xây dựng biệt lập, lối vào không có cánh cổng.

Tại một dãy trọ gần khu nhà của bà Vinh, thời điểm chúng tôi đến, các em bắt đầu vào bếp chuẩn bị cho bữa ăn tối. Bữa cơm của Vang Tuấn Khanh, học sinh lớp 12 Trường THPT Quỳ Châu là ít bắp cải luộc và chút nước mắm. Với “thâm niên” ở trọ 3 năm, Khanh cho biết, em ở xã Châu Hoàn, cách trường 45km. Bố mẹ làm nông nghiệp, dưới Khanh còn có 1 em đang học lớp 6. Khanh ở cùng 1 bạn khác, cả hai tự phân công nhau bếp núc hàng ngày.

Sát kề với phòng của Khanh, là phòng của Lô Nghĩa Hậu, cũng ở xã Châu Hoàn. Hậu vừa thái hành tây vừa lau mắt. Hành tây được Hậu xào cùng 2 quả trứng vịt. Hậu cho biết, trứng có giá 3.500 đồng/quả. “Mỗi tuần bố mẹ cho từ 250-300 nghìn đồng. Cứ ngày mùng 10 hàng tháng là trả tiền thuê nhà cho chủ trọ. Ngày nào cũng thế, bọn cháu đi học về là phân công nhau cắm cơm, làm rau. Ăn ở ngoài không đủ tiền mà lại đói nhanh…”. Rồi Hậu với tay lấy khăn lau hai mắt, cười hiền lành: “Con trai chỉ khóc khi cắt hành chú hầy…”.

Các em Lô Nghĩa Hậu và Vang Tuấn Khanh (học sinh lớp 12 Trường THPT Quỳ Châu) nấu bữa tối tại phòng trọ; Em Vi Thị Luyến (học sinh lớp 12 Trường THPT Quỳ Châu) cho biết, nếu trường có KTX thì các em sẽ chuyên tâm vào việc học.
Các em Lô Nghĩa Hậu và Vang Tuấn Khanh (học sinh lớp 12 Trường THPT Quỳ Châu) nấu bữa tối tại phòng trọ; Em Vi Thị Luyến (học sinh lớp 12 Trường THPT Quỳ Châu) cho biết, nếu trường có KTX thì các em sẽ chuyên tâm vào việc học.

Cũng tại đây, có Vi Thị Luyến là học sinh lớp 12 vào trọ học. Nhà Luyến ở xã Châu Hoàn. Em kể, cứ sau bữa tối phải khóa trái cửa, tự nhốt mình trong phòng. Lý do vì vào đêm tối thường có tình trạng thanh niên đến quấy rầy. “Mới tối hôm trước cháu đang ở trong phòng tự nhiên có 2 nam thanh niên xông vào, làm cháu hết hồn. Cháu nghĩ nếu trường có khu ký túc xá thì không lo vấn đề an ninh trật tự, sẽ thuận lợi cho việc học tập hơn…” – Vi Thị Luyến nói.

Một giáo viên THCS có nhà gần với khu trọ em Vi Thị Luyến đang ở, xác nhận có tình trạng quấy rầy học sinh nữ. Giáo viên trao đổi: “Học sinh ở trọ có nhiều vấn đề đáng lo. Học sinh nữ thì bị nam thanh niên không rõ ở đâu đến chọc ghẹo, quấy phá, rủ rê. Học sinh nam thì tụ tập uống rượu, thức đêm chơi game không chịu học hành, có cháu còn bị đối tượng xấu lôi kéo sa vào tệ nạn xã hội.  Chính quyền, nhà trường, các lực lượng công an, dân quân… cũng phối hợp để quản lý nhưng không thể sát sao được”. Hỏi họ tên, thì giáo viên này từ chối, vì ngại gặp phiền hà với hàng xóm.

Các nữ học sinh trọ học ở thị trấn Tân Lạc trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An.
Các nữ học sinh trọ học ở thị trấn Tân Lạc trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An.

Quả thực là từng đã có những vụ việc không hay đến với học sinh Trường THPT Quỳ Châu. Cụ thể, trong năm học 2021 – 2022 trường có 4 học sinh vi phạm pháp luật khi sa vào tệ nạn ma túy. Sự việc đã được đưa ra xét xử năm 2022, trong đó, 3 học sinh phải chịu án từ 5 – 7 năm tù, một học sinh bị cải tạo không giam giữ với thời gian 10 tháng. Một số giáo viên Trường THPT Quỳ Châu khi được hỏi cho biết, cả 4 học sinh này đều từ vùng sâu, vùng xa ra thị trấn thuê nhà trọ học. Và các giáo viên cảm thán rằng: “Giả sử như các cháu được quản lý tốt, không phải tự lo cho bản thân sau thời gian học tập tại trường thì không đến nỗi rơi vào hoàn cảnh này. Các cháu đáng trách, nhưng cũng có phần đáng thương…”.

Trường THPT Quỳ Châu.
Trường THPT Quỳ Châu.