Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (sinh năm 1929, mất năm 1990) đã khẳng định sự nghiệp của mình qua những tác phẩm đi vào lịch sử dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh và kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Ông đã để lại hàng chục vở diễn với nhiều thể loại cho sân khấu chuyên nghiệp, hàng chục các vở kịch ngắn, hoạt ca, hoạt cảnh cho văn hóa quần chúng, là một trong những tác giả đặt nền móng cho nền Kịch hát dân ca Ví Giặm xứ Nghệ. Vở chèo “Cô gái sông Lam”, đặc biệt làn điệu “Ví giận thương” đã mãi mãi đi vào tiềm thức của người dân xứ Nghệ và cả nước.
Còn một tác phẩm nữa, là làn điệu “Ví đò đưa sông Lam” đã và đang đứng vững trong kho tàng dân ca xứ Nghệ và kho tàng dân ca Việt Nam. Tác phẩm này đang được cho là do Nguyễn Trung Phong phóng tác. Nếu đúng như vậy, thực sự đây mới chính là đỉnh cao trong những tác phẩm nghệ thuật của ông để lại…
“Ai biết nước sông Lam răng là trong, là đục
Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh
Thuyền em lên thác xuống ghềnh,
Nước non là nghĩa là tình ai ơi…”.
Lời ca óng chuốt, hình tượng đẹp, ý nghĩa sâu xa và mang tính khái quát lớn. Nó như một tuyên ngôn về nhân cách của người xứ Nghệ, trọng tình nghĩa và hòa quyện với thiên nhiên. Bởi thế khi gặp những câu ca này người đọc, người nghe cứ ngỡ nó là vốn cổ nên vô tình để lẫn vào trong kho tàng thơ ca dân gian, dẫn đến có sự hiểu sai và mặc định làn điệu này là vô danh.
Trong nhiều văn bản đã phát hành cũng đều ghi như vậy. Theo cuốn: Dân ca Nghệ Tĩnh, Nhà xuất bản âm nhạc, Sở Văn hóa thông tin Nghệ Tĩnh xuất bản năm 1991, bản “Ví đò đưa sông Lam” được ghi: Sưu tầm: Trung Phong; Ghi âm: Vi Phong; Cuốn: Dân ca Nghệ Tĩnh xuất bản năm 2000 của cố nhạc sỹ Vi Phong cũng được ghi như vậy; Cuốn: “Tuyển tập dân ca xứ Nghệ” xuất bản năm 2014 (do Sở VHTT& DL Nghệ An chủ biên) cũng lấy nguồn từ cuốn của nhạc sỹ Vi Phong… Nhưng thực ra nhạc sỹ Vi Phong chưa đi sưu tầm một ngày nào, sau này ông được phân công ghi âm lại nhưng còn có rất nhiều sai sót. Theo những người cùng thời với Nguyễn Trung Phong lúc đó, nguyên trưởng Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh (giai đoạn 1971 – 1991), nhạc sỹ Thanh Lưu đã khẳng định: làn điệu ví này là của Nguyễn Trung Phong. Cùng ý kiến đó còn có nhạc sỹ Văn Thế, đạo diễn Kim Tân, NSƯT Nguyễn Ngọc Ất… Và rất nhiều làn điệu có tác giả nhưng khi in vào sách lại được ghi của dân gian, như câu Ví Chuyển điệu của NS Thanh Lưu: “Dòng sông Lam vừa trong vừa mát/Lựa mái chèo nghe câu hát ngân nga …” NS Thanh Lưu đã nói vấn đề này trong cuốn “Dân ca xứ Nghệ và sân khấu hóa dân ca” xuất bản năm 2019. Kiểm tra trong “Kho tàng ca dao xứ Nghệ”, “Kho tàng vè xứ Nghệ” của GS Ninh Viết Giao cũng không có bóng dáng câu ca này.
Vở kịch “Cô gái sông Lam” được Nguyễn Trung Phong viết năm 1959, chuyển thể sang dân ca năm 1973. Trong đó, câu “Ví đò đưa sông Lam” là chủ đạo. Câu hát cứ phảng phất, xa gần, được lặp đi lặp lại trong cả quá trình đã lôi cuốn, gây cảm xúc mạnh cho người nghe. Theo từng tình huống, câu ví dân ca ấy cất lên như cốt cách, chí khí, là một giá trị khẳng định của người Nghệ Tĩnh. Đây hoàn toàn là sáng tạo của một cá thể, nhưng ngôn ngữ mang đậm đặc chất liệu dân gian, đồng thời lột tả được cái văn hóa ngàn đời của một vùng quê. Nguyễn Trung Phong thực sự khẳng định sự thăng hoa trong bút pháp của ông.
Từ đó, câu ví đã bước ra khỏi một vở diễn, mài dũa với thời gian để trở thành một viên ngọc sáng trong hàng nghìn viên ngọc tinh túy của văn hóa dân gian. “Ví đò đưa sông Lam” được chắt lọc qua hàng chục năm và rồi cứ thế, lặng lẽ hòa vào Ví Giặm Nghệ Tĩnh, tỏa sáng cho nền dân ca xứ Nghệ, mà ít ai biết rằng có một chủ nhân đã sáng tạo ra nó. Tác phẩm “Ví đò đưa sông Lam” thực sự ở một tầng cao văn hóa, xứng danh là ngọn núi cao nhất trong những tác phẩm của Nguyễn Trung Phong. Ông không những khẳng định mình qua những vở diễn kinh điển, qua làn điệu “Giận thương” mà còn trong câu hát “Ví đò đưa” đã định hình trong vốn cổ dân ca Việt Nam.
Những tác phẩm của Nguyễn Trung Phong bị khuất sau lớp bụi thời gian, rất cần được trả về cho chủ nhân. Những tác phẩm đó đã nằm lòng ở nhiều thế hệ người yêu mến dân ca trong cả nước, còn vượt ra khỏi biên giới của Tổ quốc đến với các bạn bè năm châu. Như làn điệu “Giận thương” đã được rất nhiều nghệ sỹ nước ngoài biểu diễn: Nhạc sư Hà Thiệu ở Trung Quốc trình diễn bằng đàn bầu; nữ Nghệ sỹ Claire Sananikone (Đức) trình diễn bằng ghi ta với bản soạn của GS. Đặng Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường Đại học Âm nhạc Berlin. Bản thân GS Đặng Ngọc Long cũng đã biểu diễn thành công bản này ở nhiều nơi trên thế giới…